Dùng bằng giả của trường ĐH Đông Đô: Có cả học viên, nghiên cứu sinh ở trường top đầu
- Nguyễn Quân
- •
Nghiên cứu sinh, học viên cao học của hơn 20 trường ĐH trên cả nước đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô làm điều kiện tuyển sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, trong đó có nhiều người đang theo học tại các trường thuộc top đầu.
Theo danh sách vừa được truyền thông trong nước công bố, ĐH Quốc gia Hà Nội có 5 trường hợp dùng bằng giả do Trường ĐH Đông Đô cấp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 8 trường hợp, Học viện Báo chí – Tuyên truyền có 4 trường hợp, ĐH Huế có 4 trường hợp.
Ngoài ra, 2 giảng viên của Trường ĐH Luật (thuộc ĐH Huế) đã trúng tuyển năm 2018 vào lớp Ngôn ngữ Anh văn bằng 2 của trường ĐH Đông Đô, 1 giảng viên của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng trúng tuyển vào lớp Ngôn ngữ Anh văn bằng 2 này.
Một trường hợp tại TPHCM sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô nộp hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ tại một trường ĐH công lập tại TPHCM.
Đại diện của ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết trường không công nhận văn bằng đối với những trường hợp dùng văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Đông Đô. Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm cho biết chờ quyết định của cấp có thẩm quyền để xử lý các trường hợp sai phạm.
- 55 người đã sử dụng bằng giả do Đại học Đông Đô cấp để làm tiến sỹ
- Nghi vấn liên quan vụ bằng giả tại ĐH Đông Đô: Bộ GD-ĐT càng giải thích càng khó hiểu
Trước đó, VKSND tối cao đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô.
Hiện trong số 193 bằng giả đã cấp, Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an mới thu giữ 67 bằng gốc, còn 126 bằng chưa thu hồi để xử lý.
Trong 60 trường hợp sử dụng bằng giả, hiện mới xác định được 25 trường hợp (trong đó 22 trường hợp đã rút hồ sơ và dừng chương trình nghiên cứu sinh khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, 1 trường hợp xin thôi học Thạc sĩ, 1 trường hợp xin rút kết quả thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp công chức đã nghỉ việc). Do đó, còn 35 trường hợp cần xác định rõ đã sử dụng bằng giả như thế nào để yêu cầu xử lý.
Ngoài ra, theo VKSND tối cao, cần lập danh sách cụ thể số học viên được cấp bằng giả đã nộp học phí, xác định tổng số tiền học phí đã thu, tổng số tiền đã chi, để từ đó có căn cứ xác định việc thu lợi bất chính từ việc cấp bằng không qua đào tạo. Cơ quan điều tra mới xác định được 16 trường hợp nộp học phí với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Trường ĐH Đông Đô: Chủ tịch HĐQT bỏ trốn có tài khoản hơn 76.000 USD
Từ khóa nghiên cứu sinh tiến sĩ trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả