Thế Giới

Chuyên gia: Việt Nam không sẵn sàng tham gia “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc

Mặc dù Việt Nam tỏ ra thận trọng đối với sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam tuần này vẫn nỗ lực thúc đẩy kế hoạch này. Reuters có phân tích, danh sách giao dịch giữa hai bên dù dài nhưng thiếu những mục quan trọng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính ra sân bay quốc tế Nội Bài đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc thăm Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác chiếm vị trí trung tâm của Sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”. Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations) của Mỹ có chỉ ra, Đông Nam Á là “vành đai” đất liền và “con đường” biển của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Nhưng trong khi một số nước trong khu vực hoan nghênh nguồn tài trợ Vành đai và Con đường thì Việt Nam lại tỏ ra thận trọng.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Issa của Singapore cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với nhóm Việt Nam của VOA vào cuối tháng trước, “Việt Nam cho biết ủng hộ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam thường tham gia Diễn đàn Vành đai và Con đường mà Trung Quốc tổ chức, nhưng Việt Nam thực tế không tích cực tham gia vào các dự án trong khuôn khổ Vành đai và Con đường hoặc chấp nhận đầu tư từ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường”.

Đại sứ Hùng Ba của ĐCSTQ tại Việt Nam cho biết vào tháng 11/2021 rằng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường bao gồm một loạt dự án quy mô lớn tại Việt Nam, nhưng Việt Nam chưa công bố công khai bất kỳ dự án nào thuộc Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Ông Lê Hồng Hiệp nói: “Điều này phản ánh thái độ thận trọng của Việt Nam đối với việc vay vốn từ Trung Quốc thông qua các kênh chính thức”.

Murray Hiebert, thành viên cao cấp tại Chương trình Đông Nam Á – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cũng cho biết: “Việc Việt Nam ca ngợi Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường chủ yếu là thái độ ngoại giao đối với Trung Quốc. Hà Nội không thực sự hào hứng với kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, nhưng chấp nhận các khoản đầu tư sản xuất và bất động sản của doanh nghiệp Trung Quốc”.

Chuyên gia cho rằng thái độ thận trọng của Việt Nam xuất phát từ tranh chấp chủ quyền đảo giữa hai nước. Việt Nam đã nhiều lần lên án Trung Quốc đưa tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và quân sự hóa Biển Đông xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Hiebert nói: “Việt Nam không muốn nợ Trung Quốc một ân huệ nào về cơ sở hạ tầng quan trọng vào thời điểm đang có những chia rẽ nghiêm trọng ở Biển Đông”.

Các chuyên gia cho rằng những trải nghiệm tồi tệ với các dự án hợp đồng trước đây với Trung Quốc là một lý do khác khiến Việt Nam lo lắng về Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Chi phí của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã tăng lên 868 triệu USD so với ước tính ban đầu là 552,8 triệu USD. Tuyến đường sắt đô thị dài 13km ở Hà Nội bị chậm tiến độ gần 10 năm do nhà thầu Trung Quốc kéo dài, gây bức xúc trong người dân Việt Nam.

Ông Lê Hồng Hiệp cho biết Việt Nam không muốn lặp lại những sai lầm tương tự: “Bài học đã khiến Việt Nam hết sức thận trọng với các khoản vay của Trung Quốc, dù là Vành đai và Con đường, các khoản vay của Trung Quốc có nghĩa vụ sử dụng nhà thầu và thiết bị của Trung Quốc”.

Còn ông Phạm Sỹ Thanh, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Kinh tế của Việt Nam, cho biết khoảng 70% dự án Vành đai và Con đường có sự tham gia của các nhà thầu hoặc công nhân Trung Quốc.

Hà Nội từ chối khoản vay từ Trung Quốc để xây dựng đường sắt cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, cũng không cho công ty Huawei tham gia phát triển cơ sở hạ tầng truyền thông 5G của Việt Nam với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của ĐCSTQ dù đã giúp nhiều nước nghèo xây dựng đường bộ, đường sắt và cơ sở hạ tầng, nhưng cũng khiến không ít nước chìm trong nợ nần. Ý đã đi đầu trong việc rút khỏi Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, cho hay những đảm bảo kinh tế của thỏa thuận này chưa bao giờ được thực hiện.

Trong khi đó, ĐCSTQ không ngừng thúc ép Việt Nam tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Như ngày 20/10 khi Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường và gặp ông Tập Cận Bình, khi đó ông Tập cũng đã kêu gọi Việt Nam nhanh chóng tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Các chuyên gia cho biết chuyến đi Hà Nội trong tuần này của ông Tập Cận Bình cũng dự kiến ​​sẽ thúc giục Việt Nam nhanh chóng tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Theo các nguồn tin, trước khi ông Tập Cận Bình đến Việt Nam vào ngày 12/12 thì ông Đại sứ Hùng Ba của ĐCSTQ đã nói rằng Trung Quốc sẵn sàng cung cấp tài chính cho Việt Nam để tăng cường tuyến đường sắt nối Côn Minh của Trung Quốc với cảng Hải Phòng của Việt Nam và các tuyến vận tải khác từ miền nam Trung Quốc đến Hà Nội.

Ông Hiebert nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Việt Nam chấp nhận một hoặc hai dự án nhỏ có ít tác động đến nền kinh tế Việt Nam hơn nền kinh tế Trung Quốc”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của VOA. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tháng trước bày tỏ ủng hộ việc nâng cấp tuyến đường sắt giữa Côn Minh và Hải Phòng.

Các cuộc khảo sát của ASEAN cho thấy hầu hết người dân Việt Nam không tin tưởng vào Trung Quốc do bắt nguồn từ kinh nghiệm lịch sử, 2/3 số người Việt Nam được hỏi không tin tưởng vào các sáng kiến ​​an ninh toàn cầu của Trung Quốc.

Nhưng ông Lê Hồng Hiệp cho biết hợp tác với Trung Quốc trong xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng “là cách để Việt Nam cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh sau khi đã nâng cấp quan hệ với Mỹ và các đồng minh”.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9 thì Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện – ngang cấp với Trung Quốc. Ngoài ra vào năm ngoái và tháng trước thì Việt Nam lần lượt nâng cấp với Hàn Quốc và Nhật Bản lên đối tác quan trọng.

Hiebert cho rằng việc cải thiện quan hệ với Mỹ và các đồng minh cũng là cách để Việt Nam cân đối hoạt động đối ngoại trên cơ sở tránh quá nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc. Ông nói: “Việt Nam không muốn trở thành quốc gia vệ tinh của bất kỳ siêu cường nào”.

Tuy nhiên, ông Lê Hồng Hiệp cho rằng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn chiếm khoảng 1/3 tổng lượng nhập khẩu [của Việt Nam], việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc là “không dễ”. Ông nói: “Theo tôi, nâng cấp quan hệ với các nước và ký kết các hiệp định thương mại tự do khác nhau là những bước đi cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giảm sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc về lâu dài”.

Danh sách giao dịch dài thiếu những mục quan trọng

Trong chuyến thăm 2 ngày tới Hà Nội vào thứ Tư của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, hai bên đã ký hàng chục thỏa thuận hợp tác, bao gồm các khoản đầu tư có thể có liên quan kết nối đường sắt và an ninh, cũng như ba khoản đầu tư vào viễn thông và “hợp tác dữ liệu kỹ thuật số”, đồng thời nhất trí thiết lập thêm đường dây nóng để giải quyết mọi trường hợp khẩn cấp có thể phát sinh ở vùng biển tranh chấp….

Nhưng giới phân tích cho rằng việc cải thiện mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể mang tính biểu tượng hơn là thực tế. Reuters phân tích rằng trong danh sách dài các giao dịch giữa hai bên đã không có một số mục quan trọng. Ví dụ, mặc dù ĐCSTQ đăng một bài báo trên tờ báo chính thức của Việt Nam kêu gọi hợp tác rộng rãi hơn về các khoáng sản quan trọng, nhưng về đất hiếm không thấy hai bên có thỏa thuận nào được công bố. Việt Nam được ước tính có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Mộc Vệ (t/h)

Mộc Vệ

Published by
Mộc Vệ

Recent Posts

Luật sư nhân quyền David Matas kiên trì vạch trần nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc

Bộ phim tài liệu “Thợ săn công lý” tập trung vào cuộc điều tra của…

29 phút ago

[VIDEO] Chính phủ kiến nghị năm 2025 chưa tăng lương hưu, lương công chức

Chính phủ kiến nghị chưa tăng lương hưu, công chức, trợ cấp xã hội năm…

29 phút ago

Huyện miền núi Thanh Hóa tiếp tục sạt lở, núi đất sau một trường tiểu học sạt dài 70m

Khoảng 200 người dân hai bản, cùng 185 cháu học sinh, 16 giáo viên của…

40 phút ago

Đài Loan từ chối yêu cầu dời văn phòng đại diện khỏi thủ đô Nam Phi

Chính phủ Nam Phi yêu cầu Đài Loan dời văn phòng đại diện tại Nam…

1 giờ ago

Mỹ điều tra vụ thiết bị Huawei có chip TSMC, cuộc chiến chế tài chip leo thang

TSMC thông báo rằng một trong những con chip của họ bị phát hiện sau…

2 giờ ago