Gieo mầm nốt nhạc đầu Xuân – Trò chuyện với nghệ sĩ piano Phương Thảo

Nốt nhạc đầu xuân luôn hàm chứa sự trong trẻo, thánh khiết của buổi sớm mai khi vạn sự vạn vật bừng tỉnh, đâm chồi, nảy lộc. Với mong muốn đem tới sự may mắn, tài lộc, phúc thọ và niềm vui cho tất cả mọi người, Trí Thức VN mời một vị khách gõ cửa đầu Xuân, mang theo những thanh âm từ một loại nhạc cụ cổ điển được nhiều người yêu thích.

***quote piano 1

PV: Xin chào Quý khán giả của Trí thức VN. Hồ Dung xin gửi lời chúc mừng năm mới tới tất cả mọi người. Xin trân trọng giới thiệu tới quý vị vị khách mời gõ cửa Trí thức VN đầu xuân năm nay, Nghệ sĩ piano Phương Thảo – Giảng viên piano Đại học Sư phạm Nghệ Thuật Trung ương. Hy vọng rằng những nốt nhạc đầu xuân sẽ đem lại may mắn, niềm vui cho tất cả mọi người.

NS Phương Thảo: Xin chào Hồ Dung, Chào các quý vị khán giả của Trí thức VN. Phương Thảo rất vui được trò chuyện cùng mọi người trong ngày đầu Xuân như thế này. 

PV: Ngày khởi đầu của hành trình năm mới, chúng ta thường chọn những việc làm, suy nghĩ, điểm đến tốt đẹp nhất. Và hôm nay Hồ Dung cũng mong muốn đem một điều tốt đẹp cho con mình nhân dịp đầu xuân, gieo mầm âm nhạc cho con trẻ. Rất mong muốn con mình được gắn với một nhạc cụ yêu thích chứ không phải do mình áp đặt lên con. Phương Thảo có thể chia sẻ thời điểm nào nên bắt đầu cho trẻ học nhạc và cách lựa chọn nhạc cụ cho con như thế nào?

NS Phương Thảo: Mình rất may mắn khi được học Sư phạm âm nhạc, học piano, được dạy nhiều học sinh ở lứa tuổi khác nhau, từ trẻ em 5,6 tuổi, cho đến những người lớn 40-50 tuổi, nên mình khá hiểu đặc điểm của từng lứa tuổi này. Mình nhận ra một điều là đối với trẻ nhỏ tầm 5-6 tuổi mà bắt đầu được học nhạc thì học bất cứ nhạc cụ gì thì cũng đều rất là quý. Bởi vì khi đó các con sẽ được phát triển toàn diện về cả tư duy và vận động của mình, đặc biệt là tai nghe. Đây là thời điểm vô cùng lý tưởng để phát triển tai nghe của con trẻ. 

Việc lựa chọn loại nhạc cụ nào thì phụ huynh chúng ta có thể thích violin, sáo, piano. Nếu là con mình có chung sở thích thì tuyệt vời. Nhưng nếu con mình lại thích nhạc cụ khác thì mình nên lắng nghe, quan sát xem con thích loại nhạc cụ nào và tôn trọng quyết định của con. Bởi vì khi đứa trẻ được thỏa mãn nguyện vọng thì nó sẽ có trách nhiệm với việc đó và nó sẽ có sự chuyên chú nhất định. 

Mình nghĩ với bất cứ sự cưỡng ép nào thì đều không có tác dụng tích cực cho trẻ nhỏ. Vậy thì nếu cha mẹ thích loại nhạc cụ nào mà trẻ lại chưa thích thì hãy để cho con được lựa chọn trước, rồi sau đó mình sẽ khuyến khích con học thêm loại nhạc cụ mình mong muốn. 

PV: Trong các loại nhạc cụ, piano được nhiều người lựa chọn. Phương Thảo nghĩ sao về điều này? 

NS Phương Thảo: piano với đặc tính của hệ đàn phím, chi gõ. Piano giúp cho người học có thể dễ dàng điều khiển và chơi, dễ tạo ra âm thanh. So với các nhạc cụ khác như sáo, violin thì có độ khó hơn vì để tạo ra âm thanh dễ nghe đầu tiên cần một quá trình, còn piano thì nhanh hơn, dễ dàng hơn. Tất nhiên, mỗi nhạc cụ đều có thuận lợi và độ khó riêng. Piano có thể sử dụng như một bộ đệm hiệu quả hoặc chơi solo. Điều đó khiến piano trở nên ưu việt và được nhiều người lựa chọn. 

PV: Piano tác động đến sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, phát triển cả hai bán cầu não. Phương Thảo có thể nói rõ hơn về điều này? 

NS Phương Thảo: Theo như điều mình được biết và cũng là trải nghiệm của mình. Khi chơi piano, hai tay mình phải điều khiển độc lập và mình có thể chơi nhiều bè. Cùng một tay cũng có thể chơi 2 bè, có khi 3-4 bè, giai điệu khác nhau. Đặc biệt ở trình độ cao, các bản nhạc với phức điệu, mà tác giả tiêu biểu là Johann Sebastian Bach thì mình sẽ phải điều khiển những giai điệu hoàn toàn khác nhau với đôi tay của mình và một bộ não thôi. Đấy là đặc điểm khiến người học piano phải có sự tập trung rất lớn, cũng như khả năng tư duy, khả năng điều khiển độc lập. Khiến cho tư duy và não phát triển cân bằng. 

PV: Ngoài sự phát triển não thì học nhạc còn tác động đến tâm tính của trẻ như thế nào?

NS Phương Thảo: Theo quan sát của mình thì khi một đứa trẻ chơi nhạc sẽ tập trung và tâm sẽ chìm đắm trong đó. Khi đó những thứ xung quanh, những thứ tiêu cực rất dễ dàng biến mất. Theo như mình được biết, các cụ ngày xưa cũng dùng âm nhạc để chữa bệnh, vì âm nhạc có công dụng thanh lọc tâm hồn con người. Khi con người ta được nghe những thanh âm tươi đẹp thì chắc chắn trong tâm hồn dễ dàng gieo lên những tình cảm, năng lượng tích cực. Đối với một người chơi nhạc, chắc chắn tâm tính sẽ nền nã hơn nhiều. Đặc biệt, bản thân mình dạy nhiều bạn nhỏ, có bạn rất hiếu động, có bạn rất trầm tính, nhưng khi bạn ghép được một bản nhạc, hay khi bạn học được cách chơi một bài piano cổ điển thì lúc đó các bạn hoàn toàn trở thành một con người khác, nghĩa là điềm tĩnh hơn, khéo léo hơn. 

Mình cũng có một cậu học trò, lúc nhỏ vô cùng nghịch, không có lúc nào bạn ý có thể tập trung một lúc. Có lần mình dẫn bạn ấy đi xem hòa nhạc, nhưng chỉ 10 phút là bạn ấy cảm thấy rất khó chịu và phải đi ra ngoài hoạt động một chút. Trong quá trình dạy bạn ý cũng cứ nói liên tục. Mình dạy bạn ấy từ lớp 1, đến năm lớp 7-8 thì bạn ấy đã trở thành một người hoàn toàn khác hẳn. Đến giờ bạn ấy đã lớp 12 rồi, học tập rất tốt và trầm tĩnh.

piano 2

PV: Được biết Phương Thảo bước vào piano chuyên nghiệp ở độ tuổi 22, như vậy cũng khá cứng tuổi so với độ tuổi lý tưởng mà bạn đã đề cập. Phương Thảo có thể chia sẻ con đường dẫn tới piano của mình như thế nào? 

NS Phương Thảo: Thật sự đối Phương Thảo thì việc lựa chọn piano là một quyết định rất sáng suốt. Bắt đầu học nhạc thì Phương Thảo học đàn phím điện tử (keyboard). Rất vô tình thôi, mình nhìn thấy chị hàng xóm được lên TV, hồi đó trẻ con mà, mới lớp 4, lớp 5 nên cảm thấy rất thích, sau đó mình nằng nặc xin bố học đàn phím điện tử. Thời đó, đàn phím điện tử đang là một cái mốt, rất nhiều người theo học nhạc cụ này. 

Cũng may là bố mình đã vào Trường Nghệ thuật Hà Nội tìm hiểu, đăng ký học và mình được theo học môn đàn phím điện tử với người thầy đầu tiên là thầy giáo Hồng Tiến. Trong quá trình học tại Trường Nghệ thuật Hà Nội thì mình đã được tiếp cận piano và cảm thấy vô cùng yêu thích, như mình vẫn nói vui đó là Chân Ái ấy. Nhưng mà lúc đó piano đối với mình lại dường như dở dang, ở giữa đoạn đường. 

Chỉ cho đến khi mình tốt nghiệp Đại học Sư phạm Âm nhạc, lúc đó mình đã 22 tuổi rồi, thì mình mới bắt đầu xin đi học thêm piano với cô Phương Chi và cô Ngọc Bích ở Học viện Quốc gia Việt Nam. Và sau 3 năm học, mình đã thật sự rất rón rén hỏi cô Bích là cô ơi, liệu em có thể thi vào học piano chính quy ở Học viện Âm nhạc được không? Bởi vì em biết rất là khó nhưng việc đi học đàn, và dạy đàn piano là nguyện vọng rất lớn của em. Nếu cô có thể giúp em thì quá tuyệt vời và cô đã đồng ý. 

Và mình một lần nữa may mắn khi trúng tuyển vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hệ Đại học chính quy chuyên ngành biểu diễn piano ở độ tuổi gần 30. Sau đại học thì mình tiếp tục học lên Cao học. 

piano 4

NS Phương Thảo: Và quá trình học piano thực sự đã thay đổi cuộc sống của mình hoàn toàn. Và mình đã trở thành cô giáo dạy piano, còn trước đó là cô giáo dạy Keyboard. Lúc đó mình mới nhận ra là môn piano có một yêu cầu rất cao, cũng như sự chuyên chú trong học tập cũng như nhiều yêu cầu khác. Mình phải dành rất nhiều thời gian cũng như một sự kiên trì rất lớn. Khá vất vả với một người lớn tuổi như mình bắt đầu học âm nhạc hệ chính quy. Vì mình vẫn phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của sinh viên chính quy, tham gia rất nhiều hoạt động, đồng thời cũng phải đáp ứng yêu cầu công tác tại cơ quan, phải duy trì cuộc sống. Lúc đó mình vẫn đang công tác tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương. 

Thật sự mình phải cảm ơn những người Thầy của mình đã trao truyền cho mình nguồn cảm hứng cũng như tạo điều kiện, thông cảm với các hoàn cảnh của người đi học cứng tuổi như mình. Nhưng phương pháp của các Thầy rất tuyệt vời, đã giúp cho mình có thể vừa sắp xếp các công việc, vừa kiên trì, dung nhẫn theo đuổi hết con đường. 

Đến bây giờ mình được dạy lại các bạn học trò ở các lứa tuổi khác nhau, kể các các bạn bắt đầu muộn thì mình rất là hiểu và chia sẻ với các bạn. Không bao giờ là muộn, chỉ cần mình nỗ lực, nghiêm túc, thật sự nghiêm túc thì kể cả ở lứa tuổi cao một chút, mình vẫn có thể theo đuổi được ước mơ của mình.

piano 6

PV: Những người Thầy được Phương Thảo nhắc đến nhiều lần trong con đường âm nhạc của mình. Vậy để chia sẻ với các vị phụ huynh, Phương Thảo nghĩ sao về vai trò của người Thầy đối với việc học nhạc của trẻ?

NS Phương Thảo (cười): Đây là câu hỏi rất quan trọng. Bình thường chúng ta hay nói rằng đứa trẻ này có năng khiếu, đứa trẻ kia có ít năng khiếu hơn, nhưng mà đó chỉ là một phần thôi. Mình may mắn được học rất nhiều thầy giáo giỏi, mà bây giờ mình đi dạy, cũng dạy học được 20 năm rồi thì mình mới nhận ra rằng vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Thầy giáo chính nguồn cảm hứng, nguồn động lực, hơn thế nữa đó chính là điểm tựa để các bạn trẻ có thể yên tâm bước vào khám phá thế giới âm nhạc. Mình nghĩ rằng một người học trò có thể hoàn toàn tin tưởng, yêu quý người thầy của mình thì chắc chắn các bạn sẽ đạt được thành tựu trong con đường học tập của mình. Và chắc chắn những người thầy tâm huyết sẽ luôn tìm cách tốt nhất để trao truyền, khuyến khích để các bạn có thể vững bước tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp của âm nhạc. 

Đây cũng là bí quyết trong giảng dạy. Kể cả người thầy, khi thực sự có niềm tin với học trò của mình thì cho dù trò chưa thực sự xuất sắc, thì người thầy cũng sẽ nhìn vào ưu điểm, không xoáy sâu vào các nhược điểm, lặng lẽ bù đắp các điểm chưa tốt, như vậy cả hai sẽ thu được kết quả tốt. 

PV: Nhắc tới piano, nhiều người cho rằng đây là môn học dành cho con nhà giàu, chi phí mua đàn cũng cao mà chi phí học cũng đắt. Phương Thảo nghĩ sao về quan niệm này? 

NS Phương Thảo (Cười): Thực ra Thảo không nghĩ như vậy đâu. Chi phí mua đàn piano không phải là đắt nhất. Đàn Violin, hay kèn, sáo, bộ hơi cũng khá đắt đỏ. Nói vui vậy chứ tôi nghĩ rằng bất cứ ai cũng có thể học piano nếu mình thực sự có niềm đam mê, có sự kiên nhẫn, quyết tâm và chuyên chú lớn. Tất nhiên thời điểm ban đầu muốn chơi được piano thì phải mua đàn hay theo học một thầy giáo. Các bạn có thể tự học nhưng mình vẫn khuyên rằng các bạn hãy tìm một người thầy được đào tạo bài bản về ngành piano để theo học là tốt nhất. Với các bạn trẻ có đam mê học, mà kinh phí eo hẹp thì cũng có thể học qua nhiều kênh khác nhau, lên trên mạng. Cũng có những chương trình miễn phí của các trung tâm nghệ thuật. Nhưng lý tưởng nhất vẫn là theo học dưới sự hướng dẫn của một thầy cô giáo được đào tạo bài bản.

PV: Với sự mở cửa và hoạt động giao lưu văn hóa càng ngày càng phát triển, nhiều gia đình có điều kiện cho con tham gia các cuộc thi âm nhạc trong nước và quốc tế để học hỏi kinh nghiệm cũng như có được những chứng chỉ bổ sung vào hồ sơ sau này. Phương Thảo có thể cung cấp một số cuộc thi uy tín mà các con có thể tham gia được không?

NS Phương Thảo: Đối với tất các học sinh trong trường, ngoài trường, chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp, đến khi các bạn đạt đến một trình độ nhất định, có thể chơi các tác phẩm có độ khó nhất định, thì mình đều khuyến khích các bạn tham gia các cuộc thi. Ngoài việc các bạn có mục tiêu để nỗ lực một cách chuyên chú và nghiêm cẩn hơn trong học tập, thì các cuộc thi cũng là cơ hội tốt để các bạn được gặp gỡ giao lưu và được biết những bạn đồng trang lứa đang chơi nhạc thế nào. Đó là cơ hội tuyệt vời để giao lưu, học hỏi. Có được giải thưởng thì là nguồn động lực, khuyến khích rất tốt. Còn nếu mình chưa đạt giải thì cũng là cơ hội tốt để trau dồi, bồi dưỡng thêm những gì còn chưa đạt.

Việc chọn những cuộc thi uy tín cũng chiếm vai trò quan trọng. Cuộc thi do đơn vị nào tổ chức? Thành phần giám khảo như thế nào? Có uy tín không? Đã thực hiện được bao nhiêu mùa rồi. Một số đơn vị âm nhạc uy tín như Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam,..

piano 7

PV: Phương Thảo có thể chia sẻ một số hoạt động ươm mầm tài năng trẻ của các đoàn nhạc giao hưởng hiện nay không?

NS Phương Thảo: Theo mình biết, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đang kết hợp với một số đơn vị tổ chức, thành lập Dàn nhạc giao hưởng trẻ, là một sân chơi hữu ích cho các bạn nhỏ yêu thích âm nhạc cổ điển với nhiều nhạc cụ khác nhau. Môt dàn nhạc dành cho các bạn đang học trong Học viện âm nhac, những bạn sinh viên suất sắc, hay các bạn có khả năng chơi nhạc cụ đều có dự tuyển vào. 

Ngoài ra Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Vũ kịch cũng có cuộc thi tuyển chọn Nghệ sĩ Solo nhí, hay thành viên của các dàn nhạc. Đây là các hoạt động rất tốt để phát triển âm nhạc cổ điển.

PV: Xin cảm ơn NS Phương Thảo. Chúc Phương Thảo một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều may mắn.

NS Phương Thảo: Xin cảm ơn Hồ Dung và các quý vị khán giả Trithucvn. Thật sự rất vinh dự với Phương Thảo khi hôm nay trong ngày đầu xuân được trò chuyện về âm nhạc tới quý vị. Nhân dịp năm mới, Phương Thảo xin gửi tới Quý khán giả Trithucvn bản nhạc The Light (Ánh sáng) do Phương Thảo sáng tác và trình diễn. Rất mong muốn tất cả các quý vị sẽ có một năm mới may mắn hạnh phúc, tràn ngập trong những thanh âm tươi đẹp nhất để tất cả chúng ta sẽ có những tháng ngày tích cực bình an và may mắn!

Nhóm PV Trí Thức VN

piano 8

Bình Luận