Người Việt hôm nay đang gắng sức để trốn chạy khỏi nước mình. Trốn chạy dù lưu vong. Trốn chạy để hy vọng. Không chỉ với kẻ đi mà còn với vô vàn người ở lại.
1. Tháng Chạp trời Hà Nội mù sương. Sớm 9h, mưa phùn lất phất, hạt bay liêu xiêu trong gió. Những chấm người vội vã di động trong cái lạnh trên mặt đất thẫm màu vì ướt. Chưa đầy một tháng nữa sẽ là Tết, cái ngày dễ khiến người ta phiền lòng vì những chúc tụng, những bữa cơm rời rạc và đầy tràn. Nó nhắn tin: “Em đặt vé máy bay rồi. Tết năm nay em ăn Tết ở nhà!“. Nó hớn hở như khoe quà. Đôi khi mọi người mơ hồ không rõ nó đã đi bao năm. “8 năm, em đi từ 2011“, nó nhớ rành rọt. Những ngày rời nhà trọ, lội trong tuyết, tất bật phụ bếp rồi nấu hàng trăm suất ăn cho tới khi kiệt sức dạy nó biết đếm thời gian. Nó vẫn đang đếm thời gian, đếm xuôi cho tới ngày về Tết, và đếm ngược cho đến ngày… ly hôn.
Về pháp lý, nó đã 2 lần vợ. Lần đầu để đi. Lần hai để kiếm tiền trả nợ cho “ván bạc” ban đầu.
Thằng nhỏ giờ đã đang mang quốc tịch khác.
Nhưng những năm tuổi xuân của nó, tuổi 20 mãi nằm trong những bối rối không nói được thành lời. Đôi khi nó tin việc cố gắng là cần thiết. Bố mẹ toan tính, vay nợ, sắp đặt cho kết hôn giả đều là vì sửa soạn cho tương lai của nó. Tương lai của nó cũng là tương lai của cả nhà. Rồi biết đâu cả đời con nó, cháu nó. Rời nước mà đi, chuyện đó nào có ai nghĩ khó. Nhưng đôi khi, những đêm 2h sáng không thể ngủ, những hồ nghi và cơn mù mịt dằn vặt nó trong thống khổ. Tỵ nạn sinh kế hay tỵ nạn ước mơ? Ước mơ để sống của nó đang bó khung trong tháng ngày xa lạ. Cuộc sống vốn đâu đơn thuần chỉ có ăn và mặc.
Ở cố hương của nó bây giờ, đi tìm xứ khác định cư đã trở thành câu chuyện thời thượng. Những ai đã đánh tiếng đi, vô tình chạm mặt người khác sẽ được đón bằng lời hỏi thăm: “Bao giờ đi?“. Đi được là mừng. Rồi người ta chép miệng nghĩ bao giờ mình mới có “cửa”. Dù đi ở đây chính là lưu vong, là rời bỏ nơi họ chôn nhau cắt rốn!
2. Năm 2018 kết thúc bằng ồn ào “quốc thể” quanh việc 152 người Việt mua tour du lịch để bỏ trốn tại Đài Loan. Năm 2019 bắt đầu bằng những tấm hình người Việt chui trong giường hộp, tủ lạnh trốn ở lại Đài Loan để tìm sinh kế. Từ gần 1 triệu người sau năm 1954 đến hàng triệu người sau năm 1975, người Việt đã hoảng hốt di tản, tỵ nạn từ Bắc vào Nam, tỵ nạn ra nước ngoài. Hàng triệu người đã lao ra biển trên những chiếc tàu đánh cá các loại để thoát khỏi đất mẹ của mình, chấp nhận cả cái chết để… lưu vong.
Không ai nghĩ sau ngày “đổi mới”, người Việt còn ra đi khốc liệt hơn thế. Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2017, 2.727.398 người Việt Nam đã di cư ra nước ngoài [1]. Trong 28 năm qua, mỗi năm có trên 97,4 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài, bình quân mỗi tháng có hơn 8.000 người Việt ra đi. Mà dễ hình dung hơn, cứ mỗi giờ, 11 người Việt rời khỏi Việt Nam.
