Vào ngày 22 tháng 11, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chính thức công bố đề cử nhà tài chính lừng danh Phố Wall, ông Scott Bessent, giữ cương vị Bộ trưởng Ngân khố sau nhiều tuần ngoại giới đồn đoán và kỳ vọng.
“Scott được [ngoại giới] công nhận rộng rãi là một trong những nhà đầu tư quốc tế xuất sắc nhất thế giới, đồng thời cũng là một chiến lược gia tài ba về địa chính trị và kinh tế. Câu chuyện của Scott là [một minh chứng sống động] cho Giấc Mơ Mỹ”, ông Trump cho biết trong tuyên bố đề cử ông Bessent.
Trong cuộc chạy đua cho vị trí Bộ trưởng Tài chính, ông Bessent đã vượt qua rất nhiều ứng cử viên sáng giá khác chẳng hạn như cựu thành viên Hội đồng Dự trữ Liên bang Kevin Warsh và CEO của Apollo Wealth Management, Marc Rowan.
Hiện tại ông Bessent đang tham gia các cuộc điều trần tại Thượng viện để được chính thức chuẩn thuận vai trò bộ trưởng trong chính quyền Trump thứ hai.
Dưới đây là năm điều đáng chú ý về ông Bessent:
Ông Scott Bessent, 62 tuổi, là nhà sáng lập Key Square Group, một công ty đầu tư vĩ mô toàn cầu tập trung vào các chiến lược đầu tư dựa trên xu hướng kinh tế và chính sách trên toàn thế giới. Ông Bessent, cùng tỷ phú cấp tiến George Soros, đã gây dựng khối tài sản đáng nể khi dám đặt cược vào sự suy yếu của đồng yên Nhật, trong thời gian đảm nhiệm vai trò Giám đốc Đầu tư tại Soros Fund Management hơn một thập kỷ trước. Sau khi rời Soros Fund Management, ông Bessent thành lập Key Square và nhanh chóng thu hút khoản đầu tư khổng lồ trị giá 2 tỷ USD từ chính tỷ phú George Soros.
Trước khi gia nhập Soros Fund Management năm 1991, ông Bessent đã từng thực tập dưới sự dẫn dắt của nhà đầu tư huyền thoại Jim Rogers. Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale năm 1984, ông đã từng làm việc tại các tổ chức tài chính danh tiếng như Brown Brothers Harriman và Kynikos Associates.
Từ năm 2006 đến 2011, ông Bessent còn đảm nhận vai trò giáo sư thỉnh giảng về lịch sử kinh tế tại Đại học Yale.
Hiện tại, ông Bessent là thành viên hội đồng quản trị tại Đại học Yale và đã tài trợ ba suất học bổng cho trường đại học danh tiếng này.
Năm 2022, ông Bessent đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình khi sáng lập hai quỹ từ thiện và khánh thành Trung tâm Phục hồi Chức năng McLeod tại Bệnh viện Shriners dành cho trẻ em ở Greenville, tiểu bang Nam Carolina. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ hai bệnh viện nổi tiếng tại New York và London.
Ông Bessent đã duy trì một hình ảnh chính trị tương đối kín tiếng trong suốt sự nghiệp của mình.
Vào năm 2000, ông Bessent từng tổ chức một buổi gây quỹ quan trọng để ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Al Gore. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, ông Bessent đã tổ chức hàng loạt buổi gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Trong vai trò người đứng đầu Bộ Tài chính, ông Bessent sẽ đối mặt với một loạt thách thức khác nhau, từ việc quản lý các chính sách liên quan đến tiền điện tử cho đến xử lý các vấn đề về thuế quan.
Ông Bessent là một người ủng hộ tiền điện tử nhiệt thành, đồng thời ca ngợi cách tiếp cận của ông Trump đối với các tài sản kỹ thuật số.
“Tôi [cảm thấy] vô cùng phấn khích trước việc Tổng thống ủng hộ tiền mã hóa, và tôi cho rằng điều này hòa hợp một cách hoàn hảo [với triết lý] của Đảng Cộng hòa, vì tiền mã hóa không chỉ là biểu tượng của tự do, mà còn là một nền tảng kinh tế mới đầy tiềm năng sẽ trường tồn với thời gian”, ông Bessent phát biểu trong một buổi phỏng vấn gần đây trên Fox Business.
Ông Bessent cũng không quên nhấn mạnh rằng Bitcoin có sức hút đặc biệt với giới trẻ, mở ra cơ hội cho họ bước chân vào thị trường tài chính.
“Một trong những điều thú vị nhất về Bitcoin là nó không chỉ thu hút giới trẻ mà còn cả những người trước đây chưa từng tham gia vào các thị trường tài chính. Việc xây dựng một văn hóa thị trường tại Hoa Kỳ, nơi mọi cá nhân tin tưởng vào một hệ thống phục vụ [lợi ích] của họ, chính là nền tảng của chủ nghĩa tư bản”, ông Bessent nhận định.
