Trong dòng chảy cuộc đời này,
có những người miệt mài chắp cánh ước mơ,
có những người thầm lặng truyền lửa tâm hồn,
có những người chăm chút cho cuộc sống tốt hơn
và đâu đó, hiếm hoi hơn,
là những con người đi vun bồi ký ức…
Có lẽ họa sĩ Bùi Hoài Mai được người đời biết đến nhiều nhất như một anh chàng “kiến trúc sư tay ngang”, với tác phẩm là hai công trình resort mang phong cách làng cổ Bắc Bộ đẹp mê người: Long Beach Phú Quốc và Emeralda Ninh Bình. Gọi vui anh là “tay ngang” như vậy, vì khi bắt đầu nhận thiết kế Long Beach, anh thậm chí còn chưa biết cách vẽ một bản thiết kế. Câu chuyện thật như đùa của anh đã cuốn hút tôi ngay từ những phút đầu gặp mặt.
Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Yết Kiêu khóa 87, họa sĩ Bùi Hoài Mai tâm sự rằng đó là thời kỳ khó khăn đối với anh, tranh khó bán, phải làm việc khác để kiếm sống. Nhưng rồi tình yêu với hội họa vẫn giúp anh vượt qua giai đoạn đó, trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Tranh của anh phần lớn là cảnh nông thôn, ký ức về thời sơ tán tái hiện quá đỗi sống động, có lẽ cũng vì thế mà anh chạm được tới tình cảm của nhiều người.
Xuất phát từ nhu cầu có một xưởng vẽ ở vùng làng quê, anh rời Hà Nội về Bắc Ninh, ở nhờ nhà nông, rồi mua một cái nhà cũ. Bước đầu bén duyên với kiến trúc của Bùi Hoài Mai chính là khi anh tự mình sửa căn nhà ấy thành một xưởng vẽ. Suy nghĩ của anh chỉ đơn giản là: nếu họa sĩ thể hiện tác phẩm của mình trên tấm vải, sơn dầu, cái khung tranh, thì với kiến trúc sư, hẳn đó chính là không gian thiết kế, là ngói, là gỗ, là gạch. Và rồi những người thợ nông dân dạy cho anh cách sửa chữa nhà truyền thống. Anh đưa yêu cầu, họ đề xuất kỹ thuật, hai bên bàn bạc, sáng tạo, đưa ra những ý tưởng hay, vừa đơn giản lại vừa thực tế. Trường học kiến trúc đầu tiên mà họa sĩ Bùi Hoài Mai trải qua chính thật tình cờ như vậy.
Sửa được xưởng vẽ rồi cũng chưa hẳn đã xong, Bùi Hoài Mai lại quay ra ngẫm nghĩ dưới góc độ họa sĩ, muốn làm thêm chỗ này chỗ kia, đường ra lối vào, mở thông ánh sáng, từng chi tiết một. Dù vật liệu rất tiết kiệm và giản đơn, nhưng lại mang đến cho anh cái cảm giác như đang “vẽ” từng góc nhà một… Chẳng trách người ta nói nhà của Bùi Hoài Mai thiết kế rất có hồn. Anh chiêm nghiệm được rằng không gian sống không phải là những bức tường với đầy họa tiết trang trí, mà là khoảng trống và không gian mở giữa những bức tường ấy.
Thời bấy giờ, dù cách đây gần 20 năm, nhưng đời sống đô thị Hà Nội đã bắt đầu ngột ngạt, không ít người muốn bỏ phố về quê để tìm lại chút bình an nơi thôn xóm. Nhiều người tìm đến Bùi Hoài Mai, nhờ anh thiết kế cho một căn nhà cổ ở vùng quê. Trong khi đó, người nông dân lại có một trào lưu khác là bỏ nhà truyền thống đi để xây nhà hộp. Vậy là Bùi Hoài Mai hướng dẫn bạn bè mua lại nhà cổ, sửa sang và thiết kế cho họ, làm thành một quần thể nhà truyền thống… Cứ như vậy, anh trở thành một kiến trúc sư lúc nào không hay.