Năm 2018, số hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam nhiều hơn 82 lần so với số hồ sơ xin nhập tịch và trở lại quốc tịch Việt Nam (4.418 hồ sơ xin thôi so với 45 hồ sơ xin nhập, 9 hồ sơ xin trở lại quốc tịch), theo số liệu của Bộ Tư pháp.
Những người rời Việt Nam, họ đi đâu? Hơn 1,4 triệu người đã tới Mỹ, 238 nghìn người di cư sang Australia, hơn 190 nghìn người rời nước qua Canada. Đó chỉ là 3 nước mà người Việt chọn để đi đông nhất. Khác với những năm 1954, 1975, làn sóng di cư âm thầm mà dai dẳng sau ngày “kinh tế đổi mới” khiến người Việt có mặt ở khắp nơi trên thế giới, kể cả châu Phi, điều mà trước đó, cả hai miền Nam Bắc đều không hề có.
Sau năm 1975, họ bằng mọi giá phải thoát khỏi nước mình. Sau năm 1990, chẳng có lý do gì để họ ở lại. Theo IMO, người Việt đang di cư để lao động. Di cư du học. Di cư do hôn nhân. Di cư do nhận con nuôi. Di cư do buôn bán người. Trong nghĩa Hán Việt, di cư (移居) chỉ là dời chỗ ở. Còn người Việt đơn thuần hơn, họ gọi tên cho những cuộc ra đi của đồng bào mình là tỵ nạn.
Tỵ (避) có nghĩa là tránh, lánh xa; nạn (難) nghĩa là tai họa, khốn ách. Tỵ nạn (避難) có nghĩa là lánh họa, tránh điều không may xảy tới. Tất cả đều đang lánh họa, sợ hãi cho điều tai ương đang trờ tới.
Những làn sóng người Việt ra đi từ hơn bốn mươi năm trước “tỵ nạn chính trị”, hai mươi năm kéo dài tới nay “tỵ nạn sinh kế”, “tỵ nạn giáo dục”, “tỵ nạn môi trường”. Đó đâu đơn giản chỉ là di cư. Với rất nhiều người, họ đang trốn chạy, trốn chạy vì mưu sinh, trốn chạy để học hành, trốn chạy để cống hiến năng lực, trốn chạy để thở trong một môi trường không ô nhiễm tệ nạn, thiếu nhân quyền.
Người nghèo, kẻ bất đắc chí ra đi. Người có tiền, quan chức cũng dọn đường lưu vong để hưởng thụ. 3 tỷ USD người Việt đổ vào mua nhà ở Mỹ công bố năm 2017 chỉ là thống kê sơ bộ của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR), con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Nhưng dù là giới có tiền, người có học hay kẻ cùng đường, chọn con đường tha hương có lẽ ít nhiều vì cùng chung nhau một điểm. Không còn hy vọng vào sự thay đổi của xã hội Việt Nam, họ “tỵ nạn niềm tin”. Không ai muốn sống trong một xã hội từ chối sự thay đổi. Niềm tin bị cùn mòn khi cái ác quá lớn còn lòng thiện lương liên tục phải gắng gượng mỗi ngày. Trong môi trường nhiễm độc, bất kỳ ai cũng có thể trở thành Đặng Văn Hiến, Hoàng Công Lương. Người bần cùng phải chết. Người thanh thiện cũng không tha. Thay vì an sinh, giáo dục và y tế Việt Nam lại trở thành hiểm họa. Xã hội bất tín, giả dối trở thành thói quen để sinh tồn. Quan chức lo ngày “đứt cương”, còn dân sinh thì mỗi lúc sợi dây thuế phí càng thít chặt mặc tệ sách nhiễu, lạm thu, hối lộ đương nhiên tồn tại. Người dân bị cấm nói lên sự thật của đất nước mình…
Theo Gallup, ít nhất 50% người Syria muốn bỏ nước ra đi vì nội chiến không biết bao giờ kết thúc. Khoảng 2 triệu người Venezuela đã chạy khỏi đất nước trong năm 2018. Còn tại Việt Nam, người dân đang tha hương vì thiếu đói. Ít nhất 180.000 người Việt bị đẩy sang nước khác sau thảm họa Formosa. Kiều hối gửi về góp phần tăng GDP và ngoại tệ cho Chính phủ.
