Sau khi bị gửi đơn phản ánh, Ban giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai chấp thuận nộp lại số tiền hơn 900 triệu thu quỹ trái phép từ năm 2016-2020 để trả lại cho 32 cán bộ, nhân viên, người lao động.
Theo Dân Việt ngày 9/1/2021, trước khi quyết định trên được đưa ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai nhận được qua đơn thư phản ánh cho biết tại Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai hàng tháng diễn ra cuộc họp bình xét, xếp loại để chi tiền tăng thu nhập cho toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, hệ số từ cao đến thấp (1,5-0,6) theo lương cơ bản của từng người.
Sau khi chi tiền, Giám đốc cùng cấp ủy, Chủ tịch công đoàn thu lại 10% tiền tăng thu nhập của mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động tại cơ quan. Bình quân mỗi quý, một người phải nộp từ 2,5-3 triệu đồng. Số tiền thu của toàn cơ quan từ 50-60 triệu đồng mỗi quý, và lên tới khoảng 200-250 triệu đồng mỗi năm.
Cũng theo đơn phản ánh, trong thời gian nhiều năm, số tiền thu 10% của cán bộ toàn cơ quan lên đến 1,8 – 2,2 tỷ đồng.
“Với số tiền lớn như vậy nhưng lãnh đạo Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng không công khai nên nhiều cán bộ không biết, việc thu tiền cũng không có biên lai, chứng từ hay sổ sách lưu lại”, theo nội dung đơn phản ánh gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Sau đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng có báo cáo 01/BC-TCKT cho biết số tiền thu từ tiền lương của công chức, viên chức và người lao động từ năm 2016-2020 như sau: Năm 2016 là 90,5 triệu đồng; năm 2017 là 188,6 triệu đồng; năm 2018 là 227,7 triệu đồng; năm 2019 là 226,6 triệu đồng và năm 2020 là 170,4 triệu đồng.
Tiền đóng góp năm nào đều chi hết năm đó, thu chi xong thì không thực hiện lưu giữ, chỉ nắm lại số dư chuyển sang quý sau. Riêng năm 2020 hiện còn 34 triệu đồng. “Hàng năm, sau khi kết thúc năm, tổng kết, không ai ý kiến gì”, theo báo cáo.
Việc mỗi người phải góp 10% trên thu nhập tăng thêm từ đề xuất của ông Nguyễn Cư, Phòng Tài chính – Kế toán hồi năm 2016, để tổ chức liên hoan, tiếp khách, thăm hỏi, ốm đau và chi cho tập thể, cá nhân trong cơ quan trong việc chi trả chính sách dịch vụ môi trường rừng.
Ban giám đốc đồng ý với đề xuất của Phòng Tài chính – Kế toán và việc đóng góp chỉ thống nhất bằng miệng, không ghi biên bản.
Sau khi bị phản ánh và bị kiểm tra, Ban giám đốc của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai (gồm cả người tiền nhiệm) chấp thuận trả lại số tiền trên. Theo TTXVN, ông Võ Văn Hạnh, nguyên Giám đốc chịu 50%, tương ứng hơn 342 triệu đồng, ông Nguyễn Xuân Thưởng và ông Lương Đình Trọng, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ, mỗi người chịu 25%, tương ứng hơn 171 triệu đồng/ người.
Ban Giám đốc nộp lại số tiền 903 triệu đồng cho bà Bùi Thị An, chuyên viên cơ quan, để chi trả cho cán bộ, công nhân viên. Việc chi trả thực hiện từ ngày 14-18/1 và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/1/2021.
Trong danh sách 32 người nhận lại tiền, bình quân mỗi người nhận lại số tiền từ 30-50 triệu đồng, như ông Nguyễn Cư nhận lại 50 triệu đồng, ông Đặng Thế Nam nhận lại 41 triệu đồng, ông Trần Trưng nhận 43 triệu đồng… Người nhận nhiều nhất là hơn 85 triệu đồng, người mới vào cơ quan được 2 tháng nhận lại 1,5 triệu đồng.
Theo truyền thông trong nước, vụ việc hiện được Thanh tra tỉnh báo cáo UBND tỉnh Gia Lai để có hướng xem xét tiếp theo.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai là một tổ chức tài chính trực thuộc UBND tỉnh Gia Lai, được thành lập và hoạt động từ tháng 8/2012. Theo cổng thông tin của cơ quan, Quỹ hiện do ông Võ Văn Hạnh làm giám đốc, 3 phó giám đốc là các ông Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Xuân Thưởng, Nguyễn Hồng Linh. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai có chức năng tiếp nhận vốn ngân sách của cấp tỉnh, vốn tài trợ, viện trợ, vốn ủy thác, các khoản đóng góp bắt buộc từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định và phân bổ kinh phí cho các chương trình, dự án. Ngoài ra, Quỹ tổ chức thẩm định, xét chọn chương trình, dự án được quyết định hỗ trợ đầu tư hoặc hỗ trợ tài chính; chỉ đạo, hướng dẫn các đối tượng được hưởng nguồn tài chính hỗ trợ… Theo một công bố hồi tháng 12/2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai cho biết trong năm 2020, quỹ này đã thu hơn 92,4 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 86,53% so với kế hoạch. Nguyên nhân số thu đạt thấp so với kế hoạch, theo báo cáo, là do số đăng ký kế hoạch nộp tiền đầu năm của các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng nội tỉnh và số dự kiến điều phối của Quỹ Trung ương tương đối cao. Trong khi đó, hạn hán kéo dài, mưa muộn, nguồn nước suy giảm nên sản lượng điện, nước thương phẩm của các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng thấp. Con số thu dự kiến trong năm 2021 là hơn 95 tỷ đồng, tăng hơn 3 tỷ đồng so với số thu năm 2020. |
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…