Sáng ngày 7/4, Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua dự luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus, đồng thời cấm nhập khẩu dầu của Nga vào Hoa Kỳ nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine.
Dự luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus đã được thông qua với tỷ lệ 100–0 phiếu, một sự đồng thuận hiếm hoi trong bối cảnh Washington vẫn luôn chia rẽ những năm gần đây. Dự luật cấm nhập khẩu dầu của Nga cũng được thông qua với tỷ lệ 100–0 phiếu.
“Đó là một việc lớn lao mà cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành,” Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer thông báo hôm 6/4 sau khi ông công bố dự luật. “Giờ đây, tôi ước sao điều này có thể diễn ra sớm hơn, nhưng sau nhiều tuần đàm phán, điều quan trọng là chúng tôi đã tìm ra một hướng đi phía trước.”
Dự luật nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden, bởi ông trước đó đã kêu gọi Quốc hội thông qua luật như vậy. Trong một bài phát biểu hồi đầu tháng 3, ông Biden tuyên bố, ông sẽ ký đạo luật lưỡng đảng hủy bỏ quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) của Nga với Hoa Kỳ, còn gọi là “tối huệ quốc”, khiến Nga gặp nhiều khó khăn hơn khi giao thương với phương Tây.
Ông Biden cho biết, động thái chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga được thực hiện với sự phối hợp của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu.
“[Tổng thống Nga Vladimir] Putin phải trả giá,” ông nhấn mạnh. “Ông ta không thể tiến hành một cuộc chiến đe dọa nền tảng hòa bình và ổn định quốc tế, sau đó lại yêu cầu sự giúp đỡ tài chính từ cộng đồng quốc tế.”
Ông Biden cũng lưu ý, Hoa Kỳ đang cấm Nga nhập khẩu các mặt hàng như hải sản, rượu vodka và kim cương. Nước này còn cấm xuất khẩu hàng xa xỉ vào Nga và tăng danh sách các cá nhân Nga bị trừng phạt.
Nỗ lực cấm nhập khẩu dầu của Nga bắt đầu vào ngày 3/3, khi Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin (tiểu bang West Virginia) dẫn đầu một liên minh các nhà lập pháp lưỡng đảng thúc đẩy một dự luật về vấn đề này.
Tuy nhiên, trong dự luật của mình, ông Manchin yêu cầu chính quyền Biden chấm dứt các chính sách hạn chế việc khai thác dầu ở Hoa Kỳ, đặc biệt là dầu trên các vùng đất liên bang.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nhiều lần bày tỏ, bà ủng hộ lệnh cấm khai thác dầu của Nga, nhưng bà đã bác bỏ nỗ lực của Manchin và các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa nhằm nới lỏng các hạn chế đối với hoạt động khoan dầu của Hoa Kỳ. Bà khẳng định, Đảng Dân chủ sẽ không từ bỏ chính sách của mình để “cứu hành tinh này”.
Lệnh cấm dầu của Nga được đưa ra trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt với giá dầu đang tăng lên nhanh chóng và không ít người bày tỏ lo ngại rằng lệnh cấm này có thể làm tăng giá hơn nữa khi tiếp tục hạn chế nguồn cung dầu sẵn có.
Kể từ khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga, giá trị của đồng rúp đã giảm đáng kể. Quyết định nhất trí thông qua dự luật của Thượng viện hôm 7/4 sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng đối với nền kinh tế Nga, khi mà cuộc tấn công Ukraine kéo dài hơn nhiều so với kỳ vọng của giới lãnh đạo Nga.
Cùng ngày 7/4, nhóm các nước G7 cũng áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Các nhà lãnh đạo G7 nhất trí cấm “các khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng”, ngoài ra còn mở rộng lệnh cấm xuất khẩu đối với một số hàng hóa và tăng cường hạn chế các ngân hàng và công ty nhà nước của Nga.
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…