Chỉ trong 1 tuần, thế giới đã có 3 dòng sông được trao cho tư cách pháp nhân: sông Whanganui ở New Zealand, sông Hằng và Yamuna ở Ấn Độ.
Việc ban hành luật mới này là kết hợp giữa tiền lệ pháp của phương Tây và tín ngưỡng của người Maori.
Bộ tộc Maori sống ở vùng Whanganui, trên đảo Bắc (North Island) của New Zealand đã đấu tranh để gắn dòng sông với quyền lợi của bộ tộc họ, bắt đầu từ những năm 1870 của thế kỉ 19, bởi họ có một niềm tin tâm linh sâu sắc rằng bảo vệ thiên nhiên cũng chính là bảo vệ bộ tộc.
Vậy là, sau khoảng 140 năm, ngày thứ tư 15/3/2017, hàng trăm đại diện của bộ lạc đã vui mừng tới rơi lệ khi pháp luật cuối cùng đã công nhận dòng sông với tư cách pháp nhân.
“Trao quyền con người cho một dòng sông, quả là một việc độc nhất vô nhị […] [Dòng sông] sẽ có tư cách pháp nhân riêng với tất cả quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ như một con người,” Bộ trưởng Bộ tư pháp Chris Finlayson nói.
>> Từ bức thư của người thủ lĩnh da đỏ nhìn lại Việt Nam
Bộ tộc Maori ở New Zealand rất tôn kính dòng sông Whanganui
Với vị thế mới này, về cơ bản, nếu ai đó làm hại tới dòng sông, pháp luật sẽ xem như anh ta cũng đang làm hại tới bộ tộc.
“Chúng tôi dùng phương án này bởi vì chúng tôi xem dòng sông như một tổ tiên và luôn là như vậy. Chúng tôi đã đấu tranh để pháp luật cũng thừa nhận điều đó, để tất cả mọi người có thể hiểu rằng chúng tôi đối xử với dòng sông như một thực thể đang sống, là một phần tổng thể không thể tách rời, thay vì mô hình sở hữu và quản lý mà người ta áp dụng trong 100 năm qua,” Gerrard Albert, trưởng nhóm đàm phán của bộ tộc Whanganui iwi, phát biểu với The Guardian.
Sau khi sông Whanganui được công nhận, 5 ngày sau ở Ấn Độ, tòa án cấp cao của vùng Uttarakhand cũng đã ra phán quyết trao tư cách pháp nhân cho sông Hằng và sông Yamuna, để giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm của 2 con sông được đạo Hindu tôn kính này.
Sông Hằng là con sông lớn thứ 3 thế giới, được đạo Hindu xem là linh thiêng nhất, tuy nhiên, nó cũng vào loại ô nhiễm nhất thế giới, với chất thải công nghiệp và nước cống không được xử lý, làm cho dòng chảy bị tắc nghẽn ở một vài nơi.
Yamuna là con sông lớn nhất đổ vào sông Hằng, với dòng chảy bắt nguồn từ vùng Yamunotri ở Uttarakhand.
Ảnh chụp nơi sông Hằng và Yamana gặp nhau
Tư cách pháp nhân không giống với nhân quyền, và cũng không nhất thiết phải là con người. Ví dụ, các công ty cũng có tư cách pháp nhân, với các quyền theo pháp luật.
Trao tư cách pháp nhân cho thiên nhiên, nghĩa là giờ đây pháp luật coi “thiên nhiên” như một con người với những quyền có thể được thực thi. “Thiên nhiên” cũng có thể tới tòa và kiện để bảo vệ quyền lợi đó. Ngoài ra còn có quyền ký và thực thi hợp đồng, khả năng nắm giữ tài sản.
Người ta hiện vẫn đang đặt câu hỏi rằng những quyền này có liên quan, hay có phù hợp với thiên nhiên hay không. Nhưng một câu hỏi quan trọng hơn là, những quyền này có thể được thực thi hay không.
Để thực thi quyền của một pháp nhân là thiên nhiên:
Cả New Zealand và Ấn Độ đều đối mặt với khó khăn trong việc thực thi quyền cho các dòng sông, nhưng New Zealand đã chuẩn bị tốt hơn rất nhiều.
Ở New Zealand, một hệ thống mới để quản lý dòng sông sẽ được tích hợp vào hệ thống chính phủ.
Việc trao quyền cho sông Whanganui đã diễn ra trong 8 năm, với nhiều lần thương lượng kĩ lưỡng. Hai giám hộ sẽ được chỉ định để đại diện cho dòng sông Whanganui, một người thuộc chính phủ và một người thuộc bộ lạc Whanganui iwi. Để thông qua đạo luật này, Nghị viện New Zealand cũng đã đưa ra 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng) tiền bồi thường, và 30 triệu USD (680 tỷ đồng) để cải thiện tình trạng cho con sông, lập ra khung pháp lý do các giám hộ theo dõi, và được hỗ trợ từ các nhóm cố vấn độc lập.
Trong khi ở Ấn Độ, phán quyết được thông qua chỉ trong một vài ngày. Sông Hằng và Yamuna sẽ được đại diện bởi 3 người: tổng giám đốc dự án Namami Gange (bảo vệ sông Hằng), tổng thư ký và trưởng cố vấn của vùng Uttarakhand.
Tòa án đã yêu cầu, trong 8 tuần, sẽ phải lập ra các ủy ban mới để theo dõi việc dọn sạch và bảo tồn các dòng sông. Có rất ít khung pháp lý và chỉ dẫn pháp luật trong lĩnh vực mới này.
Trong cả 2 trường hợp ở New Zealand và Ấn Độ, vẫn còn nhiều câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của những người giám hộ cho các con sông. Tuy nhiên, hướng tiếp cận mới để bảo vệ môi trường này có thể là một tiền lệ có lợi cho những ai đang tìm cách cứu lấy thiên niên ở thời đại biến đổi khí hậu ngày nay, khi mà ô nhiễm và nạn xả thải tràn lan đang tàn phá môi trường nhanh chóng.
Theo Futurism, The Guardian, The Conversations
Sơn Vũ (T/H)
Xem thêm:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…