Thế Giới

Báo cáo: Nhiều vụ lừa đảo có sự hậu thuẫn của ĐCSTQ, người Mỹ mất 5 tỷ USD mỗi năm

Một ủy ban đặc biệt của Quốc hội Mỹ cho biết, các băng nhóm lừa đảo có nguồn gốc từ châu Á đang ngày càng trở thành mối đe dọa đối với người dân Mỹ. Những trung tâm lừa đảo này mỗi năm lừa đảo hơn 5 tỷ USD từ người Mỹ và được cho là có sự hậu thuẫn ngầm của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ảnh minh họa. (Nguồn: JOURNEY STUDIO7 / Shutterstock)

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung (USCC) chỉ ra rằng, theo ước tính thận trọng, số vụ lừa đảo qua mạng mà người Mỹ gặp phải trong năm 2024 đã tăng 42% so với năm trước. Trong khi đó, theo báo cáo chính thức từ phía ĐCSTQ, thiệt hại do lừa đảo qua mạng trong nước (Trung Quốc) lại giảm 30%.

Vào tháng 3/2024, một người đàn ông 82 tuổi ở bang Virginia tên là Dennis đã tự tử sau khi bị lừa sạch toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời qua một vụ lừa đảo trực tuyến. Ông quen một người phụ nữ tự xưng là “Jessie” trên Facebook. Sau vài tháng trò chuyện và phát triển mối quan hệ tình cảm, Jessie nói rằng cô đang kiếm tiền từ đầu tư tiền điện tử và đã thuyết phục Dennis bỏ toàn bộ tiền tiết kiệm vào đó. Một ngày nọ, ông Dennis phát hiện toàn bộ tiền và Jessie đều “bốc hơi”.

Hình thức lừa đảo này được gọi là “chăn lợn”, tức kẻ lừa đảo xây dựng mối quan hệ tình cảm với nạn nhân qua mạng, sau đó dụ dỗ họ đầu tư vào các dự án lừa đảo, còn được gọi là “lừa đảo tình ái”.

Một nhóm chuyên gia của Viện Hòa bình Mỹ ước tính rằng, trong năm 2023, loại hình lừa đảo này đã tạo ra doanh thu toàn cầu lên tới 63,9 tỷ USD, trong đó Myanmar, Campuchia và Lào là các trung tâm hoạt động chính.

ĐCSTQ điều quân sang nước láng giềng, tịch thu thiết bị mang về nước

Bắc Kinh còn lợi dụng vấn đề các trung tâm lừa đảo để mở rộng ảnh hưởng của mình tại Đông Nam Á. Có báo cáo cho biết, một số trung tâm lừa đảo ở Philippines có thể liên quan đến hoạt động gián điệp của chính quyền ĐCSTQ.

Báo cáo của USCC còn chỉ ra rằng, Bắc Kinh đã viện lý do “bảo vệ công dân Trung Quốc bị hại” để gây áp lực lên các nước Đông Nam Á, buộc họ phải chấp thuận cho lực lượng an ninh ĐCSTQ có vai trò lớn hơn trong khu vực này.

Theo các tài liệu của chính quyền ĐCSTQ, khi lực lượng an ninh ĐCSTQ tham gia các chiến dịch trấn áp các trung tâm lừa đảo ở các quốc gia Đông Nam Á, họ thường tịch thu số lượng lớn thiết bị mà kẻ lừa đảo sử dụng. Ví dụ, trong năm 2023, ĐCSTQ đã tham gia nhiều chiến dịch tại Lào và tịch thu ít nhất 640 thiết bị như máy tính và điện thoại di động. Đến tháng 8/2024, ĐCSTQ tham gia chiến dịch tại Myanmar và cũng tịch thu “số lượng lớn” thiết bị, sau đó mang toàn bộ về nước.

USCC lưu ý rằng, các thiết bị này có thể chứa thông tin tình báo quan trọng liên quan đến mạng lưới tội phạm Trung Quốc, cũng như dữ liệu cá nhân nhạy cảm của các nạn nhân, bao gồm cả công dân Mỹ. Tuy nhiên, ông Jason Tower – Giám đốc phụ trách các vấn đề Myanmar tại Viện Hòa bình Mỹ và là chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về tội phạm xuyên quốc gia Trung Quốc – khi điều trần trước ủy ban đã xác nhận rằng, Bắc Kinh vẫn luôn từ chối chia sẻ thông tin thu thập được từ các thiết bị này với các quốc gia khác.

ĐCSTQ hành động có chọn lọc, hướng các trung tâm lừa đảo nhắm vào Mỹ

USCC nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh chỉ hành động đối với các nhóm tội phạm không nằm dưới sự kiểm soát của họ, nhưng lại phớt lờ những nhóm phù hợp với chương trình nghị sự rộng lớn hơn của ĐCSTQ.

Báo cáo viết: “Tuy nhiên, những hành động chọn lọc như vậy không những không kìm hãm sự mở rộng về quy mô và phạm vi của các trung tâm lừa đảo trong khu vực, mà ngược lại, việc Bắc Kinh ‘bảo vệ công dân Trung Quốc’ đã thúc đẩy các trung tâm này chuyển mục tiêu sang công dân Mỹ.”

Báo cáo cho biết, ban đầu các băng nhóm tội phạm gốc Hoa này chủ yếu nhắm đến nạn nhân trong nước, nhưng sau khi bị chính quyền ĐCSTQ trấn áp, họ đã chuyển sang nhắm đến người dùng ở các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ.

Báo cáo viết: “Việc Bắc Kinh chọn lọc trấn áp các trung tâm lừa đảo nhắm vào người Trung Quốc đã khiến các tổ chức tội phạm Trung Quốc nhận ra rằng, nếu chuyển sang nhắm đến công dân của các quốc gia giàu có như Mỹ, họ có thể thu được lợi nhuận cao hơn với rủi ro thấp hơn.”

Sự mở rộng của các mạng lưới tội phạm Trung Quốc tại Đông Nam Á cũng phù hợp với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ.

Báo cáo chỉ ra: “Một số tập đoàn tội phạm khét tiếng đã đầu tư mạnh vào các dự án cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’, giúp họ xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng số cho hoạt động lừa đảo tại Campuchia và khu vực biên giới Thái Lan – Myanmar. Đổi lại, các quan chức và doanh nghiệp nhà nước ĐCSTQ ủng hộ các dự án này nhằm thể hiện thành tích trong việc thúc đẩy ‘Vành đai và Con đường’, bất chấp các dự án này có liên quan đến tội phạm xuyên quốc gia.”

Quốc hội kêu gọi Mỹ cần nâng cao nhận thức chống lừa đảo

USCC cảnh báo rằng, hiện nay công tác xử lý các vụ lừa đảo qua mạng tại Mỹ đang bị phân tán và thiếu nguồn lực. Nếu không có một chiến lược phối hợp để nâng cao nhận thức công chúng, tăng cường năng lực cho cơ quan thực thi pháp luật, và tích cực vạch trần, ngăn chặn các vụ lừa đảo, thì thiệt hại đối với nước Mỹ chắc chắn sẽ còn gia tăng.

Báo cáo cho thấy, các băng nhóm tội phạm Trung Quốc đứng sau những trung tâm lừa đảo này rất tinh vi về mặt kỹ thuật, liên tục sử dụng công nghệ hiện đại để dụ dỗ nạn nhân và tránh bị phát hiện. Chúng thường tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò. Sau đó, chúng thường chuyển kênh liên lạc sang các nền tảng nhắn tin mã hóa nhằm giảm nguy cơ bị theo dõi.

Ngày càng có nhiều vụ lừa đảo sử dụng phần mềm dịch thuật, chatbot AI tạo sinh và công nghệ deepfake (thay mặt bằng AI). Sau khi thiết lập được niềm tin, chúng thuyết phục nạn nhân đầu tư vào các chương trình tài chính lừa đảo có liên quan đến các tài khoản do chúng kiểm soát.

Cuối cùng, bọn lừa đảo sử dụng các dịch vụ rửa tiền quảng bá trên ứng dụng nhắn tin mã hóa để chuyển các tài sản đánh cắp vào hàng nghìn ví điện tử, rồi rửa tiền và đưa vào nền kinh tế hợp pháp.

Tuyên bố ngày 30/6 của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) cho biết, các trung tâm lừa đảo liên quan đến buôn người hiện đã mở rộng dấu chân toàn cầu ra ngoài khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Trung Đông, Tây Phi (có thể đang trở thành trung tâm mới) và Trung Mỹ, với số lượng trung tâm lừa đảo mạng tiếp tục gia tăng.

Lâm Yến

Published by
Lâm Yến

Recent Posts

Ukraine phẫn nộ khi chính quyền Zelensky tấn công các cơ quan chống tham nhũng — Economist

Một đạo luật lật úp cơ chế độc lập chống tham nhũng, nhưng lại được…

2 giờ ago

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngăn chặn ĐCSTQ tấn công Đài Loan

Vào thứ Hai (ngày 21/7), Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua "Dự…

2 giờ ago

Cơ thể bị ảnh hưởng như thế nào nếu bạn ngủ quá nhiều?

Nếu nghĩ rằng ngủ càng nhiều càng khiến cơ thể sảng khoái và tràn đầy…

4 giờ ago

Vàng trong nước chạm mức 122,7 triệu đồng/lượng

Theo xu hướng đi lên của vàng thế giới, vàng trong nước điều chỉnh tăng…

5 giờ ago

Mưa lũ do bão Wipha: Lũ tràn 300m mặt đê tại Hưng Yên

Đê bối khu vực cống Cù Là, xã Hồng Vũ, tỉnh Hưng Yên (Thái Bình…

5 giờ ago

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba bác bỏ thông tin quyết định từ chức

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm thứ Tư (23/7) đã phủ nhận việc ông…

6 giờ ago