Thế Giới

Năm điểm cần biết về kế hoạch “Vòm Sắt” của Tổng thống Trump

Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh xây dựng một hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa thế hệ mới, nhằm bảo vệ Hoa Kỳ khỏi các cuộc không kích.

Hệ thống tên lửa ATACMS của Mỹ (nguồn ảnh facebook.com/inukraineofficial)

Vào thứ Hai (27/1), Tổng thống Trump đã ký kết sắc lệnh hành pháp, giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth xây dựng kế hoạch “Vòm Sắt cho nước Mỹ“, nhằm bảo vệ người dân Hoa Kỳ trước những mối đe dọa tên lửa từ nước ngoài. Với quyết định này, ông Trump tiếp tục thực hiện những cam kết mà ông đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, đặt ưu tiên phòng thủ tên lửa lên hàng đầu trong chính lược quốc phòng của Hoa Kỳ.

Trong nhiệm kỳ tới, chúng ta sẽ xây dựng một hệ thống Vòm Sắt vĩ đại để bảo vệ đất nước“, ông Trump tuyên bố trong một sự kiện tại West Palm Beach vào ngày 14 tháng 6 năm 2024. “Chúng ta xứng đáng có một lá chắn… Đây sẽ là hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân, và tất cả sẽ được sản xuất tại Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên kế hoạch “Vòm Sắt” của Tổng thống Trump cụ thể ra sao? Dưới đây là năm điểm quan trọng cần biết:

1. Hệ thống phòng thủ đầu tiên của Israel

Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt mà Tổng thống Donald Trump đề xuất có nhiều điểm tương đồng với hệ thống phòng thủ mà Israel đã phát triển để đánh chặn hàng nghìn tên lửa.

Tuyến phòng thủ đầu tiên của Israel, một hệ thống đánh chặn tên lửa do Hệ thống Phòng thủ Tiên tiến Rafael (Rafael Advanced Defense Systems) phát triển, được gọi là Vòm Sắt. Hệ thống này được triển khai lần đầu vào năm 2011, và từ đó đã chặn đứng và phá hủy các đợt tấn công bằng tên lửa từ Hamas và Hezbollah, cũng như máy bay không người lái và tên lửa từ Iran.

Vòm Sắt là một hệ thống phòng thủ mặt đất, được thiết kế đặc biệt để bảo vệ thường dân Israel trước các đợt tấn công tên lửa, chủ yếu xuất phát từ Dải Gaza. Theo các quan chức Israel, hệ thống phòng thủ Vòm Sắt đạt tỷ lệ đánh chặn thành công lên đến 90%, vô hiệu hóa hàng nghìn tên lửa nhằm vào lãnh thổ nước này.

Từ năm 2011, Hoa Kỳ đã đóng góp ít nhất 2,6 tỷ USD để hỗ trợ Israel phát triển hệ thống Vòm Sắt.

2. Những mối đe dọa mà Hoa Kỳ phải đối mặt

Điều quan trọng cần lưu ý, Vòm Sắt là hệ thống phòng thủ tầm ngắn, được thiết kế để đánh chặn các tên lửa có tầm bắn từ 4 km  đến khoảng 70 km. Tuy nhiên, theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, “mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ” không phải là các tên lửa tầm ngắn, mà là các loại vũ khí tầm xa như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa siêu thanh và tên lửa hành trình hiện đại. Vì vậy, hệ thống phòng thủ mà ông Trump đề xuất cần phải được điều chỉnh và thiết kế lại để phòng thủ chống lại tên lửa liên lục địa.

Hiện nay, Nga sở hữu một kho vũ khí với ít nhất 1.250 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai, theo báo cáo của tờ New York Times. Các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhận định rằng Trung Quốc có thể sẽ đạt đến quy mô tương đương với Nga trong vòng 10 năm tới, thậm chí có thể sớm hơn, trong khi Bắc Triều Tiên vẫn đang tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) dưới thời cả hai chính quyền Trump và Biden.

Gần đây, Nga và Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh, loại vũ khí có khả năng di chuyển với vận tốc gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5). Để đánh chặn thành công các tên lửa sở hữu tốc độ siêu thanh là một thách thức lớn đối với hệ thống phòng thủ hiện tại của Hoa Kỳ, buộc Washington phải hợp tác với Nhật Bản để nghiên cứu công nghệ đánh chặn loại tên lửa này, với ngân sách ước tính khoảng 3 tỷ USD, theo báo cáo của AP. 

3. Cựu Tổng thống Ronald Reagan đã từng cố gắng xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa cho Hoa Kỳ

Tổng thống Ronald Reagan là nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đầu tiên đề xuất một hệ thống phòng thủ quốc gia nhằm đối phó với mối đe dọa từ kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô, bao gồm các đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Vào ngày 30 tháng 3 năm 1983, ông Reagan đã trình bày “một tầm nhìn định hình tương lai và mang đến hy vọng” mà ông gọi là Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (Strategic Defense Initiative – SDI). Mục tiêu của dự án là phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa từ không gian, giúp Hoa Kỳ vô hiệu hóa các cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn. Ông Reagan đã đề xuất phát triển công nghệ cho phép Hoa Kỳ xác định và tự động phá hủy nhiều tên lửa đạn đạo đang bay tới trước khi chúng chạm tới mục tiêu. 

Thừa nhận rằng công nghệ để hiện thực hóa tầm nhìn của mình vẫn chưa tồn tại, ông Reagan khuyến khích cộng đồng khoa học hợp tác với giới quân đội, để hướng tới một tương lai mà ở đó người dân Hoa Kỳ không còn phải lo sợ trước các cuộc tấn công hạt nhân.

“Tôi kêu gọi cộng đồng khoa học của đất nước chúng ta—những người đã phát triển vũ khí hạt nhân—hãy dành tài năng to lớn của họ vào sự nghiệp bảo vệ nhân loại và hòa bình thế giới, mang đến cho chúng ta phương tiện để biến những vũ khí hạt nhân này trở nên bất lực và lỗi thời”, ông Reagan phát biểu.

Những người chỉ trích Tổng thống Reagan đã chế giễu kế hoạch này, đặt cho kế hoạch biệt danh “Chiến tranh giữa các vì sao” và đặt câu hỏi tại sao chính quyền Reagan lại theo đuổi một sáng kiến ​​quốc phòng vừa tốn kém mà không có gì đảm bảo rằng nó sẽ hiệu quả. Liên Xô cáo buộc ông Reagan vi phạm Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo năm 1972, vốn cam kết rằng cả hai quốc gia sẽ không phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. Dưới thời Tổng thống Reagan, các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí rơi vào bế tắc vì ông từ chối từ bỏ dự án này.

Sau khi ông Reagan rời nhiệm sở, chương trình SDI dần bị lãng quên và cuối cùng bị hủy bỏ trước khi Hoa Kỳ có thể phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa thực sự hoạt động. Tuy nhiên, các nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn chương trình SDI còn tồn tại đã đóng góp đáng kể giúp phát triển hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel sau này. Đến năm 2002, Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo, điều này cho phép Tổng thống Trump tiếp tục theo đuổi tầm nhìn mà ông Reagan đã đặt ra.

4. Danh sách các việc cần làm của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth

Theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth phải trình lên tổng thống một bản kế hoạch chi tiết, bao gồm: “cấu trúc tham chiếu của hệ thống phòng thủ, các yêu cầu kỹ thuật cần thiết để đối phó với những mối đe dọa hiện đại, và lộ trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới”.

Kế hoạch này phải bao gồm các biện pháp phòng thủ chống lại: “tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình tiên tiến, các mối đe dọa từ không gian đến từ các cường quốc đối thủ, các đối thủ gần ngang tầm, và các quốc gia thù địch”.

Ngoài ra, ông Hegseth được lệnh đẩy nhanh việc triển khai hệ thống cảm biến theo dõi tên lửa dựa trên vệ tinh, một công nghệ tiên tiến do Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (Missile Defense Agency – MDA) phát triển, hiện vẫn đang trong giai đoạn nguyên mẫu. Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, hệ thống này, mang tên Cảm biến Không gian Theo dõi Tên lửa Siêu thanh (Hypersonic Ballistic Tracking Space Sensor – HBTSS), sử dụng phương pháp theo dõi “từ lúc khai hỏa đến lúc phát nổ”, để theo dõi các mối đe dọa tên lửa từ khi chúng được khai hỏa cho đến khi bị đánh chặn. 

Thêm nữa, sắc lệnh hành pháp của ông Trump cũng yêu cầu nghiên cứu và triển khai các công nghệ đánh chặn tên lửa từ không gian, trong đó bao gồm các hệ thống có thể vô hiệu hóa tên lửa ngay từ trước khi khai hỏa, cũng như thành lập “chuỗi cung ứng an toàn” để đảm bảo cơ sở hạ tầng phòng thủ này phải được sản xuất hoàn toàn tại Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth cũng có trách nhiệm đệ trình kế hoạch tài chính cho dự án trước khi Tổng thống Trump đề xuất ngân sách tài chính năm 2026, tức phải trước tháng 10/2025. 

5. Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các đồng minh

Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh “tăng cường hợp tác song phương và đa phương về phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa, năng lực và quá trình hoạt động“, cũng như “tăng cường và đẩy nhanh việc cung cấp năng lực phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ cho các đồng minh và đối tác”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hegseth được giao nhiệm vụ tiến hành đánh giá lại chiến lược phòng thủ tên lửa toàn cầu của Hoa Kỳ, và xác định những khu vực cần hợp tác với các đồng minh.

Thiên Vân, theo Fox News

VIDEO: Dự ngôn: Đảng Cộng sản Trung Quốc “Bắt đầu bởi rắn – Kết thúc bởi rắn”

Thiên Vân

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Thiên Vân

Recent Posts

Hà Nội tìm nhà đầu tư dự án Nhà hát Opera tại Hồ Tây

UBND quận Tây Hồ vừa thông báo tìm nhà đầu tư dự án xây dựng…

33 giây ago

Ký ức tiền kiếp: Hành trình khám phá qua không gian và thời gian

Nếu ý thức của chúng ta không biến mất khi qua đời, thì nó sẽ…

3 phút ago

Hà Nội đề xuất sửa chữa các hư hỏng của cầu Vĩnh Tuy 1

Cầu Vĩnh Tuy 1 được khánh thành và đi vào khai thác năm 2009, có…

3 phút ago

Vụ cấp sai quy định 5 thửa đất ở Long Xuyên: GĐ Văn phòng đất đai bị bắt

Liên quan đến vụ sai phạm đất đai cấp 5 thửa đất không đúng đối…

24 phút ago

Đăng ký kết hôn năm 2024 ở Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 45 năm

Những năm qua Đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để…

38 phút ago

Giá xăng đồng loạt tăng sau 3 kỳ giảm liên tiếp

Giá mỗi lít xăng RON 95-III tăng 150 đồng, E5 RON 92 tăng 150 đồng…

54 phút ago