Biến rác thành hoa

hoa co

Rác thải hữu cơ, trên bình diện xã hội, hiện chưa được xử lý hợp lý, thậm chí gây ô nhiễm hơn cho môi trường. Trong câu chuyện lớn ấy, men vi sinh Kiến Vàng là một cách xử lý mà người yêu cây có thể thực hiện…

Về cơ bản, không thể loại bỏ rác thải khỏi cuộc sống của con người. Ngay cả khi loại bỏ hoàn toàn các vật phẩm hiện đại, thì con người vẫn tạo ra rác thải. Việc con người nằm trong chuỗi sinh trưởng của tự nhiên đã quy định nên điều đó – không thể sống mà không tạo ra rác, mà nay được phân biệt bằng cái tên rác hữu cơ.

Khác với rác vô cơ tạo ra sự hấp thụ khó khăn với thiên nhiên, rác hữu cơ có vòng đời riêng, tự phân hủy nhờ ánh sáng, nước, các vi sinh vật, trở thành chất dinh dưỡng nuôi lớn cây xanh. Vòng đời của rác là như thế, nhưng sự thiếu thốn tự nhiên trong đời sống con người khiến rác chỉ được coi là rác.

“Yêu rác – Biến rác thành hoa” là câu trả lời của loại men vi sinh mang tên Kiến Vàng – loài thiên địch lợi hại của tự nhiên – được đưa ra cộng đồng từ khoảng giữa năm 2021 tới nay.

yeu rac deco 3

Việc quay về với việc xử lý rác thải hữu cơ, hay nói đúng hơn, đẩy nhanh chu trình phân hủy để đưa nó thành sản phẩm hữu ích, bắt đầu từ câu chuyện day dứt vẫn hiện hữu trong cuộc sống ở xứ sở này.

“Năm 2014, hai người bạn của mình cùng mất vì ung thư, chỉ trong vòng một tuần”, chị Lê Thị Mùi (SN 1979), người sáng tạo ra sản phẩm men vi sinh ủ rác Kiến Vàng lội lại ký ức.

Việc mất cùng lúc hai người bạn cùng học trường Nhân văn, một người khoa Sử, một người khoa Báo chí như tiếng gõ vào nhịp sống đều đặn của một công chức Mặt trận Tổ quốc. Chị Mùi quay lại làm nông nghiệp, tiếp tục quan tâm đến vấn đề môi trường, xử lý ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường bằng vi sinh, bằng sự nhạy cảm của một cựu sinh viên khoa Tâm lý và sự quan tâm của một cựu học sinh chuyên Sinh Hóa đam mê đọc, nghiên cứu, và đưa ra giải pháp.

Hãy nhìn vào rác 

“Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh”.

rac thai

Bạn không đọc lầm đâu. Thống kê trên được đưa ra bởi Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội – ông Nguyễn Quang Huân, trong một bài viết công bố trên Cổng thông tin Quốc hội vào tháng 12/2023.

Ngay cả trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp, có đến 2/3 lượng rác được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí.

Chôn lấp đúng cách, nghĩa là phải ngăn chặn được rác gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, giảm được mùi hôi và phát sinh côn trùng, bãi rác phải thu được nước thải rác đưa về nhà máy xử lý nước thải, khí thu được trong quá trình chôn lấp rác có thể dùng vào sản xuất gas hoặc điện…

Khi những nguy cơ về nước rỉ rác, khí độc, bã rác… không được xử lý, toàn bộ đất, nước, và không khí bị biến thành nguồn để xả thải. Rối loạn là điều không tránh khỏi khi lượng rác vượt quá khả năng hấp thụ của tự nhiên, không chỉ vật chất rác mà còn chất độc sản sinh trong quá trình phân hủy yếm khí. Cân bằng tự nhiên bị xáo trộn trầm trọng bởi sự vô độ và vô trách nhiệm của con người. Trong hệ sinh thái đảo ngược ấy, những vòng đời tiếp nối của cả người và vật là biến dị và bệnh tật. (1)

hoa co

Trong câu chuyện vĩ mô ấy, vi sinh là câu trả lời của chị Mùi. 7 năm nghiên cứu và thực hành về xử lý nước và đất là tiền đề cho việc chị Mùi phát triển men vi sinh xử lý rác thải hữu cơ, thúc đẩy quá trình phân hủy rác tạo ra nước tưới cây,  khỏe, trừ sâu bệnh,

“Trong quá trình ứng dụng các giải pháp xử lý ô nhiễm, mình thấy vi sinh rất có lợi cho việc xử lý làm sạch môi trường, xử lý rất nhanh và hiệu quả. Vi sinh là một cơ chế tổng hợp, tạo ra rất nhiều phản ứng hóa học, rất nhanh, nhanh cực kỳ. Mình đã ứng dụng nhiều trong quá trình xử lý nước ao, hồ”.