Tìm xứ khác định cư, ngay thời bình, đã trở thành mưu cầu để hạnh phúc.
Nơi không người thân, không có ký ức, vẫn rất nhiều người ra đi.
Nhưng khi những xô đẩy của cuộc sống xứ lạ qua đi, sự hoang hoải ở lại. Lao động, làm việc nơi xứ người cần gấp đôi sự kiên cường. Một nửa để thiêu đốt ngày xanh. Một nửa để nuôi lòng ở lại.
3. Người Việt Nam chúng ta sinh sống trên một vùng lãnh thổ mở rộng qua nhiều biến cố lịch sử, thời gian khác nhau, tiếp nối mà thành hình dựa trên các giá trị văn minh của nhiều nền văn hóa. Nơi giữa mỗi miền, trải qua các thế hệ, phong tục, tập quán khác nhau, phương ngôn khẩu ngữ khác nhau, thói quen dưỡng dục cũng khác. Vậy điều gì đã liên kết chúng ta lại thành một thể? Không phải là ở các sản vật văn minh mà là cái gốc văn hóa và truyền thống.
Sự gắn kết văn hóa của một dân tộc khởi nguồn từ sự gắn bó sâu sắc với đất đai và thiên nhiên. Trong cái toàn thể của tự nhiên, con người dần hình thành các phương thức hành vi để phù hợp với cộng đồng, thích ứng với môi trường tự nhiên để tồn tại. Triết lý tinh thần được tạo ra từ đó. Đó đơn giản là đạo lý – giá trị chung mang tính phổ quát – hướng con người tới cách tư duy và hành vi đúng đắn. Vì sự khác biệt địa khu, lịch sử, mà tâm thức của mỗi dân tộc mỗi khác. Nhưng mỗi dân tộc mang một nội hàm văn hóa riêng, ăn sâu vào ký ức của cộng đồng. Nên dù sinh sống trên lãnh thổ này hay vùng đất khác, tâm thức của mỗi người dân mỗi dân tộc vẫn mang theo dấu ấn văn hóa của dân tộc đó. Khi lịch sử bị đoạn đứt, phong tục tập quán, ngôn ngữ bị tách rời, tự nhiên và các di sản văn minh bị hủy hoại một cách hệ thống, những người thuộc về dân tộc ấy dần trở nên cô độc, đánh mất bản tính tự ngã khi văn hóa không còn.
Nỗi niềm thương quê nhớ xứ từng là điều day dứt khôn nguôi đối với thế hệ đánh cược cả mạng sống để rời nước sau năm 1975. Bốn mươi năm, hai mươi năm sau, tâm thức đó thế nào trong nghĩ suy của mỗi con người Việt còn ở lại và đã di cư sang xứ người?
Sự rạn nứt văn hóa không chỉ bắt đầu bằng những suy đồi về văn hóa tính theo vùng lãnh thổ. Sự rạn nứt văn hóa khơi nguồn khi những giá trị văn hóa truyền thống bị phá bỏ, di sản bị coi là lạc hậu, giá trị quan thay đổi khi sức mạnh hay sự giàu có được tôn vinh làm thước đo phẩm giá. Trong cơn đứt gãy ấy, dòng di cư thời hiện đại của người Việt không chỉ đơn thuần là một cuộc chuyển dịch mang tính địa khu. Tự bản thân nó đã mang tâm thức lưu vong khi người Việt phủ định văn hóa Việt, phủ định các giá trị nhân sinh hình thành trong nền văn hóa đó. Sự luyến tiếc, nhớ thương, những thói quen sinh hoạt, tập quán Việt vẫn được người Việt tại hải ngoại giữ gìn tựa như chỉ dẫn rằng có một nền văn hóa giàu nhân sinh đã tồn tại, có các giá trị văn hóa tinh thần không thể bị thay thế của người Việt.
