Nhà thiên văn học nổi tiếng Liên Xô Nikolai Aleksandrovich Kozyrev, đã chế tạo ra chiếc gương có khả năng đưa con người xuyên qua không gian và thời gian (thời không), có thể giúp con người giao tiếp với người ngoài hành tinh. Chiếc gương này được chế tạo dựa trên lý thuyết về sự khác biệt thời gian của ông. Ông cho rằng thời gian là một loại năng lượng tồn tại khắp nơi trong vũ trụ, với tốc độ là không giới hạn. Vũ trụ chỉ là một hình chiếu trên trục thời gian. Trên trục thời gian này, quá khứ, hiện tại và tương lai đều đồng thời tồn tại.
֍
Trong Thần thoại Hy Lạp cổ đại, thời gian là một vị Thần nguyên thủy có tên là Chronos. Ông cùng với vợ của mình, nữ Thần định mệnh Ananke, đem thế giới hỗn mang nguyên thủy phân khai, tạo thành một vũ trụ có trật tự, với bầu trời, mặt đất, và đại dương.
Trong văn hóa cổ xưa của Trung Quốc, cũng có một vị Thần thời gian tên là “Ế Minh”, sống ở cực Tây, chịu trách nhiệm thúc đẩy mặt trời, mặt trăng, và các vì sao vận hành theo trật tự. (Sơn Hải Kinh – Đại Hoang Tây Kinh có viết: “Tức Yết Minh, chính là Thần thời gian’’, ở tại cực Tây, vận hành quỹ đạo của mặt trời, mặt trăng, và các vì sao”.) Ông cai quản sự thay đổi của 4 mùa và sự luân chuyển của năm tháng. 12 người con trai của ông cũng là những vị Thần, hóa thành 12 nguyên thần, cùng ông quản lý thời gian. 12 nguyên thần là cách nói trong Đạo gia, tương ứng với 12 con giáp.
Trong Thần thoại Vệ Đà cổ đại của Ấn Độ, thời gian trở thành vị Thần sáng tạo vũ trụ mang tên Rohita. Trong Kinh Vệ Đà, tác phẩm có vị trí cao quý trong văn hóa Ấn Độ, đã ca ngợi Rohita như sau:
“Rohita trở thành thời gian, Rohita trở thành vị sáng tạo đầu tiên”.
“Rohita dùng ánh sáng của mình để di chuyển trên đất liền và đại dương,
Ngài đi khắp bốn phương, là chủ nhân của các cõi trời.
Ngài bảo vệ trời, biển, đất, và tất cả sinh linh”.
(Atharva Veda / Kanda Thần chú)
Nói ngắn gọn một chút, trong thời cổ đại, trong các truyền thuyết Thần thoại phương Đông và phương Tây, thời gian là một vị Thần rất cổ xưa, quyền năng vô hạn, cai quản trật tự vận hành của mọi sự vật trong thế gian.
Sau này, đến thời kỳ của Phật Thích Ca Mâu Ni, một khái niệm về thời gian được gọi là ‘kiếp’ xuất hiện. Trong kinh Phật có một lời tiên tri nổi tiếng, đó là Phật quá khứ Nhiên Đăng Phật tiên đoán rằng sau 91 kiếp, đệ tử của ngài là Thiện Huệ đồng tử sẽ chứng ngộ thành Phật, pháp hiệu “Thích Ca Mâu Ni Như Lai”.
Trong kinh Phật, một kiếp là bao nhiêu năm có nhiều cách nói khác nhau. Thông thường, ‘kiếp’ được chia thành tiểu kiếp, trung kiếp và đại kiếp. Một tiểu kiếp khoảng 16,8 triệu năm, 20 tiểu kiếp là một trung kiếp, tương đương khoảng 300 triệu năm. 80 trung kiếp là một đại kiếp, tức khoảng 2,68 tỷ năm, một con số rất lớn. Khi kinh Phật nói đến ‘kiếp’, nếu không nói rõ, thông thường là ám chỉ đại kiếp kéo dài 2,68 tỷ năm.
Còn trong thời kỳ hiện tại, theo khái niệm ‘kiếp’, chúng ta đang ở trong ‘Hiền kiếp’. ‘Hiền kiếp’ còn gọi là ‘Thiện kiếp’. Trong kiếp này sẽ có 1.000 vị Phật xuất hiện, bao gồm Thích Ca Mâu Ni Phật và Phật tương lai Di Lặc Phật. Theo Phật giáo, khoảng 5,67 tỷ năm nữa, Di Lặc Phật sẽ đến nhân gian để độ nhân.