Năm 2021, ngẫu nhiên, khi chuyển chỗ ở, chị Mùi không muốn vứt rác nên tìm tòi, thử một số giải pháp và… men vi sinh Kiến Vàng ra đời.  

Cách dùng men vi sinh Kiến Vàng thực sự đơn giản. Để xử lý rác thải, tại không gian hẹp như nhà phố, chung cư, người dùng được hướng dẫn pha 100ml men và 50ml mật rỉ đường vào 500ml nước, sau đó cho xương, thịt, cá, đồ ăn thừa, dầu mỡ thừa… vào ngập trong nước men đã pha. Sau 2 ngày có thể lấy nước ra pha loãng tưới cây. Sau 1 tuần, vớt bỏ tất cả bã đã ủ, tưới hết thì ủ mẻ mới.

Thực tế, tỷ lệ men, mật, nước và rác nói trên không cần phải chuẩn chỉnh 100%. Và việc ủ rác thậm chí có thể tiến hành bằng bình nhựa 2 lít, dùng bột ngũ cốc để lâu ngày, trà sữa không uống hết… để tạo nước tưới cho vài chậu cây.

Thử nghiệm đối chứng với hai cây hoa cúc cằn cỗi, sau 5 ngày, cây tưới nước rỉ rác ủ men vi sinh cho ra nhiều nụ, lá xanh bóng và mướt, còn cây tưới nước thông thường thì vẫn vậy, lá màu xanh vàng, bàng bạc và ít nụ.

“Với những cây như mùng tơi, rau đay hay rau muống, thì chỉ cần 2-3 ngày nhìn màu lá khác ngay rồi”, chị Mùi chia sẻ.

“Mục đích của mình khi muốn xử lý rác, muốn mọi người đồng hành trong việc xử lý rác thì câu chuyện là làm sao phải thật sạch, phải đưa ra giải pháp đảm bảo hiệu quả, kèm theo rất nhiều yếu tố, thứ nhất là sạch, thứ hai là nhanh, thứ ba là dễ dàng sử dụng”.

chi Mui 4

Vậy là cách thức xử lý rác thải không còn như trước. Thức ăn thừa, dầu mỡ, mắm muối… thay vì đổ thẳng vào cống thải giờ sẽ trở thành nguyên liệu tạo ra chất nước dinh dưỡng tưới cho cây. Canh xương thịt, canh cá dư sau bữa ăn có thể đổ vào bình ủ, vì giàu kali, khoáng chất. Men phân hủy các chất khó hấp thụ thành dễ hấp thụ dạng đơn chất axit amin nên cây mau khỏe.

Với thao tác như trên, để chăm lo vài mét vuông đặt chậu cảnh, rau củ gia đình, một người chỉ cần vài phút để làm men ủ và hàng ngày bỏ đồ ăn thừa, vỏ trái cây vào bình trong quá trình dọn dẹp. Việc tưới cây cần thêm một công đoạn lấy nước và pha loãng. Nhưng thay vì phải tốn một khoản chi phí và công sức tìm mua và xử lý các loại phân bón hay bổ sung đất màu cho cây, nay nước từ rác ủ men vi sinh đã đồng thời đảm nhận cả 3 nhiệm vụ: nước tưới, dinh dưỡng và cải tạo đất. Rễ cây khỏe, hoa nhiều, quả sai và giảm sâu bệnh.

Phương pháp này, thoạt nhìn có thể giống với cách ủ rác hữu cơ truyền thống, là tập trung rác vào bao hay chôn lấp, để cho hoai mục, sau đó trộn thêm đất để bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng. 

Nhưng hẳn người dùng sẽ thấy việc ủ rác bằng men vi sinh giúp rút ngắn rất nhiều thời gian tạo ra chất dinh dưỡng cho cây. Cần vài tháng để rác hoai mục tự nhiên, trong khi cùng thời gian, với cách ủ bằng men vi sinh Kiến Vàng cây trái đã cho thu hoạch nhiều lần, cây sinh trưởng tốt hơn, khỏe hơn.

