Xin lỗi mọi người, chúng tôi bị kẹt quá — đó là câu tóm tắt của Politico khi đưa tin về lời giải thích của Mông Cổ. Trong mấy ngày công du tại Mông Cổ vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã được đón chào nồng nhiệt, và ông mời Mông Cổ tham gia BRICS. Giới quan sát quốc tế đang đợi xem Mông Cổ sẽ nói gì về việc họ không thực hiện vai trò của một thành viên tham gia Quy ước Rome.
“Mông Cổ nhập khẩu 95% xăng dầu và 20% điện từ các nước láng giềng liền kề, mà trước đó đã từng bị cắt gián đoạn với các lý do kỹ thuật. Trong khi nguồn cung ứng này là thiết yếu để đảm bảo sự sinh tồn của chúng tôi, cả quan chức và dân chúng,” một người phát ngôn của Mông Cổ đã nói với Politico vào hôm Thứ Ba, khi giải thích tại vì sao Mông Cổ đã không bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông tới thăm Mông Cổ.
“Mông Cổ vẫn luôn luôn bảo trì chính sách trung lập trong tất cả các quan hệ ngoại giao, và điều đó được thể hiện trong các tuyên bố của chúng tôi từ xưa tới nay,” người phát ngôn nói thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Mông Cổ vào tối Thứ Hai. Ông được Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đón tiếp nồng nhiệt và trang trọng ở Quảng trường chính thủ đô Ulaanbaatar.
Trong nghi lễ, có thể thấy đội vệ binh danh dự cưỡi ngựa trong trang phục Mông Cổ đặc trưng, cảnh ông Putin đi trên thảm đỏ, hôn nhẹ một cháu gái Mông Cổ tới và đón chào ông bằng tiếng Nga. Ông Putin đón nhận bó hoa từ cháu gái trong tiếng nhạc quốc ca của hai nước lần lượt được tấu lên.
Ông Putin đã bàn về kế hoạch triển khai đường ống khí đốt từ Nga sang Trung Quốc, quá cảnh Mông Cổ. Ông cũng ngỏ lời mời Mông Cổ tham gia BRICS, khối liên minh do Trung Quốc và Nga đứng đầu, và mời Tổng thống Khurelsukh tới dự cuộc họp thượng đỉnh của khối tại Kazan vào 22/10 sắp tới. Phía Mông Cổ đã nhận lời mời này, theo RT đưa tin.
Tổng thống Putin, trong bài phát biểu liên danh với Tổng thống Khurelsukh sau khi họp mặt, đã nói hợp tác giữa Nga và Mông Cổ “đang phát triển ở trên mọi phương diện.”
Ông Khurelsukh nhấn mạnh rằng việc phát triển “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Nga vẫn luôn luôn là “hướng ưu tiên” trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ. Ông bày tỏ hài lòng rằng quan hệ giữa hai nước đã phát triển trong những năm gần đây.
Ông Putin cũng tới tham dự lễ kỷ niệm 85 năm chiến trận Khalkhin Gol, một trận đánh lịch sử khi Liên Xô và Mông Cổ đã cùng nhau chiến đấu và chiến thắng quân Nhật vào năm 1939.
“Chiếc áo tốt là chiếc áo mới, nhưng mà, người bạn tốt lại là người bạn cũ,” ông Putin nhắc tới một câu ngạn ngữ của người Mông Cổ trong một đoạn diễn văn của mình.
Tòa án Hình sự Quốc tế ICC đã ban bố trát bắt người quy án nhắm vào Tổng thống Nga Putin và cô Maria Lvova-Belova, Ủy viên Quyền trẻ em, cấp dưới của ông. Tòa án có trụ sở tại The Hague (La Haye) cho rằng ông cần phải bị bắt hầu tòa vì cái gọi là “trục xuất phi pháp” những trẻ em khỏi “những vùng bị chiếm đóng tại Ukraine.”
Nga gọi cách làm này của ICC là lố bịch, miêu tả rằng những điều mà Nga làm đó chỉ là thuần túy đưa dân thường ra khỏi vùng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, tránh khỏi nguy cơ dính phải bom đạn của chính quyền Kiev.
Trước khi diễn ra chuyến công du của ông Putin tới Mông Cổ, cả ICC và Kiev đều hối thúc Mông Cổ phải bắt ông Putin. Bởi vì Mông Cổ là một trong 124 thành viên của ICC, cam kết thực hiện các quyết định của tòa.
Việc Mông Cổ không thực hiện trách nhiệm này, đã khiến cả Kiev và Washington lên án. Mặc dù bản thân Ukraine và Mỹ đều không tham gia cam kết ICC.
“Chúng tôi kỳ vọng Mông Cổ tuân thủ cam kết và bảo vệ các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Hiến chương Liên Hợp Quốc và [thể hiện lập trường rõ ràng] rằng những nguyên tắc này phải được duy trì trên toàn cầu,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller nhấn mạnh trong một cuộc họp báo thường nhật.
“EU lấy làm tiếc rằng Mông Cổ, một quốc gia tham gia Quy chế Rome của ICC, đã không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo quy chế để thực thi lệnh bắt giữ”, EU đã thể hiện quan điểm trong một công bố hôm Thứ Ba.
“Việc chính quyền Mông Cổ không thực hiện lệnh trát của ICC… bắt giữ ông Putin là một đòn nặng đánh vào Tòa án Hình sự Quốc tế ICC và hệ thống tư pháp hình sự quốc tế,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhi Tykhy nói trên mạng xã hội. “… Cho nên [Mông Cổ] phải chia sẻ trách nhiệm… [Ukraine] chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh của mình để đảm bảo Ulaanbaatar phải gánh chịu hậu quả vì việc này.”
Thời gian qua, chiến tranh Israel-Hamas đang khiến cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi về tính trung lập của Tòa án Hình sự Quốc tế ICC, bởi vì khi mà hàng vạn người dân thường đang chết đi ở dải Gaza nhỏ bé dưới mưa bom đạn và bao vây tiếp tế của Israel, nhưng ICC không có được phản ứng đối với Israel, ít nhất tựa như ICC từng làm nhắm vào Nga.
Nhật Tân
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…