“Tuyển công nhân về đào tạo theo các bước thì cũng được thôi, nhưng em muốn tạo ra một gia đình nhỏ, nơi quy tụ những anh em cùng chung sở thích, cùng chung chí hướng, tạo nên một dấu ấn nho nhỏ, một cộng đồng cùng chơi cùng sống.”
Trung Kiên, Itsfit Lab Founder
Đó là lời tâm sự để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất khi đến thăm Itsfit Lab, một dự án khởi nghiệp tại không gian sáng tạo Creative Lab by Up, số 1 Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Căn phòng nhỏ khoảng 10m2 của Itsfit là nơi Trung Kiên nghiên cứu và phát triển dòng tai nghe kiểm âm “custom”, một dụng cụ không thể thiếu cho giới nghệ sĩ và giới yêu nhạc quốc tế. Đặc điểm của dòng tai kiểm âm custom là mang tính tùy chọn và cá nhân hóa cao, khít với cấu tạo tai của từng người, có khả năng chống ồn rất tốt trên sân khấu, không bị rơi khi vận động, giúp cho các nhạc sĩ và nhạc công có thể tham chiếu bản nhạc và tập trung biểu diễn mà không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh.
Trung Kiên luôn khiến tôi tự hỏi: Làm thế nào mà một chàng trai cơ khí Bách Khoa lại bước chân vào lĩnh vực âm thanh và tạo ra những chiếc tai custom có mức độ hoàn thiện cao, giàu tính nghệ thuật đến như vậy? Câu chuyện chọn nghề “trái tay” của anh chàng 9x này cũng có nhiều điều đáng để suy ngẫm.
Như rất nhiều bạn trẻ Bách Khoa khác, với Trung Kiên, môi trường đại học chỉ là điểm khởi đầu để tìm hiểu và học hỏi những kiến thức nền tảng. Cậu theo chuyên ngành cơ khí, vừa học vừa chơi, tập trung vào các dự án riêng, chưa định hình được công việc thực sự cho bản thân sau này.
Ra trường, Trung Kiên trải qua nhiều lĩnh vực, làm cho nhà máy Canon, rồi FPT. Tuy nhiên nơi để lại cho cậu nhiều ấn tượng nhất là nhà máy Samsung Thái Nguyên. Tại đây cậu được tiếp xúc với môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, được đào tạo từ quản lý thiết bị, cải tiến dây chuyền cho đến các công nghệ mới. Đã có thời gian cậu quản lý một đội kỹ sư hàng trăm người của Samsung.
Bước ngoặt xảy ra khi Trung Kiên tình cờ tiếp xúc với một chiếc tai nghe custom. Vốn là người yêu thích âm thanh, sản phẩm này làm cậu cảm thấy vô cùng tò mò, hứng thú. Lúc đó dòng tai custom vẫn còn là một điều quá mới mẻ với người Việt, giới nghệ sĩ cũng phải rất khó khăn để có được một chiếc, phải thông qua dịch vụ tại nước ngoài như Singapore hay Mỹ.
Ý tưởng về việc tự làm một chiếc tai nghe custom cho bản thân đã thôi thúc Trung Kiên quyết tâm tìm hiểu, dù cảm thấy đó là một điều khá xa vời. Trong vòng 1 tháng vào khoảng giữa năm 2016, cậu vừa đi làm tại nhà máy, vừa nghiên cứu mày mò, lên kế hoạch, chuẩn bị các dụng cụ cần thiết, tìm hiểu các dòng vật liệu thân thiện với da, v.v.. Sau đó cậu dành ra hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật cuối cùng để tự mình bơm silicon vào tai, lấy khuôn, tháo tung một chiếc tai nghe đang có, rồi biến nó thành một chiếc tai nghe custom.
Chiếc tai nghe custom đầu tay của Trung Kiên đã khiến nhóm bạn bè yêu nhạc của cậu vô cùng chú ý vì chất lượng hoàn thiện tương đối tốt. Một công ty tai nghe Việt Nam đã gọi điện mời cậu về làm, chuyên tập trung nghiên cứu dòng tai nghe custom. Trung Kiên đồng ý chuyển nghề trong một thời điểm khá “nhạy cảm”: cậu lập gia đình.