Tổng thống đắc cử Trump đã vận động tranh cử cam kết rằng chính phủ liên bang sẽ thân thiện hơn với Bitcoin và ngành công nghiệp tiền mã hóa.
Ông Trump còn công bố kế hoạch thành lập “hội đồng cố vấn tổng thống về Bitcoin và tiền mã hóa”. Những động thái này, kết hợp với việc tạo ra một kho dự trữ chiến lược quốc gia, sẽ biến Hoa Kỳ trở thành “thủ đô tiền mã hóa của thế giới”, ông Trump tuyên bố.
Trên cương vị Bộ trưởng Tài chính với vai trò quan trọng định hình các quy định và chính sách, ông Bessent có thể củng cố vị thế của Bitcoin và ngành công nghiệp tiền mã hóa trên thị trường tài chính không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Ông Bessent, với tư cách là một nhà cố vấn hàng đầu, phần lớn đã tỏ ra đồng tình với chiến lược thuế quan của ông Trump, mặc dù ông nhấn mạnh đòn bẩy áp đặt thuế quan cần đi kèm với một số điều kiện.
Ông Trump, dẫu chưa chính thức đưa ra một chính sách thuế quan cụ thể nào, đã để lại một định hướng rõ ràng cho thị trường tài chính thông qua các tuyên bố công khai của mình.
Trong năm nay, ông Trump đã đề xuất áp đặt một mức thuế phổ quát từ 10 đến 20 phần trăm, đi kèm với mức thuế suất đặc biệt từ 60 đến 100 phần trăm đối với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong lần xuất hiện gần đây trên đài CNBC, ông Bessent nhận định rằng đòn bẩy áp đặt thuế quan là một “công cụ tuyệt vời” nhưng ông cũng lưu ý thêm rằng chúng cần được “áp dụng một cách từ từ” nhằm bảo đảm rằng mức tăng giá sẽ tăng lên theo thời gian. Ngoài ra, ông Bessent cũng lưu ý rằng áp lực tăng giá này có thể được giảm thiểu thông qua các chính sách giảm phát chẳng hạn như cắt giảm các quy định rườm rà.
Trong bài luận đăng trên tờ The Economist vào tháng Mười năm ngoái, ông Bessent đã khéo léo chỉ ra những lợi ích vượt trội của “thuế quan toàn diện [không tập trung vào một ngành hoặc nhóm sản phẩm cụ thể mà áp dụng cho nhiều mặt hàng hoặc lĩnh vực]”, một biện pháp mà ông tin rằng “hiệu quả hơn nhiều so với những chính sách can thiệp kinh tế vi mô chẳng hạn như chính sách hỗ trợ một ngành công nghiệp [cụ thể], vốn thường dựa vào sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, [đưa ra các ưu tiên cho một số ngành cụ thể, có thể dẫn đến sự thiên vị] lựa chọn kẻ thắng, người thua”.
Vào tháng trước, trong một bài phỏng vấn với tờ Financial Times, ông Bessent nhận định rằng các mức thuế toàn diện mà ông Trump đề xuất là những “lập trường tối đa” có thể được điều chỉnh linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán cùng với các đối tác thương mại.
“Quan điểm tổng quát của tôi là, cuối cùng, ông ấy [Trump] vẫn là một người ủng hộ thương mại tự do. Leo thang để rồi giảm leo thang [là một giải pháp chiến lược]”, ông Bessent chia sẻ.
Trong bài diễn thuyết tại Viện Manhattan vào tháng Sáu, ông Bessent đã khéo léo phác thảo kế hoạch kinh tế ba mũi nhọn của mình, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu thâm hụt ngân sách quốc gia một cách bền vững.
“Chà, tôi thậm chí có thể khuyên ông ấy [Trump] vận động tranh cử với chiến lược ba mũi nhọn. Đó là: tăng trưởng kinh tế thực tế đạt 3%, và làm thế nào để đạt được điều đó? Đạt được thông qua việc giảm bớt các quy định, tăng cường sản xuất năng lượng tại Hoa Kỳ, kiểm soát lạm phát, và đưa ra những hướng dẫn rõ ràng để tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư—để khu vực tư nhân có thể thay thế cho tình trạng chi tiêu công lãng phí như hiện nay”, ông Bessent phát biểu.
Ông Bessent tiết lộ rằng kế hoạch này được lấy cảm hứng từ chiến lược hồi phục kinh tế “ba mũi tên” của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một sáng kiến táo bạo được biết đến với tên gọi “Abenomics”.
Ông Bessent cũng nhấn mạnh rằng mình sẽ thúc đẩy ông Trump công khai cam kết đưa thâm hụt ngân sách xuống còn 3% GDP “trước khi nhiệm kỳ kết thúc”.
“Dưới thời [chính quyền Trump thứ nhất], thâm hụt ngân sách chưa bao giờ vượt quá 6% hay 7% GDP. Mức trung bình là 4%, và [giờ đây chúng ta] cần hạ thấp hơn nữa, xuống còn 3%”, ông Bessent nhấn mạnh tại hội nghị Viện Manhattan vào tháng Sáu.