“Thật ra nước ủ rác có thêm yếu tố vi sinh sống nên giảm bệnh nhiều, một kiểu kháng bệnh do lợi khuẩn”, chị Mùi lý giải thêm về một ích lợi khác khi dùng nước rỉ rác tưới cho cây – giảm sâu bệnh.

“Nếu ủ rác và chăm tưới thường xuyên, cây sẽ không nấm mốc. Vì men vi sinh này thực ra là một men đối kháng. Men đối kháng… mình có thể hình dung về cơm – cơm cho men vào thành cơm rượu, cho men vào thành mẻ, sẽ không thể thối như khi để bình thường được nữa. Men là một dạng lợi khuẩn như thế.

Có lợi khuẩn rồi thì hại khuẩn sẽ bị át đi. Nếu không có hại khuẩn thì lợi khuẩn sẽ phát triển”.

vi khuan 2

Với kiểu xử lý rác thải như này, người chăm cây không cần sử dụng thuốc trừ sâu cũng không cần tốn công xử lý cành, lá, quả bị sâu bệnh.

“Trong quá trình xử lý sâu bệnh mình vứt hết vào thùng xử lý là sẽ đỡ sâu bệnh. Lá, cây, cỏ nọ kia hầu hết là chứa mầm bệnh. Mình bỏ vào thùng ủ sẽ giảm hẳn. Thí dụ, vấn nạn của mình là con ruồi vàng đốt trái. Nếu mình chịu khó cho hết vào thùng ủ, xử lý thì sẽ ngăn quá trình sinh trưởng của ruồi vàng. Bây giờ cây trái bị ruồi vàng, bỏ thì tốn kém mà phun thì độc hại. Trong khi nếu họ kiên trì 1-2 năm, rụng đến đâu họ cho vào thùng ủ hết, thì sẽ ngắt vòng đời sinh sản của ruồi vàng. Cách này có thể triển khai ở nhà riêng và cũng có thể triển khai trên diện rộng, tiết giảm chi phí rất nhiều”, chị Mùi nói.

Sự lành mạnh của tự nhiên giúp tăng vòng đời cho cây và đất. Rau trái hữu cơ được ra đời, không phân bón hóa chất, không chất kích thích, không thuốc bảo vệ thực vật, và sản lượng có thể thu hoạch bằng hoặc cao hơn so với sản lượng của những nơi phải vận dụng toàn bộ những “kỹ thuật” nói trên, nhưng khiến đất đai trở nên phụ thuộc, cây trồng yếu đuối và rau trái bóng bẩy nhưng lại là thực phẩm rỗng, và độc hại (2).

Những khu vườn lành

Một ngày tháng 9 năm 2023, sau gần một năm dùng men vi sinh Kiến Vàng ủ rác, chăm cho vườn cây rộng 10 ha, cô Phan Hoa – vợ của thầy Nguyễn Đức Quang, nhà sáng lập và điều hành Trường Đồi (Spring Hill) vui mừng báo tin vắt… biến mất trên khu vực đỉnh đồi – nơi tổ chức các lớp học thiên nhiên. Giáo viên y tế cho hay các khu vực quanh ghế nghỉ ngơi dưới tán cây ổi, chuồng dê, chuồng thỏ, sân bóng đã không còn bóng dáng của vắt.

 

truong doi 2

“Cuộc sống diệu kỳ, không thuốc trừ cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, chỉ tưới mỗi dung dịch garbage enzyme, chế phẩm vi sinh vật Biến rác thành hoa của chị Mùi Thị Lê thôi, mà chưa đến một năm, cây, rau quả nở hoa kết trái, vắt tự động chuyển nhà đi chỗ khác, và các học trò nhỏ tha hồ có sân chơi, lao động và trải nghiệm tuyệt vời” – cô Hoa rạng rỡ.  

Mùa xuân trước đó, Trường Đồi bắt đầu ủ rác tưới cây, bón phân cho nương rau củ quả trồng quanh đồi. Trung thành với triết lý “thuận tự nhiên”, trường không dùng phân hóa học, ủ rác theo cách truyền thống là đổ xuống đất để trồng rau. Xử lý rác thải nhà bếp bằng men vi sinh giúp làm sạch môi trường, tăng sức sống cho cây, giúp rau trồng xanh hơn, hoa hồng tươi đẹp hơn.

