“Trong trạng thái bị trầm cảm, mình mới nhìn lại cuộc sống trước đây của mình: Ủa, trước đây đi làm, kiếm tiền, học hành để đạt được cái này cái kia, nhưng rồi ngoài đi ăn đi chơi thì chẳng còn cái gì. Giờ đây, khi đến một môi trường khiến những điều đó bị mất đi rồi, bị thiếu thốn về mặt tinh thần, mình mới nhận ra trong con người mình khuyết thiếu rất nhiều…” – ít ai ngờ đó đã từng là những trăn trở trên đất Phần Lan, Na Uy… của một nữ nghiên cứu sinh ngành tài chính hiện đang du học bậc tiến sĩ tại Đài Loan.
Cuộc trò chuyện đầu năm của Trí Thức VN xin được bắt đầu với một người trẻ, đã và đang trong hành trình đi tìm kiếm tri thức và các giá trị tinh thần mà bản thân mình thuộc về để san sẻ cùng các độc giả. Cô là Đỗ Thu, hiện đang là giảng viên tại một trường đại học tại Đà Nẵng (Việt Nam).
Là một người trẻ nhận bằng thạc sĩ tại Phần Lan, từng qua Mỹ, Na Uy, trở về Việt Nam giảng dạy tại một trường đại học tại Đà Nẵng, và nay tiếp tục du học bậc tiến sĩ tại Đài Loan, trên mỗi hành trình đó, bạn cảm nhận ra sao về đất nước, xứ sở mà mình đặt chân đến?
Từ lúc nhỏ mình đã có mong ước được đi vòng quanh thế giới để mình coi ở bên ngoài Việt Nam, những đất nước khác, những nền văn hóa khác người ta sống như thế nào? Trong mình luôn luôn có thôi thúc như thế, đi khám phá bên ngoài.
Lúc đầu, mình được biết Phần Lan được coi là một đất nước hạnh phúc nhất trên thế giới, có nền giáo dục tốt nhất trên thế giới, thì mình mới muốn đi qua đó để biết bí quyết của người ta là như thế nào, vì sao người ta có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Khi qua đó, mình cảm nhận được bí quyết để người ta sống hạnh phúc là người ta rất hiền lành, giữa người với người mình gần như không cảm nhận được sự cạnh tranh, người ta sống rất tử tế.
Mình rất ngạc nhiên là ở Phần Lan có những cửa hàng quần áo cũ, những ai không dùng thì để lại và người khác vào mua quần áo cũ, dùng lại rất bình thường; người ta tiết kiệm tài nguyên và sử dụng lại đồ cũ rất bình thường. Còn với việc học, áp lực thi cử tại Việt Nam rất lớn. Khi qua Phần Lan, điều quan trọng là học chứ không phải thi. Người học được thi ba lần, không được nữa thì học lại. Mình cảm nhận là mình được khuyến khích học, chỉ quan tâm kiến thức đạt được thay vì làm cách nào để đạt điểm cao. Nhưng ngược lại, trong nội quy của nhà trường có nêu chỉ một lần gian lận thì mình sẽ phải làm việc với cảnh sát. Mình có cảm nhận vấn đề đạo đức ở những quốc gia đó cực kỳ quan trọng, và đó là một trong những bí quyết mà nền giáo dục của họ phát triển.
Khi ở Bắc Âu, nhịp sống rất chậm. Khi bước chân qua Mỹ là một cảm giác hoàn toàn khác. Vừa đặt chân xuống sân bay, một cậu bé đã chủ động đến chào mình, bắt tay, hỏi chuyện rồi. Ở Mỹ mình lại học được một điểm là người Mỹ rất năng động, kết nối xã hội rất tốt, và trẻ con rất tự tin. Khi mình đi ngoài đường, còn chưa kịp hỏi, mới nhìn quanh quất thì những người vô gia cư hoặc người bên đường đã chạy lại chỉ đường giúp mình rồi, trẻ con cũng chủ động chào hỏi, nói chuyện rồi.