Xét theo khái niệm ‘kiếp’, lịch sử nhân loại kéo dài đến mức có thể tính bằng ‘tỷ năm’. Nhưng loài người có thể tồn tại lâu đến vậy không? Theo quan điểm của khoa học, vũ trụ tồn tại không quá 13,7 tỷ năm lịch sử, chưa bằng thời gian của một kiếp, lịch sử Trái đất còn ngắn hơn, chỉ khoảng 4,6 tỷ năm, và tuổi thọ còn lại chỉ khoảng 4,5 tỷ năm. Vậy 5,6 tỷ năm sau, Trái đất có thể đã không còn, vậy Di Lặc Phật sẽ đến đâu để độ nhân?
Nhưng Thích Ca Phật không phải là người nói chuyện vô nghĩa. Chữ ‘kiếp’ này rốt cuộc nên được hiểu như thế nào?
Chẳng phải Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng giảng về Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới sao. Trong mỗi thế giới nhỏ đều có một núi Tu Di, một mặt trời, một mặt trăng và những sinh linh sống trong thế giới đó. Trong 1.000 thế giới nhỏ như vậy tạo thành Tiểu Thiên Thế Giới; 1.000 Tiểu Thiên Thế Giới tạo thành Trung Thiên Thế Giới; 1.000 Trung Thiên Thế Giới cuối cùng tạo thành Đại Thiên Thế Giới. Đây chính là nguồn gốc của Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Theo vũ trụ quan mà Phật giáo nhìn nhận, một Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới là thế giới mà một vị Phật hóa độ chúng sinh. Trong vũ trụ này có vô lượng vô số Phật, nên cũng có vô lượng vô số Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới.
Nếu đã là Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, thì khái niệm thời gian ở những thế giới đó có lẽ không hoàn toàn giống nhau. Rất có thể các thế giới khác và thế giới mà Trái đất chúng ta đang ở thuộc về hai thời không khác nhau, cách tính thời gian cũng khác nhau.
Chẳng hạn, hai hành tinh gần Trái đất nhất là sao Thủy và sao Kim. Một năm trên sao Thủy rất ngắn, chưa đến 3 tháng theo thời gian Trái đất, bởi vì sao Thủy chỉ mất 88 ngày để quay quanh Mặt trời. Còn sao Kim, một vòng tự quay mất đến 243 ngày theo thời gian Trái đất, tức là một ngày trên sao Kim dài bằng 8 tháng của chúng ta. Khái niệm thời gian trên các hành tinh khác nhau hoàn toàn khác nhau.
Nếu Thích Ca Mâu Ni Phật đang ở một nơi có thời gian trôi rất nhanh, thì vài tỷ năm ở đó có thể tương ứng chỉ vài trăm năm theo thời gian Trái đất?
Đương nhiên, đây chỉ là cách giải thích của hậu thế hoặc có thể nói là một sự phỏng đoán. Thích Ca Mâu Ni Phật khi xưa đứng ở góc độ nào để nói về chữ ‘kiếp’ này, hiện nay không ai biết được. Tuy nhiên, về thời gian, tầm nhìn của người xưa thực sự rộng lớn hơn chúng ta rất nhiều.
Trong Phật gia từng nói đến một câu: “Một ngày phương trời, nghìn năm dưới đất”. Chính là nói rằng khái niệm thời gian ở thế giới thiên giới và nhân gian không giống nhau. 1 ngày trên trời là 1000 năm dưới nhân gian. Câu nói này xuất phát từ một câu chuyện nổi tiếng thời Tấn, thậm chí còn được ghi lại trong sách sử “Tấn thư”. Chuyện kể về một người tiều phu tên là Vương Chất, trong lúc vào núi chặt củi, tình cờ lạc vào một phủ đệ của Thần Tiên ở không gian khác, nhìn hai tiên đồng tử đánh cờ vây, say mê đến quên cả thời gian. Khi ván cờ kết thúc, quay lại nhìn thì chiếc rìu chặt củi của mình đã mục nát. Trở về nhà, ông thấy rằng đã rất nhiều năm trôi qua, hàng xóm láng giềng không còn ai nhận ra ông nữa.
Trùng hợp thay, trong Kinh Thánh phương Tây cũng có cách nói tương tự, rằng: “Với Chúa, 1 ngày như 1.000 năm, 1.000 năm như 1 ngày” (Thư thứ hai của Phêrô 3:8). Ý nghĩa là Chúa không bị thời gian hạn chế như con người, bất kể là một việc cần đến 1000 năm mới làm xong hay chỉ cần 1 ngày, đối với Chúa đều như nhau. Trong Kinh Thánh có nói rằng khi Chúa sáng tạo thế giới, mọi thứ đều được hoàn thành trong một ý niệm. Nói: cần có ánh sáng, ánh sáng liền xuất hiện. Nói: cần có con người, con người liền hiện hữu.
Như vậy, trong các không gian khác nhau, khái niệm thời gian có lẽ không giống nhau? Đây chính là nhận thức của người xưa về thời gian.
