Triển lãm Cơ thể người, thực chất là triển lãm thi thể người, là một cuộc triển lãm gây ra rất nhiều tranh cãi tại nhiều quốc gia trên thế giới vì nguồn gốc và tính minh bạch của các thi thể người đang được sử dụng. Độc giả quan tâm có thể xem bài viết: Triển lãm thân thể người nhựa hóa, sự tàn nhẫn đến cùng cực.

Đặc biệt, trong các triển lãm cơ thể người này có sự xuất hiện của các thi thể phụ nữ mang thai, và trẻ sơ sinh hoặc thai nhi. Về mặt đạo đức mà nói, có người chồng nào nhẫn tâm hiến thi thể của vợ và đứa con chưa sinh của mình để trưng bày “vì mục đích khoa học”? Và có bố mẹ nào nhẫn tâm hiến thi thể đứa bé sơ sinh của mình để phô ra trong tủ kính? Chưa nói đến việc hiến thi thể của con không phải là quyền hợp pháp của bố mẹ.

đóng cửa triển lãm thi thể người, triển lãm cơ thể người, nhựa hóa cơ thể

đóng cửa triển lãm thi thể người, triển lãm cơ thể người, nhựa hóa cơ thể
Các thi thể đáng đặt dấu hỏi nhất xuất hiện bên trong Triển lãm Cơ thể người.

Mới đây nhất, sau khi một trong những cuộc triển lãm này được tổ chức tại Sydney, giới trí thức nước này, bao gồm luật sư, học giả, nhà hoạt động đạo đức và nhân quyền thuộc tổ chức Liên minh Thế giới Chống Lạm dụng Cấy ghép tại Trung Quốc (ETAC) đã gửi thư ngỏ tới chính phủ Úc, yêu cầu đóng cửa triển lãm.

Dưới đây xin chia sẻ lại toàn văn thư ngỏ, có nêu rõ nguyên nhân và nguồn gốc của các thi thể này.

*******

Thư ngỏ gửi tới ngài Thủ tướng, các lãnh đạo đối lập, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Y tế bang New South Wales.

Thưa ngài Thủ tướng, ngài Shorten, Bộ trưởng Bishop, Bộ trưởng Hunt, và Bộ trưởng Hazzard,

Hiệp hội tại Úc của Liên minh Thế giới Chống Lạm dụng Cấy ghép tại Trung Quốc (ETAC) mong muốn các ngài hãy chú ý tới Triển lãm Cơ thể người (Real Bodies – The Exhibition) hiện đang được tổ chức tại sảnh Byron Kennedy Hall tại Entertainment Quarter, công viên Moore, Sydney. Chúng tôi cấp bách yêu cầu các ngài hành động ngay lập tức nhằm đóng cửa triển lãm này.

Triển lãm Cơ thể người (Real Bodies – The Exhibition) là một hoạt động kinh doanh có lợi nhuận, đi tour khắp toàn thế giới, triển lãm các thi thể bị nhựa hóa và lột da, tạo hình các thi thể một cách lố bịch, cùng với các mẫu vật nội tạng được nhựa hóa.

Các bác sĩ, nhà hoạt động đạo đức, luật sư và nhà hoạt động nhân quyền tại ETAC đã rất lo ngại về nguồn gốc của các thi thể được sử dụng trong triển lãm. Các triển lãm loại này được cho là đã lấy nguồn thi thể từ những người vô danh tính bị chết trong các bệnh viện mà không có người nhận, được mua lại bởi Cục Công an Trung Quốc. Tuy nhiên việc thi thể của những người này “không có người nhận” là không thực tế, bởi vì theo điều luật và nguyên tắc giải phẫu được Bộ Y tế Trung Quốc đưa ra vào ngày 22/2/1979, các thi thể chỉ có thể được liệt vào loại “không có người nhận” sau 30 ngày. Trong khi đó, việc nhựa hóa, bao gồm việc sử dụng silicon, epoxy, cùng các hỗn hợp polymer khác để thay thế chất lỏng trong cơ thể con người, phải được thực hiện trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau khi chết. Chính vì thế người ta không nhựa hóa thi thể của một người đã chết 30 ngày.

Chú thích dưới bài, kèm tài liệu tham khảo: Một thi thể 30 ngày vẫn có thể được nhựa hóa. Tuy nhiên, để lưu giữ lại rõ các kết cấu của cơ thể, thì các nguồn học thuật khẳng định rằng việc nhựa hóa phải được thực hiện trong khoảng từ 2 (48 tiếng) đến 10 ngày sau khi chết, vì các thi thể sẽ bị hư hỏng nghiêm trọng do phân hủy.

Thay vì lấy nguồn từ những thi thể không người nhận nói trên, như những người tổ chức triển lãm tự nhận, có những bằng chứng tin cậy cho rằng các thi thể này đến từ tử tù và tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.

Tom Zaller, CEO của Imagine Exhibitions (nhà tổ chức triển lãm), mới đây đã công khai thừa nhận rằng những thi thể này “chắc chắn tới từ Trung Quốc”. Ông ta cũng nói rằng họ “không có tài liệu” để chứng minh thân phận của những thi thể này hay cho thấy những người này trước đây đã từng đồng ý hiến cơ thể của mình sau khi chết. Các thi thể được sử dụng trong triển lãm là do trường Đại học Y Đại Liên (Dalian Medical University Biology Plantation) tại Trung Quốc cung cấp.

Sử dụng nội tạng và mô người mà không được sự đồng ý của họ để cho mục đích lợi nhuận là đi ngược lại với đạo đức và pháp luật quy định tại Tuyên bố Istanbul về Buôn bán và Cấy ghép Nội tạng, và Hiệp định của Hội đồng Châu Âu chống Buôn bán Nội tạng Con người. Hơn thế nữa, việc buôn bán tạng và đi tour trên thế giới của triển lãm này là một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp nhân quyền quốc tế. Và nước Úc không thể góp phần vào hành vi này.

Nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới, bao gồm Hawaii, Pháp, Seattle và Israel đã cấm những triển lãm cơ thể người nhựa hóa tương tự.

Chúng tôi cảm thấy thật bất ngờ khi những nhà triển lãm được cấp visa và triển lãm này lại được cấp phép tại Úc bởi chính phủ Úc, mặc dù họ thiếu các tài liệu chứng minh nguồn gốc và đạo đức của việc sử dụng các thi thể trong triển lãm. Không có nguyên nhân về lợi nhuận hay chính trị nào có thể biện hộ cho việc vi phạm một cách thô bỉ và thiếu tôn trọng nhân quyền như vậy.

Vì thế chúng tôi, những người ký tên dưới đây, yêu cầu các ngài đóng cửa triển lãm này ngay lập tức vì sự thiếu minh bạch trong nguồn gốc của những thi thể và các phần thi thể đang được triển lãm.

Chúng tôi tin tưởng rằng các ngài sẽ khẩn cấp xem xét vấn đề này, và chúng tôi mong chờ phản hồi lập tức của các ngài.

Trân trọng,

Madeleine Bridgett
Luật sư nhân quyền quốc tế
Chủ tịch, Hiệp hội tại Úc, ETAC

Susie Hughes
Giám đốc điều hành
Thành viên Hiệp hội tại Úc, ETAC

Tiến sĩ Robyn Clay-Williams
Nhà nghiên cứu
Viện Sáng kiến Y tế Úc, Đại học Macquarie
Thành viên Hiệp hội tại Úc, ETAC

Mitchell Coidan
Luật sư
Thành viên Hiệp hội tại Úc, ETAC

Giáo sư Maria Fiatarone Singh
Giáo sư trường Y Sydney, Đại học Sydney
Thành viên Hiệp hội tại Úc, ETAC

Nathan Kennedy
Luật sư
Thành viên Hiệp hội tại Úc, ETAC

Giáo sư Vaughan Macefield
Giáo sư hợp đồng về Sinh lý học, Trường Dược, Đại học Tây Sydney
Chuyên gia tư vấn, ETAC

Phó giáo sư Paul Macneill
Đạo đức Y tế Sydney, Đại học Sydney
Thành viên Hiệp hội tại Úc, ETAC

Michelle Nguyen
Đối tác
Cố vấn pháp luật My.T. Nguyen
Thành viên Hiệp hội tại Úc, ETAC

Tiến sĩ Holly Northam
Giảng viên lâu năm, Huấn luyện Điều dưỡng và Sản, Đại học Canberra
Thành viên Hiệp hội tại Úc, ETAC

Giáo sư Wendy Rogers
Giáo sư Đạo đức Lâm sàng, Đại học Macquarie, Sydney
Chủ tịch, Cố vấn quốc tế và thành viên Hiệp hội tại Úc, ETAC

Tiến sĩ Sarah Winch
Nhà hoạt động đạo đức, Khoa Y, Đại học Queensland
CEO, Đạo đức Y tế Úc
Thành viên Hiệp hội tại Úc, ETAC

Tài liệu tham khảo:

  • https://embryo.asu.edu/pages/gunther-von-hagens-plastination-technique : Quá trình nên được bắt đầu giữa 2 và 10 ngày sau khi người đó chết để đảm bảo các đặc điểm giải phẫu, như hình dạng của cơ được nhựa hóa, để giống với một sinh thể sống.
  • http://www.mamcjms.in/article.asp?issn=2394-7438;year=2016;volume=2;issue=1;spage=38;epage=42;aulast=Mahajan : Việc lựa chọn thi thể phù hợp là bước đầu tiên nhất của nhựa hóa. Thi thể có thời gian tử vong nhỏ nhất (từ 2 đến 10 ngày) là cần thiết để tránh việc phân hủy sinh học.
  • https://pdfs.semanticscholar.org/045e/65129819f365260a3bad87fd769326e8f716.pdf : Nên ưu tiên việc lựa chọn thi thể có thời gian tử vong nhỏ nhất (từ 2 đến 10 ngày) bởi vì các mô mỏng sẽ bị phân hủy.
  • https://www.researchgate.net/publication/271270765_THE_ART_OF_PLASTINATED_CADAVERS : Việc nhựa hóa lát cắt của toàn bộ thi thể thực tế bắt đầu bằng việc lựa chọn thi thể. Nên ưu tiên việc lựa chọn thi thể có thời gian tử vong nhỏ nhất (từ 2 đến 10 ngày) bởi vì các mô mỏng sẽ bị phân hủy.

Quang Minh biên dịch

Xem thêm: