1. Cái cảm nghĩ chua xót về thân phận, phận của những con người sống đời bạc nhược, dội lên trong tôi vào một tối lang thang ngoài bờ biển Hạ Long cách đây không lâu.
Bên rìa đường đi bộ ven biển, nơi bóng tối tranh tối tranh sáng, một đám đông hơn 10 người đàn ông Trung Quốc lệt xệt đi tới. Người xe ôm hối hả đạp chân chống chạy sang, áp sát, rì rầm. Hai người xe khác đứng cùng lúc này cũng kịp phóng đến. Một người rời nhóm, chạy trước.
10 phút sau, chiếc xe trở lại, cô gái ngồi yên sau bước xuống nhập vào đám đàn ông. 5 phút sau, thêm hai cô gái trong bộ đồ bó sát bước xuống từ taxi. Không cần đợi lâu. Thêm chiếc taxi trờ đến. Hơn chục gã đàn ông ngoại quốc cùng ba cô gái Việt lên xe.
Một cuộc dẫn gái như hàng chục cuộc khác trong đêm. Đêm tối đen như mực. Không phải đêm theo ý niệm tuyến tính thời gian mà đêm của phẩm giá, của những tâm hồn chưa được gột rửa. Sự hiển nhiên sắc lẹm của cuộc làm tiền ấy chỉ là một hệ quả được sinh ra từ một thứ lý niệm biến dị của chủ nghĩa kim tiền thời hiện đại. Rồi người sẽ nói: “Phẩm giá là gì? Có mài ra để ăn được không?”. Thứ biến mất chỉ là ý niệm về làm người. Nhưng khi người ta không còn biểu đạt mình là một con người chân chính, những cư xử của xã hội này đối với họ cũng sẽ trở nên nghiệt ngã như vậy.
Tôi rùng mình khi nghĩ về tiếng thét từ tận sâu câm lặng của những cô gái ấy trong cuộc dày vò nhục thể của hơn chục gã đàn ông. Cảm giác tội lỗi vật lộn trong tâm trí bởi vẻ mặt rạng rỡ, ánh mắt hau háu dõi ra xa tiếp tục tìm khách của những người chạy xe. Vô hình và hiện diện khắp mọi nơi, những con người với cái thực tại bí bách, vô định của cuộc sống không có nhiều giá trị ngoài tiền trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng của bất kỳ ai, và do đó, chẳng của ai.
2. Sẽ rất dễ để lướt qua, hắt một ánh nhìn khinh khi về hướng những cô gái kẹp ba, kẹp bốn, phấn son sực nức chạy rè bô trên phố. Chẳng khó để ném một tiếng chửi vào đám áo vàng vừa chặn xe thập thò biên bản chỉ cốt để đút thẳng lấy 200.000 đồng vào túi. Nghĩa là ta cùng khinh bỉ họ, cùng sợ họ. Một đằng sợ sự ghê tởm nó vấy lên mình – chỉ bởi ta nghĩ mình cao hơn kẻ ấy. Một đằng sợ cái ngọt nhạt chưa đủ, cái quyền uy nó “lột” mình sạch hơn – chỉ bởi ta nghĩ mình thấp hơn kẻ ấy. Và rồi ai cũng khao khát sẽ cao hơn hẳn họ; hoặc giả vẫn còn kẻ cao hơn thì ít nhất phải biết đường khôn khéo để mượn uy của họ cho thành việc của mình.
Năm xưa, theo lời của tay phu xe kéo nói về các cảnh sộp, nhà văn, nhà báo Tam Lang chắp bút mà ghi lại: “Đừng thấy nó rẽ cái đầu ngôi lệch, đi đôi giày gót cao đã tưởng nó mình tiền mình của lắm… Họ không khác gì đôi giày mang cá họ lê ở ngoài đường. Dưới cái mũi nhung dát kính lóng lánh như kim cương, nó còn có cái lót bên trong nhớp những đất cát mồ hôi nhơ bẩn.” (1)
Hôm nay, vẫn là những nhân bản cao ngạo song đầy tự ti, khoác lớp áo hơn người để khỏa lấp cho phần nhem nhuốc. Trong khi ai nấy lấy làm cười chê màn bi-hài kịch 3 triệu USD của cha con nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, liệu có ai ngẫm ngợi sờ túi mình để dám chắc những đồng tiền trong đó không nhuốm màu tăm tối? Doanh nghiệp đi đêm, thanh tra làm tiền, những hợp đồng đấu thầu cho dự án nhà nước gói gọn trong mấy chữ lại quả, chi hoa hồng.