Một thời gian sau đó, trong khi Trung Kiên dần dần tự mình hoàn thiện toàn bộ công nghệ và quy trình cho sản phẩm của mình thì công ty gặp nhiều vấn đề, phải giải thể. Để tiếp tục theo đuổi công việc mình yêu thích, Trung Kiên không còn chỉ là dân nghiên cứu nữa, cậu tự đứng ra lập một startup riêng nhờ sự giúp đỡ của nhà đầu tư, của các anh em bạn bè yêu âm nhạc.
Để chuẩn bị cho ngày ra mắt sản phẩm, một mình cậu phải cùng lúc chạy trên nhiều lĩnh vực khác nhau: thiết kế các mẫu tai, thiết kế đóng hộp sản phẩm, tự học rồi tự lập trình và thiết kế web, liên hệ từng nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng, cân bằng tài chính, lên chiến lược, v.v.. Dù chỉ có một mình trong khoảng thời gian này, cậu luôn tâm niệm rằng mình đang hướng tới chất lượng cao nhất, không chỉ trong sản phẩm mà trong mọi điều liên quan, bởi vì tổng hòa của tất cả mới là một sản phẩm, mới là một dịch vụ.
Sau 3 năm chuẩn bị kỹ lưỡng, Itsfit Lab ra mắt vào ngày 19/5/2019 với tai nghe tham chiếu R3 và thương hiệu Itsfitlab. Hai tháng sau tại triển lãm âm thanh cao cấp Headphileshow tại Sài Gòn, Itsfit tiếp tục ra mắt tai nghe cao cấp Fusion, chiếc tai nghe đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ Tri-Brid tĩnh từ. Ngoài ra, Itsfit cũng cung cấp dịch vụ chỉnh sửa tai nghe bình thường thành tai nghe custom.
Trung Kiên khoe, trung bình 1 tháng, cậu nhận được hàng chục đơn đặt hàng từ không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới: Nga, Pháp, Bỉ, Phillipines, Indonesia, Singapore, v.v.. Một số nhà phân phối nước ngoài còn chủ động liên hệ với Itsfit đặt vấn đề hợp tác, dù Trung Kiên không chú ý đến chiến lược marketing cho Itsfit, nhất là ở thị trường nước ngoài.
Trung Kiên chia sẻ, khó khăn lớn nhất trước mắt của Itsfit Lab là nhân sự, bởi vì công việc làm ra những chiếc tai nghe không dễ dàng, cần phải là người yêu thích sản phẩm. Hơn nữa, “tuyển công nhân về đào tạo theo các bước thì cũng được thôi, nhưng em muốn tạo ra một gia đình nhỏ, nơi quy tụ những anh em cùng chung sở thích, cùng chung chí hướng, tạo nên một dấu ấn nho nhỏ, một cộng đồng cùng chơi cùng sống”, cậu tâm sự. Hiện tại, nhân sự của Itsfit mới chỉ có hai người và một vài cộng tác viên, tất cả đều là người yêu thích âm thanh, “nhờ cơ duyên mà đến”, có bạn vẫn còn đang học tập trên giảng đường đại học. Còn Trung Kiên – nhân sự “chuyên nghiệp” của Itsfit Lab – không chỉ bận bịu với tai nghe mà còn phải bận bịu với cô con gái đầu lòng.
Với Trung Kiên, niềm đam mê là một điều vô cùng quan trọng:
“Đam mê như dầu trong một cái đèn vậy, mình luôn phải duy trì vì nếu nó hết thì ngọn đèn cũng tắt. Đam mê sẽ giúp mình vượt qua khó khăn trong từng thời điểm then chốt mà có thể khiến ta bỏ cuộc: khi gặp khó khăn tài chính; khi gặp vấn đề kỹ thuật hóc búa… Không ai có thể đủ kiến thức để làm mọi lĩnh vực, nhưng đam mê có thể cho mình động lực để học hỏi những điều đó. Và quan trọng nhất là mình có thể truyền đam mê cho những người cùng đi chung với mình.”
Rời khỏi căn phòng làm việc nho nhỏ của Itsfit, tôi bất chợt có cảm giác thật bình lặng. Đôi khi một startup không cần phải quá đình đám và cao xa. Đơn giản là bạn chỉ cần tìm được một công việc mà mình thích, rồi dốc hết tâm sức để làm thật tốt công việc ấy.