Khi bạn thuộc loại người nhạy cảm và xử lý sâu các thông tin, bạn sẽ có nhu cầu hàng ngày khác biệt đôi chút so với những người khác.
Thuở nhỏ, tôi vốn là đứa bé rất nhạy cảm. Một trong những ký ức đầu đời khó quên của tôi chính là cảm giác hoảng hốt, sợ hãi khi trông thấy một vụ việc thảm khốc trên chương trình thời sự. Mặc dù không nhớ rõ sự việc ấy là gì nhưng tôi nhớ như in khoảnh khắc mình lao vào phòng ngủ, bịt chặt hai tai và cố gắng bịa ra một bài hát “mọi thứ ổn thôi” để trấn an bản thân. Tôi đã hát to hết mức để át đi tiếng TV đang nói ngoài kia cho đến khi mẹ tôi bước vào phòng và bị sốc trước tình trạng rối loạn của tôi lúc ấy.
Mãi sau này tôi mới biết mình thuộc kiểu người cực kỳ nhạy cảm (highly sensitive person – HSP) và rốt cuộc đã hiểu được nét tính cách này của bản thân. Những người nhạy cảm thường tiếp nhận và xử lý sâu thông tin và điều này đã mang đến cho họ những sự trải nghiệm có đôi phần khác biệt so với những người khác. Cụ thể là, họ dễ xúc động trước những câu chuyện buồn và tự mình có cảm giác đau đớn khi nhìn thấy các cảnh bạo lực. Chỉ một tiếng động lớn, một luồng ánh sáng mạnh bất chợt đập vào mắt hay thậm chí một lịch trình công việc bận bịu cũng có thể khiến họ trở nên lo lắng, bồn chồn.
Giờ đây, tôi đã trở thành một nhà văn chuyên nghiên cứu và viết về những người nhạy cảm có tính cách hướng nội. Tôi nhận thấy, so với người khác thì người nhạy cảm cần đôi chút khác biệt để có được cho mình một cuộc sống hạnh phúc hơn. Bản thân tôi đã rút ra 14 bí quyết để sống hạnh phúc và xin chia sẻ với các bạn dưới đây. Xin lưu ý rằng, mỗi người trong số họ, những người mang tính cách cực kỳ nhạy cảm, đều không giống nhau, vậy nên, họ sẽ có những phương diện khác nhau cần cải thiện để sống vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Những người nhạy cảm thường xử lý thông tin kỹ càng, sâu sắc hơn và điều này thường khiến họ tỏ ra chậm hơn một chút so với những người khác.
Họ cần nhiều thời gian hơn để làm một số việc thường ngày đơn cử như việc chuẩn bị để ra khỏi nhà vào buổi sáng. Họ cũng có thể đắn đo hồi lâu trước khi đưa ra quyết định dù đôi lúc chỉ là chọn mua mặt hàng nào trong cửa hàng tạp hóa. Bởi vì đối với họ, vấn đề không chỉ là có hàng núi các lựa chọn trước mặt. Ví dụ như khi muốn ăn phở gà, họ sẽ cần thêm thời gian để cân nhắc về giá trị dinh dưỡng, chi phí và cảm nhận của mình về món ăn. Có những lúc, họ có thể bất chợt nghĩ tới cảnh những con gà nhốt trong những cái lồng sắt chật chội rồi bị giết thịt….và họ có thể đắn đo một chút xem có nên ăn hay không. Tất cả những điều này đều cần thời gian.
Giống như những người hướng nội, người nhạy cảm không thể chịu áp lực trong guồng quay của công việc quá lâu. Hệ thống thần kinh cực kỳ nhạy cảm của họ luôn tiếp nhận tối đa các thông tin và liên tục phải xử lý cũng như phân tích chúng. Kết quả là, họ dễ có cảm giác bị quá tải và kiệt sức sau một ngày bận rộn. Do đó, việc dành thời gian để thư giãn sẽ làm giảm mức độ kích thích lên não bộ và giúp đầu óc tỉnh táo trở lại.
>> 7 thói quen tốt giúp bạn giảm áp lực cuộc sống để lòng nhẹ hơn
Sẽ tốt hơn nếu bạn có một góc riêng để ngồi thư giãn. Với không gian này, lý tưởng nhất là chọn nơi có ánh sáng dịu nhẹ, ít tiếng ồn, trang trí giàu thẩm mỹ và có thêm những đồ vật yêu thích như một chiếc gối mềm, sách, các bản nhạc, …
Không chỉ nhạy cảm hơn với các kích thích từ môi trường xung quanh, họ còn cực kỳ nhạy cảm về mặt cảm xúc. Tiến sĩ Elaine Aron – tác giả của cuốn “The Highly Sensitive Person” (Tạm dịch: “Người cực kỳ nhạy cảm”) đã nhận định những người nhạy cảm thường dễ khóc hơn những người khác. Bà chia sẻ trên tờ Huffington Post (Mỹ) như sau: “Những người nhạy cảm khó có thể kiềm chế cảm xúc. Họ có thể tỏ ra tức giận hay vui vẻ. Việc đón nhận những điều này đóng vai trò vô cùng quan trọng.”
Việc thay đổi có thể gây khó khăn cho bất kỳ ai và đặc biệt là đối với những người nhạy cảm. Họ bị rào cản tâm lý tác động, do đó họ khó thích nghi và có thể nhanh chóng trở nên căng thẳng, áp lực khi phải chấp nhận một sự thay đổi nào đó. Cho dù là đối với sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, như bắt đầu một mối quan hệ mới hay chuyển tới ngôi nhà hằng mơ ước, cũng có thể mang đến sự bất an cho người nhạy cảm và đòi hỏi một khoảng thời gian tương đối dài để thích nghi.
Người nhạy cảm thường khao khát có được mối liên hệ bền chặt với những người khác. Trên thực tế, theo nghiên cứu của tiến sĩ Aron, những người nhạy cảm có thể cảm thấy buồn chán và đắn đo đối với những mối quan hệ thiếu sự chia sẻ để thấu hiểu lẫn nhau. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ dễ từ bỏ các mối quan hệ kiểu này để thiết lập các mối quan hệ mới. Thay vào đó, những người nhạy cảm sẽ cố gắng để cuộc trò chuyện ý nghĩa hơn và từ đó tạo nên sự thân thiết.
Điều này cũng có nghĩa là các HSP có xu hướng chọn lọc những người phù hợp để có thể bước vào cuộc sống của họ. Tuy vậy, họ cũng sẽ không cắt đứt các mối quan hệ mang tính xã giao khác. Người nhạy cảm luôn muốn thấu hiểu và quan tâm sâu sắc tới tâm hồn người khác. Hãy cứ để họ làm như thế!
Dù bạn có phải người nhạy cảm hay không thì việc xung đột với những người mà mình yêu thương luôn là điều tồi tệ nhất. Tuy nhiên, những người nhạy cảm dễ bị lo lắng quá mức và hay đấu tranh nội tâm khi xảy ra xung đột. Có thể, cảm xúc của họ là vô cùng mãnh liệt nhưng họ lại chỉ giữ trong lòng vì không muốn làm cho người khác nổi cáu. Đôi co với một người đang nóng giận rất dễ đẩy mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát.
Thêm vào đó, người nhạy cảm thực sự không muốn làm tổn thương người khác bởi họ đã trải nghiệm qua thứ cảm giác tồi tệ ấy. Ngoài ra, họ luôn có sự đồng cảm cao và đây là chỉ là một trong số các phương diện thể hiện sự quan tâm của họ đối với những người khác.
Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc những người nhạy cảm thường che giấu đi mong muốn thực sự của mình để “dĩ hòa vi quý”. Họ cần tìm ra một cách tích cực để đối diện với sự bất đồng quan điểm mà không cần phải to tiếng tranh luận hay thậm chí cố tình diễn kịch để đối phó.
>> Vì sao người hướng nội là những nhà lãnh đạo xuất sắc?
Việc thiếu ngủ sẽ khiến bất kỳ ai trở nên cáu bẳn, sao nhãng và kém hiệu quả trong mọi việc. Tuy nhiên, đối với những người cực kỳ nhạy cảm, điều này còn là chuyện vượt quá sức chịu đựng của họ.
Ngủ đủ giấc sẽ làm xoa dịu những giác quan hết sức mẫn cảm của họ và cho phép chúng được tiếp tục công việc xử lý cảm xúc của mình. Thời gian ngủ của một người nhạy cảm có thể quyết định đến việc tạo nên một ngày mới tốt lành hay tồi tệ đối với họ.
Cũng theo Tiến sĩ Aron, cơn đói thực sự có thể khiến người nhạy cảm bị xáo trộn tâm trạng hay bị mất tập trung. Cơn đói thực sự làm họ rất khó chịu.
Một điều đáng ngạc nhiên là có một số người nhạy cảm (nhưng không phải tất cả) sẽ trở nên nhạy cảm hơn dưới tác dụng của caffeine và cồn.
Rất nhiều người nhạy cảm có một nhu cầu mạnh mẽ cho việc sáng tạo. Họ giải tỏa sự quan sát có chiều sâu và cảm xúc dồi dào của mình vào hội họa, thi ca, âm nhạc và nhiều lĩnh vực khác.
Tác giả Deborah Ward viết trong cuốn “Overcoming Low Self-Esteem with Mindfulness” (Tạm dịch: “Vượt qua sự tự ti bằng Chính niệm”) như sau: “Sự nhạy cảm có thể là một gánh nặng nhưng mặt khác nó cũng giống với việc ổ cứng của của bạn có thêm RAM… Sáng tạo được xem như chiếc van áp suất cho mọi xúc cảm đang bị dồn nén.”
Một số người dường như đang trôi dạt trong cuộc đời mà không có phương hướng hay mục đích sống. Nhưng những người cực kỳ nhạy cảm không như vậy. Thay vào đó, họ luôn có suy nghĩ rất sâu sắc về những điều lớn lao trong cuộc sống. Họ là ai, tại sao họ ở đây và họ đến với hành tinh này với sứ mệnh gì? Dù là viết một cuốn tiểu thuyết, đi du lịch khắp thế giới hay đi tiên phong để thực hiện lý tưởng trong tâm, những người nhạy cảm đều mang trong mình niềm khao khát về một cuộc sống ý nghĩa.
Bởi vì đa số mọi người không có độ nhạy cảm cao nên họ không thể hiểu được người nhạy cảm bị ức chế tinh thần như thế nào, ví như việc phải đối mặt với một tiếng động lớn bất thình lình, một ngày cuối tuần không có thời gian nghỉ ngơi hay một cảnh bạo lực trong phim ảnh. Không phải ai cũng hiểu được họ. Tuy nhiên, đây cũng là chuyện bình thường.
Dù vậy, mỗi người nhạy cảm đều thật sự cần có một vài người có thể thấu hiểu được tâm hồn nhạy cảm trong họ và trên hết, đó là những người thân yêu gần gũi nhất với họ, Người không chỉ cảm thông với họ mà còn có thể bảo vệ họ trước những khó khăn như: “Không vấn đề gì đâu, chúng ta rời khỏi bữa tiệc ngay bây giờ nhé. Mình biết cậu đang không cảm thấy thoải mái khi nhìn sắc mặt cậu.”
Sự thật là, người nào sẵn lòng thấu hiểu bạn rồi sẽ thấy được hết thảy những điều tuyệt vời trong tâm hồn bạn.
Dù có phải là người cực kỳ nhạy cảm hay không, bạn cũng đều chịu sự tác động từ môi trường xung quanh. Đặc biệt, đối với những người nhạy cảm, sự tác động của môi trường tới họ thậm chí còn sâu sắc hơn. Đối với họ, mọi thứ xung quanh trông ra sao thật sự rất quan trọng. Đơn giản là, một môi trường bừa bộn, hỗn loạn hay trông thật xấu xí cũng có thể quấy rầy họ. Thay vào đó, một không gian tươi đẹp sẽ giống như một niềm an ủi làm êm dịu và trẻ hóa tâm hồn.
Theo Jenn Granneman, Psychology Today
Ánh Dương dịch
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…