Nhẹ như sinh viên chép bài, mua khóa luận, ít nhẹ hơn như trước mỗi kỳ thi hay trước kỳ tuyển dụng, thầy lại gợi ý trò đến thăm thầy. Thường nhật như đôi ba đồng kì kèo, đe nẹt, bớt cho bằng được từ gánh hàng rong, thường nhật như va quẹt xe, túm cổ áo đòi tiền thiệt hại. Lại chẳng có gì hiển nhiên hơn cái suy nghĩ chạy cho con đi nghĩa vụ rồi lên công an chuyên nghiệp, họ có người làm quan thì chắc chắn phải lo cho cháu nó được một suất vào làm nhà nước, dù đương khi nãy vẫn vừa tức tối vừa lấy làm hỷ hả khi con của nguyên Bí thư tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh bị tố giác nâng điểm, cứ như việc đó không có chút liên quan gì tới mình vậy.
Trong xã hội vô phương xoay trục theo chiều kim tiền, những nhà lớn, xe sang, chức nghiệp cán bộ hay đi nước ngoài mới về thành tiêu chí để định danh cho phẩm giá. Ai đi lo cho sự thành công đó được xây nên từ sự tử tế hay từ những điều sai trái, thậm chí gây tổn thương cho người khác hay không. Trước khi bị phơi bày là những người đi chuyên cơ rồi bỏ trốn tại Hàn Quốc, 9 con người thuộc giới thượng lưu ấy vẫn là kẻ ngạo nghễ trên chính quê hương mình, cho tới khi một quyết định bán sạch nhân phẩm hạ họ xuống thấp hơn một người bần hàn. Nhưng thực tế trong đời sống, những chiêu trò gian xảo, bất tín, lạm dụng quyền uy… vẫn tồn tại như những chủ đề thời thượng. Nó trở thành chất liệu cho những cuộc so gân trên bàn tiệc, trong câu chuyện tửu trà, để nhấn nhá xem ai khôn ngoan hơn, ai thời thượng hơn, ai là kẻ có chí kiến tạo sự nghiệp. Không chỉ nơi thế nhân mê hoặc mà còn đậm đặc hơn trên sân khấu tín ngưỡng của những kẻ bội thần.
Sống vì lợi ích cá nhân, không ai nghĩ mình có tội, theo đúng nghĩa là đã làm điều xấu hổ cần chất vấn lương tâm. Những gian xảo, bất tín, lạm quyền… chỉ đơn giản là tội của kẻ khác khi người ta chỉ trỏ vào viên quan chức bị bắt lôi ra đứng trước vành móng ngựa trong một cuộc chống tham nhũng mang nhiều màu sắc thanh trừng hơn là khơi dậy lý tưởng về lòng thanh khiết. Lo lắng cho những bất an của xã hội, bận tâm cho kẻ nghèo thiếu miếng cơm, manh chiếu lại thành điều gạn đục khơi trong.
Cần nhớ, cái ác chẳng chỉ ở trên cao. Điều bất nhân vẫn được làm bởi những người bình thường khi biết sai nhưng vẫn im lặng, vẫn thờ ơ, và đồng lõa. Ai cũng bảo vì “xã hội này nó thế”. Nhưng có ai nghĩ, vẫn nhiều nơi con người sống bình ổn mà không phải gây tổn hại cho người khác, vì sao nơi đây cứ liên tục xảy ra điều tối tăm? Trong cái nhìn toàn thể, điều xấu dẫn theo điều ác, ai cũng đều góp gió thành bão ở trong đó. Khi tâm trí người ta sẵn sàng thỏa hiệp, chấp nhận dối trá như điều bình thường thì quan niệm về đạo đức đã mỗi lúc bị làm cho biến dị.