Với Đài Loan, mình mới đến Đài Loan được 9-10 tháng thôi. Vì mình đã từng đi dạy rồi nên khi bây giờ lại đi học lại thì mình có sự so sánh, thấy rằng đôi lúc đã khá cẩu thả. Khi còn đi dạy ở Việt Nam, nhiều lúc sinh viên học không tốt hoặc thế nào đó là mình nổi nóng, tức cách mình cư xử với sinh viên không có giống với khi mình qua đây học. Mặc dù mình là người đi học nhưng các thầy cô thực sự rất tôn trọng mình. Bất cứ vấn đề gì người ta cũng hỏi cảm thấy như thế nào, đều coi trọng ý kiến của mình. Khi người giáo viên cảm thấy đã làm phiền cũng xin lỗi mình luôn. Nên khi so sánh mình thấy trong văn hóa giảng dạy, mình vẫn chưa có sự tôn trọng đúng mực đối với sinh viên. Mỗi nơi mình học được văn hóa tốt như thế để về điều chỉnh bản thân mình.
Bên cạnh những giá trị tích cực để mình học hỏi, cũng có những điều khiến mình chông chênh. Bạn làm thế nào để kết nối, cân bằng thế giới bên ngoài đó với thế giới quan, nhân sinh quan của mình?
Dạ đúng rồi. Trong quá trình đi các nơi như thế thì những mặt “khác lạ” cũng rất nhiều. Ví dụ, dù Phần Lan được đánh giá là đất nước hạnh phúc nhất thế giới, nhưng đối với một người ngoại quốc như mình qua thì cảm giác rất lạnh lẽo. Nguyên nhân khách quan là về khí hậu. Một năm những ngày nhìn thấy mặt trời rất hiếm. Vì khí hậu rất lạnh, ít tiếp xúc với ánh nắng nên làm mình cảm thấy bi quan. Mọi người rất hiền lành, nhưng luôn luôn giữ khoảng cách, luôn luôn tôn trọng khoảng cách của người bên cạnh mình, chờ xe buýt họ cũng đứng cách nhau ra.
Khi qua Mỹ, người dân bên đó thật sự rất nồng nhiệt, nhưng mình cũng cảm nhận có những điều vướng mắc. Có thể do các nền văn hóa khác nhau, nhưng mình cảm nhận trẻ con bên đó không có sự lễ phép. Những trẻ nhỏ thì đối xử gần như bạn bè với mình, không có lễ nghi gì hết. Đất nước đó rất tự do. Như em trai của mình học cấp I, sáng ngủ dậy là mặc luôn bộ đồ ngủ đó lên trường, cô giáo cũng mặc quần đùi đứng dạy. Trẻ em chơi game thường xuyên, mình thấy tụi nó rất đáng thương, không có nhiều kỷ niệm tuổi thơ.
Còn khi qua Đài Loan, mình cảm thấy có sự trọn vẹn. Mọi người vẫn rất văn minh, đứng xếp hàng, nhường nhịn nhau. Về học tập thì tới nay chưa thấy hiện tượng gian lận. Đặc biệt giữa người với người, người ta rất thích giúp đỡ người khác. Mình cần cái gì thì từ thầy cô, bạn bè cho đến người dân họ đều giúp đỡ hết sức luôn, rất là ấm áp. Trước kia, khi đi phương Tây, mình cảm thấy mở mang đầu óc nhưng nội tâm buồn bã. Còn khi qua đây, mình cảm nhận được sự ấm áp, rất giống Việt Nam, không có thấy xa nhà là mấy.
Còn gì đặc biệt về Đài Loan mà bạn muốn chia sẻ với mọi người không?
Trước khi đi học thạc sĩ tại Phần Lan, mình luôn có ước mơ được đi châu Âu hoặc đi Mỹ để xem cuộc sống phương Tây như thế nào. Tới bây giờ, mình lại có mong muốn được học tiếng Trung, được tìm hiểu văn hóa truyền thống của Trung Hoa nên mình mới chọn Đài Loan.