Hiện nay, thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ là lớn nhất trong các quốc gia thuộc khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), chiếm gần 6% GDP vào năm ngoái. Các quốc gia đứng thứ hai gồm Nhật Bản (5,6%), Pháp (3,8%), và Vương Quốc Anh (3,6%).
Mức thâm hụt liên bang tăng cao đã xảy ra ngay cả khi đất nước không trong tình trạng suy thoái kinh tế.
“Một nền kinh tế mạnh thường mang lại doanh thu thuế cao hơn cho chính phủ [cũng như] chi tiêu cho trợ cấp thất nghiệp giảm đi, từ đó cải thiện tình hình tài chính công. Tuy nhiên, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng, tình trạng tài chính của Hoa Kỳ sẽ xấu đi đáng kể”, ông Torsten Slok, kinh tế trưởng tại Apollo, nhận định.
Trong những năm gần đây, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã bơm hàng nghìn tỷ USD trái phiếu tràn ngập thị trường vốn toàn cầu. Một phần lớn các khoản phát hành này tập trung vào chứng khoán nợ ngắn hạn nhằm quản lý thâm hụt ngày càng tăng và lãi suất leo thang.
Người đứng đầu Bộ Tài chính sắp tới sẽ phải đối mặt với áp lực tương tự như Bộ trưởng đương nhiệm Janet Yellen: nợ công và thâm hụt ngân sách ngày càng phình to.
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, thâm hụt ngân sách hàng năm của Hoa Kỳ sẽ dao động từ 1,75 nghìn tỷ USD đến 2,86 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.
Mặc dù vấn đề nợ công gần như bị lãng quên trong chiến dịch tranh cử năm 2024, đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump vẫn tin rằng nền tài chính quốc gia có thể được cải thiện đáng kể trong vòng bốn năm tới.
Theo dữ liệu từ bảng hiển thị nợ công của Bộ Tài chính, nợ quốc gia Hoa Kỳ đã chạm mốc 36 nghìn tỷ USD.
Vào tháng 11/2024, ông Bessent đã đưa ra một ý tưởng táo bạo, đề nghị Tổng thống Trump bổ nhiệm một “Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang bóng [cũng có thể hiểu là Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang kế nhiệm”. Đề xuất này nhằm chỉ định ra một người kế nhiệm ông Jerome Powell, Chủ tịch đương nhiệm của Fed, ngay cả trước khi nhiệm kỳ của ông Powell chính thức kết thúc.
Ông Bessent nhấn mạnh: “Ngài [ông Trump] có thể tiến hành lần đề cử sớm nhất [từ trước đến nay] cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang, qua đó tạo ra một Chủ tịch kế nhiệm. Dựa trên khái niệm về hướng dẫn tương lai, không ai thực sự còn bận tâm đến những gì [Chủ tịch Jerome] Powell phát biểu nữa”.
Nếu Tổng thống Trump triển khai kế hoạch kinh tế ba mũi nhọn mà ông Bessent đề xuất, Ngân hàng Dự trữ Liên bang sẽ có thể chuyển sang một “chu kỳ nới lỏng tiền tệ bền vững”.
Hiện nay, mọi ánh mắt trên Phố Wall đều đang theo dõi sát sao từng diễn biến trong mối quan hệ giữa ông Trump và ông Powell.
Trong cuộc họp báo sau phiên họp tháng 12/2024, ông Powell khẳng định với giới truyền thông rằng ông sẽ không từ chức nếu Tổng thống yêu cầu, đồng thời nhấn mạnh rằng việc bãi nhiệm ông “không được phép theo quy định pháp luật”.
Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng đã khẳng định rằng ông sẵn sàng để ông Powell hoàn thành nốt nhiệm kỳ của mình, vốn sẽ kết thúc vào năm 2026, “đặc biệt là khi tôi nhận thấy ông ấy đang làm đúng”.
Ông Trump cũng tuyên bố rằng các tổng thống nên có tiếng nói trong việc định hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang, mặc dù ông Trump cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống không nên sở hữu quyền quyết định cuối cùng.
Dẫu vậy, mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Ngân hàng Dự trữ Liên bang trong hai năm tới có thể sẽ đầy biến động, để lại không ít lo ngại trong lòng các nhà đầu tư về tương lai không chắc chắn phía trước.
Ngày nay, một người được khen là quân tử thông thường cũng phải là người giữ…
Theo cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 1…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang cân nhắc ban hành lệnh hành pháp để…
Elon Musk một lần nữa tuyên bố rằng công ty khoan của ông có thể…
Một công ty Hytera của Trung Quốc đã thừa nhận rằng họ đã đánh cắp…
NATO cho biết sẽ triển khai trên biển Baltic tàu hộ vệ, máy bay tuần…