Chính quyền Taliban hôm 24/12 đã ra lệnh cho tất cả các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước không thuê nhân viên nữ Afghanistan làm việc, động thái mà Liên Hợp Quốc cho rằng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động nhân đạo thêm nữa ở quốc gia đang gặp khủng hoảng kinh tế này.
Theo một bức thư từ bộ kinh tế, được xác nhận bởi người phát ngôn Abdulrahman Habib, nhân viên nữ của các tổ chức phi chính phủ (NGO) không được phép tiếp tục làm việc cho đến khi có thông báo mới, do một số người không tuân thủ cách giải thích của Taliban về quy định trang phục Hồi giáo dành cho phụ nữ. Taliban cũng đồng thời cảnh báo các tổ chức sẽ bị hủy giấy phép hoạt động nếu phớt lờ lệnh này.
Ông Habib cho hay, quy tắc sẽ áp dụng với những tổ chức nằm dưới sự điều hành của cơ quan điều phối các tổ chức nhân đạo Afganistan (ACBAR).
ACBAR bao gồm hơn 180 tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế tại Afghanistan, nhưng không bao gồm Liên Hợp Quốc. Dù vậy, Liên Hợp Quốc thường phối hợp với các tổ chức trên để thực thi công tác nhân đạo.
Quyết định mới được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền Taliban cấm phụ nữ theo học tại các trường đại học công và tư, dẫn đến sự chỉ lên án mạnh mẽ của quốc tế.
Cả hai quyết định đều là những hạn chế mới nhất đối với phụ nữ, có khả năng làm suy yếu nỗ lực của chính quyền Taliban nhằm giành được sự công nhận của quốc tế cũng như xóa bỏ các biện pháp trừng phạt đang cản trở nghiêm trọng nền kinh tế.
Ông Ramiz Alakbarov, phó đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan và điều phối viên nhân đạo nhận định với Reuters, nhiều tổ chức phi chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ông nhấn mạnh: “Nhiều chương trình của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng”, bởi vì đều cần phải có nhân viên nữ đánh giá nhu cầu nhân đạo và xác định nhóm người cần hỗ trợ, nếu không họ sẽ không thể thực hiện các chương trình viện trợ.
“Một nguyên tắc quan trọng trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo là khả năng phụ nữ tham gia độc lập và không bị cản trở trong quá trình phân phối. Vì vậy, nếu chúng tôi không thể thực hiện điều đó một cách có nguyên tắc thì sẽ không có nhà tài trợ nào tài trợ cho bất kỳ chương trình nào,” ông nói thêm.
Cơ quan viện trợ quốc tế AfghanistanAid cho biết, họ đã ngay lập tức đình chỉ hoạt động trong khi tham khảo ý kiến của các tổ chức khác. Nhiều tổ chức phi chính phủ khác cũng đang có những hành động tương tự.
Ông Alakbarov bày tỏ: “Không thời điểm nào thích hợp cho việc đình chỉ như vậy… nhưng thời điểm đặc biệt này quả thực rất đáng tiếc, bởi trong thời gian mùa đông, mọi người cần được giúp đỡ nhiều nhất. Mùa đông ở Afghanistan rất khắc nghiệt.”
Văn phòng của ông Alakbarov sẽ tham khảo ý kiến của các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan của Liên Hợp Quốc vào ngày 25/12, sau đó tìm cách gặp chính quyền Taliban để giải thích.
Nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Afghanistan đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào năm 2021, với việc nước này phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, cắt giảm viện trợ phát triển và đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương.
Theo AfghanistanAid, khoảng 28 triệu người Afghanistan được ước tính sẽ cần viện trợ nhân đạo vào năm tới.
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…