Mình biết đất nước Trung Hoa có nền văn hóa 5.000 năm tín Thần tín Phật. Trải qua nhiều triều đại, người dân tại vùng đất ấy đã lưu giữ lại rất nhiều văn hóa truyền thống. Trong cuộc sống hiện đại, mình không còn cảm nhận được những điều ấy nữa. Nhưng tại Đài Loan, mình cảm thấy con người tại đây sống rất thuần hậu, rất có nề nếp. Ngoài ra, Đài Loan là một trong những nơi còn lại trên thế giới lưu giữ chữ Trung phồn thể. Đa số người học tiếng Trung có lẽ đang học chữ giản thể. Mình muốn tìm hiểu văn hóa cổ xưa của Trung Hoa thông qua ngôn ngữ tiếng Trung phồn thể này.
Tiếng phồn thể khác với tiếng giản thế ở chỗ tiếng phồn thể còn lưu giữ đầy đủ các bộ thủ. Các thầy cô đều dạy rằng từng bộ thủ có những ý nghĩa của nó và đều có kết nối với nguồn gốc xa xưa gắn liền với nền văn hóa. Khi ngôn ngữ bị chuyển sang dạng giản thể, nội hàm trong từng bộ thủ của từng chữ đã bị mất đi rồi. Ví dụ như chữ Ái (愛) trong tiếng Việt có ý nghĩa là “Yêu”, trong chữ giản thể đã mất đi bộ Tâm (心) (con tim, tấm lòng). Nếu trong tình cảm giữa người với người nếu mất đi cái Tâm thì giống như chỉ còn lại lợi ích.
Tìm đến Đài Loan với mong muốn tiếp cận gần hơn với văn hóa Trung Hoa truyền thống, bạn có thể chia sẻ về ngành học của mình được không?
Mình học về tài chính nhưng giảng dạy về chuyên ngành thương mại điện tử. Bây giờ, mình đang nghiên cứu về các ứng dụng phân tích dữ liệu và AI (trí tuệ nhân tạo) trong kinh tế. Nói về thương mại điện tử thì nó rất rộng. Trong công việc giảng dạy của mình tại Việt Nam, có một mảng là thương mại, một mảng về kỹ thuật công nghệ tức về trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu. Những kỹ thuật đó được dùng trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh. Ví dụ về một ứng dụng trong thương mại điện tử: Bạn lên Amazon để mua sắm, khi bạn mua được một thời gian thì trang bán hàng sẽ đề xuất những sản phẩm tiếp theo phù hợp với bạn; cũng tương tự như những video gợi ý trên Youtube. Nhìn bề mặt thì đó là những gợi ý rất tự nhiên, nhưng đằng sau đó là những thuật toán.
Vậy điều ấy có mâu thuẫn với điểm đến là Đài Loan – nơi trong ấn tượng của bạn vốn rất giàu giá trị văn hóa truyền thống?
Vì mình thích nền văn hóa châu Á và cũng thích công nghệ. Trùng hợp là Đài Loan có đủ cả hai yếu tố đó, vừa có đúng ngành mà mình muốn học, vừa có nền văn hóa mà mình muốn tìm hiểu. Đài Loan hiện tại rất phát triển, có nền công nghệ sản xuất chip lớn nhất thế giới rồi. Khi mình đi tìm hiểu các trường để chọn du học thì trường mình đang học có đào tạo về đúng ngành học mà mình mong muốn, là ngành về trí tuệ kinh doanh đó.
Trùng hợp là khi mình đang kết nối, trò chuyện thế này thì bạn đang đón năm mới tại Đài Loan. Với sự kết nối, gần gũi với nền văn hóa tại Đài Loan như thế, thì khi đón Tết xa nhà tại Đài Loan và đón Tết tại Việt Nam, bạn cảm thấy có điều gì giống và khác nhau?
Nói về điểm khác nhau đi, điểm khác là thấy rõ luôn. Khi ở Việt Nam, không khí Tết tràn ngập ra ngoài đường phố, đi đâu là sẽ thấy hàng quán bán hoa, bán đồ trang trí Tết ngoài đường, mọi người đều trưng bày hoa trong nhà. Ở bên này vào ngày Tết ngoài đường vắng lặng hơn ngày thường, không thấy mọi người trang trí, bán hoa gì cả. Đó là cái khác nhau lớn nhất đó, là không khí Tết ở Việt Nam vui hơn.
Còn điểm giống nhau là tại Đài Loan vẫn đón Tết Nguyên đán, đón giao thừa, vào buổi tối giao thừa thì mọi người cũng đoàn tụ. Mọi người gọi là ngày đoàn viên, là khi Tết thì con cái ở xa trở về với cha mẹ. Mình may mắn hơn các bạn du học sinh Việt Nam ở đây một phần là mình có quen biết được nhiều người Đài Loan ở đây nên mình có thể kết nối sâu được hơn với nền văn hóa của họ. Tối giao thừa, mình được mời ăn tối với một gia đình người Đài Loan bên đây nên cảm thấy ấm áp hơn mọi người một chút.
Điều gì khiến bạn ấn tượng với những người Đài Loan mà bạn quen biết?
Mọi người rất quan tâm đến mình, quan tâm lắm luôn. Thật sự rất cảm động. Mọi người thì mình là người nước ngoài, mình là du học sinh đến học, ở có một mình thì không phải đợi tới ngày giao thừa đâu, mà cứ hàng tuần mọi người mời mình qua nhà ăn cơm để cho mình được ăn uống đầy đủ hơn so với việc sống một mình, và có cái gì đều gói gói ghém ghém cho mình hết. Trong buổi tối giao thừa, những người con của bác mình ở xa nay trở về, mình không quen biết nhưng họ vẫn đối xử với mình như một thành viên trong gia đình luôn. Mình cảm thấy rất biết ơn, không có cảm giác mình là người ngoài nữa.
Trò chuyện với bạn, có một điều khiến người ta cảm thấy thắc mắc là, một người học và giảng dạy trong lĩnh vực tài chính nhưng dường như những điều về văn hóa, đạo đức lại đang khiến bạn quan tâm hơn cả?
(cười) Những năm 20 tuổi, bên cạnh thôi thúc được đi du học, mình luôn khao khát được trải nghiệm các nền văn hóa để giúp cho bản thân có sự thăng tiến về nghề nghiệp. Khi đó, mình hướng tới tương lai như thế. Nhưng có những bước ngoặt làm thay đổi hẳn nhân sinh quan của mình.
Khi vừa ra trường, mình trở thành trợ lý cho một tổng giám đốc tại Sài Gòn, mức lương được coi là lớn so với bạn bè cùng trang lứa và đủ sống thoải mái tại đó. Mình cũng như bao người trẻ tuổi khác làm việc, học hành cật lực để có những cơ hội tốt hơn trong tương lai. Suy nghĩ đi du học để phát triển bản thân, để đạt được nhiều điều hơn, mình mang tâm thái đó để bước đi. Nhưng khi đặt chân xuống Phần Lan, cuộc sống màu hồng mà mình vẽ ra đó khác hoàn toàn. Nghĩ rằng khi qua bên đó, cuộc sống của mình sẽ rực rỡ hơn. Nhưng không phải. Mình bị sốc văn hóa rồi dần trầm cảm khá nặng trong một thời gian dài.
Khi qua đó, thứ nhất là vấn đề tài chính không được thoải mái như khi ở Việt Nam nữa. Những sinh hoạt, vui chơi với bạn bè vào cuối tuần khi còn ở Việt Nam, qua bên đây là phải tiết kiệm lại hết. Tới khi này, mình mới nhận ra là cuộc sống của mình nghèo nàn kinh khủng, không còn gì, chỉ có việc đi học và trở về thôi.
Ngoài việc tiền bạc eo hẹp hơn, mình còn bị phản ứng khiến da mặt bị nổi mụn rất nhiều, đến nỗi làm mình bị mặc cảm, không dám đi ra ngoài gặp người khác. Mình đi khám bệnh thì được kết luận thêm dạ dày nhiễm vi khuẩn HP, nếu không chữa trị thì bệnh sẽ rất nặng. Chi phí y tế rất cao mà mình cũng không dám nói với gia đình. Nhiều việc cùng lúc ập đến như thế.
Trong trạng thái bị trầm cảm, mình mới nhìn lại cuộc sống trước đây của mình: Ủa, trước đây đi làm, kiếm tiền, học hành để đạt được cái này cái kia, nhưng rồi ngoài đi ăn đi chơi thì chẳng còn cái gì. Giờ đây, khi đến một môi trường khiến những điều đó bị mất đi rồi, bị thiếu thốn về mặt tinh thần, mình mới nhận ra trong con người mình khuyết thiếu rất nhiều. Trong xã hội hiện đại, xã hội vật chất, mình tưởng những điều đó được lấp đầy. Nhưng không phải. Nội tâm mình rất thiếu thốn. Khi trải qua cuộc sống thiếu thốn về nội tâm như vậy, mình mới cảm thấy việc mình muốn truy cầu tiền bạc, kiếm tiền kiếm bạc danh lợi… không còn ý nghĩa mạnh mẽ như trước nữa.
Trải qua một thời gian như thế, mình nghĩ đến và ấn tượng với những người có cuộc sống về mặt tinh thần, tâm linh rất an nhiên. Mình cảm thấy: “Ồ, sao mà người ta sống không cần danh tiếng cũng không cần tiền bạc mà người ta thấy rất hạnh phúc. Mình không thể nào cảm nhận được điều đó”. Hạnh phúc của mình trước đó rất chông chênh. Ví như đi học mà đứng nhất lớp thì rất vui, rồi làm một điều gì đó thất bại thì về nhà khóc lóc, cả đêm không ngủ được. Cuộc sống của mình chỉ xoay quanh những điều như thế thôi. Mình không cảm nhận được sự bình yên trong tâm hồn ấy.
Vậy bạn đã làm gì?
Mình có một quyết định là thử sống cuộc sống an nhiên như người ta đó là như thế nào. Mình đăng ký một chương trình đi qua Na Uy, sống với một gia đình làm nông ở trên núi. Tức là thoát ly hết với cuộc sống nhộn nhịp bên ngoài luôn, hàng ngày cùng chăn cừu, vắt sữa dê và trồng cây với gia đình ở đó. Mình muốn sống như thế để tìm hiểu con người bên trong của mình.
Nhưng mà nói lại là khi trải qua cuộc sống như vậy mình vẫn không đủ, không cảm thấy vui dù đã thoát khỏi những chuyện học hành tiền bạc. Qua đó sống cuộc sống rất bình yên luôn, không có ai làm phiền, không khí trong lành, động vật xung quanh, rồi gia đình ở đó cũng đối xử với mình rất tốt. Giống như trong phim vậy đó. Nhưng trong lòng mình vẫn cảm thấy trống vắng.
Đến một lúc, mình mới nhận ra một vấn đề, là những cái gọi là bên ngoài bản thân, những hoàn cảnh bên ngoài mình nó không khiến cho mình cảm thấy đầy đủ được. Mình mới nhận ra cái mình cần thay đổi không phải là hoàn cảnh bên ngoài mà là tự trong nội tâm của mình. Chứ bây giờ mình sống ở thành phố nhộn nhịp hay ở làng quê bình yên mà nội tâm của mình không có chỗ dựa, không có chốn bình yên thì mình không thể nào an định được.
Vì mình đã trải nghiệm cả hai cuộc sống đó rồi, mình mới quyết định đi tìm kiếm các khóa học về tâm linh, tinh thần. Những điều thầy dạy lại hướng về đạo đức. Từ đó, mình tiếp tục tìm hiểu về tín ngưỡng, cả về Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, trong Kinh Thánh nữa. Có thể vì ngôn ngữ cổ xưa nên mình đọc không hiểu được nội dung, nên mình cũng không cảm nhận được sự kết nối. Mình cứ đi tìm như vậy đó. Tập ngồi thiền rồi đi tìm, đi tìm. Đến một ngày, mình đọc trên báo Epoch Times có nói đến cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Vì đang trên hành trình đi tìm mà, khi người ta giới thiệu thì mình sẽ tìm hiểu thêm xem là như thế nào. Bài giới thiệu nói rằng cuốn sách này đang được hàng triệu người trên thế giới đang đọc và có thể khiến con người tìm ra ý nghĩa chân chính của cuộc đời. Mình cảm thấy rất tò mò nên tải cuốn sách đó về đọc. Qua cuốn sách đó, mình cảm thấy đây mới đúng là điều mình cần tìm, cảm thấy là những điều mà nội tâm mình mong muốn. Khi đọc, mình cảm thấy đây chính là con đường có thể giúp mình tìm lại nội tâm của mình. Lúc đó mình đang bị trầm cảm rất nặng, cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa nữa. Sau khi đọc, mình cảm thấy nội tâm thăng hoa trở lại.
Nó được hồi sinh trở lại phải không?
Dạ đúng rồi (cười). Mình còn nhớ là khi đọc xong bản trên mạng Internet, mình vui tới nỗi phải gọi tìm mua ngay cho được cuốn sách in, mặc dù ở nước Phần Lan không có bán. Mình phải đặt từ bên New York sang, tốn rất nhiều tiền mà mình lại không hề cảm thấy tiếc tiền luôn. Mình nhớ là khi bưu điện gởi quyển sách đó, trời hôm đó bão tuyết dữ lắm. Tay tê cứng mà khi cầm quyển sách trên tay, mình cảm thấy niềm vui chưa bao giờ mình cảm nhận được, chưa bao giờ mình tìm được. Đọc sách xong mình mới biết được pháp môn Pháp Luân Đại Pháp đó. Mình cũng bắt đầu tập các bài công pháp và đọc các kinh sách khác, từng chút một, từng chút một thay đổi con người mình. Từ một con người háo thắng lúc đầu, luôn phải muốn hơn người ta thì mới chịu, thì con người đó thay đổi dần để trở thành con người như bây giờ. Thấy mối quan tâm của mình dần quay về đạo đức, quay về truyền thống. Có thể cuộc sống của mình khi người khác nhìn vào thì nó không có gì rực rỡ hết, nhưng nội tâm của mình thì lại càng ngày càng đầy đủ, càng ngày càng đầy đủ.
Đó là một hành trình dài. Cuối cùng mình nhận ra rằng mình đi rất nhiều nhưng tới cuối mình tìm lại được ở chính mình.
Như bạn chia sẻ, trên hành trình đi tìm điểm tựa về tinh thần thì cuốn sách Chuyển Pháp Luân là một dấu mốc rất quan trọng. Khi đó bạn vẫn trong giai đoạn bị trầm cảm phải không?
Đúng vậy. Vì Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu luyện. Còn mình bắt đầu bằng việc đọc sách thôi. Trong quá trình đọc sách thì mình phục hồi từng chút từng chút một. Mình cảm thấy bắt đầu có một chỗ dựa về tâm linh, có một nhận thức đầu tiên về tâm linh, vì mình trước đây hoàn toàn là người không có khái niệm về tâm linh về tín ngưỡng, tuyệt đối tin vào khoa học chứ không tin vào sự tồn tại của Thần, Phật. Nên bước đọc cuốn Chuyển Pháp Luân là bước đọc bước đầu, giúp cho mình có những khái niệm về tâm linh.
Thời gian sau, mình trở về Việt Nam, cầm tấm bằng thạc sĩ trên tay, mình mong muốn tìm được công việc tốt nhất, thu nhập cao. Nhưng lúc vào Sài Gòn thì cuộc sống ở đó làm mình bị ngợp, vì quá đông người, công việc quá áp lực. Ở bên kia đang trầm cảm, đi về tìm kiếm công việc lại bị trầm cảm tiếp. Ở Sài Gòn đi làm là xỉu lên xỉu xuống, sau có hai tuần thôi mình xin nghỉ việc và trở về quê.
Lúc đó mình cảm thấy rất suy sụp. Cảm giác rất thất bại. Thất bại với gia đình, với bạn bè. Mình học thạc sĩ mà cuối cùng ở nhà, không kiếm được việc làm vậy đó. Mình xóa Facebook, không có liên lạc với ai hết. Khi ở nhà là thẫn thẫn thờ thờ vậy đó.
Sau đó, mình có thời gian ở nhà, trầm tĩnh lại, không có vội vàng đi tìm công việc nữa, thay vào đó đọc những quyển sách khác của Pháp Luân Đại Pháp. Cũng may lúc đó ở Hội An có những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, người ta biết đến mình có đọc sách nên dẫn mình tới nhà, cùng đọc sách, trao đổi, rồi dần dần mình mới nhận thức được là: “À, đây không chỉ là những cuốn sách mà là một môn tu luyện”. Vậy là mình dần dần bước chân vào tu luyện. Hàng ngày luyện công, học Pháp, rồi sau đó mình lại tìm được công việc luôn. Là công việc giảng viên ở một trường đại học ở Đà Nẵng, lại thấy công việc đó phù hợp với mình. Dần dần, mình ra Đà Nẵng sống lại hòa nhập với cộng đồng các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đà Nẵng, đi làm công việc vốn phù hợp với mình. Thế rồi cảm giác trầm cảm biến mất khi nào không hay.
|
Trở lại với không khí ngày Tết nhé. Trong những ngày đầu năm mới này, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Đài Loan có hoạt động gì không? Bạn có thể chia sẻ một chút với mọi người?
Ở đây, cộng đồng du học sinh Việt Nam cũng cố gắng tạo không khí Tết với nhau, đi mua sắm, nấu ăn cùng nhau. Một số bạn tranh thủ đi làm thêm, thời gian này kiếm được nhiều tiền hơn để trang trải cuộc sống. Tết của du học sinh ở đây thực ra cũng không có quá nhiều hoạt động như ở Việt Nam được.
Còn cá nhân mình may mắn được tham gia các hoạt động trong ngày Tết với cộng đồng ở đây. Tại Cao Hùng (Đài Loan), trong lễ hội Đèn Lồng, mọi người đang tổ chức một hoạt động để giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp. Mọi người dựng một con Thuyền Pháp rất lớn, lớn bằng cả ngôi nhà luôn đó, cùng những hình ảnh khác trên các đèn lồng. Tất cả được đặt trong một công viên lớn. Mọi người đi du xuân sẽ tới tham quan, vãn cảnh và được giới thiệu về Pháp Luân Đại Pháp.
Mình được các cô bác lớn tuổi người Đài Loan yêu quý, lại là con gái nữa, nên được cho mặc trang phục thời nhà Đường, đóng vai tiên nữ, để cùng tham gia lễ hội.
Lễ hội này còn nhằm mục đích phục hưng văn hóa truyền thống của Trung Hoa đó, tặng cho các du khách tới tham quan những bông hoa Chân Thiện Nhẫn, mong mọi người có một năm mới bình an, vui vẻ. Cũng giới thiệu cho mọi người Pháp Luân Đại Pháp vì mình đã nhận được rất nhiều lợi ích từ đó. Nếu mình chỉ sống vì bản thân mình thôi thì cũng rất là ích kỷ, nên mình muốn giới thiệu những điều tốt đẹp đó với người khác. Vì thế, mình đã tham gia các hoạt động này. Đây là một trong những Tết Nguyên đán rất có ý nghĩa trong cuộc đời của mình.
Có kỷ niệm nào khiến bạn ghi nhớ khi tham gia sự kiện này không?