3. Từ hơn nửa thế kỷ trước, học giả Phạm Cao Tùng ghi lại lời của người thầy viết năm 1941, rằng: “Người ta thường lầm lộn ý nghĩa hai danh từ “nên người” và “làm nên” (2). Trong cuộc trò chuyện với TS Bùi Trân Phượng ngày cuối năm, nhà giáo ấy cũng nói: “Hồi tôi còn nhỏ, có một quan niệm rất phổ biến của xã hội, ai cũng hiểu sinh con ra nuôi con để nó nên người, ai cũng hiểu đi học là để nên người, chứ không có ai nói đi học là để thành ông này ông nọ như bây giờ”.
Thế nào là “nên người”? Trong chữ “nhân đức”, “đức” (德) không chỉ mang nghĩa là phẩm chất tốt đẹp, là quy phạm mà con người phải tuân theo mà còn biểu đạt cho sự hàm ân, là lòng tin, tâm ý.
Làm người không chỉ ở việc không vi phạm pháp luật. Làm người, theo thiển ý, trước hết phải học cách tôn trọng nhân phẩm của chính mình, học cách tử tế với mọi sinh mệnh xung quanh, từ con người – trong sự ràng buộc của cùng một thể hệ nhân loại, cho tới mọi điều thuộc về tự nhiên – bởi con người chỉ là một mảnh ghép được sống nhờ trong cái toàn thể ấy.
Những dòng nước đặc quánh kim loại nặng, khét lẹt mùi độc tố từ đầu nguồn chảy thẳng vào nồi cơm, xoong canh, bầu không khí đặc quánh bụi mịn được ngụy danh “sương mù” đã xảy ra trong năm nay, giữa chốn thành thị, gặm nhấm từng giờ sống của hàng triệu con người tưởng chừng như đã dạy cho tất cả chúng ta về điều ấy, rằng chẳng ai thoát khỏi vòng luẩn quẩn của những điều sai trái.
Với những vùi chôn và để hủy hoại có tính chủ đích các giá trị chân chính để làm người, tấn thảm trạng không còn đợi ngày mai, nó đã xảy ra hôm nay, với cái chết yểu của hàng vạn người Việt. Khi nói tới hơn 71.300 người đã chết vì ô nhiễm môi trường trong năm 2017, trong đó hơn 50.000 người chết vì ô nhiễm không khí (3), gần 115.000 người chết vì bệnh ung thư trong năm 2018 (4), hơn 15.000 người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm (5), tôi không chỉ kể tới những người đã chết. Tôi muốn nói đến những người một ngày cũng sẽ tan thành hư vô. Ngày đó có thể là hôm nay, có thể là ngày mai hay tháng tới. Đó có thể là bạn, đó có thể là tôi, bức bối hơn đó có thể là những đứa trẻ vô tội, những đứa trẻ sáng tới trường, chiều mẹ đón về đã ra đi. Những ngày giỗ chung của người Việt đã quá nhiều, từ 30/4 đến 2/9, từ Tết dương sang Tết âm…
Trong dòng chảy cuồn cuộn đi xuống của đạo đức làm người, cái chết đau đớn trong tuyệt vọng của 39 người trẻ khi nhập cư lậu vào Anh hằn lên như một sự trả giá. Ước vọng được thoát ra khỏi tình thế hỗn mang đẩy những người trẻ từ nạn nhân của thảm trạng xã hội thành tòng phạm. Cái giá họ phải trả cay đắng như chính quê hương mình, nơi sự sống được nuôi bằng những cái chết không tên. Khi ai đó đòi hỏi được biết sự thật thật sự đằng sau tấm màn, thì cái giá phải đánh đổi là ngục tù câm lặng, là bạo lực, quyền uy có thể trở nên bạo ngược tới cho tới khi đủ gây khiếp đảm. Người ta sợ hãi, hoặc trở nên bạc nhược mất tinh thần, hoặc bị thù hận trói buộc tới mức bỏ cả đời mình.
Ai đi bán ước mơ, của chính mình và của dân tộc mình? Những kẻ làm ngơ và cố tình lãng quên cách học làm người, hay những nạn dân bị buộc sống đời trốn chạy ngay trong nhân cách, ngay trên chính quê hương mình? Dù ước mơ chỉ là một ý nguyện mong muốn về ngày mai được sống đời bình dị, được tự do trong phẩm cách làm người.
