Chính quyền Trump hôm thứ Năm (19/9) đã ra lệnh trục xuất khỏi Mỹ hai thành viên của phái đoàn Cuba thường trực tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), đồng thời hạn chế những thành viên còn lại chỉ di trú trong đảo Manhattan, nơi đặt trụ sở LHQ.
Theo Reuters, trong thông báo phát đi hôm 19/9, chỉ vài ngày trước kỳ đại hội thường niên Đại hội đồng LHQ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cáo buộc hai nhà ngoại giao Cuba đang cố gắng “thực hiện hoạt động gây ảnh hưởng” làm tổn hại tới an ninh quốc gia Mỹ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về cáo buộc của họ và cũng không nêu tên hai nhà ngoại giao Cuba.
Động thái nêu trên của Mỹ là dấu hiệu mới nhất làm xấu đi mối quan hệ giữa Mỹ và nước Cuba do đảng Cộng sản lãnh đạo, kể từ khi Tổng thống Trump bước vào Tòa Bạch Ốc vào tháng 1/2017. Căng thẳng hai nước đặc biệt tập trung vào việc chế độ Havana ủng hộ Tổng thống xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro của Venezuela.
Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, phát ngôn viên bộ này Morgan Ortagus cho hay: “Bộ Ngoại giao hôm nay đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Cuba rằng Mỹ yêu cầu hai thành viên của Phái đoàn Thường trực Cuba tại Liên Hiệp Quốc phải lập tức rời khỏi nước Mỹ vì họ đã lạm dụng đặc quyền cư trú của mình.”
“Điều này là vì những nỗ lực của họ nhằm thực hiện các hành động gây ảnh hưởng chống Mỹ,” bà Ortagus nói thêm.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã lên tiếng phản đối hành động của Mỹ và gọi đó là “không công bằng”. Ông Rodriguez viết trên Twitter: “Việc buộc tội họ [hai nhà ngoại giao Cuba] đã thực hiện những hành động không phù hợp với vị thế ngoại giao của họ là sự vu khống thô thiển.”
“Hành động trục xuất này…có mục đích kích động vòng xoáy ngoại giao sẽ dẫn tới đóng cửa các đại sứ quán đôi bên, thắt chặt hơn nữa sự phong tỏa [Cuba] của Mỹ và tạo ra căng thẳng giữa hai nước,” ông Rodriguez nói.
Trong tuyên bố trục xuất, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ortagus nói thêm rằng các thành viên khác của phái đoàn Cuba tại LHQ chỉ được di chuyển giới hạn trong đảo Manhattan.
“Chúng tôi nghiêm túc đánh giá mọi nỗ lực chống lại an ninh quốc gia Mỹ và sẽ tiếp tục điều tra bất kỳ nhân viên nào khác có thể đang lạm dụng đặc quyền cư trú của họ,” bà Ortagus nói.
Theo “hiệp định trụ sở” LHQ 1947, Mỹ thường được yêu cầu phải cho phép các nhà ngoại giao nước ngoài tới LHQ. Nhưng Washington nói rằng họ có thể từ chối cấp thị thực vì các lý do “an ninh, khủng bố và chính sách ngoại giao”, nhưng cũng cam kết họ chỉ viện dẫn điều khoản này một cách hạn chế.
Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ và Cuba vốn là những cựu thù thời Chiến tranh Lạnh, đã thường xuyên vướng vào căng thẳng dẫn tới trục xuất nhân viên ngoại giao đối ứng.
Tháng 9/2017, chính quyền Trump đã trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba sau khi Washington rút phần lớn nhân viên của họ khỏi Havana vì một số nhà ngoại giao có những triệu chứng bệnh bất thường không rõ nguyên nhân.
Tổng thống Trump cũng đã áp đặt các chế tài kinh tế mới lên Cuba, hạn chế di trú tới hòn đảo này, và liên tục đảo ngược chính sách mở cửa đối với Cuba của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Tuy nhiên, ông Trump đã dừng việc phá vỡ hoàn toàn mối quan hệ ngoại giao với Cuba mà ông Obama đã khôi phục vào năm 2015 sau hơn 5 thập kỷ thù địch.
Chính quyền Trump đã từng nói rõ rằng mục tiêu quan trọng của chiến lược gây áp lực này là để ép Cuba phải từ bỏ chống lưng cho ông Maduro, điều mà Havana nói họ sẽ không bao giờ thực hiện.
Như Ngọc
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…