“Chỉ 3 tuần mà trường mình đầy từng này thùng phuy rác đây. Rác vỏ rau củ quả, ruột và vẩy cá tôm, xương gà lợn, mỡ gà mỡ lợn mỡ bò, … tất cả chỉ 3 tuần là bắt đầu phân hủy tan nát hết. Từng này rác thoải mái tưới và bón phân cho các nương rau củ quả trên đỉnh đồi phục vụ 500 học sinh và giáo viên nhân viên ăn hằng ngày. Trước đây mình lo thiếu phân nên không dám mở rộng canh tác, giờ thì thoải mái rồi.” – thầy Quang chia sẻ trong nhóm cộng đồng “Yêu rác – Biến rác thành hoa”.

khong phan bon

Sau gần một tháng ủ, tưới bằng nước rỉ rác từ men vi sinh, nương bắp cải tưởng bỏ đi, mà tưới phân rác vào đã hồi lại. Bữa ăn của các học sinh tại trường có bắp cải trồng nương, lớn tự nhiên, mà mềm, ngọt. Những gốc chuối, bưởi, đu đủ, mít, na… hàng ngày được tưới bằng nước ủ rác, kích thích ra hoa, đậu trái. Hương hoa nhài, hoa ngọc lan, hoa hoàng lan, hoa mộc, hoa hồng các loại… mỗi mùa lại vương vất theo chân thầy trò, khi đi trên đồi, khi lên lớp học, khi vào nhà ăn, khi ra vườn trại.

Hơn hai năm qua, Trường Đồi vẫn duy trì mô hình trồng rau sạch bằng rác thải hữu cơ ủ men vi sinh. Thầy Quang cho hay dùng men vi sinh thúc đẩy quá trình phân giải của rác, cây cối đỡ sâu bọ. Học sinh được tham gia quan sát việc pha men, ủ rác, giáo viên vừa làm vừa giải thích cho các em biết rằng dung dịch này có nhiều vi sinh để phân hủy rác, giúp cây tốt hơn.

Dù không thể triệt giảm hết mùi hôi, cặn/bã rác ủ bằng men vi sinh sau khi gạn hết nước tưới có thể đổ ra hố phân hữu cơ, hoặc thành phân bón dùng ngay cho cây. Khi lượng rác quá nhiều, không dùng xuể, trường chọn cách đổ men khô để rác phân hủy trong đất, để rác từ từ biến thành mùn ủ, tăng lượng hữu cơ, đất suy kiệt sẽ trở nên màu mỡ.

Có một ưu điểm khác của men ủ rác Kiến Vàng, là nước ủ rác có thể quay vòng làm men ủ cho các lứa tiếp theo. “Mình tư vấn cho một bạn, mỗi lần làm là mấy chục tấn phân bón. Nhưng bạn chỉ cần mình hỗ trợ lần đầu, sau đó bạn tự nhân men, không cần phải chi tiền nữa”, chị Mùi cho hay.

“Làm mấy chục tấn phân một lần giúp giảm kinh phí rất nhiều, doanh số tăng, sản lượng tăng, kèm theo bán được giá, chứ không phải như người ta nói đồ hữu cơ là xấu xí. Xấu xí là vì vườn rộng, phân ít, còn nếu phân nhiều thì đã khác rồi. Trong khi nước tưới này rẻ, đơn giản, người nông dân hoàn toàn có thể lấy rác ở chợ, ở nhà hàng… cực kỳ nhiều”.

“Đợt vào Quy Nhơn, có một chủ doanh nghiệp sở hữu hàng chục hecta vườn cây ăn trái, đồng thời cũng là chủ của một cơ sở sản xuất thủy sản. Mình tư vấn thì anh cứ hoài nghi, không dám làm. Trong khi nếu mà làm thì những cây cam, cây bưởi của anh bị dụi sẽ phục hồi rất nhanh. Rễ rất khỏe, cây rất khỏe và phục hồi rất nhanh”, chị Mùi luyến tiếc.