4. Chạy trốn khỏi vực thẳm đói nghèo hay đi tìm lẽ phải, sự công bằng, còn nhiều người phải chịu câm lặng, hay nhiều người đã chết trước khi có thể kể ra câu chuyện đời mình, với những nỗ lực và khó khăn ra sao. Tương tự như sự vùi chôn phẩm cách và dân tộc tính đã trải qua hàng thập kỷ, không thể đòi hỏi những giá trị nhân bản rất đẹp của người Việt sẽ hiện hữu tức khắc ngay trong hôm nay hoặc ngày mai, như đòi hỏi của nhiều người chưa bắt đầu đã nản lòng từ bỏ. Học làm người chân chính có lẽ chưa cần nghĩ tới thay đổi xã hội, thay đổi phận đời của ai đó. Trên con đường đi tìm sự thật, sống cho chính đáng, hoàn thiện công việc bằng cách đổi lấy từng giờ nỗ lực, đối diện khó khăn bằng lòng tự trọng để không làm điều sai quấy, không chỉ vì mình mà còn bởi vì người khác, đó đã là cách để mỗi người từng bước phân định ra lựa chọn của lương tri.
Có thể sẽ có những câu hỏi kiểu như “Vậy giờ chịu giam xe hay đút tiền cho cảnh sát?”, “Với cơ chế này, không chạy chọt thì làm sao làm giấy tờ?”… Không khó để nhận ra những băn khoăn ấy ngay từ đầu đã không có lựa chọn cho lương tri, đáp án chỉ là chọn lựa giữa lợi ích hay gian dối. Chẳng phải đối với rất nhiều bất công trong xã hội, dư luận cũng lên tiếng để đòi hỏi công lý hay sao? Vì sao khi đối diện với việc chính mình phải chịu bất công, lại thỏa hiệp và chịu im lặng? Có phải vì điều sợ hãi như đã nói đến ở trên? Thực ra khi đủ hiểu biết và được giúp đỡ, mỗi người sẽ tìm ra được giải pháp thay vì những lựa chọn cực đoan. Thực tế, giáo dục (bao gồm tự học) và trợ giúp cộng đồng từ lâu đã được xem như một con đường để gây dựng lại những điều hư hại, trong đó có nhận thức, quan niệm của con người.
Trong câu chuyện của người Hồng Kông hôm nay, vì sao những người trẻ và nhiều thế hệ đang hưởng cuộc sống đầy đủ lại chấp nhận mạo hiểm để biểu tình, chẳng tiếc sinh mạng khi biết một ngày có thể sẽ ngã xuống? Nhìn cách họ bền bỉ và giúp đỡ lẫn nhau mới hiểu bởi người Hồng Kông không chấp nhận thỏa hiệp với những cưỡng chế dị biệt từ bên ngoài, làm méo mó phẩm cách và gây rạn nứt trong cộng đồng. Trên gánh nặng lương tri của người Việt hôm nay, có nỗi xót xa của đêm bi thương Tháng Chạp (6), với những xáo trộn khủng khiếp về tình người. Ở đó, vấn đề không chỉ còn về chuyện đúng hay sai mà đọng lại chỉ còn là hình ảnh của miền xứ sở với những nghi kỵ, bài xích và thù hận liên tục bị đẩy lên đỉnh điểm, hủy diệt cả về tinh thần lẫn thể xác con người.
Lê Trai
Chú thích:
- 1 – Tam Lang, Tôi kéo xe, NXB Hội Nhà văn, Công Ty Cổ Phần Văn Hoá và Truyền Thông Nhã Nam, 2014.
- 2 – Phạm Cao Tùng, Muốn nên người, Nhà xuất bản Khai Trí, 1958 (?)
- 3 – Theo dữ liệu của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHNME), dẫn trong báo cáo của Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP).
- 4 – Theo báo cáo GLOBOCAN 2018 của tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu (The Global Cancer Observatory-GCO).
- 5 – Theo thống kê của Bộ Y tế
- 6 – Sự kiện Đồng Tâm, đêm – rạng sáng ngày 9/1/2020 (ngày 15 Tháng Chạp)
Xem thêm: