4 năm trôi qua kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cấm hoàn toàn xuất khẩu quặng sắt để phát triển sâu công nghiệp gang thép trong nước và bảo vệ tài nguyên cho tương lai, thị trường khai thác quặng và thị trường thép Việt Nam đã trải qua các biến động mạnh mẽ, gây rất nhiều tranh cãi. Đúng sai, đâu là nguyên nhân bản chất?
Sắt là một trong những nguyên tố phổ biến nhất thế giới, chiếm khoảng 5% lớp vỏ Trái Đất. Nhưng có một nơi mà thứ kim loại này gần như không bao giờ đủ đó là Trung Quốc. Chiếm tới khoảng 50% sản lượng thép toàn cầu, tổng nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc hàng năm lên tới 1.600 triệu tấn.
Trong khi đó, theo kết quả thăm dò hiện nay, Việt Nam có 216 mỏ quặng sắt, trong đó có 13 mỏ trữ lượng trên 2 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở vùng núi phía Bắc. Nằm ngay sát Trung Quốc, Việt Nam là nguồn cung cấp lý tưởng quặng sắt cho các nhà máy luyện thép tại Trung Quốc do chi phí vận chuyển quặng khá rẻ so với các nguồn cung khác. Nếu thả lỏng việc xuất khẩu quặng sắt, chỉ trong vòng vài ba năm, trữ lượng quặng sắt của Việt Nam sẽ tiếp cận con số tận diệt.
Với lý do là thị trường khai thác bừa bãi, xuất khẩu khoáng sản và gian lận thương mại tràn lan, ngày 9/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Trong đó nêu rõ chủ trương thăm dò, khai thác và xuất khẩu đối với quặng sắt là: “Dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt. Tổ chức khai thác có hiệu quả dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và các dự án khai thác quặng sắt khác để phục vụ cho các cơ sở sản xuất gang, thép trong nước. Đối với các mỏ đang khai thác, nếu không bảo đảm hiệu quả và yêu cầu về môi trường thì cần có phương án đóng cửa mỏ và hoàn thổ theo quy định.”
Sau khi Chỉ thị 02/CT-TTg ban hành, thị trường khai thác quặng sắt đã trải qua những biến động lớn. Cụ thể, 90% doanh nghiệp khai thác quặng sắt đã phá sản; 10% hoạt động cầm chừng và nguy cơ phá sản cao. Đơn cử như tỉnh Yên Bái, có 33 doanh nghiệp thì 30 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc phá sản. Tỉnh Phú Thọ có 11 doanh nghiệp thì cả 11 doanh nghiệp đã phá sản hoặc ngừng hoạt động. Mỏ quặng sắt Thạch Khê – là mỏ quặng sắt lớn nhất Việt Nam với trữ lượng 550 triệu tấn – cũng không đủ sức hấp dẫn để thu đủ vốn góp của các cổ đông để triển khai dự án.
Một giám đốc doanh nghiệp khai thác quặng sắt cho biết “khối thiết bị đã đầu tư cho nhà máy nghiền tuyển quặng sắt trị giá hàng trăm tỷ đồng nay trở thành đống sắt vụn. Nợ ngân hàng không trả được. Nhiều đơn vị khai thác quặng đã phải bán dần các thiết bị và cả văn phòng để trả lương công nhân. Hàng ngàn lao động không có việc làm”. Nguyên nhân chính dẫn đẩy các doanh nghiệp khai thác quặng tới bờ vực phá sản là đầu ra cho quặng sắt bị bó hẹp, giá lại bị đơn vị thu mua duy nhất trên thị trường là Tập đoàn thép Hòa Phát o ép, chỉ bán được ở mức xấp xỉ 50% giá bán trên thế giới.
Ngày 3/6/2014, 13 doanh nghiệp sản xuất thép thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có công văn kiến nghị khẩn thiết “xem xét lại chủ trương cấm xuất khẩu quặng sắt”. Theo các doanh nghiệp này, kể từ khi có chủ trương dừng xuất khẩu quặng sắt, giá quặng sắt trong nước từ mức 2.200 đồng/kg giảm còn 1.200 đồng/kg, chỉ bằng 1/2 so với giá quặng sắt thế giới, “khiến hàng loạt mỏ khai thác lao đao”. “Duy nhất một doanh nghiệp đang đầu tư vào công nghệ lò cao là TCP Tập đoàn thép Hòa Phát được hưởng lợi từ chính sách này”. Các doanh nghiệp cũng cho rằng với giá nguyên liệu rẻ bằng một nửa so với các doanh nghiệp sản xuất khác, “Hòa Phát đã lũng đoạn thị trường, tự làm giá, tự xuống giá khiến tất cả doanh nghiệp khác đều lao đao”.
Cấm hoàn toàn nhưng xuất khẩu lậu vẫn tràn lan, nhà nước thất thu thuế hàng ngàn tỷ đồng. Theo ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc luyện kim Việt Nam, cho biết từ khi Nhà nước cấm xuất khẩu quặng thô chưa qua chế biến và nâng thuế xuất khẩu quặng sắt tới 40% đến nay, tình trạng xuất lậu quặng sắt sang Trung Quốc trở nên phổ biến với số lượng ngày một tăng.
Cụ thể, số liệu hải quan VN ghi nhận năm 2013 có khoảng 1,25 triệu tấn quặng được xuất sang Trung Quốc với giá 48,72 USD/tấn, trong khi hải quan Trung Quốc lại thống kê có 4,5 triệu tấn quặng được nhập khẩu từ VN, giá nhập bình quân 84,75 USD/tấn, chênh nhau hơn 3,1 triệu tấn, với mức giá chênh lệch khoảng 36,08 USD/tấn. Như vậy, hằng năm Nhà nước đã thất thu hơn 3.000 tỉ đồng do không thu được các khoản thuế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phí bảo trì đường bộ và 40% thuế xuất khẩu quặng sắt. Nếu kể thêm việc kê khai giá quặng thấp chỉ bằng 1/2 giá thực xuất cho Trung Quốc, ước tính có trên 500 tỉ đồng/năm nữa bị thất thu thuế xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Nhìn vào hiện trạng trên, phải chăng chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt với mục tiêu tốt đẹp ban đầu đang gây ra những tác động phụ diện? Vậy đâu là nguyên nhân bản chất.
Ban hành cửa ngách cho chính sách cấm
Không lâu sau khi ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt, căn cứ vào chính Chỉ thị 02/CT-TTg này, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 quy định chi tiết về xuất khẩu khoáng sản. Nhưng ngược với tinh thần căn bản của Chỉ thị 02 là hoàn toàn cấm xuất khẩu quặng sắt, Thông tư 41 lại mở cửa ngách cho 4 tình huống cá biệt của doanh nghiệp có thể xin xuất khẩu khoáng sản. Cụ thể là Bộ Công thương sẽ xem xét quyết định từng trường hợp xuất khẩu cụ thể sau:
– Khoáng sản có tên trong danh mục được xuất khẩu, đã qua chế biến nhưng không thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định do nguyên nhân khách quan (như: do đặc điểm địa chất mỏ, khoáng sản là sản phẩm phụ thu hồi được trong quá trình chế biến khoáng sản chính, quặng đuôi thải thu hồi được nhưng trình độ công nghệ hiện tại không thể nâng hàm lượng được;
– Khoáng sản tồn kho của các mỏ có giấy phép khai thác nhưng đã hết hiệu lực;
– Khoáng sản không thuộc danh mục được xuất khẩu, nhưng trong nước không có nhu cầu tiêu thụ hoặc không tiêu thụ hết.
– Khoáng sản xuất khẩu để đối lưu nhập khẩu hàng hóa cần thiết cho nhu cầu sản xuất trong nước.
Trên cơ sở văn bản đề nghị của UBND cấp tỉnh, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.
Từ việc nới lỏng này, hàng loạt địa phương ồ ạt xin cho doanh nghiệp xuất khẩu và số lượng xin xuất khẩu đã lên đến hàng triệu tấn, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu vượt quá số lượng cho phép, thậm chí là xuất lậu.
Tạo thế độc quyền, buông lơi quản lý, tạo điều kiện doanh nghiệp ép giá thị trường
Tháng 5/2015, các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt đã có văn bản “kêu cứu” trình lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hiện trạng của các doanh nghiệp này đang hết sức bi đát. 90% doanh nghiệp được cho là đã phá sản, 10% còn lại hoạt động cầm chừng và nguy cơ cũng phá sản. Nguyên nhân đáng chú ý là việc bị chính doanh nghiệp thép trong nước “ép giá”.
Các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt dẫn chứng đơn chào hàng của Tập đoàn Thép Hòa Phát ngày 1/4/2015. Theo đó, tinh quặng giao tại nhà máy là: Fe = 63%, đơn giá 1,1 triệu đồng/tấn; Fe = 65%, đơn giá 1,16 triệu đồng/tấn. Giá này đã bao gồm VAT 10% và cước vận tải từ mỏ đến nhà máy tại Kinh Môn, Hải Dương của Hòa Phát. Đơn giá này, trừ thuế VAT 10%, cước vận tải từ 220 – 500 nghìn đồng/tấn (tùy cự ly từng tỉnh) thì giá trị thực của 1 tấn quặng sắt có hàm lượng Fe 65% mà Hòa Phát mua vào chỉ còn 790 nghìn đồng, tương đương 35 USD, thấp hơn nhiều so với giá thế giới tại cùng thời điểm là 51.5 USD.
Trung bình, 1,6 tấn quặng sắt có hàm lương Fe = 65% thì cho ra 1 tấn thép. Như vậy giá trị quặng sắt/1 tấn thép chỉ là 1,86 triệu đồng. Trong khi đó, giá thép bán ra là 12 triệu đồng/tấn. Tính ra, tỷ suất quặng sắt/thép (1,86 triệu/12 triệu) ở Việt Nam hiện nay chỉ có 15%.
“Tỷ lệ này chưa từng có trong lịch sử ngành luyện kim của thế giới từ trước đến nay. Bình quân, tỷ lệ quặng sắt/1 tấn thép trên thế giới tối thiểu là 30%. Như vậy, giá một tấn quặng sắt có hàm lượng Fe 65% không bằng giá một tạ thép. Đây là một nghịch lý chưa từng có. Một nhóm người được hưởng lợi. Doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng sắt quá thiệt thòi. Người tiêu dùng bị lợi dụng” – các doanh nghiệp khai thác quặng bức xúc.
Tuy nhiên, trước khiếu nại của doanh nghiệp khai thác quặng về tình trạng o ép giá, Bộ Công thương chỉ trả lời đây là chủ trương cấm xuất khẩu quặng sắt của Chính phủ là nhất quán và Bộ Công thương sẽ không can thiệp về giá giữa doanh nghiệp thu mua và doanh nghiệp khai thác quặng. Như vậy, trong trường hợp này, Bộ Công thương sử dụng phương pháp quản lý thị trường tự do áp dụng cho một thị trường mang đầy đủ dấu hiệu độc quyền.
Có thể thấy, chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt là chủ trương ban đầu của nhà nước với mục tiêu phát triển ngành gang thép trong nước và bảo vệ tài nguyên cho tương lai. Những tác động tiêu cực tới thị trường quặng sắt và thị trường thép trong thời gian qua phát sinh phần lớn từ các biến thể chính sách được cơi nới sau này. Nhận diện các biến thể, lập lại kỷ cương thực thi chính sách pháp luật, đưa chính sách trở về bản chất mục tiêu ban đầu cũng chính là giải pháp hữu hiệu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như tinh thần Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ.
Nguyên Hương
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…