Năm 1944, luật sư Raphael Lemkin đưa ra thuật ngữ “Cultural Genocide” – Diệt chủng văn hóa, như một phần của tội diệt chủng. Dù chưa được chính thức thừa nhận trong công ước về quyền con người của Liên Hợp Quốc, thuật ngữ này vẫn được lưu ý trong các nghiên cứu về tính tồn vong của một nhóm cộng đồng. Từ góc nhìn về nạn diệt chủng người bản địa ở Canada, nhà xã hội học Andrew Woolford và giáo sư Adam Muller (cùng tại Đại học Manitoba, Canada) cùng đi đến lập luận: “Nếu như diệt chủng là việc phá huỷ nhắm vào sự tồn tại của một nhóm nào đó – tức là nhắm vào điều tạo nên nhóm đó – thì tất cả những hành động được thiết kế để làm cho nhóm đó bị huỷ diệt – về tài sản, văn hóa, chính trị, kinh tế hoặc bất cứ điều gì – đều được tính là diệt chủng” [2].
Trong xã hội Việt hôm nay, mỗi ngày trôi qua, lại có thêm những cá nhân phải chịu đau đớn bởi bất công xã hội, áp bức và cướp bóc, phủ định tín ngưỡng. Trong cái nhìn về toàn thể, sự tổn thương đối với các giá trị văn hóa đang thực sự gieo rắc nỗi đau lên toàn bộ cộng đồng. Những cuộc tấn công vào di sản văn hóa đã và đang làm lung lay nền tảng tinh thần cơ bản của mỗi người: Niềm tin. Niềm tin vào sự thay đổi của xã hội. Niềm tin vào giá trị cốt lõi về tình người. Niềm tin rằng lẽ phải và sự thật là điểm tựa cho công lý. Niềm tin người chính trực được tôn vinh, người thiện lương được đền đáp. Niềm tin xã hội có người giàu, người nghèo, nhưng người nghèo không phải bỏ xứ đi, người giàu không tìm đủ mọi cách “đào xới” nước mình… Khi văn hóa sa đọa, những niềm tin ấy bị rớt xuống đến đáy. Đó là lý do người Việt ra đi, âm thầm và mạnh mẽ như sự đổ vỡ trong nền tảng xã hội.
Hơn bốn mươi năm qua, Việt Nam hiện hữu trước thế giới với tư cách của một quốc gia đã thôi tiếng súng. Có những biến động nằm trong dòng chảy phát triển, có những biến động mà hệ quả để lại là sự đổ vỡ của tự nhiên, của văn hóa, và di sản. Dù ở lại hay ra đi, nhiều người Việt vẫn tiếp tục trăn trở về sự đổi thay của đất nước. Ai cũng hiểu niềm tin là điều cần níu giữ. Không phải chỉ riêng niềm tin vào sự khởi sắc của văn minh xã hội, mà là niềm tin về những giá trị văn hóa hài hòa – cái gốc của nền tảng đạo đức xã hội. Từ bỏ các luân lý phản giá trị, khôi phục văn hóa, tìm về với các giá trị phổ quát của nhân loại, đó mới là lối đi để người Việt Nam rũ bỏ những bế tắc hiện nay, tìm về cội nguồn của chính mình.
Lê Trai
Chú thích:
[1] International Organization for Migration – IOM (https://www.iom.int/world-migration)
[2] Culture Genocide – Chapter 7: Genocide & Mass Violence, website: Facing History and Ourselves (https://www.facinghistory.org/stolen-lives-indigenous-peoples-canada-and-indian-residential-schools/chapter-7/cultural-genocide)
Xem thêm: