Lần đầu tiên, một triển lãm các bộ phận cơ thể và xác người thật đang diễn ra tại một nhà văn hóa dành cho giới trẻ Việt Nam. Việc cấp phép cho loại triển lãm này xuất hiện giữa trung tâm thành phố lớn nhất nước trong gần 6 tháng liên tiếp đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” (Mystery of Human Body) diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM từ 21/6 đến 31/12/2018, do Công ty Mega Vina phối hợp với Nhà văn hóa Thanh niên tổ chức, được Sở VH-TT TP.HCM cấp phép. Theo quảng bá của nhà tổ chức, đây là một triển lãm gây kinh ngạc, thu hút 40 triệu người tại 60 thành phố trên khắp thế giới, mang đến nội dung có tính giáo dục và đưa ra bí quyết của một cuộc sống khỏe mạnh.
Được biết, “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” chỉ là một trong hàng chục các triển lãm tương tự được tổ chức tại nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng được gọi chung là triển lãm cơ thể người, sử dụng chung một công nghệ để nhựa hóa một phần hoặc toàn bộ thi thể của một người thật và chặn đứng quá trình phân hủy.
Mặc dù các triển lãm cơ thể người thu hút được rất nhiều khách tham quan, nhưng cũng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là vì nó đi ngược lại các quy tắc đạo đức của con người. Năm 2010, Tòa án Tối cao Pháp đã tuyên bố các triển lãm này là trái pháp luật vì chúng đi ngược lại với tiêu chí văn minh của nước Pháp là: “Di thể của người đã khuất cần phải được đối xử kính cẩn, tôn trọng và đứng đắn” (Theo đài France 24). Tòa án Tối cao Israel cũng tuyên bố triển lãm cơ thể người là “phỉ báng sự tưởng nhớ tới người đã khuất” (Theo tờ Jerusalem Post). Tại một số thành phố của Mỹ như Hawaii, Seattle, các triển lãm này đã bị cấm. Các triển lãm này cũng bị cấm tại Czech và bị tẩy chay tại Úc.
Ở Việt Nam, “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” đã bị từ chối cấp phép tại Hà Nội. Trả lời báo Thanh Niên, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm thuộc Bộ VH-TT-DL, cho biết:
“Chúng tôi đã xem và thấy nó rất ghê rợn cũng như phản cảm về hiệu ứng thị giác. Vì thế, tôi trả lời triển lãm này không thể trưng bày ở Hà Nội được, trừ khi các anh bày trong trường đại học y khoa, phục vụ cho sinh viên nghiên cứu hoặc xem xét một số vấn đề về giải phẫu. Tôi cũng nói thẳng thắn với họ về việc triển lãm có thể gây cảm giác kinh sợ cho người xem. Họ nói với tôi là loại triển lãm này được nhiều nước cho trưng bày, nhưng tôi cũng biết là nhiều nước đã tẩy chay, như vừa rồi ở Úc người ta đã tẩy chay.”
Phần trả lời của ông Vi Kiến Thành về việc giới hạn loại triển lãm này trong các trường đại học y khoa, khiến chúng ta phải nhìn nhận lại một cách thực tế về thông điệp quảng cáo “vì khoa học và giáo dục” của nó.
Nếu nói là mục đích cao thượng, thì trước tiên, cần khẳng định rằng các triển lãm này không phải là các triển lãm phi lợi nhuận. Với số lượng khách tham quan lên đến hàng chục triệu người tại nhiều quốc gia, thì nguồn thu từ các triển lãm này có thể lên tới hàng trăm triệu, thậm chí đạt mức tỷ USD. Đây là một khoản lợi nhuận khổng lồ. Như vậy đây không chỉ là hoạt động thuần túy vì khoa học hay giáo dục, mà là một hình thức kinh doanh thi thể người đã khuất, biến xác người thành hàng hóa thương mại.
Nếu nói là nhằm cung cấp công nghệ mới phục vụ cho giáo dục, thì chia sẻ về vấn đề này, TS. Tạ Quang Hùng, Khoa CNTT, Đại học Hà Nội cho biết:
“Với sự phát triển của công nghệ VR (thực tại ảo) và AR (thực tế ảo tăng cường) thì những ứng dụng triển khai mô phỏng cho hệ thống đào tạo y tế và giải phẫu học phát triển rất mạnh. Những ứng dụng này cho phép sinh viên học giải phẫu cơ thể người hoặc động vật như thật, thậm chí có thể tạo ra cảm giác, âm thanh giống như đang chạm vào cơ thể sống.”
TS. Tạ Quang Hùng cũng đưa ra một số ví dụ về các ứng dụng giải phẫu này như: Anatomy ARVR, HeARt, 3D4Medical Lab, POV Virtual Reality Anatomy Learning, v.v.. Không chỉ các công nghệ máy quét, chụp, dựng 3D phát triển, mà cả các công nghệ in 3D cũng hoàn toàn có khả năng tạo ra các mô hình cơ thể người phục vụ cho mục đích giáo dục. Chính vì thế, việc lấy thi thể người thật để nhựa hóa, xâm phạm vào thi thể người đã khuất, coi nó như một công nghệ mới để phục vụ cho giáo dục là một điều không cần thiết và thật khó lý giải.
