Sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt các biện pháp trừng phạt nhau vào ngày 22/3, Nghị viện EU đã hủy bỏ việc xem xét “Hiệp định Đầu tư toàn diện Trung Quốc-EU” (CAI). Năm ngoái, Hiệp định này từng do chính lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình thúc đẩy đạt thành và được ví là “thắng lợi ngoại giao” của Trung Quốc, nhưng hiện nay “chiến thắng” này dường như tan thành mây khói.
Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel (bên phải) và Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen (bên trái) đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Trung Quốc – EU ngày 14/9/2020 cùng Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Angela Merkel (YVES HERMAN/POOL/AFP via Getty Images).
Sáng ngày 22/3, diễn biến ngoại giao hiếm thấy khi cả EU, Mỹ, Anh và Canada cùng hành động áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh về việc vi phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trong đó EU, Anh và Canada đã trừng phạt 4 quan chức và 1 tổ chức của ĐCSTQ bằng cách cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản của họ.
ĐCSTQ đã lập tức đáp trả bằng công bố các biện pháp trừng phạt đối với 10 cá nhân và 4 tổ chức ở EU: 5 thành viên của Nghị viện EU (MEP); 4 tổ chức là Ủy ban Chính trị và An ninh của Hội đồng EU (cơ quan đã lên án ĐCSTQ), Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện EU, Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Mercator Institute for China Studies, MERICS) ở Đức, và Quỹ Liên minh Dân chủ (Alliance of Democracies Foundation) ở Đan Mạch.
Động thái đáp trả của ĐCSTQ đã làm dấy lên làn sóng phản đối lớn hơn ở EU. Trong một email hôm thứ Hai, Phó Chủ tịch Winkler Gyula của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU cho biết, “Theo những diễn biến mới nhất trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện nay, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt không thể chấp nhận được (của ĐCSTQ), Nghị viện EU đã quyết định hủy cuộc họp xem xét dự kiến được tổ chức vào thứ Ba về việc ký kết “Hiệp định Đầu tư toàn diện Trung Quốc-EU” (CAI)”. Ông nhấn mạnh, “EU chú trọng vấn đề hệ giá trị và nguyên tắc, cho dù trong phạm vi EU hay trên quy mô toàn cầu”.
Chủ tịch Nghị viện EU David Sassoli nói rằng các biện pháp trừng phạt của ĐCSTQ “sẽ phải đối mặt với hậu quả”. Hôm thứ Hai (22/3), ông đã tweet bày tỏ “kiên quyết ủng hộ” 5 nghị sĩ EU và Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện EU, những bên đã bị ĐCSTQ áp đặt trừng phạt trả đũa. “Tôi nhắc lại vấn đề kiên quyết ủng hộ những cá nhân và tổ chức bị (ĐCSTQ) chế tài”, ông cho hay.
Nghị sĩ Sjoerd Sjoerdsma của Hà Lan là người nằm trong danh sách trừng phạt, đã tweet: “Các lệnh trừng phạt này chứng minh rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) rất nhạy cảm với áp lực”.
Một người khác trong danh sách trừng phạt của ĐCSTQ là nghị sĩ Reinhard Bütikofer (Đức) của Nghị viện EU đã nói rằng lệnh trừng phạt của ĐCSTQ là “vô cùng hoang đường”.
Còn nghị sĩ Raphael Glucksmann (Pháp) của Nghị viện EU, cũng nằm trong danh sách lệnh trừng phạt, cho biết trên Twitter, “Những điều (trừng phạt) này là do tôi lên tiếng cho người Duy Ngô Nhĩ, cho nhân quyền. Hãy để chúng tôi làm rõ: Các lệnh trừng phạt này là huy chương danh dự của tôi. Cuộc đấu tranh sẽ tiếp tục!”
Giám đốc Josep Borrell về Chính sách Đối ngoại của EU thì nhận định: “Thay vì thay đổi chính sách và giải quyết những lo ngại chính đáng của chúng tôi, lại một lần nữa Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm mắt làm ngơ, những hành động của họ thật đáng tiếc và không thể chấp nhận được”.
Các cuộc đàm phán về “Hiệp định Đầu tư toàn diện Trung Quốc-EU” kéo dài gần 7 năm, từng nhiều năm chìm trong bế tắc. Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU vào tháng Chín năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã đích thân hành động thúc đẩy đạt thành thỏa thuận.
Tháng 12 năm đó, ĐCSTQ bất ngờ có những nhượng bộ lớn trong một số lĩnh vực chủ chốt mà thời gian dài chìm trong bế tắc như vấn đề tiếp cận thị trường, cạnh tranh bình đẳng, và phát triển bền vững. Ngày 30/12, ông Tập Cận Bình đã hội đàm trực tuyến với các nhà lãnh đạo EU gồm Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron, qua đó hai bên cùng thông báo “việc đàm phán hiệp định đầu tư đã thành công”.
Giới truyền thông của ĐCSTQ tỏ rõ vui mừng về sự kiện. Phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ tuyên bố rằng đây là “chương trình nghị sự quan trọng nhất” trong quan hệ thương mại Trung Quốc – EU hiện nay. Giới quan sát có nhận định cho rằng ĐCSTQ đã sử dụng hiệp định này để lôi kéo EU nhằm cô lập Mỹ, đặc biệt nghiêm trọng là hiệp định này bỏ qua các vấn đề nhân quyền.
Tuy nhiên, “Hiệp định Đầu tư toàn diện Trung Quốc – EU” (CAI) này vẫn phải được Nghị viện EU thông qua, nên bụi vẫn chưa lắng xuống. Đài VOA Mỹ dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, động thái hiếm thấy của Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các nghị sĩ của Nghị viện EU vào thời điểm quan trọng này không khác gì tự bắn vào chân họ. Hãng tin AP cũng đưa tin rằng hiệp định đầu tư vẫn chưa chính thức được ký kết, giờ đây ĐCSTQ và EU đang đối đầu nhau nên xem chừng số phận của hiệp định thương mại toàn diện này sẽ bị bỏ ngỏ.
Lâm Nghiên, Epoch Times
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…