Thứ Bảy, 03/03/2018
Hàng nghìn người tiếp tục chen lấn, vái vọng… cúng sao giải hạn Mặc dù việc cúng sao giải hạn không được thừa nhận trong giáo lý Phật giáo khi đi ngược với giáo lý về luật nhân – quả, song việc cúng lễ vẫn được diễn ra công khai từ nhiều năm qua.
Chùa Hà, đền Quán Thánh, chùa Bà Đá và tổ đình Phúc Khánh là bốn điểm tổ chức lễ cúng sao giải hạn lớn nhất tại Hà Nội. Việc làm lễ “đăng sao cầu bình an cho các gia đình” được nhà chùa tiến hành với chi phí có thể lên tới vài trăm cho tới tiền triệu.
Tình trạng chen lấn khi xin lộc vẫn tiếp tục xảy ra. Những gương mặt lo lắng, thất thần hay ưu tư vẫn bắt gặp trong đám đông hàng nghìn người đang chờ đợi một buổi lễ cúng sao, giải hạn, cần tai qua nạn khỏi, phát tài, dù trước đó, đã có ý kiến của một vị Thượng tọa cho hay việc tổ chức cúng sao giải hạn là mê tín dị đoan, được hình thành dựa trên nỗi lo lắng của người dân.Tối 15 tháng Giêng (2/3), tổ đình Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) tiếp tục mở lễ cúng giải hạn. Hàng nghìn người theo lịch báo trước đã tới cúng để “khóa” sao Thái Bạch. Mặc dù theo lịch có 3 buổi cúng, ngày 8, 15 và 18 tháng Giêng, song tối 14 – trước ngày Rằm tháng Giêng, nhiều người đã tới cúng sao giải hạn, tăng số buổi lên thành 4 buổi. Một cảnh trước giờ cúng lễ. Một góc khác, những người mới đến tiếp tục tìm chỗ ngồi trong khu vực đã được lực lượng an ninh định sẵn theo các lần cúng lễ trước. Từ khoảng 18h, khu vực tiến hành cúng lễ chiếm khoảng 1/3 lòng đường (gồm cả vỉa hè). Dòng xe lưu thông từ hướng Văn Miếu về khu vực Ngã Tư Sở, phía dưới chân cầu vượt bị ùn ứ. Khu vực đi nhỏ hẹp khiến ô tô buộc phải đi chậm khiến tình trạng giao thông trở nên khó khăn hơn. Một vài lái xe máy phàn nàn về tình trạng cúng bái tràn ra lòng đường gây ách tắc giao thông. Trong khu vực cầu cúng, mỗi chiếc ghế được mời thuê với giá 10.000 đồng/người. Giá gửi xe 20.000 đồng/chiếc. Đây là hoạt động kinh doanh tự phát. Người dân tới cúng phải tự thuê ghế, tự sắp xếp chỗ ngồi trong khu vực đã được lực lượng an ninh khoanh lại. Công an, bộ đội, dân phòng, cảnh sát chữa cháy…. được huy động tới khu vực cúng lễ, tạo thành những hàng rào người đứng bọc bên ngoài và dọc thành cầu vượt phía đối diện với cổng tổ đình (để ngăn người dân không đứng trên thành cầu vái vọng sang khiến giao thông ách tắc). Tối 1/3, gần 1.000 công an, cảnh sát cơ động, dân phòng, thanh tra giao thông được huy động để bảo vệ ba vòng xung quanh ngôi chùa này trong buổi lễ cầu an. Tới khoảng 19h, toàn bộ khu vực bị ngăn để làm lễ. Hàng rào chắn được dựng lên, dẫn toàn bộ xe lưu thông từ hướng Văn Miếu đi lên cầu vượt. Những xe đi hướng Văn Miếu – Láng buộc phải lên cầu ra đường Nguyễn Trãi rồi quay đầu trở lại khu vực ngã tư dưới gầm cầu mới sang được đường Láng. Từ trước 19h, tiếng cầu cúng sao giải hạn bắt đầu được phát qua loa. Hàng ngàn người bên ngoài chắp tay cầu cúng. Một người đàn ông ngồi thẳng xuống nền đường, niệm cầu. Người dân cho hay từ trước buổi lễ đã tới đăng ký dự lễ khóa sao. Trong khuôn viên nhà chùa, các cột dán những bảng tính sao chiếu mệnh để người dân tiện tìm kiếm sao chiếu mệnh của mình và người thân. Sau khi tìm được sao chiếu mệnh, mỗi người được nhà chùa phát một tờ giấy để ghi tên tuổi, địa chỉ, bị sao nào chiếu mệnh. Lệ phí giải hạn là 150.000 đồng/người, lệ phí cầu an khoảng 100.000 đồng/người. Nhiều người đăng ký cho mình và người thân, nên tiền dâng sao giải hạn và cầu an lên đến vài trăm, chưa kể tiền sắm lễ, công đức. Không chỉ người trung tuổi, rất nhiều người trẻ có mặt tại buổi cúng sao giải hạn. Dù không được vào bên trong, khi tiếng chuông, mõ vang lên, tất cả đều chắm tay hướng về phía cổng đình, khấn vái. Theo quan niệm đang phổ biến hiện nay, mỗi người mỗi năm có một ngôi sao chiếu mệnh. Nếu bị trúng 3 sao La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch, thì năm đó bị coi là năm hạn, cần đi cúng sao, giải hạn, tai qua nạn khỏi, hay thậm chí là phát tài. Một người đàn ông dựng vội chiếc xe trên thành cầu, chắp tay khấn vái rồi lại lên xe đi tiếp. Ngoài khu vực hành lễ, những rào chắn được dựng lên ngăn cách người tham gia cầu cúng với dòng người đang lưu thông bên ngoài Lễ gia lộc được nhà chùa chuẩn bị sẵn bên ngoài, gồm oản và chuối. Chuối được sắp để gia lộc cho người tới cúng sao giải hạn sau khi buổi lễ kết thúc. Một phụ nữ được phân công phát lễ chắp tay vái vọng, cầu khấn từ xa. Người phụ nữ bán hàng rong ăn chung chiếc bánh mì cùng đứa con nhỏ bên vỉa hè.
[ad1]20h, buổi lễ kết thúc. Hàng nghìn người chen chân ra về, tràn xuống lòng đường do một đoạn vỉa hè đã trở thành nơi phát lộc, trông giữ xe máy, xe đạp. Một thanh niên giơ cao chiếc ghế lên đầu để len qua dòng người. Lộc oản, chuối. Một chiếc ghế đựng đầy lộc oản, chuối. Dù đã chuẩn bị sẵn nhiều bàn phát lộc, chiếc bàn phát lộc gần khu vực cúng nhất vẫn xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, cự cãi, dù cách đó chỉ vài bước chân, các bàn phát lộc đều thưa người. Chỉ tính riêng tổ đình Phúc Khánh, dù các lễ cúng sao giải hạn đã được tiến hành tới buổi thứ 3, số lượng người đến đăng ký, tham dự vẫn không hề giảm. Hình ảnh đường phố trong một buổi lễ cầu an. Với vỉa hè bị chiếm dụng, giao thông hỗn loạn, ách tắc, người đi bộ đi tràn xuống lòng đường, liệu có thể tìm thấy chữ “an”?
Nghinh Xuân
Ảnh: Sơn Vũ, Nghinh Xuân
Xem thêm: