“Không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực, chia chác nguồn lực của đất nước…” – ông Lưu Bình Nhưỡng nói trên tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi đưa ra những góp ý, kiến nghị cho Quốc hội nhiệm kỳ tiếp theo.

luu binh nhuong
Ông Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH Bến Tre) trong một phiên thảo luận tại Quốc hội, hồi tháng 1/2021. (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng 26/3, trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội chỉ ra nhiều bất cập đối với hai hoạt động chính của Quốc hội khóa 14 – hoạt động lập pháp và giám sát – trước khi Quốc hội chuyển sang nhiệm kỳ tiếp theo.

Một số dự án luật có dấu hiệu “lobby”, lợi ích nhóm

Ông Nhưỡng nhận định lập pháp là “trách nhiệm của Quốc hội”. Tuy nhiên, còn tồn tại một số vấn đề mà theo ông Nhưỡng, “không thể không đề cập đến”.

Thứ nhất, ngoài việc chậm trễ trong việc chuẩn bị và chuyển hồ sơ các dự án luật, vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp, có dự án luật gây bức xúc trong dư luận. Có dự án luật chưa đánh giá đầy đủ, sâu sắc tác động kinh tế xã hội, bối cảnh trong nước và quốc tế, không lường hết hậu quả trước mắt và lâu dài của quy định.

“Ví dụ như quy định đưa phạm nhân ra ngoài doanh nghiệp, bổ sung một lực lượng an ninh trật tự cơ sở hàng triệu người, không tính đến khó khăn chồng chất tính khả thi của luật, tương quan lực lượng các lĩnh vực và giải pháp chính sách cho lực lượng công an xã đã và đang ở quy định hiện hành”, ông Nhưỡng đưa ra dẫn chứng.

Thứ hai, còn nhiều sơ hở trong việc thẩm tra, thẩm định các dự án luật. “Một số dự án chất lượng chưa cao, để lọt lưới những chính sách không phù hợp, có dấu hiệu của “lobby” không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật” – ông Nhưỡng nói.

Thứ ba, “năng lực phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật của một số ĐBQH chưa đáp ứng yêu cầu của một chính khách nhà nước, thậm chí còn tình trạng dễ dãi, dĩ hòa vi quý để bấm nút thông qua luật một cách cảm tính, chứ chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu, thể hiện được quan điểm và trách nhiệm xây dựng luật pháp trước nhân dân”.

Quốc hội “dường như đang cố ý né tránh” những vụ việc nổi cộm

Đối với hoạt động giám sát, ông Nhưỡng cho hay việc này đã được nêu rõ là “nhiệm vụ trọng tâm”, bao gồm giám sát từ những vấn đề kinh tế – xã hội, văn hóa, quốc phòng – an ninh, tư pháp, đến giải quyết kiến nghị cử tri, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, việc giám sát của Quốc hội “vẫn chưa toàn diện, còn lĩnh vực bị bỏ ngỏ”, như lĩnh vực dân tộc thiểu số, miền núi chưa được Quốc hội giám sát tối cao, làm cơ sở hoạch định chính sách pháp luật tương xứng vị trí, vai trò, tiềm năng, cũng như sự tổn thương của khu vực dân tộc miền núi, trong khi các giám sát bậc thấp không thể bao quát và giúp Quốc hội đánh giá đầy đủ nhất về vấn đề này.

Ngoài ra, Quốc hội chưa được thực hiện ở những vụ việc lớn, nổi cộm, bức xúc dư luận. Ông Nhưỡng dẫn ý kiến của cử tri cho rằng cơ quan của Quốc hội “dường như đang cố ý né tránh, bàng quan trước thực tại hiện hữu”. 

Chưa kể, còn tình trạng có ĐBQH không thực hiện đúng quy định của pháp luật về giám sát, nhầm lẫn trong thực hiện vai trò đại biểu ở lĩnh vực này, trong khi Quốc hội chưa có cơ chế xác định bổn phận và trách nhiệm đối với hoạt động này.

Đáng lưu ý, ông Nhưỡng cho rằng Quốc hội khóa 14 “chưa có cơ chế pháp lý bảo đảm thực hiện kiến nghị của ĐBQH khi ĐBQH không tiếp tục tham gia ứng cử, về nghỉ chế độ hoặc các lý do khác trong công tác cán bộ, v.v… nhất là đối với các vụ việc, nội dung kiến nghị phải đảm bảo giải quyết trong một thời gian dài, chưa kết thúc”.

‘Không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích’

Trước những tồn tại nêu trên, ông Nhưỡng đưa ra 4 kiến nghị cho Quốc hội nhiệm kỳ tiếp theo.

Trong đó, thứ nhất, Quốc hội cần đề xuất các giải pháp để “tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả của giám sát Quốc hội, Hội đồng nhân dân”.

Thứ hai, “Quốc hội cần xây dựng là một Quốc hội nhân văn“, không chỉ là một trung tâm quyền lực mà còn là một trung tâm dân chủ và đoàn kết của quốc gia của dân tộc.

Thứ ba, “Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân. Đặc biệt, không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực, chia chác nguồn lực của đất nước. Cần cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực bằng thể chế”.

Thứ bốn, ông Nhưỡng cho hay Quốc hội cần trên tư cách đại diện cho quyền lợi của người dân để đào tạo cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là đào tạo người minh chủ của quốc gia.

“Ông bà thấy việc lấy phiếu tín nhiệm có thực chất không?”

Cũng trong sáng 26/3, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đưa ra ý kiến đáng chú ý về việc lấy phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ Quốc hội.

Theo bà Mai, đây có lẽ là hoạt động được người dân kỳ vọng, cũng là thước đo trong đánh giá cán bộ; và hoạt động này chỉ mang ý nghĩa thiết thực khi nó không bị ảnh hưởng bởi tính hình thức.

“Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nhận được những câu hỏi của người dân, rằng ông bà có thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là mang tính thực chất hay không.” – bà Mai nêu vấn đề.

Bà Mai cho hay việc để 3 mức – tín nhiệm, tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp – “có thể đề cao tính nhân văn, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong việc đánh giá” khi khó lượng hóa, khó so sánh trong việc đánh giá kết quả giữa các người, giữa những đối tượng được lấy phiếu xin ý kiến.

Ngoài ra, bà Mai nêu ý kiến việc lấy phiếu tín nhiệm 1 lần một nhiệm kỳ chưa đủ để đánh giá, do vậy, nên cân nhắc thực hiện việc đánh giá tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

https://trithucvn2.net/tin-tuc-vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-co-quoc-tich-sip-mot-ca-nhan-co-lam-nen-sai-pham.html