Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc đã gây ra những hệ luỵ về môi trường nghiêm trọng tại nhiều nơi nó đi qua ở khắp các quốc gia trên thế giới.
Ba thập kỷ phát triển và đô thị hoá tràn lan tại Trung Quốc đã gây tổn thương nghiêm trọng cho môi trường. Chất lượng không khí thuộc loại tệ nhất thế giới, phần lớn nguồn nước không phù hợp để uống và nhiều vùng đất trồng bị ô nhiễm.
Nhận thấy điều này, vào giữa những năm 2010, Trung Quốc bắt đầu một sáng kiến toàn lực để chống ô nhiễm, dần loại bỏ những nhà máy nhiệt điện để thay bằng các nguồn năng lượng tái tạo, phạt nặng những bên gây ô nhiễm quá mức cùng hàng loạt những nỗ lực xanh hoá và tăng cường tính bền vững của hệ sinh thái trong các thành phố trên cả nước.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc thực hiện những biện pháp làm sạch môi trường, quốc gia này lại xuất khẩu các nguồn năng lượng bẩn và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ra nước ngoài theo cùng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), lặp lại những vấn nạn như đã từng xảy ra trong nước.
Ông Plamen Tonchev, người đứng đầu khoa châu Á tại Học viện Quan hệ Kinh tế Quốc tế có trụ sở tại Hy Lạp, nhận xét rằng Trung Quốc không chỉ đang xuất khẩu lượng thép và xi măng dư thừa của mình, mà còn xuất khẩu các chuẩn mực lao động thấp kém đi kèm với ô nhiễm và cách thức làm việc mờ ám.
Nhiều tuyến đường của BRI đã cắt ngang những địa hình sinh thái mỏng manh. Gắn liền với BRI là sự phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng năng lượng, cùng với việc xây dựng đường cao tốc, đường tàu, hải cảng, nhà máy điện và các khu công nghiệp, đang đe dọa hệ động thực vật địa phương theo những phương cách chưa hề thấy trước đây.
Một báo cáo năm 2017 của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới đã phát hiện rằng cho tới nay, 1.739 khu vực sinh thái chủ yếu của các loài chim và các khu vực đa dạng sinh thái quan trọng khác, cùng 265 loài có nguy cơ tuyệt chủng đang đứng trước mối nguy ngày càng tăng do các dự án của BRI gây ra. Đó còn chưa kể đến việc phá rừng và săn bắn trộm khi các dự án này bắt đầu mở đường ở những khu vực hẻo lánh. Trung Quốc liên tục nói về “thoáng, xanh và sạch,” nhưng BRI đang để lại đằng sau những môi sinh bị tàn phá.
> “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc có bao nhiêu rủi ro?
Ông Jonathan Hillman, một nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết có quá nhiều sự “tẩy xanh” tại Diễn đàn Vành đai và Con đường gần đây, với những thông điệp như Sáng Kiến làm mát xanh (Green Cooling Initiative), Hiệp hội Phát triển Xanh (Green Development Coalition) và Sáng kiến Ánh sáng Xanh (Green Lighting Initiative).
“Tất cả nghe rất hay, nhưng tôi nghi ngờ chúng còn hơn quảng cáo. Tôi nghĩ rằng có nhiều trường hợp các dự án ở nước ngoài thậm chí không đáp ứng được những yêu cầu về môi trường như chính họ đề ra ở trong nước, nhưng vẫn được tiến hành dưới lý do căn bản rằng đó là lựa chọn của nước sở tại,” ông Hillman nói.
Nhận xét của ông Hillman cũng giống như các phân tích trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới nghiên cứu khoảng 3.000 dự án quốc tế của Trung Quốc, theo đó phát hiện rằng chúng chủ yếu được phân bổ tại “các quốc gia nghèo hơn với các quy định và kiểm soát môi trường yếu kém.”
Do Trung Quốc dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo và đang nhanh chóng loại bỏ than trong nước, họ đang xây rất nhiều nhà máy nhiệt điện kiểu cũ ở nước ngoài.
Trong một báo cáo năm 2017, Học viện Môi trường Toàn cầu phát hiện rằng các thể chế tài chính và các công ty của Trung Quốc đã tham gia vào ít nhất 240 dự án than đá trong các nước liên quan đến Vành đai và Con đường. Hơn 1/4 năng lực năng lượng nhiệt than mới ngày nay được thúc đẩy bởi Trung Quốc. Trên hết, từ giữa năm 2014 đến 2017, 91% vốn vay cho các dự án năng lượng của Vành đai và Con đường đều hướng tới chất đốt hoá thạch. Theo Dữ liệu kết nối ứng dụng BRI của Refinitiv Eikon, nếu tất cả các nhà máy dùng than mới do Trung Quốc tài trợ được xây dựng, khí thải carbon sẽ tăng khoảng 276 triệu tấn mỗi năm – nhiều bằng cả đất nước Thái Lan.
Các quy định về môi trường ngày chặt chẽ cùng với việc mức lương cơ bản ở Trung Quốc tăng cao khiến nhiều hình thái công nghiệp công nghệ thấp và ô nhiễm cao đang được chuyển sang các nước dọc tuyến Vành đai và Con đường.
Các công ty Trung Quốc tràn vào khu vực Đông Nam Á nhiều tới mức những nước như Việt Nam cũng bắt đầu trở nên chật chội đối với họ.
Trong vài năm qua, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phát triển nhanh chóng tới hai con số, rất nhiều trong đó là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp được chuyển đến thường có giá trị gia tăng thấp, như đồ nội thất, hàng may mặc và giày dép, cùng với ngành công nghiệp nặng như dầu mỏ. Để tiếp sức cho sự bùng nổ công nghiệp này, Việt Nam đã hướng đến than đá, dự đoán sẽ chiếm tới 56% nguồn phát điện vào năm 2030, cao hơn 20% so với hiện tại. Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn khoản đầu tư về than đá này đều xuất phát từ Trung Quốc.
Tại Lào, các nông trường trồng chuối của Trung Quốc cũng đang gây ra nhiều tổn thất. Còn tại Indonesia, các nhà máy luyện thép của Trung Quốc đã gây thiệt hại cho ngành thép nội địa, an ninh năng lượng cũng như vấn đề môi trường của khu vực.
> Hạn nặng ở hạ lưu sông Mê Kông là do đập thủy điện Trung Quốc giữ nước
Ở những nơi phát triển theo kiểu Trung Quốc, luôn có các đập thuỷ điện. Trong nước, Trung Quốc đã xây dựng hơn 22.000 đập từ những năm 1950, trong đó có nhiều con đập khổng lồ. Dọc Vành đai và Con đường, rất nhiều những con đập tương tự đã được xây dựng.
Tại Indonesia, một đập thuỷ điện 510 megawatt của Trung Quốc đang được xây ở Sumatra, đe dọa tới hệ sinh thái của Batang Toru, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài đười ươi Orangutan mới phát hiện gần đây. Dự án không chỉ dừng lại ở việc xây một con đập, mà còn sẽ làm ngập các khu rừng xung quanh, xây thêm nhiều tuyến đường, nổ mìn xây những đường hầm ở các khu rừng rậm hẻo lánh. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á đã lên án việc xây dựng con đập, nhưng một tòa án của Indonesia vẫn quyết định cho phép Trung Quốc tiếp tục xây dựng.
Trong khi đó, các đập thuỷ điện do Trung quốc hậu thuẫn đang tiếp tục được triển khai tại các nước như Lào, Campuchia và Thái Lan – những quốc gia gần đây đã hứng chịu việc thiếu nước trầm trọng do các con đập ở Trung Quốc đã làm giảm đáng kể dòng chảy của sông Mê Kông, nơi gần 60 triệu người vùng hạ lưu sống dựa vào.
Cùng với những dự án thuỷ điện dọc sông Mê Kông tại Đông Nam Á, Trung Quốc còn liên quan đến dự án khơi sâu lòng sông để có năng lực tiếp nhận những con tàu lớn, bao gồm những khúc sông rộng giữa Thái Lan và Lào.
Nói với Reuters, Chủ tịch Tập đoàn Bảo tồn Rak Chiang Khong lên án rằng điều này “sẽ giết chết sông Mê Kông,” các vụ nổ mìn sẽ phá huỷ nhiều vùng nuôi cá, huỷ hoại môi trường sống của các của các loài chim, làm tăng độ xói mòn và làm mất đất của nông dân địa phương.
Nhiều quốc gia đã không làm ngơ trước việc phá huỷ môi trường của nhiều dự án trong Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Người dân địa phương ở đảo Lamu của Kenya đã mặc những bộ quần áo có hình xương người để phản đối việc xây dựng một nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc tài trợ, còn người dân Kazakhstan đã xuống đường khi họ nghe tin Trung Quốc lên kế hoạch chuyển giao 55 nhà máy ô nhiễm tới đất nước họ.
Ở Malaysia, cộng đồng người Bồ Đào Nha truyền thống đã tổ chức những cuộc biểu tình tuần hành chống lại dự án Melaka Gateway. Tại Thái Lan, những người phản đối thường xuyên hoạt động chống lại các vụ nổ mìn phá đá ngầm của Trung Quốc trên sông Mê Kông. Tại Myanmar, con đập Myitsone của Trung Quốc phải đình hoãn vì sự tức giận của công chúng. Tại Kyrgyzstan, khu thương mại tự do Kyrgyz-Trung Quốc bị huỷ bỏ vì sự chống đối của người dân địa phương.
Xuân Lan (theo Forbes)
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…