Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 9/5, thế giới ghi nhận thêm khoảng 263.789 ca mắc COVID-19 mới và 729 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 456.575.656 ca, trong đó có khoảng 5.702.537 người thiệt mạng.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 9/5, thế giới có 74 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 38 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế đi ngang.
Trong 24 giờ qua, Nhật Bản là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (với trên 40.000 ca), trong khi Pháp là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 130 ca.
Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Zero-COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Zero-COVID linh hoạt”.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, với 83.581.715 ca mắc và 1.024.546 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 43.105.401 ca mắc và 524.093 ca tử vong. Với 30.564.536 ca mắc và 664.189 ca tử vong, Brazil đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ 2 về số ca tử vong.
Tại Úc, chuyên gia truyền nhiễm của Đại học South Úc, ông Adrian Esterman cảnh báo số ca tái nhiễm của nước này đang trên đà tăng trong bối cảnh khả năng miễn dịch tự nhiên của cộng đồng giảm dần, sau khi làn sóng dịch bệnh liên quan biến thể Omicron đạt đỉnh vào tháng 12/2021 và tháng 1/2022. Ông nhấn mạnh chính quyền các địa phương đều không có hệ thống theo dõi các trường hợp tái nhiễm, khiến các chuyên gia phải dựa vào số liệu từ bên ngoài.
Kể từ giữa tháng 4, số ca nhiễm mới hằng ngày tại Úc vẫn ổn định ở mức 40.000 ca. Trong ngày 8/5, số ca điều trị tại các bệnh viện ở Vùng lãnh thổ thủ đô Úc đã lên mức cao nhất từ trước đến nay là 76 ca.
Theo báo Canberra Times, các biến thể phụ hiện nay đã cho thấy khả năng né miễn dịch được tạo ra từ tiêm phòng hoặc lần lây nhiễm trước đó. Ngày càng nhiều người Úc có kết quả dương tính với COVID-19 lần hai. Tuy nhiên, chuyên gia Esterman cho rằng số ca nhiễm tăng lên vào mùa đông sẽ không có tác động mạnh tới hệ thống y tế như những đợt dịch trước đó.
Trong khi đó, nhà chức trách kêu gọi tất cả người dân Úc nhanh chóng tiêm phòng cúm để tránh nguy cơ gây quá tải cùng lúc cho hệ thống y tế.
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA) ngày 9/5 đã ghi nhận 20.601 ca mắc COVID-19 mới, giảm mạnh so với con số 40.064 ca mới vào ngày 8/5 và 39.600 ca mới vào ngày 7/5 vừa qua. Tính đến ngày 8/5, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 17.564.999 ca. Số ca tử vong tăng thêm 40 ca lên 23.400 ca với tỷ lệ tử vong ở mức 0,13%. Số ca nhiễm mới hằng ngày tại Hàn Quốc thường giảm vào các ngày Thứ Hai do số lượng xét nghiệm có xu hướng giảm vào cuối tuần.
Tuần trước, Hàn Quốc đã bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, ngoại trừ tại các cuộc tụ tập có sự tham gia của 50 người trở lên. Trong những tuần qua, số ca nhiễm mới hàng ngày của Hàn Quốc đã liên tục giảm sau khi đạt đỉnh ở mức hơn 620.000 ca vào giữa tháng 3 do biến thể Omicron lan nhanh.
Các hãng sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 đang chuyển hướng sang sản xuất mũi vắc-xin bổ sung, một thị trường nhỏ hơn và cạnh tranh hơn. Các CEO của các hãng sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 lớn nhất thế giới, trong đó có Pfizer và Moderna bày tỏ tin tưởng rằng phần lớn người dân đã tiêm chủng muốn tiêm mũi vắc-xin bổ sung. Cho đến nay, hơn 5 tỉ người trên toàn thế giới đã tiêm chủng.
Trong năm tới, phần lớn các vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ là mũi bổ sung hoặc liều vắc-xin đầu tiên dành cho trẻ em vốn vẫn đang được cấp phép sử dụng trên toàn thế giới. Dự báo, hãng Pfizer và đối tác BioNTech SE của Đức, Moderna sẽ vẫn đóng vai trò chủ chốt trên thị trường vắc-xin ngừa COVID-19 cho dù nhu cầu về vắc-xin trên toàn thế giới sẽ giảm.
Hãng sản xuất vắc-xin Novavax của Mỹ và CureVac N.V. của Đức, hiện đang hợp tác với hãng dược Glaxo SmithKline để bào chế mũi vắc-xin tăng cường. Trong khi đó, vai trò của hãng dược AstraZeneca Plc và Johnson & Johnson dự báo sẽ giảm tại thị trường này.
Các nhà phân tích dự báo vào năm 2023, hãng Pfizer/BioNTech đạt doanh thu trên 17 tỉ USD từ mũi vắc-xin bổ sung trong khi của hãng Moderna là 10 tỉ USD, chỉ bằng một nửa doanh thu dự báo tương ứng là 34 tỉ USD và 23 tỉ USD mà các hãng kỳ vọng đạt được trong năm nay.
Phan Anh (tổng hợp)
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…