Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 21/2, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1.111.692 ca mắc COVID-19 mới và 4.278 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 378.987.934 ca, trong đó có khoảng 5.445.921 người thiệt mạng.
Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 152.000 ca), trong khi Nga cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 800 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 21/2, thế giới có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 72 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới, đến nay ghi nhận 80.087.617 ca nhiễm và 959.412 ca tử vong. Với số ca nhiễm gần bằng 1/2 của Mỹ (42.838.524 ca), Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (644.362 ca).
Mỹ đang xem xét phê duyệt việc tiêm mũi thứ 4 vắc-xin ngừa COVID-19 (liều bổ sung thứ 2) vào mùa thu năm nay. Hiện kế hoạch vẫn đang ở giai đoạn đầu và quá trình cấp phép sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc nghiên cứu đang được thực hiện về việc liệu liều vắc-xin bổ sung thứ 2 có giúp nâng cao khả năng miễn dịch của người tiêm, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nghiêm trọng sau mắc COVID-19 hay không.
Theo các chuyên gia, liều bổ sung thứ 2 này có thể là khởi đầu của chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 hàng năm. Nếu có biến thể mới xuất hiện, khả năng Mỹ sẽ áp dụng chiến lược này. Đến nay, khoảng 65% dân số Mỹ đã hoàn thành tiêm 2 mũi, khoảng 43% đã tiêm mũi 3.
Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi và những người có nguy cơ mắc COVID-19 sau khi tiêm vắc-xin đã tăng lên, nhiều người trong đó mong muốn tiêm liều vắc-xin bổ sung thứ 2.
Bộ Y tế Ý đã khuyến cáo những người có hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng nên tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 4 dùng công nghệ mRNA, ít nhất là 120 ngày sau khi tiêm mũi 3.
Cơ quan quản lý dược phẩm Ý (AIFA) nhấn mạnh: “Trước tình trạng giảm tác dụng bảo vệ và thời gian miễn dịch sau chu kỳ tiêm chủng chính đối với biến thể Omicron, liều vắc-xin bổ sung vẫn cho thấy mức độ hiệu quả và an toàn cao trong việc ngăn ngừa các dạng triệu chứng, tỷ lệ nhập viện và tử vong liên quan đến đại dịch COVID-19”.
Ý đã ghi nhận tổng cộng 12,4 triệu ca COVID-19 và 152.848 người tử vong do virus corona kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này hồi tháng 2/2020. Hầu hết các quốc gia châu Âu có tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 tương đối thấp hơn đã khuyến cáo tiêm liều thứ 4 cho những người dễ bị nhiễm bệnh nhất.
Hàn Quốc ghi nhận 95.362 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 2.058.184 ca. Số ca mắc mới theo ngày đã tăng trong nhiều tuần gần đây do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Trước tình hình này, các trường học tại Hàn Quốc sẽ được phép áp dụng phương thức học từ xa hoàn toàn trong 2 tuần đầu tiên của học kỳ bắt đầu từ tháng 3 tới.
Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc quyết định giảm bớt cơ chế giãn cách xã hội trong 3 tuần, đến ngày 13/3 tới, sau 9 tuần siết chặt các biện pháp cách ly đã gây ra sự đảo lộn lớn đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ. Theo quy định mới, giờ kinh doanh được kéo dài thêm một giờ, cho phép các nhà hàng, quán cà phê, quán rượu và các loại hình kinh doanh khác được mở cửa đến 22 giờ.
Theo kết quả cuộc thăm dò của tổ chức Korea Society Opinion công bố ngày 21/2, hơn 60% người được hỏi ở Hàn Quốc ủng hộ việc nới lỏng các quy định phòng dịch COVID-19.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã bắt đầu cung cấp vắc-xin phòng COVID-19 cho các trung tâm y tế trên toàn quốc trong tuần này để chuẩn bị công tác tiêm chủng cho đối tượng là trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 11 tuổi, sớm nhất trong tháng này.
Chính phủ Nhật Bản sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em ở độ tuổi này, với liều lượng bằng 1/3 so với liều dùng cho trẻ em trên 12 tuổi. Theo kế hoạch, đến tháng 5, Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoảng 12 triệu liều vắc-xin cho các cơ sở y tế trên toàn quốc để tiêm cho trẻ. Việc tiêm chủng này là không bắt buộc và trẻ đi tiêm cần phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cho biết chính phủ nước này đang xem xét miễn cách ly đối với khách du lịch nước ngoài từ tháng 4 tới.
Phát biểu họp báo hàng tuần ngày 21/2, Bộ trưởng Sandiaga cho biết hiện bộ này đang rà soát và soạn thảo hướng dẫn. Nếu mọi việc suôn sẻ, du khách nhập cảnh Indonesia sẽ không bị cách ly từ tháng 4/2022. Chính phủ Indonesia sẽ căn cứ trên vào dữ liệu y tế và khoa học để quyết định chính sách trên, đồng thời vẫn duy trì cảnh giác về nguy cơ lây lan của các biến thể của virus corona gây bệnh COVID-19.
Chính sách nhập cảnh không cần cách ly được xem là một trong những động lực thúc đẩy phục hồi của hoạt động lữ hành quốc tế. Năm 2022, Indonesia đặt mục tiêu thu hút 1,8 – 3,6 triệu lượt khách nước ngoài, thấp hơn mức 4,05 triệu lượt vào năm 2020. Để thu hút du khách, Chính phủ Indonesia dựa vào các sự kiện quốc tế lớn dự kiến diễn ra trong cả năm 2022, trong đó có giải đua mô tô MotoGP và Hội nghị Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…