Ngày mùng một Tết này là ngày đầu tiên mình tham gia. Sau khi thay đồ, quãng đường từ khu hậu trường đến con thuyền Pháp cũng khá là xa. Trên quãng đường đó, mọi người đều vẫy tay chào mình, rất là vui đó, cứ thấy mình đi qua là vẫy tay chào. Trẻ nhỏ cứ chạy theo không à, ba mẹ dắt chúng đi theo không. Khi ra đến nơi, mình vừa lên trên con thuyền Pháp đứng, trên tay cầm những bông hoa sen Chân Thiện Nhẫn là mọi người lại xin quá trời luôn. Con nít, người lớn đều đổ lại xin một bông, một bông, rồi mọi người chụp hình chung.
Có một điều cực là thời tiết ở đây vào buổi tối rất lạnh. Mọi người đều mặc áo ấm hết. Nhưng trang phục tiên nữ thì mình không thể nào mặc áo ấm ở bên ngoài được. Mình đứng trong buổi tối mấy tiếng đồng như vậy rất là lạnh, hai bàn tay lạnh ngắt. Nhưng trong lòng mình thì cảm thấy rất ấm áp vì mình đã giúp ích cho mọi người.
Khi mình đứng đó, đôi lúc gặp cả người Việt Nam nữa. Trong trang phục tiên nữ đó, mình chào mọi người bằng tiếng Việt Nam thì mọi người rất vui, lại xin chụp hình chung. Mình cảm nhận được ở đây mọi người đón nhận về tín ngưỡng, tôn giáo rất tự nhiên. Khi bảo mọi người về 9 chữ “Pháp Luân Đại Pháp Hảo – Chân Thiện Nhẫn Hảo”, mọi người rất vui và đọc theo. Điều đó là mình thấy rất vui.
Cùng nhìn lại cả hành trình nhé, từ một người hiếu thắng, ham học, đi qua nhiều nước và cũng trải qua nhiều vấp váp, thất bại, đến nay, dường như niềm vui của bạn lại đang sáng lên từ những buổi tối mấy tiếng đứng trong trời lạnh giá…?
Sau cả một hành trình dài như vậy, mình cảm nhận được là trước đây mình luôn sống vì bản thân mình. Đôi lúc, nói nghiêm trọng hơn một chút là mình luôn sẵn sàng bước lên trên người khác để đạt được cho bản thân. Đến bây giờ, giá trị mình nhận được là mình bắt đầu sống vì người khác. Cái thực sự khiến con người hạnh phúc, mình cảm nhận được là khi người ta sống vì nhau. Người ta sống vì người khác, có điều gì tốt đẹp là mình muốn mang đến cho người khác chứ không phải nhận riêng về bản thân mình, hay là lấy từ người khác nhận về cho bản thân mình. Nên có điều gì xảy ra từ bên ngoài thì mình không còn cảm thấy đau khổ hay lo âu nữa.
Đến nay mình làm các việc đều suy nghĩ đến người khác chứ không còn vì lợi ích của bản thân nữa. Như trong việc du học, trước đây là học vì mình, học để thăng tiến và có thu nhập cao hơn, thì nay mình đi học là vì yêu cầu của công việc, để hoàn thiện mình hơn, trở về làm tốt cho việc giảng dạy. Dù nhìn bên ngoài, mọi thứ vẫn diễn ra như vậy, công việc, học hành, nhưng từ nội tâm mình đã thay đổi, mình tìm lại được chính mình từ trong những việc làm đó.
Trong ngày đầu năm mới này, bạn có lời nào muốn dành tặng cho độc giả của Trí Thức VN không?
Mình đã theo dõi trang Trí Thức VN được hai năm rồi. Cảm ơn mọi người đã cho mình cơ hội được trò chuyện như hôm nay. Chúc các độc giả của Trí Thức VN có một năm mới vui vẻ. Với vai trò là người đi tìm kiếm, đi đọc thông tin, chúc mọi người trở thành những người trí thức đại diện cho Việt Nam, mong mọi người sẽ tìm được những thông tin chân thật, hữu ích cho bản thân và cho xã hội và những thông tin góp phần gây dựng đạo đức, truyền thống cho con người.
Cảm ơn bạn đã tham gia trò chuyện! Chúc bạn một năm mới vui vẻ, an lành!
Nghinh Xuân (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Xem thêm: