Quân đội Trung Quốc đã triển khai máy bay ném bom tầm xa tới biên giới với Ấn Độ, tờ SCMP đưa tin.
Trong lễ kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Lực lượng Không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) vào thứ Năm tuần trước, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát sóng cảnh máy bay ném bom H-6K bay gần dãy Himalaya. Mặc dù thường đặt gần Bắc Kinh hơn, các máy bay đã được chuyển đến tỉnh Tân Cương vào năm ngoái, gần khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, SCMP đưa tin.
Các máy bay ném bom đặc biệt này thường được trang bị tên lửa tầm xa CJ-20 cho các cuộc chạm trán trên bộ và trên biển. Phát biểu với tờ SCMP, nhà phân tích quân sự Anthony Wong Tong cho rằng việc bố trí các máy bay ném bom như vậy gần biên giới “chắc chắn là một lời cảnh báo đối với Ấn Độ.”
“New Delhi nằm trong tầm tác chiến của H-6K và tầm tấn công của CJ-20”, Tong giải thích.
Ngược lại, Song Zhongping, một nhà phân tích khác và là cựu huấn luyện viên pháo binh của PLA, cho biết Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ quan tâm đến việc nhắm mục tiêu vào các căn cứ không quân của Ấn Độ trong khu vực, thay vì thủ đô của nước này.
“Trung Quốc sẽ không tấn công các khu vực dân sự”, ông Song nói. “Vì vậy, Delhi sẽ không là mục tiêu của các tên lửa phóng từ trên không dù thủ đô nằm khá gần biên giới”.
Trong đoạn phim được phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước, có thể nhìn thấy các máy bay ném bom được trang bị một loại tên lửa tầm ngắn khác, không phải loại tầm xa mà chúng được thiết kế.
Nhà nghiên cứu khoa học quân sự Zhou Chenming cho biết: “Đó là một lời cảnh báo thận trọng từ PLA. [Báo cáo] của CCTV đã cố tình không đưa vào cảnh quay H-6K với CJ-20 mạnh mẽ”. “Trung Quốc hy vọng xung đột biên giới sẽ không leo thang hơn nữa, với đại dịch coronavirus dự kiến sẽ trầm trọng hơn vào mùa đông năm nay.”
Ở chiều ngược lại, trong thời gian qua, Ấn Độ cũng đã tăng cường lực lượng đến khu vực đông bắc ở cao nguyên Tawang tiếp giáp với Bhutan và Tây Tạng – khu vực có một phần đất do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nhưng lại do Ấn Độ kiểm soát.
Ấn Độ đã mang trực thăng Chinook do Mỹ sản xuất, súng trường và pháo kéo siêu nhẹ cũng như tên lửa hành trình siêu thanh sản xuất trong nước và một hệ thống giám sát thời đại để hỗ trợ quân đội Ấn Độ ở các khu vực giáp với miền đông Tây Tạng.
Các loại vũ khí này đều đã được mua trong vài năm qua khi quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ ngày càng được củng cố do có chung mối lo ngại về Trung Quốc.
Căng thẳng dọc biên giới tranh chấp của Trung Quốc và Ấn Độ đã âm ỉ kể từ tháng 10, khi các cuộc đàm phán giữa giới lãnh đạo quân đội hai nước đổ vỡ. Kể từ đó, mỗi bên đều đổ lỗi cho bên kia bất cứ khi nào nổ ra xung đột dọc biên giới.
Lê Vy
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…