Theo báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm công ty Trung Quốc chiếm khoảng 13% tổng doanh số bán vũ khí của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới vào năm 2020.
Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 13 ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc ngày 28/9/2021 (Ảnh: Getty Images)
Năm nhà cung cấp vũ khí của Trung Quốc bao gồm NORINCO, AVIC, CETC, CASIC và CSGC có tổng doanh số bán hàng khoảng 66,8 tỷ đô la vào năm ngoái, tăng 1,5% so với năm 2019. Năm công ty này đều thuộc sở hữu nhà nước và tiến hành việc kinh doanh của họ đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Toàn bộ cũng đều nằm trong top 20 trong danh sách 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, trong đó ba công ty nằm trong top 10.
Báo cáo lưu ý, đây chỉ là năm công ty Trung Quốc được liệt kê chính thức trong danh sách, thực tế có thể có nhiều công ty Trung Quốc hơn đáng được liệt kê trong top 100. Điều này là do các quy định của ĐCSTQ thường hạn chế những thông tin được công khai liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như vậy.
Theo thông cáo báo chí của SIPRI, “các công ty Trung Quốc khác có thể có doanh số bán vũ khí đủ lớn để được xếp hạng trong Top 100, tuy nhiên không có đủ dữ liệu [chính thức] để đưa họ vào bảng xếp hạng.”
Doanh số bán vũ khí đã tăng trên khắp thế giới ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự của 100 công ty lớn nhất trong ngành đã tăng 1,3% mặc dù nền kinh tế toàn cầu giảm khoảng 3,1%.
Nhà nghiên cứu của SIPRI là ông Alexandra Marksteiner nhìn nhận: “Các gã khổng lồ trong ngành [vũ khí] phần lớn được hưởng lợi bởi nhu cầu liên tục của chính phủ về hàng hóa và dịch vụ quân sự.”
“Trên phần lớn thế giới, chi tiêu quân sự tăng lên và một số chính phủ thậm chí còn đẩy nhanh việc thanh toán cho ngành công nghiệp vũ khí để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19,” ông nói thêm.
Các công ty Mỹ chiếm khoảng 54% tổng doanh số bán vũ khí của 100 công ty hàng đầu thế giới. Trong đó, 41 công ty Mỹ trong danh sách có tổng doanh số khoảng 285 tỷ đô la. Công ty bán vũ khí lớn nhất trong danh sách này là Lockheed Martin, với doanh số bán vũ khí vào năm 2020 là 58,2 tỷ đô la.
Doanh thu tổng hợp của các công ty trong danh sách đặt bên ngoài Trung Quốc, châu Âu, Nga, và Hoa Kỳ là 43,1 tỷ đô la, tương đương 8,1% tổng doanh số.
Sự tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh ĐCSTQ đang nỗ lực toàn diện để phát triển các công nghệ quân sự mới và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Báo cáo của SIPRI nhận định rằng các công nghệ mới, đặc biệt là các hệ thống đặt trên không gian, đang thúc đẩy doanh số ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc và có khả năng là nguyên nhân thực sự ở đằng sau xu hướng mua bán và sáp nhập nổi tiếng ở Hoa Kỳ.
Nhà nghiên cứu Marksteiner nhận xét: “Xu hướng này đặc biệt rõ rệt trong lĩnh vực không gian. Northrop Grumman và KBR nằm trong số các công ty đã mua lại các doanh nghiệp giá trị cao chuyên về công nghệ không gian trong những năm gần đây.”
Báo cáo cũng lưu ý, chính sách hợp nhất quân sự – dân sự của ĐCSTQ là yếu tố chính đưa các công ty vũ khí của Trung Quốc lên bảng xếp hạng các công ty bán vũ khí hàng đầu thế giới.
Ông Nan Tian, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, các công ty vũ khí Trung Quốc đã hưởng lợi từ các chương trình hiện đại hóa quân đội của đất nước và tập trung vào [các sản phẩm] kết hợp quân sự- dân sự.”
“Họ đã trở thành một trong những nhà sản xuất công nghệ quân sự tiên tiến nhất trên thế giới.”
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…