Bốn trong số các nền tảng công nghệ mạng trực tuyến lớn nhất thế giới đang có quan hệ đối tác làm việc với một tổ chức phi lợi nhuận cánh tả với hồ sơ theo dõi không chính xác và thường xuyên gắn nhãn các tổ chức bảo thủ là “nhóm thù địch”.
Tóm tắt bài viết:
Một cuộc điều tra của Daily Caller mới đây phát hiện rằng Facebook, Amazon, Google và Twitter đều làm việc hoặc tham khảo từ SPLC trong việc giám sát các nền tảng dịch vụ của họ đối với “ngôn từ kích động thù địch” hoặc “nhóm thù địch”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Daily Caller, phát ngôn viên Facebook, Ruchika Budhraja cho biết SPLC nằm trong một danh sách của “các chuyên gia và tổ chức bên ngoài” mà Facebook hợp tác làm việc cùng “để thông báo chính sách ngôn từ kích động thù địch của chúng tôi”.
Bà Budhraja nói Facebook tham vấn từ các tổ chức bên ngoài nằm trong danh sách hợp tác với họ khi mạng xã hội lớn nhất thế giới này phát triển những thay đổi đối với các chính sách ngôn từ kích động thù địch. Phát ngôn viên này lưu ý thêm rằng các đại diện Facebook thường sẽ tổ chức từ một tới ba cuộc họp với các nhóm chuyên gia bên ngoài trước khi thực hiện các thay đổi.
Viện dẫn những quan ngại về quyền riêng tư, phát ngôn viên của Facebook đã từ chối nêu tên tất cả các nhóm bên ngoài làm việc với họ, nhưng đã xác nhận sự tham gia của SPLC.
Bà Budhraja nhấn mạnh rằng định nghĩa của Facebook về “nhóm thù địch” khác với định nghĩa của SPLC và nói rằng Facebook tham vấn từ nhiều nhóm với đa dạng các quan điểm chính trị khác nhau.
Trong một bài viết ngày 8/5, SPLC đã cáo buộc Facebook thực hiện kiểm duyệt không đủ với “thù địch bài Hồi giáo” trên nền tảng mạng xã hội này. Bài viết đó SPLC không công khai quan hệ đối tác làm việc của mình với Facebook.
Bà Budhraja nói: “Chúng tôi có quy trình riêng và các quy trình của chúng tôi là khác biệt và tôi nghĩ đó là lý do tại sao chúng tôi bị [SPLC] chỉ trích, bởi vì các tổ chức [bị gắn nhãn] là tổ chức thù địch theo tiêu chuẩn của họ không phù hợp với tiêu chuẩn của chúng tôi”.
“Điều đó không có nghĩa là chúng tôi không có một quy trình tại chỗ, và điều đó chắc chắn không có nghĩa là chúng tôi muốn nền tảng mạng xã hội này là một nơi cho“sự thù địch” nhưng chúng tôi sẽ không hướng theo danh sách hoặc quy trình của SPLC“, Bà Budhraja nói.
Daily Caller phát hiện rằng trong số bốn công ty nền tảng công nghệ hàng đầu, Amazon cung cấp cho SPLC quyền hạn trực tiếp nhất trên nền tảng mạng trực tuyến của mình.
Trong khi Facebook nhấn mạnh sự độc lập của nó đối với SPLC, Amazon làm ngược lại: Công ty của Jeff Bezos trao quyền kiểm soát rộng lớn cho SPLC qua chương trình từ thiện Amazon Smile, trong khi tuyên bố mạng dịch vụ trực tuyến này vẫn duy trì không thiên vị.
“Chúng tôi loại bỏ các tổ chức mà SPLC coi là không đủ điều kiện“, một phát ngôn viên của Amazon nói với Daily Caller.
Amazon cho rằng SPLC có quyền đó “bởi vì chúng tôi không muốn bị là bất cứ cái gì đó thiên vị”, phát ngôn viên của Amazon nói vậy, nhưng cũng không thể đưa ra ý kiến liệu Amazon có coi SPLC là không thiên vị hay không.
Chương trình Amazon Smile cho phép khách hàng chọn một tổ chức từ thiện sẽ nhận được 0,5% số tiền mà họ giao dịch mua hàng trên Amazon. Theo Amazon, khách hàng của họ đã dành tổng cộng hơn 8 triệu USD cho các tổ chức từ thiện thông qua chương trình Amazon Smile từ năm 2013.
SPLC là đối tác duy nhất của Amazon có quyền xác định xem các nhóm từ thiện nào được phép gia nhập chương trình Amazon Smile.
Daily Caller cho biết tính tới tháng Năm, các nhóm pháp lý Công giáo như Liên minh Bảo vệ Tự do, tổ chức gần đây đã đại diện thành công cho người thợ làm bánh là tín đồ Công giáo ở Tòa án Tối cao, đã bị cấm tham gia vào chương trình Amazon Smile và các nhóm công khai bài Do Thái cũng bị cấm.
Một tháng sau, các nhóm bài Do Thái chứ không phải Liên minh Bảo vệ Tự do của Công giáo lại có thể tham gia vào chương trình Amazon Smile.
Twitter liệt kê SPLC như là “đối tác an toàn” làm việc với Twitter để chống lại “hành vi thù địch và quấy rối”.
Theo Twitter, nền tảng mạng xã hội này cũng có Hội đồng Tin cậy và An toàn, “cung cấp đầu vào về các sản phẩm, các chính sách và chương trình an toàn của chúng tôi”. Những người ủng hộ tự do ngôn luận đã chỉ trích đó là sự lừa gạt công khai, kiểm soát người dùng.
Một phát ngôn viên của Twitter từ chối bình luận cụ thể về SPLC, nhưng cho biết công ty này “thường xuyên liên lạc với một loạt các tổ chức xã hội dân sự và [các tổ chức phi chính phủ]”.
Google sử dụng SPLC để giúp giám sát phát ngôn tiêu cực trên YouTube như là một phần của chương trình “Người gắn cờ đáng tin cậy” của YouTube, Daily Caller đưa tin vào tháng Hai, dẫn theo nguồn tin biết rõ về thỏa thuận này. Sau khi Daily Caller đưa tin đó, SPLC đã xác nhận rằng họ đang kiểm soát ngôn từ kích động thù địch trên YouTube.
Theo YouTube, SPLC và các nhóm bên thứ ba khác trong chương trình “Người gắn cờ đáng tin cậy” làm việc một cách chặt chẽ với các nhân viên của YouTube để tìm ra nội dung cực đoan theo hai cách:
Thứ nhất, những người gắn cờ được trang bị các công cụ kỹ thuật số cho phép họ gắn cờ hàng loạt nội dung để nhân viên YouTube xem xét. Thứ hai, các nhóm này hoạt động như các hướng dẫn cho các giám sát nội dung và các kỹ sư của YouTube – những người thiết kế các thuật toán để điều chỉnh nền tảng video này nhưng có thể thiếu kiến thức chuyên môn cần thiết để giải quyết một chủ đề nội dung nhất định.
SPLC là một trong hơn 300 cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong chương trình này của YouTube, phần lớn trong số đó vẫn ẩn danh dựa vào các thỏa thuận bảo mật.
SPLC đã liên tục tranh cãi về việc xuất bản danh sách “cực đoan” và “các nhóm thù địch”. Trong năm nay, hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận này đã bị cản trở bởi sự thiếu chính xác trong thông tin, phải rút lại bốn bài viết trong tháng Ba và tháng Tư.
SPLC không trả lời yêu cầu bình luận từ Daily Caller và đã xóa ba bài viết liên quan đến Nga trong tháng Ba sau những thách thức về tính chính xác của các bài viết đó, theo sau là các mối đe dọa pháp lý.
Tất cả ba bài viết của SPLC tập trung vào việc vẽ ra các mối liên hệ kiểu thuyết âm mưu giữa các nhân vật chính trị chống thể chế hiện hành tại Mỹ (1) và các hoạt động gây ảnh hưởng của Nga tại Hoa Kỳ.
Vào tháng Tư, SPLC đã phải xóa một danh sách “kẻ cực đoan bài Hồi giáo” gây tranh cãi, sau khi nhà cải cách Hồi giáo người Anh Maajid Nawaz đe dọa sẽ khởi kiện SPLC vì ông ta cũng bị xếp vào danh sách này. SPLC đã cáo buộc những kẻ cực đoan về những tội ác thù hận bài Hồi giáo.
Nhà hoạt động nhân quyền phụ nữ gốc Somalia, Ayaan Hirsi Ali cũng đã bị SPLC xếp vào danh sách nêu trên.
Ayaan Hirsi Ali, một nạn nhân của việc bị cắt bộ phận sinh dục nữ, người hiện nay ủng hộ chống lại hành động này, là một nhà hoạt động nhân quyền từng đoạt giải thưởng. Nhưng theo danh sách mà SPLC đã xóa, cô Ali là một “kẻ cực đoan bài Hồi giáo”.
Vào tháng 8/2017, cô Ali đã chỉ trích Giám đốc điều hành Apple Tim Cook vì đã quyên góp cho SPLC, nhóm mà cô mô tả là “một tổ chức đã mất phương hướng, bôi nhọ những người đang đấu tranh vì tự do và nhắm mắt làm ngơ với ý thức hệ và phong trào chính trị mà có nhiều điểm chung với chủ nghĩa phát xít”.
Tiến sĩ Ben Carson, một bác sĩ giải phẫu thần kinh hiện là Bộ trưởng Bộ Phát triển Nhà và Đô thị Hoa Kỳ, đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra vào tháng 2/2015, SPLC đã xếp ông vào một “danh sách theo dõi cực đoan” vì niềm tin bảo thủ của ông.
“Khi việc gìn giữ các giá trị Công giáo truyền thống được đánh đồng với sự hận thù, chúng ta đang tiến tới giai đoạn mà sự sai trái được gọi là đúng và điều đúng đắn được gọi là sai trái. Điều quan trọng là chúng ta phải một lần nữa ủng hộ sự khoan dung thực sự”, Carson đáp trả việc SPLC xếp ông vào danh sách theo dõi cực đoan.
“[Sự khoan dung thực sự] có nghĩa là tôn trọng những người mà chúng ta không đồng ý [với quan điểm của họ] và cho phép mọi người sống theo giá trị của họ mà không bị quấy rối“, ông Carson tiếp tục. “Nó không là gì ngoài chủ nghĩa phóng chiếu (2) khi một số nhóm gắn nhãn những người không đồng ý với họ như những kẻ thù địch“, chính trị gia bảo thủ khẳng định.
Sau phản ứng dữ dội của ông Carson, SPLC đã xin lỗi và xóa ông ấy khỏi danh sách của họ. Ông Carson bị nằm trong danh sách bốn tháng trước khi SPLC loại bỏ ông khỏi nhãn “cực đoan”.
Floyd Lee Corkins, người đã cố gắng xả súng hàng loạt tại Trung tâm Nghiên cứu Gia đình bảo thủ vào năm 2012, cho biết ông đã chọn tổ chức này cho hành vi bạo lực của mình vì SPLC đã liệt kê họ là “nhóm thù địch”.
SPLC đã phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề không chỉ từ người bảo thủ, mà còn từ các hãng thông tấn, báo chí.
“Vào thời điểm khi ranh giới giữa ‘nhóm thù địch’ và chính trị dòng chính ngày càng trở nên mỏng manh hơn và nhu cầu về đàm luận dân sự hiệu quả ngày càng hệ trọng hơn, thổi phồng những sợ hãi theo quan điểm tự do cấp tiến, mặc dù là cơ hội lớn cho SPLC, nhưng có thể là một vấn đề đối với nước [Mỹ]” Ben Schreckinger, làm việc tại tạp chí GQ, đã viết như vậy trong một bài báo đăng trên tờ Politico vào tháng 6/2017.
Phóng viên báo Washington Post, Megan McArdle, trong bài viết cho Bloomberg vào tháng 9/2017, đã đưa ra chỉ trích tương tự về định nghĩa “nhóm thù địch” không chính xác của SPLC. Nhà báo McArdle cảnh báo rằng các phương tiện truyền thông tin tưởng vào việc gắn nhãn của SPLC “sẽ làm mất uy tín với độc giả và nhà tài trợ có quan điểm bảo thủ”.
Ghi chú:
(1) Chống thể chế hiện hành (anti-establishment): Quan điểm chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị, và kinh tế hiện tại của xã hội.
(2) Chủ nghĩa phóng chiếu (projectionism): Hệ tư tưởng mà cá nhân hình thành một ý tưởng về thế giới bên ngoài bằng cách chiếu những niềm tin bên trong của mình vào nó.
Tác giả: PeterJHasson – Daily Caller
Minh Khuê biên dịch
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…