Hôm 6/8 vừa qua, Universities Australia (tổ chức đại diện cho các trường đại học tại Úc) đã cảnh báo rằng quốc gia châu Đại dương này có thể bị mất khoảng 14.000 việc làm, nếu số lượng sinh viên quốc tế tiếp tục giảm.
Giám đốc điều hành của Universities Australia, ông Luke Sheehy cho biết số lượng thị thực du học được cấp trong năm tài chính vừa qua (tính đến ngày 30/6) đã giảm 23%, tương đương gần 60.000 sinh viên. Đây là một con số lớn, gây thiệt hại 4,3 tỷ AUD (2,9 tỷ USD) cho nền kinh tế và có thể khiến riêng lĩnh vực đại học mất hơn 14.000 việc làm, chưa kể đến tác động lan tỏa đối với các doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc nhiều vào sinh viên quốc tế.
Cùng chung quan điểm, bà Vicki Thomson – Giám đốc điều hành tổ chức “Group of Eight” (gồm các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu của Úc) cho hay tổ chức này không ủng hộ việc giới hạn số lượng sinh viên quốc tế, do biện pháp này sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế.
Phó Giám đốc điều hành của Hội đồng Giáo dục Đại học Độc lập Úc, Felix Pirie cho rằng những thay đổi về di trú hiện nay đã khiến một số trường sa thải nhân viên và đóng cửa các cơ sở. Trước tình hình này, Chủ tịch Liên đoàn Giáo dục Đại học quốc gia, Alison Barnes hối thúc ban quản lý trường đại học và chính phủ liên bang cần phải bảo đảm hàng nghìn nhân viên học thuật, giảng viên, chuyên gia – những người là một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục đại học của Úc – không phải đối mặt với nguy cơ mất việc.
Dự kiến trong tuần này, Thượng viện Úc sẽ xem xét Dự luật sửa đổi về dịch vụ giáo dục cho sinh viên nước ngoài năm 2024 – dự luật liên quan đến việc hạn chế số lượng sinh viên quốc tế đến Úc, bắt đầu từ năm 2025. Ngay từ khi được công bố, dự luật này đã làm dấy lên tranh cãi, vấp phải sự phản đối của các trường đại học, các nhà kinh doanh giáo dục và nhiều nhà chính trị gia.
Nếu được thông qua, văn kiện này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 1.500 cơ sở giáo dục – nơi cung cấp hơn 25.000 khóa học tại 3.900 địa điểm trên toàn nước Úc. Hiện tại, chưa có kế hoạch nào nhằm giới hạn số lượng sinh viên học các trường phổ thông hoặc các cơ sở nghiên cứu. Trọng điểm của mức trần năm 2025 sẽ là cơ sở giáo dục ở Sydney, Melbourne và Brisbane vì đây là những thành phố tập trung đông sinh viên quốc tế.
Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ, khoảng 370.000 thị thực du học đã được cấp trong năm tài chính vừa qua. Hầu hết chuyên gia cho rằng chính phủ nên công bố mục tiêu cấp thị thực du học để làm cơ sở cho chính sách hạn chế. Trong trường hợp chưa đạt được mục tiêu, Úc mới cần tính đến chính sách áp đặt mức trần theo từng nhà cung cấp dịch vụ giáo dục. Việc thúc đẩy mức trần vào thời điểm hiện tại có nguy cơ gây tổn hại lớn cho các nhà cung cấp lẫn sinh viên đăng ký theo học.
Trước đó, vào tháng 5, Chính phủ Liên bang Úc tuyên bố sẽ giới hạn số lượng sinh viên quốc tế có thể ghi danh vào các trường đại học và cao đẳng của nước này. Dự luật mới cũng sẽ trao cho Bộ trưởng Giáo dục quyền áp đặt giới hạn các khoá học.
Phan Anh
Video: Lần đầu tiên: TQ công khai thăm dò bờ biển VN, Việt Nam và Philippines tập trận chung trên Biển Đông
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…