Báo cáo khảo sát môi trường kinh doanh Trung Quốc lần thứ 27 do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham China) công bố hôm thứ Năm (23/1) cho thấy, hơn một nửa số công ty Mỹ tại Trung Quốc bày tỏ lo ngại quan hệ Mỹ – Trung sẽ xấu đi hơn, tỷ lệ này cao nhất trong 5 năm qua.
Báo cáo khảo sát được công bố 2 ngày sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai và đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết căng thẳng địa chính trị, sự không chắc chắn về chính sách, và tranh chấp thương mại Mỹ – Trung là quan tâm chính của các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Chủ tịch Alvin Liu của Hội đồng quản trị của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc nói: “Quan hệ ổn định và mang tính xây dựng dựa trên quan hệ kinh tế và thương mại là rất quan trọng, không chỉ cho thịnh vượng của hai nước mà còn cho ổn định của nền kinh tế toàn cầu”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ cùng ngày (23/1), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh trả lời câu hỏi về kết quả khảo sát nêu trên, cho biết: “Tôi nghĩ điều này cho thấy tầm quan trọng của sự phát triển ổn định và lành mạnh của quan hệ Trung – Mỹ”. Bà nói thêm, “Hy vọng Mỹ sẽ hòa hợp với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trở lại đúng hướng phát triển lành mạnh và ổn định”.
Cuộc khảo sát với 368 công ty thành viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc được hoàn thành từ tháng 10 – 11 năm ngoái, một phần thời gian đó là sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11. Nhiệm kỳ tổng thống trước đây của ông được đánh dấu bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và sự xấu đi trong quan hệ giữa hai nước, nhưng tình hình đó không được cải thiện mấy trong nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Biden.
Hôm 21/1, ông Trump cho biết ông đang thảo luận về việc từ ngày 1/2 áp thuế trừng phạt 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, vì vấn nạn chất gây nghiện fentanyl độc hại chuyển từ Trung Quốc vào Mỹ thông qua Mexico và Canada.
Được biết, gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát vẫn xếp Trung Quốc vào top 3 đầu tư toàn cầu, không thay đổi so với năm ngoái. Nhưng tỷ lệ doanh nghiệp không còn xếp Trung Quốc là điểm đến đầu tư hàng đầu đã tăng 3 điểm phần trăm so với khảo sát năm ngoái (lên 21%), cao hơn gấp đôi so với mức trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Khoảng 1/3 số doanh nghiệp cho biết họ bị đối xử bất công ở Trung Quốc so với các công ty địa phương, đặc biệt là về tiếp cận thị trường và mua sắm của chính phủ Trung Quốc – tỷ lệ này về cơ bản giống năm ngoái.
Khảo sát cũng cho thấy số công ty Mỹ ở Trung Quốc đang cân nhắc chuyển một số hoạt động ra khỏi Trung Quốc hoặc đang trong quá trình chuyển ra ngoài đã đạt mức cao kỷ lục. 30% công ty được khảo sát vào năm ngoái đã thúc đẩy tìm kiếm các nguồn hàng hóa khác hoặc đã chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tăng gấp đôi so với năm 2020. Nói với Financial Times về vấn đề này, Chủ tịch Michael Hart của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết rằng mặc dù hầu hết các công ty Mỹ ở Trung Quốc không di dời, nhưng xu hướng di dời là rõ ràng. Các công ty ở cả hai nước đang chuẩn bị cho hậu quả của các kế hoạch bảo hộ thương mại của ông Trump.
“Tôi không thấy có lý do gì để nghĩ rằng đầu tư song phương sẽ tăng trong những năm tới. Các công ty đang chuyển sang đầu tư ở nơi khác để củng cố chuỗi cung ứng của họ”, ông Hart nói và nói thêm, “Tất nhiên… tôi sẽ lo lắng nếu tôi chịu trách nhiệm về chính sách đầu tư của Trung Quốc”.
Cuộc khảo sát cho thấy 44% số công ty đang xem xét di dời đã cho biết nguyên nhân do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Một lý do quan trọng khác là “quản lý rủi ro”, theo đó nhiều công ty tìm cách tăng cường chuỗi cung ứng và điều này được thúc đẩy từ sau đại dịch COVID-19.
Ông Hart nói: “Tôi không nghĩ xu hướng này sẽ chậm lại”.
Khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc chỉ ra các nước đang phát triển châu Á là điểm đến chính của các công ty được khảo sát, với 38% trong số họ chuyển đến đó. Các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng trở nên hấp dẫn hơn. Tính theo ngành nghề, các công ty công nghệ và nghiên cứu và phát triển là những ngành mà khả năng di dời cao nhất, với 41% công ty được khảo sát đã di dời hoặc đang xem xét di dời khỏi Trung Quốc.
Vài năm qua nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc đột kích vào các công ty tư vấn và kiểm toán, đồng thời đưa ra nhiều quy định mơ hồ về luồng dữ liệu xuyên biên giới, vì vậy tâm lý của các công ty và nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ. Nhưng bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng, vẫn có 1/3 số công ty Mỹ được khảo sát cho biết “chất lượng” môi trường đầu tư của Trung Quốc đã được cải thiện, tăng 5 điểm phần trăm so với năm trước.
Theo RFI
UBND TP. Hà Nội đang đề xuất nâng mức phạt trong lĩnh vực giao thông…
Dân biểu Andy Ogles đang thúc đẩy một đề xuất sửa đổi Hiến pháp cho…
Triều Tiên đã tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình chiến lược…
Sau gần 3 ngày mất tích, thi thể bé gái 12 tuổi đã nổi trên…
Cuộc bầu cử năm 2024 vừa qua thực sự là một 'trận động đất chính…
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, các gia đình người Việt lại nô nức…