yeu rac deco 3

Nước rỉ rác ra nhiều và quy trình ủ men khiến rác phân hủy nhanh cũng có thể trở thành vấn đề. Vì sao? Điều này có thể xảy ra trong môi trường thiếu đất và lượng rác thải thì nhiều. Ở nơi cư trú trong thành phố, dù là nhà đất nền hay chung cư thì không gian bê tông luôn nhiều hơn các khu vực đất trống. Không gian lớn như vườn nương 10ha của Trường Đồi là nơi lý tưởng để xử lý bã rác. Trong Trang trại NT rộng 30ha – những khoảnh rừng chồi non được chăm sóc bằng nước tưới ủ rác, hệ rễ phát triển nhờ vi sinh, đất rừng tiếp tục phân hủy bã rác ngược lại lại kích thích phát triển hệ sinh vật trong đất. Ngay cả những vườn rau vài m2 cũng sẽ thuận tiện cho việc tận dụng bã rác, hoàn tất quy trình phân hủy rác thải trong tự nhiên. Ở những không gian hẹp như nhà phố, chung cư, việc dùng men vi sinh Kiến Vàng là một lựa chọn, giữa việc cây rau khỏe mạnh, nhiều trái, sai hoa, cây kiểng mướt lá với việc xử lý bã rác phải làm thay phần của tự nhiên. Dù vậy, những vị khách sống nơi chung cư đều phản hồi tưới nước rỉ rác giúp hoa giấy, hoa hồng ra hoa đều và nhiều, ớt sai quả, cải mập mạp mướt lá, đất không bị cằn. 

“Mình có tư vấn rất nhiều giải pháp cho mọi người, tùy từng không gian, không gian nhà phố, không gian nhà vườn hay chung cư. Tức là mình phân hóa đối tượng để tư vấn, linh hoạt trong rất nhiều giải pháp. Ở vườn, cần tiết kiệm thì họ có thể chấp nhận mùi khó chịu. Nhưng ở phố thì lại khác. Hay cùng là nhà phố nhưng sở thích của họ khác nhau, năng lực xử lý của họ khác nhau và đam mê trong việc xử lý khác nhau thì mình sẽ có những giải pháp tư vấn khác nhau”.

Nt 3

Không có gì lạ khi cuộc nói chuyện của chị Mùi xoay quanh nhiều hơn đến việc “giải quyết vấn đề”. Cá biệt hóa từng không gian sống, nhu cầu, sở thích và năng lực của người dùng giúp việc xử lý rác thải đi vào thực tế hiệu quả hơn. Tư vấn là một khâu quan trọng được làm hàng ngày, ngay cả khi chị Mùi đã kiêm tất cả các khâu sản xuất, truyền thông để tiết giảm chi phí nhằm nhân rộng men vi sinh trong hoạt động cộng đồng.

Tháng 1 năm 2023, men khô ủ rác làm phân vi sinh siêu tốc có mặt, đáp ứng nhu cầu cho người dùng ở nước ngoài. Tháng 9 cùng năm, 28 gói men vi sinh ủ rác Kiến Vàng đã lên đường sang Nhật để xử lý rác, giảm bớt rác thải ra ngoài môi trường, giảm bớt chi phí xử lý rác cho một doanh nghiệp thực phẩm. Nhiều người Việt ở Mỹ, Ba Lan, Thái Lan khoe thành quả là những giàn mướp, mướp đắng (khổ qua), dưa chuột, sung Mỹ… tươi lá, quả to, mỗi giò lan trổ 4-5 nhánh hoa, những chậu hoa hồng cằn cỗi đã bật búp, lên bông sau 6 tuần tưới nước rỉ rác…, để cùng lan tỏa một giải pháp chăm cây, xử lý rác hữu hiệu trong cộng đồng.  

Ra đời giữa thời điểm diễn ra dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), người mua men vào thời điểm đó khi nhận được tin nhắn tư vấn mua hàng luôn kèm thông tin nhận quà men 0 đồng, với chất lượng giống hàng mua, chỉ phải trả tiền cước vận chuyển. “Nếu bạn không khó khăn, không bị mất việc… hãy nhường suất quà cho người khác nhé”. Với những người biết trân quý giá trị mà sản phẩm này mang lại, niềm tin được cho đi này là sự cổ vũ vô cùng lớn, là động lực để cải thiện đời sống từ rác thải bỏ đi hàng ngày.

Hiện tại, nông trại Kiến Vàng vẫn duy trì việc tặng/miễn phí men vi sinh cho người bị ung thư, người nghèo.

“Mình đặc biệt quan tâm đến người bị ung thư, vì họ là những người rất cần sản phẩm hữu cơ, tìm kiếm về sản phẩm hữu cơ rất nhiều. Trồng thì họ không trồng nổi, nếu mà mua thì lại quá đắt. Khi làm như này, thì rất đơn giản là họ chỉ cần chăm tưới là xong, không cần phải kỹ thuật cao hay thấp, chỉ cần pha loãng tưới và đến kỳ là thu hoạch. Nó giúp giải quyết vấn đề cho những người cần ăn các sản phẩm sạch, hữu cơ, không chất hóa học”, chị Mùi nói, giữa tiếng dế rền rĩ vọng lại từ nông trại trong đêm.

hoa co

Xử lý rác thải tự thân, nghe có vẻ là một chuyện tự nhiên của người xả rác, của hệ thống vận hành xã hội, nhưng điều này chỉ trở thành thực tế khi có cơ chế kiểm soát. Đó có thể là ý thức trách nhiệm bảo vệ tự nhiên, gìn giữ môi trường xanh sạch chung cho bản thân và cho cộng đồng, hay ý thức xã hội được định hình bởi quy định phân loại, xử lý rác thải của Chính phủ. Nếu thiếu vắng cả hai điều trên, lợi ích cá nhân có thể là động lực cho việc dọn dẹp rác thải này, theo hướng mà chị Mùi triển khai.

Rác thải cần được kiểm soát, thay vì loại bỏ cơ học bằng cách chôn lấp hay bỏ mặc trong các bãi rác lộ thiên như hiện tại. Trong khi người làm nông và sự vận hành của nền nông nghiệp phụ thuộc vào hóa chất độc hại, gồm đủ loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, phân hóa học. Các biện pháp làm nông tốn kém và lắm “kỹ thuật” này, lắm khi được vận hành bằng thói quen và sự lười nhác thay đổi, bởi vì khó khăn thực sự là trả lại cho đồng lúa, vườn tược trạng thái cân bằng sinh thái. Ở đó, côn trùng và thực vật sống duy trì mối quan hệ cộng sinh, hệ vi sinh vật tự nhiên trong đất được hồi sinh, vi sinh vật có lợi hoạt động tích cực, ngăn chặn vi sinh vật có hại phát triển. Bằng việc can thiệp theo hướng tích cực, đưa vi sinh có lợi để chúng tự xử lý rác, đất sẽ khôi phục được độ màu mỡ một cách tự nhiên, đảm bảo cây trồng khỏe mạnh, cho ra sản phẩm chất lượng.  

Trong vòng tuần hoàn tái sinh đó, con người đóng vai trò khiêm nhường là người ủ rác và đưa nước từ rác phân hủy trở về với đất, với cây. Thay vì để cây cối biến dạng, rau trái biến dạng và thể trạng con người cũng biến dạng, thì việc xử lý rác rưởi, “biến rác thành hoa” lại trở thành điều lãng mạn ngoài sức tưởng tượng, trong hành trình sửa chữa và trả lại trạng thái gần đúng nhất cho tự nhiên.

Nghinh Xuân

hoa co 3

(1) Theo quy trình xử lý rác đã được chuẩn hóa trên thế giới hiện nay, rác hữu cơ được xử lý bằng máy thành phân compost. Phân này được dùng để bón cho cây trồng, cải tạo đất hoặc tạo thành sinh khối khô, có thể dùng làm nhiên liệu. Rác tiêu hủy được đưa vào máy khí hóa tự động, phần khí sinh ra được quay lại máy để vận hành lò khí hóa. Lượng khí và nhiệt sinh ra được tận dụng vận hành phát điện, bù cho lượng điện vận hành máy xử lý rác hữu cơ. Phần chất thải còn lại không thể phân hủy (khoảng 3%) mới đem chôn lấp.

(2) “Nếu bạn nghĩ rau củ quả thương mại là từ tự nhiên mà ra thì bạn nhầm to. Những thứ rau, trái này là sự pha trộn hóa học mọng nước của ni-tơ, phốt-pho và kali với một chút trợ giúp từ hạt giống. Và chúng sẽ có hương vị đúng như thế. Còn trứng gà thương mại (ta có thể gọi chúng là trứng nếu thích) thì không gì hơn là một hỗn hợp thức ăn tổng hợp, các hóa chất và hoc-môn. Đây chẳng phải là sản phẩm của tự nhiên, mà là một sản phẩm tổng hợp do con người tạo ra dưới hình dạng một quả trứng. Với những người nông dân tạo ra rau củ và trứng kiểu này, tôi gọi họ là nhà sản xuất.” (Trích Masanobu Fukuoka, Cuộc cách mạng một-cọng-rơm, Dịch giả Phương Huyên, bản pdf, trang 56).