Đài Loan sẽ chi gần 240 tỷ Đài tệ (8,71 tỷ USD) cho 8 loại vũ khí để giúp tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Bắc Kinh.
Các nhà quan sát quân sự cho biết vũ khí sẽ được chế tạo bởi hòn đảo tự trị, bao gồm các tên lửa có khả năng tấn công các vùng ven biển và nội địa Trung Quốc.
Cơ quan lập pháp của hòn đảo đã phê duyệt kế hoạch chi tiêu 5 năm trị giá 237 tỷ Đài tệ vào hôm 11/1 dưới hình thức ngân sách quân sự đặc biệt cần được huy động thông qua việc vay nợ của chính phủ, theo thông tin công khai do cơ quan lập pháp công bố.
Khoản chi tiêu này đứng đầu trong ngân sách quốc phòng kỷ lục 471,7 tỷ Đài tệ cho năm nay.
Nó sẽ được sử dụng để sản xuất hàng loạt tên lửa chính xác và tầm xa cũng như các tàu hải quân để tăng cường khả năng phòng thủ trên biển và trên không của hòn đảo, theo báo cáo ngân sách của Bộ Quốc phòng.
Trích dẫn sự đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Bắc Kinh, khi nước này liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận gần đó và gửi máy bay chiến đấu đến vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan gần như hàng ngày, báo cáo cho biết Đài Loan cần phải củng cố hệ thống phòng thủ của mình, đặc biệt nó đưa ra những cảnh báo rằng Quân Giải phóng Nhân dân có thể tấn công hòn đảo trong thập kỷ này.
Trong cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 3, khi đó người đứng đầu Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Phil Davidson, cảnh báo rằng PLA có thể xâm lược Đài Loan trong vòng 6 năm tới.
Đài Loan cũng đã được tạp chí The Economist của Anh mô tả là nơi nguy hiểm nhất trên Trái đất vì sự mất kiên nhẫn ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với triển vọng thống nhất hai bờ eo biển. Tạp chí cảnh báo, nếu các nhà lãnh đạo Đại lục cho rằng thống nhất hòa bình là không thể, họ có thể cố gắng chiếm Đài Loan bằng vũ lực.
Vào tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng thừa nhận rằng PLA sẽ có thể tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào hòn đảo này vào năm 2025.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh cần phải được đưa trở lại Đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.
Trung Quốc cũng ngày càng tỏ ra khó chịu khi Đài Loan không hành động trước trong việc đề xuất về liên minh hòa bình xuyên eo biển theo nguyên tắc ‘một Trung Quốc’, cũng như mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc của hòn đảo này với Washington.
Theo ngân sách đặc biệt, quân đội sẽ chi 79,7 tỷ Đài tệ cho các hệ thống tên lửa chống hạm trên bờ; 34,7 tỷ Đài tệ cho các hệ thống phòng không trên đất liền; 17 tỷ Đài tệ cho dự án tên lửa đất đối đất Hsiung Sheng; 12,6 tỷ Đài tệ cho tên lửa hành trình không đối đất Wan Chien; và 8,9 tỷ Đài tệ cho hệ thống tên lửa phòng không đối đất.
Các hệ thống trên bờ bao gồm tên lửa Hsiung Feng 3 siêu thanh và phiên bản tầm bắn mở rộng của nó, trong khi các hệ thống trên đất liền bao gồm tên lửa đất đối không Tien Kung 3, và các hệ thống trên thực địa bao gồm tên lửa tầm trung phòng không Tien Chien 2 dẫn đường bằng radar.
Ngoài ra, 12 tỷ Đài tệ sẽ dành cho dự án máy bay tấn công không người lái; 69,2 tỷ Đài tệ cho dự án tàu đa chức năng và 3,2 tỷ Đài tệ cho hệ thống vũ khí thời chiến cho lực lượng tuần duyên của hòn đảo, theo bảng ngân sách của Tổng cục Ngân sách, Kế toán và Thống kê.
Phần lớn kinh phí cho dự án tàu hải quân đa chức năng sẽ được sử dụng để mua thêm 10 tàu hộ tống tên lửa tàng hình Ta Jiang, theo Tổng cục trưởng.
Hải quân Đài Loan đã đưa vào biên chế tàu hộ tống lớp Ta Jiang đầu tiên vào tháng 9. Được chế tạo bởi Lung Teh Shipbuilding, tàu Ta Jiang – được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay – có khả năng tấn công các tàu chiến lớn hơn.
Các nhà quan sát cho biết tên lửa và các tàu đa chức năng được thiết kế để có thể giữ vai trò quan trọng trong chiến lược tác chiến phi đối xứng của hòn đảo nhằm chống lại lực lượng PLA.
Su Tzu-yun, nhà phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh do chính phủ tài trợ cho biết: “Những hệ thống này không chỉ có tính cơ động cao mà còn đủ mạnh để tạo thành lực lượng răn đe chống lại PLA.”
“Một số tên lửa, bao gồm cả Hsiung Sheng, có khả năng vươn tới các khu vực ven biển và nội địa của Trung Quốc”.
Ông Su cho biết tàu Wan Chien, với tầm bắn khoảng 240 km, được thiết kế để tấn công chế áp các sân bay, cảng, địa điểm đặt tên lửa và vị trí radar của Trung Quốc đại lục.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…