“Mẹ ơi! Cơm chín rồi, khi nào bố về?”, “Mẹ ơi, cơm dọn ra đã nguội rồi mà bố vẫn chưa vào mâm ạ… con đói bụng” và dân gian đã có câu: “làm một mình không bực bằng ngồi chực nồi cơm”. Đó là văn hóa gia đình một thời.
Trước đây, bữa cơm gia đình ít nhất có 2 bữa chính, rau cháo giàu nghèo bếp cũng đỏ lửa. Các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm. Đó là giây phút họp mặt cả gia đình sau một ngày.
Ở các thành phố lớn, đi làm xa nhà không về ăn cơm, bữa trưa con ăn cơm trường, cha mẹ tự lo liệu. Nhưng có gia đình, bữa cơm chiều cũng không có. Bếp lạnh nhà vắng tiếng đũa bát lanh canh. Người ta bận rộn và dần dần không cảm thấy bữa cơm gia đình cần thiết nữa. Mạnh ai nấy ăn. Con nhận tiền cha mẹ phát. Chồng vợ tự lập, người phụ nữ bị đẩy ra đường cho bình đẳng kiếm tiền và họ không còn thiên chức lo cho tổ ấm nữa. Họ cũng phải tạo cho mình một sự nghiệp, một thu nhập và họ có quyền không nấu ăn.
Nhiều gia đình, tối đến, họ còn không gặp nhau, người về muộn, người đi sớm. Tôi đã từng ra đề văn cho học sinh “Quan điểm của anh (chị) về hạnh phúc”
Có nhiều bài viết: “Hạnh phúc của em là được ăn cơm với ba mẹ mỗi tuần một lần”. Hỏi ra mới biết: có em thì cha là bác sĩ, mẹ buôn bán bất động sản. Có em cha là kiến trúc sư, mẹ buôn bán. Các em có đầy đủ vật chất, có người giúp việc nhưng các em khao khát được ăn cơm cùng cha mẹ. Chao ôi! Một điều đơn giản như thế mà lại trở thành Hạnh Phúc lớn nhất của tuổi lớp 12.
Mà không phải điều này xảy ra ở một vài em học sinh, rất nhiều em cùng có ao ước này.
Mà không phải chỉ có em là con một, đi học về đóng cửa yêu máy tính, điện thoại, thú cưng. Có em chơi với bạn trai, bạn gái. Nhưng nói chung các em cô đơn. Cha mẹ cho là con tự lập nhưng thực chất các em rất buồn.
Tôi không dám can thiệp vào cuộc sống gia đình họ nhưng quả thật tôi rất thông cảm với học sinh của mình. Tôi gọi các em ra nói chuyện riêng và an ủi. Nhưng tôi biết, các em vẫn mơ ước được ăn cơm gia đình. Gia đình không có bữa cơm thì không có giờ gặp mặt. Không có thời gian thật sự dành cho nhau.
Bữa cơm là kết nối. Bữa cơm là thể hiện sự quan tâm đến nhau của các thành viên trong gia đình, là kỉ niệm mang theo trong đời mỗi con người. Bữa cơm gia đình giúp các thành viên hiểu rõ về sức khỏe và công việc cũng như trạng thái tâm lí của nhau. Gắp cho con miếng ăn hay con gắp cho cha mẹ thức ăn đó cũng là sự quan tâm trìu mến. Bữa ăn gia đình còn giúp người ta hóa giải các mâu thuẫn. Bởi vậy, ngày con tôi ra sống riêng, tôi chỉ dặn con: dù bận thế nào cũng phải nấu ăn mỗi ngày một bữa, cuối tuần cùng nhau làm cơm.
Bữa cơm gia đình còn giúp cho việc giữ gìn sức khỏe. Bởi vì, ngoài kia chả thiếu gì, người ta còn nấu nhiều món lạ thậm chí ngon miệng hơn. Nhưng thực phẩm chế biến không kiểm soát được, từ nguồn nguyên liệu cũng không ai kiểm soát được. Nói cách khác, ăn ngon và không đau bụng nhưng có thể chứa các chất độc hại. Đồng thời, vào bữa cơm, khi các món được dọn trên bàn hoặc trên mâm, các con sẽ mời ông bà rồi đến cha mẹ (nếu gia đình có ông bà), sau đó đến cha mẹ ông bà mời cả nhà. Đó cũng là lễ nghi, cũng là văn hóa kính trên nhường dưới.
Trong bữa ăn, cha mẹ dạy con cách gắp thức ăn trên đĩa chung, cách uống canh…đó là lúc dạy các phép tắc trong giao tiếp.
Có thể nói không ngoa rằng: Ngày nay người ta không coi trọng bữa cơm gia đình nhiều, không thể không tính đến quan hệ gia đình lỏng lẻo, thiếu cả bữa ăn chung. Người đàn ông và đàn bà không phải về nhà vì vợ, chồng đợi cơm nhau, không có cảm giác thân thiết của mùi thức ăn quen thuộc. Món ăn cũng chính là văn hóa gia đình. Đó cũng là kỷ niệm êm ấm và ngọt ngào của mỗi thành viên.
Tôi cũng biết khá nhiều câu chuyện, khi đã ly hôn mỗi người một nẻo nhưng có người chồng cũ vẫn nhờ con xin mẹ cho bố một bữa cơm mẹ nấu, được ăn cùng các con. Đó là bữa cơm và hương vị của gia đình mà họ đánh mất nhưng nó vẫn ở mãi trong tâm. Có anh con trai đi lấy vợ mà vẫn tâm sự: “ Em ơi! Anh thèm cơm mẹ nấu”. Dù cơm mẹ nấu chả có cao lương mĩ vị gì và với vợ anh ta thì cái thèm cơm mẹ là “lãng xẹt” nhưng đó là khẩu vị quen thuộc, là anh ta được mẹ nấu cho các món mình yêu thích.
Có bữa cơm gia đình, các thành viên sẽ quen với việc sắp xếp và quản lý chi tiêu, không để xảy ra việc thâm hụt. Có bữa cơm gia đình, mỗi thành viên có được hứng thú là chờ món ăn quen thuộc nhưng cũng chưa biết chắc chắn mình được ăn món gì hôm nay. Có bữa cơm gia đình, người vợ, người chồng hoặc con cái sẽ nhận được yêu thương qua việc mình được mẹ nấu cho món mình yêu thích.
Tuổi thơ của tôi mang theo là kỷ niệm chờ cơm bố. Nếu bố về quá muộn thì chúng tôi được ăn trước. Mẹ tôi sẽ chờ đến lúc bố về mới ăn. Mà nếu mẹ tôi có ăn trước thì cũng dọn cơm cho bố rồi ngồi bên cạnh gắp thức ăn, múc canh, rót nước cho bố tôi. Lúc đó hai người rủ rỉ bao nhiêu chuyện trong ngày.
Chính hình ảnh đẹp này đã giúp tâm hồn tôi được sống trong cảm giác yên bình hạnh phúc, cũng chính nhờ hình ảnh này đã khiến tôi neo giữ lại gia đình riêng của mình kể cả những lúc nó bên bờ vực tan vỡ.
Gia đình là tổ ấm, giữ gìn và bảo trì tổ ấm không phải điều dễ dàng. Nhưng chỉ cần mỗi người hi sinh một chút, căn bếp của gia đình thực sự trở thành ngọn lửa làm nên tổ ấm.
Đăng lại từ website Việt Nam Tươi Đẹp của tác giả Huệ An
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…