Nhậm chức Tổng thống Mỹ vào cuối tháng 1/2017, ông Trump lập tức gặp thử thách lớn từ các cuộc biểu tình rầm rộ khắp nước Mỹ chống lại sắc lệnh cấm di trú đối với công dân của 6 nước có đa số dân Hồi giáo. Cho tới những ngày cuối cùng của tháng 12/2017, các cuộc biểu tình của người Hồi giáo đã diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, lần này là để phản đối việc ông Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Những người phê bình có cớ để khẳng định Donald Trump là “thảm họa” của không chỉ nước Mỹ. Tờ Independent trong dịp kỷ niệm 1 năm ngày ông Trump đắc cử thậm chí còn để độc giả bình chọn trực tuyến cho nhận định “Ông Trump không chỉ hủy hoại nước Mỹ”. Vậy thực tế nước Mỹ đã tốt hơn hay tệ đi sau một năm ông Trump làm chủ Nhà Trắng?
Chúng ta không phủ nhận cựu Tổng thống Barack Obama đã có công không nhỏ trong việc đưa kinh tế Mỹ phục hồi trở lại sau cuộc khủng hoảng trầm trọng năm 2008. Tuy nhiên, di sản 8 năm mà vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ để lại cả về đối nội và đối ngoại thực sự là một thử thách không nhỏ cho người kế nhiệm.
Tỷ lệ thất nghiệp vào cuối nhiệm kỳ của ông Obama là 4,7%, trong đó đáng chú ý là tỷ lệ dân số tham gia lực lượng lao động ở mức thấp nhất từ cuối năm 1970. Số việc làm trong ngành sản xuất ở Mỹ đã giảm khoảng 100.000 công việc kể từ khi ông Obama lên cầm quyền. Nền kinh tế vẫn trì trệ với mức tăng trưởng thấp, chỉ hơn 2%. Tổng số nợ công của Mỹ năm 2016 là 19.000 tỷ USD, tăng thêm khoảng 9.000 tỷ USD kể từ khi ông Obama mới nhậm chức. Tỷ lệ nợ trên GDP là rất đáng báo động, đầu nhiệm kỳ tỷ lệ này vào khoảng 50%, tới cuối nhiệm kỳ đã tăng lên 77%.
Trong hai nhiệm kỳ của ông Obama, giá bán lẻ xăng trung bình toàn quốc ở Mỹ có lúc lên tới 4 USD/gallon vào năm 2011, từ mức 1,85 USD/gallon khi ông mới lên cầm quyền. Các chi phí sinh hoạt đều tăng, trong khi mức lương của người lao động gần như không tăng trưởng. Dân Mỹ nghèo đi thấy rõ với biểu hiện là có tới gần 50 triệu người Mỹ, tương đương khoảng 15% dân số, đăng ký trợ cấp thực phẩm (food stamp) vào năm 2016, so với 34 triệu vào lúc ông Obama mới nhậm chức (2009) và chỉ 26 triệu hồi năm 2007.
Trên bình diện quốc tế, vị thế của nước Mỹ suy yếu trước sự vươn lên của Đức và Liên minh Châu Âu ở Đại Tây Dương và Trung Quốc ở Thái Bình Dương, Nga ở Trung Đông. Trong 8 năm cầm quyền, ông Obama để nước Mỹ tiếp tục sa lầy ở Afghanistan, Syria; sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria; Bắc Hàn ngày càng đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa; ký thỏa thuận hạt nhân có lợi cho Iran, gây suy yếu quan hệ đồng minh với Ả Rập Saudi và Israel; để Trung Quốc tự do bành trướng ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Phương châm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” và để thực hiện mục tiêu to lớn này, trong suốt thời gian qua Tổng thống Mỹ đã kiên định chích sách “nước Mỹ trên hết” cả trong đối nội và đối ngoại. Hơn 12 tháng sau những lời hứa tranh cử, ông Trump đã khiến nước Mỹ và Thế giới thay đổi khá nhiều.
Chỉ số Công nghiệp Dow Jones đã tăng gần 29% kể từ Ngày bầu cử 2016. Chỉ số S&P 500 cũng tăng tới 21%.
Sau quý I trì trệ, tăng trưởng kinh tế cũng đã đạt được hơn 3%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,8% trong tháng 1 xuống 4,3% trong tháng 8 và chỉ còn 4,1% vào tháng 11 – tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 17 năm qua.
Thành quả kinh tế ấn tượng này đến từ việc ông Trump đã bãi bỏ hàng loạt quy định kinh tế không phù hợp dưới thời Obama để giải phóng sức sản xuất. Nổi bật là việc “bật đèn xanh” cho hệ thống đường ống dẫn dầu Dakota Access và Keystone XL, lùi thời hạn thực hiện Kế hoạch Năng lượng sạch.
Luật cải tổ thuế mạnh mẽ theo đề xuất của Tổng thống cũng đã được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua phiên bản cuối cùng vào ngày 20/12. Tổng thống Trump đã chính thức ký duyệt luật này vào ngày 22/12, nền kinh tế Mỹ trong thời gian gần sẽ nhận được cú huých tăng trưởng lớn với việc thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh (từ 35% xuống 21%), đồng thời giảm các loại thuế cá nhân, giảm thuế thừa kế, mở rộng tín dụng thuế cho gia đình có trẻ em, giảm thuế đánh lên lợi nhuận ở nước ngoài, hệ thống thuế được đơn giản hóa và tăng gấp đôi khấu trừ tiêu chuẩn. “Cuối cùng thì việc này có nghĩa là gì? Nó nghĩa là việc làm, việc làm, việc làm”, ông Trump phát biểu một ngày sau khi lưỡng viện thông qua luật Thuế mới.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Forbes hôm 14/11, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ tiếp tục theo đuổi việc xóa bỏ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe ObamaCare và sau đó tiếp tục giới thiệu một đạo luật kinh tế khác thúc đẩy kinh doanh được gọi là Luật Ưu đãi Phát triển Kinh tế. Ông Trump hứa sẽ sớm xúc tiến luật cơ sở hạ tầng như cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Kiên định thực thi sắc lệnh cấm di trú để đảm bảo an toàn cho nước Mỹ trước các mối đe dọa khủng bố từ các chiến binh Hồi giáo cực đoan cũng là điểm sáng đáng ghi nhận của chính quyền Trump.
Mặc dù việc thực thi lệnh cấm di trú không hề dễ dàng với ba lần phải sửa đổi sau khi bị các tòa án liên bang phong tỏa, cho tới 4/12, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết cho phép chính quyền Trump thực thi đầy đủ lệnh cấm di trú vào Mỹ đối với công dân của 6 nước có đa số dân Hồi giáo, gồm: Chad, Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen.
Với việc lệnh cấm di trú được áp dụng từ tháng 1, đến tháng 5, tỷ lệ nhập cư trái phép qua biên giới Hoa Kỳ giảm 64% so với năm 2016 và số lượng các vụ bắt giữ người vượt biên trái phép trong tháng cũng giảm 53%. Cho tới tháng 10, số người nhập cư vào Mỹ vẫn tiếp tục giảm. Tổng thống Trump cũng đưa ra hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư trong năm 2017 là 45.000 người – mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Ông Trump giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tăng cường thực thi các luật nhập cư, trong đó có việc dỡ bỏ các thành phố trú ẩn bằng cách đe dọa từ chối cấp ngân sách liên bang. Ông Trump cũng thông báo kế hoạch chấm dứt DACA – lệnh hành pháp của ông Obama nhằm bảo vệ những người nhập cư trẻ khỏi bị trục xuất.
Dự án xây dựng bức tường Mexico đang có những tiến triển khả quan khi cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ hồi cuối tháng 11 đã công bố các nguyên mẫu tường biên giới do một số nhà thầu thiết kế và xây dựng.
Ông Trump đặc biệt tự hào khi bổ nhiệm thành công thẩm phán bảo thủ Neil Gorsuch vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối Cao. Và nửa cuối năm, ông Trump đạt thành công khác trong việc củng cố nhân sự tại Cánh Tây khi điều chuyển thành công Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly – cựu Tướng Thủy quân lục chiến vào vị trí Chánh văn phòng. Ông Kelly dường như đã “dẹp loạn” thành công Nhà Trắng sau nửa đầu năm hỗn loạn nhân sự. Nhiều trợ lý – bao gồm cố vấn an ninh quốc gia Mike Flynn, chiến lược gia trưởng Steve Bannon, Chánh văn phòng Reince Priebus, thư ký báo chí Sean Spicer – đã gia nhập Nhà Trắng ngay từ đầu chính quyền nhưng sau đó đã bị sa thải hoặc từ chức. Đáng chú ý như ông Anthony Scaramucci chỉ làm việc tại văn phòng đúng 10 ngày.
Tổng thống Mỹ cũng thành công trong việc thuyết phục Quốc hội phê duyệt ngân sách quốc phòng hơn 700 tỷ USD cho năm 2017. Ông đã thông qua được Đạo luật Trách nhiệm Cựu chiến binh, góp phần tri ân những cựu lính Mỹ có công với nước – một đạo luật quan trọng mà các chính quyền tiền nhiệm không thể thông qua.
Trên bình diện quốc tế, với ba chuyến công du nước ngoài khắp Âu – Á, ông Trump đã lấy lại vị thế hàng đầu của nước Mỹ trong các sự vụ toàn cầu. Tổng thống Mỹ đã củng cố quan hệ đồng minh chặt chẽ hơn với các nước Israel, Ả Rập Saudi, Jordan… ở Trung Đông; Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines ở Đông Á; cũng như Úc và Ấn Độ. Trong các chuyến công du này, ông Trump cũng ký kết được các thỏa thuận kinh tế hàng trăm triệu USD, mang về cho các công ty Mỹ và lao động Mỹ hàng triệu việc làm mới. Tại Ả Rập Saudi hôm 20/5, Tổng thống Mỹ và Quốc Vương Salman đã ký kết hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 350 tỷ USD trong vòng 10 năm, với thương vụ 110 tỷ USD sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Hành trình trở về Washington của Tổng thống Trump sau 12 ngày công du qua 5 nước Châu Á hồi đầu tháng 11 là các thỏa thuận thương mại trị giá khoảng 300 tỷ USD, trong đó có hơn 250 tỷ USD từ Trung Quốc, 12 tỷ USD từ Việt Nam, cùng hàng loạt các lời hứa mua vũ khí của Mỹ từ các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.
Trong các mối quan hệ đa phương, trên cơ sở chiến lược “nước Mỹ trên hết”, ông Trump đã rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris và Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại NAFTA (Khối thương mại Bắc Mỹ). Tổng thống Mỹ kiên định bảo vệ đồng minh Israel bằng cách cùng nước này rút khỏi Tổ chức Văn hóa & Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) khi cho rằng cơ quan này có thành kiến với nhà nước Do Thái. Ông Trump cũng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, một sự thật lịch sử, bất chấp sự phản đối của thế giới Hồi giáo và cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, quân Mỹ cùng Iraq đã chính thức đánh bại IS. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 9/12 đã phát đi tuyên bố cuộc chiến chống IS đã kết thúc. Đúng như ông Trump đã nói với Forbes hôm 14/11, “trong 9 tháng, Mỹ đã đạt được nhiều điều hơn 9 năm” trong cuộc chiến với IS.
Những gì ông Trump làm được trong một năm tại nhiệm không được ghi nhận từ Đảng Dân chủ, cùng đa số các kênh truyền thông lớn tại Mỹ. Đó là vấn đề nội địa gây thách thức lớn nhất đối với vị tân Tổng thống.
Suốt một năm qua, phe Dân chủ vẫn liên tục xoáy vào cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ và khả năng có sự thông đồng với đội ngũ của ông Trump. Những bản cáo trạng đầu tiên đã được Biện lý đặc biệt Robert Muller đưa ra vào tháng 11, nhưng vẫn chưa có bất kỳ kết luận nào khẳng định việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và có thông đồng với chiến dịch của ông Trump. Tổng thống Mỹ và những người ủng hộ ông vẫn chỉ coi đây là “một cuộc đi săn phù thủy”.
Sở dĩ cuộc điều tra này liên tục là điểm nóng trong dư luận Mỹ cả năm qua là do các kênh truyền thông chống Trump tập trung khai thác thông tin quá đà. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu Pew, ông Trump là Tổng thống bị báo giới vùi dập nhiều nhất trong vòng 25 năm qua. Việc Tổng thống Mỹ đương nhiệm gọi đây là “Truyền thông Tin giả” (Fake News) không phải là thiếu cơ sở khi càng về cuối năm, các tờ báo lớn như Washington Post, ABC News và CNN càng bị phanh phui nhiều các vụ đưa tin sai sự thật. Các hãng thông tấn lớn của Mỹ này đã buộc phải cải chính và chính thức xin lỗi Tổng thống Trump do cách làm thiếu trách nhiệm của mình.
Thách thức lớn nhất của ông Trump lúc này là mối de dọa hạt nhân từ Bắc Hàn. Trong suốt một năm qua, chế độ Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm một vụ nổ hạt nhân và phóng 23 tên lửa đạn đạo trong 16 lần thử nghiệm, trong đó có hai lần bắn tên lửa qua bầu trời miền bắc Nhật Bản – đồng minh thân cận của Mỹ. Ông Trump đã sử dụng nhiều phương thức để đối phó với chính quyền Kim Jong-un từ đe dọa quân sự, tăng cường áp đặt lệnh trừng phạt quốc tế, liệt Bắc Hàn vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố, mở các kênh ngoại giao bí mật và thúc giục Trung Quốc – đồng minh lớn nhất của Bắc Hàn gây sức ép trực tiếp… nhưng viễn cảnh phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn ngày càng xa vời. Đã có khẩu chiến gay gắt, khiêu khích hạt nhân, tập trận quy mô lớn… căng thẳng hạt nhân Bắc Hàn chỉ còn thiếu nước cuối cùng là chiến tranh.
Ông Trump sẽ còn rất nhiều việc để làm trong cả hoạt động đối nội và đối ngoại cho năm 2018. Phía trước Tổng thống Mỹ là thử thách ObamaCare, tường biên giới Mexico, cuộc điều tra Nga, bầu cử Quốc hội, thương mại với Trung Quốc, vấn đề hạt nhân của cả Iran và Bắc Hàn. Nhưng như Phó Tổng thống Mike Pence có viết trên tờ USA Today nhân kỷ niệm ngày ông Trump đắc cử rằng: “Đó là một năm thành công, và chúng tôi chỉ mới bắt đầu. Với sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, tôi biết: Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.