Rồi việc gì phải tới cũng tới. Người ta tìm đến tận nơi, nhờ Bùi Hoài Mai thiết kế Long Beach Phú Quốc, một dự án resort đã qua tay vài kiến trúc sư nổi tiếng mà vẫn chưa vừa ý khách hàng. Sau khi thăm một loạt ngôi nhà do anh thiết kế, họ khẳng định, họ chính là muốn một cái resort theo phong cách như vậy. Anh chàng “kiến trúc sư tay ngang” bấy giờ còn chưa có khái niệm về một bản vẽ thiết kế, vẫn tự tin gật đầu đồng ý: “Được, nếu muốn làm thì làm thôi”. Hình dáng một ngôi làng Bắc Bộ nơi biển trời Phú Quốc đã bắt đầu như thế.
Hiểu rằng chỉ có làng nghề Bắc Bộ mới thiết kế ra được kiểu nhà như vậy, Bùi Hoài Mai đề xuất một phương án khá táo bạo: những chi tiết gỗ được gia công thiết kế ngay tại Bắc Ninh, tháo lắp, đánh số, đóng hộp, rồi chuyển vào Phú Quốc. Đến lúc này người đời mới bắt đầu hiểu được sự tinh tế của nhà cổ Bắc Bộ. Đó không chỉ đơn thuần là ngôi nhà gỗ ba gian có cột có kèo, mà còn rất dễ tháo lắp và vô cùng mềm dẻo “như những món đồ chơi Lego vậy”. Phương án Bùi Hoài Mai đưa ra vừa tiết kiệm tiền vận chuyển gỗ trước gia công, vừa đảm bảo chất lượng ngôi nhà Bắc Bộ, lại tiết kiệm tiền nuôi thợ thuyền, những người có thể vì nhà có giỗ mà bỏ việc về quê đôi ba hôm như cơm bữa.
Long Beach đã giúp Bùi Hoài Mai cứu một làng nghề làm mộc truyền thống đang chết dần tại Bắc Ninh và cũng mở ra cho anh một cơ hội được kết nối giữa quá khứ với hiện tại. Sau này, anh còn nhiều dự án gắn với kiến trúc cổ khác như: Emeralda Ninh Bình hay chùa Linh Am Tự ở làng Na, Hiên Vân, Bắc Ninh. Mỗi một lần như vậy, anh lại chắt lọc được thêm được những tinh túy của kiến trúc Việt cổ.
Bùi Hoài Mai tâm sự rằng sự phát triển kiến trúc Việt vẫn luôn có những đứt đoạn rất ghê gớm do chiến tranh và cũng do cả cá tính của người Việt nữa. Anh đã đi thăm rất nhiều công trình, kể cả những công trình kiến trúc cổ được trùng tu lại từ thời xa xưa và nhận ra rằng hầu hết đều được làm một cách khá tùy tiện. Lịch sử nước ta đã trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh và không mấy khi người Việt được hưởng nền thái bình lâu dài. Điều đó khiến chúng ta không có được một ký ức liền mạch về kiến trúc.
Bước vào thời hiện đại, kiến trúc Việt lại có một bước chuyển đột ngột hơn khi kiến trúc nhà phương Tây du nhập ồ ạt vào thay thế cho từng nóc nhà Việt mà không quan tâm đến những điều kiện không gian, thói quen sinh hoạt, khí hậu và môi trường. Đơn cử như chúng ta đã bỏ đi những mái nhà truyền thống, vốn là những chiếc điều hòa tự nhiên, để rồi phải lắp đặt những chiếc máy lạnh tốn kém. Thành phố trở thành một không gian ngột ngạt, với những khối hộp chữ nhật được xếp chồng lên nhau, những giá trị kiến trúc xưa đều biến mất…
Từ góc nhìn của Bùi Hoài Mai, kiến trúc cổ của ngôi nhà Việt không chỉ đẹp và điều hòa không khí tốt, mà còn hết sức thông minh. Tuy không dùng đến bê tông cốt thép, nhưng kết cấu này lại có thể chịu lực nhờ những thanh giằng, chúng biến toàn bộ lực nén của sức nặng ngôi nhà thành lực kéo. Không chỉ có vậy, ngôi nhà Việt cổ còn có cả một triết lý tiết kiệm đằng sau. Nhà làm từ gỗ xoan, sử dụng nhiều cột gỗ tròn thẳng; những phần gỗ cong ngắn được tận dụng làm kèo, làm bẩy, làm kẻ… mà ghép thành một kết cấu kỳ lạ nhưng vô cùng chắc chắn. Những mảnh gỗ ngắn chỉ 10-20 cm không thể dùng được ở các kiến trúc khác, cũng được sử dụng trong kiến trúc Việt cổ, làm những con chồng trong kết cấu nhà. Một điều đặc biệt nữa là trong chiến tranh loạn lạc, người ta hoàn toàn có thể dỡ ngôi nhà cất đi, sau này có cơ hội thì dựng cất lại.
Kiến trúc cổ không phải là điều duy nhất khiến tôi thầm gọi Bùi Hoài Mai là người vun bồi ký ức. Anh là một tay thích ôm đồm nhiều việc, nhất là về văn hóa. Bùi Hoài Mai nghiên cứu về gốm Việt, rồi đồng sáng lập ra Hội Nghiên cứu Gốm và Cổ vật Thăng Long – hội nghiên cứu cổ vật do tư nhân thành lập đầu tiên ở Việt Nam. Anh tâm sự, khác với quan niệm của nhiều người, gốm Việt cổ không hề giống gốm Trung Hoa, cách tư duy khác, thẩm mỹ cũng khác. Nó không quá hoàn hảo và sâu sắc như gốm Trung Hoa, song lại toát lên một thứ cảm xúc nhẹ nhàng thư thái. Hình dáng bố cục hay họa tiết của gốm Việt thoạt nhìn có vẻ tùy tiện, nhưng quan sát kỹ sẽ thấy chúng rất sáng tạo, vậy nên người chơi gốm cổ đều biết rằng thật sự khó mà tìm được hai tác phẩm gốm giống nhau. Phong trào nghiên cứu gốm do Bùi Hoài Mai khởi xướng cuối cùng đã góp phần giúp gốm Việt cổ được công nhận như một dòng gốm riêng biệt trên trường quốc tế.
Và còn nhiều lắm những công việc Bùi Hoài Mai làm, mà chỉ một vài dòng không bao giờ nói đủ. Trong lúc đang hàn huyên, anh tiết lộ với tôi rằng, bí quyết của anh chính là đến từ ký ức. Tại sao những người nước ngoài mua tranh của anh về treo, trong khi họ chẳng hề có một khái niệm gì về căn bếp xưa của người Việt? Đó là bởi vì họ cảm được cái anh vẽ không phải là căn bếp, mà là một góc ký ức của gia đình. Cái ký ức đó đầm ấm và chạm được đến tâm khảm của người xem. Bùi Hoài Mai tâm sự, ký ức cũng là một phần của đời sống và xã hội sẽ trở nên chới với, lạc lõng khi người ta quên đi ký ức của chính dân tộc mình. Vậy nên, chúng ta không thể không giữ lấy và tìm về những ký ức của cha ông. Rồi anh mỉm cười kể rằng trong hành trình sẻ chia và tìm kiếm ký ức đó, anh đã tìm được bến đỗ của đời mình: Một môn khí công Phật gia cổ xưa…
Chia tay họa sĩ Bùi Hoài Mai, thoát khỏi hành lang ngột ngạt của khu căn hộ cao cấp tại Times City, nơi anh đang phải tạm tá túc vì những vướng mắc chuyện đời chưa dứt, tôi mới chợt thấm thía hơn tâm sự của anh về kiến trúc, về quá khứ, về niềm tin và về ký ức. Đồng thời, một thắc mắc vẫn còn đọng lại trong tôi: Gã kiến trúc sư tay ngang này đã ngộ ra điều gì trong hành trình cuộc đời, mà cuối cùng lại quay về với Phật Pháp? Tôi chưa thật rõ. Nhưng tôi hiểu một điều rằng, một người đi tìm ký ức như anh hẳn sẽ không thể bỏ qua ký ức viễn cổ xa xưa nhất của tạo hóa – một quy luật thâm sâu, xuyên suốt toàn vũ trụ mà chúng ta gọi là “Đạo”.