Trụ sở Bộ Giáo dục Hoa Kỳ tại Washington D.C. (Ảnh: Shutterstock)
Hôm thứ Hai (14/7), phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã mở đường cho Bộ Giáo dục Mỹ sa thải hàng trăm nhân viên, một động thái được cho là sẽ thúc đẩy kế hoạch giải thể bộ này của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện trong vụ McMahon kiện Tiểu bang New York được đưa ra với tỷ lệ 6 – 3.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện tạm thời dừng lệnh của một thẩm phán tòa án cấp dưới đã phục hồi chức vụ cho gần 1.400 nhân viên bị sa thải tại Bộ Giáo dục.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào tối thứ Hai (14/7), Tổng thống Trump đã ca ngợi phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Đây được xem là phán quyết mới nhất trong một chuỗi các phán quyết khẩn cấp của Tối cao Pháp viện có lợi cho Tổng thống Trump khi ông đang cố gắng tái cấu trúc chính phủ liên bang.
Tổng thống Trump viết: “Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã trao một Chiến thắng Quan trọng cho Phụ huynh và Học sinh trên khắp cả Nước, bằng cách tuyên bố Chính quyền Trump có thể tiến hành việc TRẢ LẠI các chức năng của Bộ Giáo dục cho CÁC TIỂU BANG. Giờ đây, với Phán quyết TUYỆT VỜI này của Tối cao Pháp viện, Bộ trưởng Giáo dục của chúng ta, bà Linda McMahon, có thể bắt đầu tiến hành quá trình rất quan trọng này. Chính phủ Liên bang đã và đang vận hành Hệ thống Giáo dục của chúng ta đến mức kiệt quệ, nhưng chúng ta sẽ xoay chuyển tình thế này bằng cách trao Quyền lực lại cho NGƯỜI DÂN. Học sinh Hoa Kỳ sẽ là những học sinh giỏi nhất, thông minh nhất, và có trình độ học vấn cao nhất trên thế giới. Xin cảm ơn Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ!”
Hồi tháng Ba, Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ Linda McMahon đã sa thải một nửa lực lượng lao động của bộ này, một phần trong nỗ lực cắt giảm nhân sự rộng lớn hơn của chính quyền Trump. Cuối tháng Ba, Tổng thống Trump đã thông báo trong một sắc lệnh hành pháp rằng ông dự định sẽ đóng cửa hoàn toàn Bộ Giáo dục.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện được đưa ra xuất phát từ hai vụ kiện, bao gồm một vụ kiện do 20 tiểu bang do Đảng Dân chủ lãnh đạo đệ đơn nhằm phản đối việc sa thải hàng loạt nhân sự của Bộ Giáo dục và kế hoạch đóng cửa bộ này của chính quyền Trump.
Các nguyên đơn lập luận trước Tối cao Pháp viện rằng các hành động của chính quyền Trump đã khiến Bộ Giáo dục không có khả năng thực hiện công việc được yêu cầu theo luật định, chẳng hạn như xem xét các chứng nhận của các cơ sở giáo dục đại học cho mục đích viện trợ liên bang.
Hồi tháng Năm, Thẩm phán Myong Joun đã đồng ý với các nguyên đơn khi nhận định rằng “hồ sơ cho thấy rõ ràng” rằng ý định thật sự của chính quyền [Trump] là giải thể Bộ [Giáo dục] mà không có luật cho phép”.
Thẩm phán Joun, được Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden đề cử vào năm 2022, hiện là thẩm phán liên bang khu vực Massachusetts của Tòa án Khu vực Hoa Kỳ.
Chính quyền Trump đã trả lời rằng việc sa thải nhân sự tại Bộ Giáo dục không chứng minh bộ này sẽ bị giải thể và bộ này vẫn đang thực hiện các chức năng được yêu cầu theo luật định. Theo luật pháp Hoa Kỳ, Tổng thống Trump sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội để đóng cửa hoàn toàn hoạt động của Bộ Giáo dục.
Thẩm phán Sonia Sotomayor, một trong ba thẩm phán của Tối cao Pháp viện bất đồng quan điểm, cho rằng phán quyết khẩn cấp của phe đa số là “không thể biện minh được”.
Thẩm phán Sotomayor được Tổng thống Barack Obama đề cử vào chức vụ Thẩm phán Tối cao Pháp viện vào năm 2009. Bà đã nắm giữ chức vụ này từ ngày 8/8/2009 sau khi được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn.
Thẩm phán Sotomayor giải thích lý do phản đối: “Khi cơ quan Hành pháp công khai tuyên bố ý định vi phạm pháp luật, và sau đó thực hiện lời hứa đó, thì nhiệm vụ của cơ quan Tư pháp là phải kiểm tra tình trạng vô pháp luật đó, chứ không phải thúc đẩy nó”.
Trong một thông báo vào thời điểm Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh hành pháp về ý định giải thể Bộ Giáo dục hồi tháng Ba, Bộ trưởng McMahon lưu ý rằng các nghĩa vụ được yêu cầu theo luật định của Bộ Giáo dục sẽ vẫn được đáp ứng.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng McMahon giải thích: “Việc đóng cửa Bộ [Giáo dục] không có nghĩa là cắt các nguồn tài trợ từ những người phụ thuộc vào chúng – chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12, học sinh có nhu cầu đặc biệt, sinh viên đại học vay vốn, và những người khác phụ thuộc vào các chương trình thiết yếu. Chúng tôi sẽ tuân thủ pháp luật và xóa bỏ bộ máy quan liêu một cách có trách nhiệm bằng cách làm việc với Quốc hội để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra một cách hợp pháp và trật tự”.
Hôm thứ Hai (14/7), vị bộ trưởng giáo dục của chính quyền Trump đã ca ngợi phán quyết tạm thời của Tối cao Pháp viện, và cho biết bộ của bà “bây giờ sẽ thực hiện nhiệm của mình là khôi phục lại sự xuất sắc của nền giáo dục Hoa Kỳ”.
Bộ trưởng McMahon cam kết: “Khi chúng tôi trả lại công việc giáo dục cho các tiểu bang, chính quyền Trump sẽ tiếp tục thực hiện tất cả nghĩa vụ theo luật định, đồng thời trao quyền cho các gia đình và giáo viên bằng cách giảm bớt bộ máy quan liêu trong giáo dục”.
Một chiếc máy bay chở khách của hãng Air China đã bất ngờ tăng độ…
Phụ huynh của hàng ngàn học sinh đã được yêu cầu không cấp điện thoại…
Lần đầu tiên, Sách Trắng này nêu rõ sự bành trướng và khiêu khích quân…
Giới quan sát phân tích, đây là động thái của hãng xe Nhật thăm dò…
Đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày thực ra tương đương một buổi tập gym…
Du khách đang tắm biển và nghỉ ngơi trên bãi cát, hốt hoảng sơ tán…