Vậy sau khi khoa học hiện đại xuất hiện trong khoảng 200 năm qua, các khoa học gia nhìn nhận thời gian như thế nào?
Người đặt nền móng cho vật lý học hiện đại, Newton, cho rằng thời gian và không gian đều là sự tồn tại khách quan và độc lập, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố nào khác. Con người thông qua chuyển động của mặt trời và mặt trăng mà cảm nhận sự tồn tại của thời gian, nhưng ý thức của con người không thể ảnh hưởng đến thời gian.
Tuy nhiên, lý thuyết của Newton có một giới hạn, đó là chỉ phù hợp trong môi trường có tốc độ tương đối, không quá nhanh. Năm 1905, nhà vật lý thiên tài Einstein đã bổ sung vào những điểm thiếu sót trong quan niệm về không gian thời gian của Newton bằng thuyết tương đối hẹp. Thuyết tương đối hẹp cho rằng thời gian và không gian có mối liên hệ với nhau, chúng cùng tạo thành một khái niệm “thời không”. Trong thời không này, khi một vật thể di chuyển với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng, thời gian trên vật thể đó sẽ chậm lại.
Năm 1915, dựa trên cơ sở thuyết tương đối hẹp, Einstein đã công bố thuyết tương đối rộng, trong đó đưa ra khái niệm trường hấp dẫn. Ông cho rằng lực hấp dẫn mà chúng ta thường nhìn nhận, tức lực vạn vật hấp dẫn theo định nghĩa của Newton, thực ra không phải là một loại “lực”, mà là một hiệu ứng của thời không. Trong trường hấp dẫn, thời không sẽ bị cong, và cả thời gian lẫn không gian đều sẽ thay đổi.
Trong suốt một thế kỷ qua, thuyết tương đối cùng với cơ học lượng tử đã trở thành 2 nền tảng quan trọng của vật lý học hiện đại, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của vật lý học. Tuy nhiên, thuyết tương đối cũng có giới hạn, vì nó dựa trên giả định rằng tốc độ ánh sáng là bất biến, và bất kỳ vật thể hay thông tin nào cũng không thể truyền với tốc độ vượt quá tốc độ ánh sáng trong chân không.
Nhưng Kozyrev đã thách thức quan điểm này. Ông cho rằng trên thế giới này còn có thứ nhanh hơn tốc độ ánh sáng, đó chính là thời gian. Thời gian không chỉ đơn thuần là một thước đo hay một thứ tồn tại trong ý thức con người, mà là một năng lượng thực sự tồn tại.
Kozyrev lần đầu tiên đưa ra lý thuyết thời gian của mình trong luận văn tiến sĩ năm 1947. Trong luận văn, ông thảo luận về các ngôi sao sáng lấp lánh. Tại sao các ngôi sao luôn liên tục cung cấp năng lượng ra bên ngoài mà không đòi hỏi sự bù đắp?
Các nhà khoa học cho rằng năng lượng đến từ phản ứng nhiệt hạch bên trong các ngôi sao. Nhưng tính toán của Kozyrev cho thấy mật độ vật chất và nhiệt độ ở trung tâm các ngôi sao không đủ để thực hiện phản ứng nhiệt hạch. Vì vậy, năng lượng không đến từ bên trong ngôi sao, mà là từ việc hấp thụ năng lượng bên ngoài, cũng tức là năng lượng từ vũ trụ. Bởi vì các ngôi sao có mặt ở khắp nơi trong vũ trụ, nên loại năng lượng này cũng tồn tại khắp nơi. Kozyrev nhìn nhận rằng chủng năng lượng này chính là thời gian.
Trong vài thập kỷ sau đó, Kozyrev liên tục nghiên cứu các thuộc tính của thời gian và đã phát triển hai thí nghiệm nổi tiếng để chứng minh lý thuyết của mình. Một thí nghiệm là thí nghiệm với các ngôi sao, thí nghiệm này chứng minh rằng quá khứ, hiện tại và tương lai đều đồng thời tồn tại.
Thí nghiệm khác sử dụng con quay hồi chuyển làm đối tượng thí nghiệm. Ông tạo thêm một rung động vào con quay đang quay, đại diện cho năng lượng từ thời gian. Kết quả cho thấy con quay không truyền rung động này, mà lại có sự giảm trọng lượng hoặc thay đổi góc. Kozyrev kết luận rằng thời gian không truyền theo cách rung động. Trên thực tế, thời gian trong vũ trụ không lan truyền, mà chỉ xuất hiện tức thời, hơn nữa có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu.
Sau này, Kozyrev dựa trên kết quả từ những thí nghiệm, đã tổng kết một quy luật về thời gian gọi là Nhân quả Cơ học. Ông cho rằng thế giới này được tạo thành từ từng sự kiện khác nhau, mỗi sự kiện đều không phải tồn tại độc lập mà chúng đều có mối liên hệ nhân quả. Ví dụ, với con quay hồi chuyển, khi bạn vặn nó, nó sẽ bắt đầu quay. Hành động vặn là Nhân, còn việc con quay quay là Quả.
Giữa nhân và quả có sự phân cách bởi thời không. Khoảng cách này có thể rất nhỏ, nhưng không thể bằng không. Điều này có nghĩa là, thứ tự xảy ra trước-sau giữa nhân và quả không thể bị đảo lộn. Dòng chảy thời gian chính là năng lượng thời gian di chuyển giữa nhân và quả.
Điều này giống như việc xem phim. Mỗi khung hình trong phim đều tồn tại độc lập, nên chúng cách biệt nhau về mặt không gian. Khi phim được chiếu, các khung hình được phát tuần tự theo thời gian, khán giả sẽ thấy những hình ảnh liên tục. Tốc độ phát có thể nhanh hoặc chậm, nhưng thứ tự không thể thay đổi, nếu không hình ảnh sẽ bị đảo lộn.
Vậy tại sao lại có người nhìn thấy cảnh tượng trong quá khứ? Có phải ai đó đã nhấn “nút tạm dừng” hoặc “nút tua lại” để chiếu lại những hình ảnh của quá khứ không? Thực ra không phải vậy. Kozyrev nói, việc nhìn thấy quá khứ không giống như tua lại phim, mà giống như đang “soi gương”.
Gương? Gương hoạt động như thế nào? Khi khuôn mặt của chúng ta phản chiếu ánh sáng vào gương, ánh sáng sẽ được gương phản xạ trở lại vào mắt chúng ta, đúng không? Dù khoảng cách rất ngắn, nhưng ánh sáng vẫn cần thời gian để truyền đi. Vì vậy, hình ảnh bạn nhìn thấy trong gương thực ra là hình ảnh của quá khứ, một phiên bản của bạn từ 0.00…01 giây trước. Bạn cũng có thể nói rằng bạn đã du hành về quá khứ để gặp chính mình.
Bây giờ, nếu bạn đứng trước gương và giơ tay phải lên, hãy nhìn vào người trong gương, tức là phiên bản của bạn trong quá khứ, người đó đang giơ tay nào? Là tay trái, đúng không? Đó chính là hiện tượng phản chiếu.
Kozyrev nói rằng việc nhìn thấy quá khứ cũng dựa trên nguyên lý ‘hình ảnh phản chiếu’.
Nếu bạn du hành về quá khứ trên trục thời gian, hình ảnh bạn nhìn thấy sẽ giống như một hình ảnh phản chiếu. Nếu bạn bước chân phải, có thể bạn sẽ thấy mình đang bước chân trái, chỉ khác biệt nhỏ như vậy thôi.
Nói tới đây, có một vấn đề lại nảy sinh:
Nếu quá khứ, hiện tại và tương lai đều tồn tại đồng thời, vậy tương lai không thể thay đổi sao? Tại sao vẫn có người thay đổi được vận mệnh? Chẳng phải trong nhiều lời tiên tri chúng ta đã từng nghe rằng lựa chọn rất quan trọng sao? Nếu lựa chọn đúng, bạn sẽ bước vào một tương lai tốt đẹp.
Thực ra, điều này không mâu thuẫn. Hãy xem lý thuyết về vũ trụ song song, bạn sẽ hiểu. Trong lý thuyết vũ trụ song song, dưới chân chúng ta có vô số con đường, mỗi con đường đều đã có sẵn cảnh quan của nó, chỉ là lựa chọn khác nhau sẽ dẫn chúng ta đến những thế giới song song khác nhau, nhìn thấy những cảnh quan khác nhau.
Điều này giống như làm phim. Khi quay xong, bạn có thể có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn giờ tư liệu. Đạo diễn sẽ chọn những cảnh mà mình muốn, rồi cắt ghép từng khung hình để tạo ra bộ phim mà chúng ta xem, kéo dài khoảng một tiếng rưỡi. Cùng một bộ phim, thường sẽ có nhiều phiên bản khác nhau: bản chiếu rạp, bản DVD, bản mở rộng của đạo diễn, thậm chí có những phiên bản có kết thúc khác nhau để khán giả lựa chọn. Phim đã quay xong từ lâu, mọi thước phim đều có ở đó, chỉ là sự lựa chọn khác nhau của đạo diễn sẽ mang lại cho chúng những trải nghiệm khác nhau mà thôi.
Trong cuộc đời chúng ta, tương lai có lẽ đã được định sẵn, những kết cục khác nhau có thể cũng đã được an bài rồi. Nhưng những lựa chọn khác nhau của chúng ta sẽ dẫn đến những trải nghiệm cuộc đời khác nhau và hướng đến những tương lai khác nhau.
֍