Nếu nói là để cung cấp kiến thức về sức khỏe thì đã có rất nhiều nghiên cứu, báo cáo, hình ảnh và phim tài liệu để cảnh báo con người về tác hại của thuốc lá hay bia rượu. Ngay trên mỗi bao thuốc lá đều có chữ và hình ảnh cảnh báo. Vậy liệu có thật sự cần thiết đến mức lấy lá phổi của người thật ra, nhựa hóa nó và trưng bày để “bật mí” bí quyết sống khỏe mạnh hay không?
Thậm chí nếu triển lãm này có mở cửa dành riêng cho sinh viên y khoa thì vẫn còn rất nhiều điều cần phải bàn tới. Được biết, tính đến tháng 2 năm 2015, trường Đại học Y Dược TP.HCM đã tiếp nhận 23.850 trường hợp tự nguyện hiến thi hài. Mỗi thi hài đều trải qua làm lễ cẩn thận, tụng kinh cầu siêu, trước khi xử lý phẫu tích, ngâm formol, v.v.. Như vậy là các tấm lòng thiện lương thầm lặng đã cung cấp nguồn tư liệu học tập và nghiên cứu đầy đủ cho các sinh viên và giáo viên y khoa. Hàng năm, các sinh viên y khoa trên cả nước đều tổ chức lễ Macchabée, là ngày lễ lớn tri ân những người hiến thi hài cho khoa học. Thầy cô giáo và sinh viên y khoa đều bày tỏ lòng biết ơn tới những “người thầy im lặng”, những người đã dùng chính thi hài của mình để giúp dạy dỗ các sinh viên.
Trái ngược với tâm thái đó, các triển lãm cơ thể người dùng thi hài người hiến tặng cho mục đích lợi nhuận. Thậm chí với danh nghĩa khoa học và giáo dục, tại một số triển lãm cơ thể người khác trên thế giới, người ta còn có gian phòng riêng, dùng để trưng bày các thi thể này trong tư thế quan hệ tình dục (đơn cử như triển lãm Body Worlds). Liệu những người hiến tặng thi thể của mình cho khoa học có được thông báo đầy đủ rằng sau khi chết, thi thể của họ sẽ bị đưa vào tư thế lố bịch như vậy để trưng bày cho hàng chục triệu người trên khắp thế giới xem?
Thực chất, tâm thái của người đến xem triển lãm là gì? Với những thông tin quảng cáo như “Sự bí ẩn đặc biệt”, “Bí quyết… được bật mí”, v.v. thì điều rõ ràng là để thỏa mãn sự tò mò của người xem, đặc biệt là các bạn trẻ vì phần lớn các bạn đều chưa có đủ vốn sống và kiến thức để đánh giá sự việc này và đối chiếu nó với đời sống văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc Việt.
Trong văn hóa truyền thống của người Việt, những sự việc liên quan tới người đã khuất luôn được ứng xử một cách thận trọng và kính cẩn nhất, từ việc tắm rửa sạch sẽ, nhập quan, di quan, hỏa táng, mai táng, v.v.. Thậm chí việc quan tài bị lệch, bị đổ, đối với người thân quen của người đã khuất mà nói là một điều không thể chấp nhận. Vậy mà tại đây, người ta sẵn sàng chặt tay, chân, đầu, tách các bộ phận nội tạng cơ thể, xẻ làm đôi, làm tư các thi thể ra để trưng bày như một thứ hàng hóa. Việc đó cách quá xa văn hóa truyền thống của người Việt.
Hơn nữa, trong các triển lãm này, kể cả “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người”, đều có sự xuất hiện của các thi thể là thai phụ và thai nhi – những sinh mệnh được xã hội ưu ái nhất. Điều này khiến người ta không thể không đặt nhiều dấu hỏi: Những thi thể này tới từ đâu? Người thân nào sẽ hiến tặng thi thể của thai phụ và thai nhi cho khoa học? Có người mẹ nào sẽ ký giấy hiến tặng cả thi thể của mình và con mình sau khi chết? Và việc hiến tặng thi thể người khác – dù đó là con mình – có hợp pháp không?
Khi được báo Thanh Niên hỏi về vấn đề triển lãm những xác người thật là không phù hợp với văn hóa nước ta, ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc thường trực Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM, đơn vị cấp phép cho triển lãm, cho biết hồ sơ xin cấp phép của triển lãm có ghi chất liệu mẫu vật là nhựa, còn “nếu sự thật có quy trình làm từ xác người thật thì lại là chuyện khác, chúng tôi sẽ kiểm tra lại”. Rõ ràng đã có sự đánh tráo khái niệm khi xin cấp phép cho triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người”.
Nhưng sự việc này không chỉ là vấn đề luật pháp. Điều đáng quan ngại nhất là liệu việc tiếp xúc với những xác người này thành quen có khiến cho người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ trở nên chai lỳ và vô cảm trước sinh mệnh con người hay không?
Ở một phương diện nào đó, việc lưu trữ và triển lãm số lượng lớn thi thể người thật này cũng giống như đem một nghĩa trang di động đi vòng quanh thế giới, chỉ có sự khác biệt là những người đã khuất này không được chôn cất tử tế và kính trọng, vong linh chắc hẳn cũng khó lòng yên nghỉ. Vậy mà với sự cấp phép của Sở VH-TT TP.HCM và sự đồng ý của Nhà Văn hóa Thanh niên, “nghĩa trang” oan khuất đó đang nghiễm nhiên tọa lạc ngay tại trung tâm của thành phố, thu tiền và chà đạp lên các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
Minh Huy
Theo dòng tin tức về triển lãm cơ thể người: