Gần đây, lực lượng thực thi pháp luật trong chiến dịch đặc biệt chống lừa đảo trực tuyến của Campuchia đã triệt phá một ổ nhóm lừa đảo được ngụy trang thành trụ sở công an Trung Quốc tại thành phố Poipet, gần biên giới Campuchia – Thái Lan, bắt giữ 28 nghi phạm mang quốc tịch Trung Quốc tại hiện trường. Nhiều dấu hiệu cho thấy, trong các khu lừa đảo điện tử ở Myanmar – nơi vốn dĩ khó dẹp bỏ – đang tồn tại vai trò “quốc gia” của ĐCSTQ.

p3672871a273609963
Ngày 18/7, lực lượng thực thi pháp luật Campuchia đã triệt phá một “trụ sở công an giả mạo”, bắt giữ 28 nghi phạm mang quốc tịch Trung Quốc. (Ảnh: Mạng xã hội)

Theo báo Cambodia China Times, ngày 18/7, Bộ Chỉ huy thống nhất tỉnh Banteay Meanchey của Campuchia phối hợp với nhiều lực lượng đã đột kích một toà nhà khả nghi ở thành phố Poipet, triệt phá thành công một ổ nhóm đánh bạc và lừa đảo trực tuyến, bắt giữ tại chỗ 28 nghi phạm là người Trung Quốc.

Ổ nhóm này được cải tạo từ một căn hộ chung cư, bên trong bố trí văn phòng giả và bức tường nền có biểu tượng “thực thi pháp luật”, dựng lên môi trường làm việc giả mạo công an Trung Quốc, có cả đồng phục cảnh sát Trung Quốc, bộ đàm, còng tay… nghi dùng để thực hiện các hành vi lừa đảo từ xa bằng hình thức “giả danh cơ quan thực thi pháp luật”.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 16 máy tính, 16 iPad, 95 điện thoại di động, 4 bộ đàm, 3 máy in, 18 bàn làm việc, 1 két sắt kim loại và nhiều vật dụng cá nhân.

Ngoài ra, cảnh sát còn thu giữ một lượng ma túy, hộp đựng ma túy và nhiều dụng cụ cân đo, bước đầu nghi ngờ ổ nhóm này liên quan đến nhiều hoạt động phi pháp khác.

Hiện 28 nghi phạm cùng toàn bộ tang vật đã được chuyển giao cho Bộ chỉ huy hiến binh thành phố Poipet để tiếp tục điều tra.

Mất 180.000 tệ “phí cứu người”

Theo China News Weekly, cô Lý Mẫn (tên giả) ở Hồ Lô Đảo, Liêu Ninh cho biết vào tháng 12 năm ngoái, người thân của cô bị lừa sang khu lừa đảo điện tử tại Myawaddy, Myanmar. Để cứu người thân, cô đã liên hệ được với một người họ Hoàng – tự xưng là cảnh sát thuộc Trạm kiểm soát biên phòng xuất nhập cảnh Vân Nam – và đã chuyển vào tài khoản của Hoàng 180.000 nhân dân tệ. Sau đó, người này biến mất.

Cô Lý cho biết, vào tháng 12/2024, cháu trai của cô bị dụ dỗ sang khu lừa đảo điện tử tại Myawaddy, phía lừa đảo yêu cầu 140.000 tệ tiền chuộc. Vì lo sợ mất cả người lẫn tiền, cô đã không chuyển tiền ngay.

Sau đó, thông qua một người livestream làm thiện nguyện, cô quen biết với Hoàng, người tự nhận là cảnh sát xuất nhập cảnh tại Vân Nam. Hoàng cung cấp giấy tờ như thẻ ngành, căn cước, mặc cảnh phục giao tiếp qua video và cam kết: “Chỉ cần dưới 200.000 tệ là cứu được người, nếu thất bại sẽ hoàn tiền đầy đủ.”

Từ ngày 20 đến 21/12/2024, gia đình cô Lý đã chuyển tổng cộng 180.000 tệ (tương đương khoảng 655 triệu đồng) cho Hoàng với 6 lần giao dịch. Sau đó, cô Lý ở lại Côn Minh chờ tin cháu, nhưng Hoàng không cung cấp bất kỳ thông tin nào về việc giải cứu. Nửa tháng sau, Hoàng xóa cô khỏi danh sách bạn WeChat.

Sau đó, cô Lý đến trụ sở biên phòng Vân Nam nơi Hoàng làm việc để hỏi thăm thì được biết, Hoàng đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật và Giám sát bắt giữ vì vấn đề đạo đức cá nhân, đang trong quá trình điều tra.

Tháng 2/2025, cháu trai cô Lý được lực lượng cảnh sát Trung Quốc – Myanmar – Thái Lan phối hợp giải cứu đưa về nước, nhưng số tiền 180.000 tệ đến nay vẫn chưa được hoàn lại.

Đằng sau các khu lừa đảo điện tử tại Myanmar có sự hậu thuẫn của ĐCSTQ

Đầu năm nay, nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh bị lừa sang khu lừa đảo điện tử ở Myawaddy, Myanmar, may mắn sau đó được cứu thoát. Sự việc đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ công chúng, đồng thời làm lộ ra vai trò mờ ám của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong các khu lừa đảo này.

Theo Sing Tao Daily, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lưu Trung Nghĩa tiết lộ, khu vực Myawaddy có tổng cộng 36 băng nhóm lừa đảo quy mô lớn do người Trung Quốc điều hành, với tổng số nhân lực hơn 100.000 người. Nhiều công dân Trung Quốc bị dụ dỗ hoặc bắt cóc sang Myanmar để làm việc cho các băng nhóm tội phạm. Một số nạn nhân bị đánh đập, mổ cướp nội tạng, thậm chí bị tra tấn đến chết.

Reuters đưa tin, ngày 3/1/2025, Vương Tinh bị dụ sang Thái Lan quay phim, sau đó bị bắt cóc sang khu lừa đảo tại Myawaddy, Myanmar. Bạn gái anh nhiều lần cầu cứu trên mạng, khiến vụ việc thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Dưới áp lực từ công chúng, Chính phủ Trung Quốc buộc phải phối hợp với cảnh sát Thái Lan, và ngày 11/1, Vương Tinh được giải cứu.

Sau khi được cứu, nhiều thân nhân của những nạn nhân Trung Quốc đang bị giam giữ ở các khu lừa đảo Myanmar đã đăng tải thông tin vụ việc lên mạng xã hội. Trên một tài liệu Google Docs mang tên “Kế hoạch đưa các ngôi sao trở về nhà”, đã thu thập được danh sách gần 1.800 công dân Trung Quốc bị buôn bán. Khoảng 93% trong số đó là nam giới, độ tuổi từ 15 đến 45. Phần lớn họ bị dụ dỗ đến các khu lừa đảo do gặp khó khăn tài chính. Hơn một nửa thân nhân cho biết cảnh sát địa phương không chịu lập án điều tra.

Theo VOA ngày 29/1 đưa tin, Vương Tinh cho biết trong khu anh bị giam còn hàng chục người Trung Quốc khác, và có thể nhiều nạn nhân hơn đang bị giam giữ trong các tòa nhà xung quanh. Ngày càng có nhiều người dùng mạng xã hội nghi ngờ rằng chính quyền Trung Quốc đóng vai trò “quốc gia bảo kê” cho các khu lừa đảo ở Myanmar. Dù Bộ Công an Trung Quốc nhiều lần tuyên bố mở chiến dịch truy quét lừa đảo xuyên quốc gia, nhưng nhiều nguồn tin cho thấy, các khu này có dấu hiệu được chống lưng bởi chính quyền Trung Quốc.

Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, từng đăng bài năm 2019 với tiêu đề “Nghe doanh nhân Trung Quốc kể chuyện ‘Vành đai và Con đường’: Chung tay xây dựng đặc khu ở vùng đất hoang Myanmar”, ca ngợi người sáng lập Khu công nghiệp KK (một khu lừa đảo lớn ở Myawaddy) là Đoàn Chính Lễ. Hiện bài viết này đã bị gỡ bỏ. Một dự án khác là “Thành phố công nghiệp thông minh quốc tế châu Á – Thái Bình Dương tại Myanmar” (nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”) cũng bị nghi liên quan đến lừa đảo và cờ bạc.

Thái Tư Vân / Vision Times