Categories: Thời sựViệt Nam

Bão số 16: Nam Bộ ban bố thiên tai mức thảm họa (cấp 4), điều này chưa từng xảy ra

Nhận định về cơn bão số 16 (bão Tembin), ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết trong lịch sử chưa từng có cơn bão nào cấp 12 hoạt động trong vùng biển phía Nam Biển Đông trong thời gian này, cũng chưa từng có cơn bão nào cấp 10 đổ bộ vào khu vực Nam Bộ – khiến Nam Bộ phải ban bố thiên tai mức thảm họa (cấp 4) – đây là điều chưa từng xảy ra.

Chùm ảnh đường đi và vị trí bão Tembin. (Ảnh: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong tối và đêm qua (24/12), bão số 16 đã đi qua khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân. Tại đảo Trường Sa và Huyền Trân đã quan trắc được gió mạnh cấp 11, gió giật cấp 14, ở trạm DKI/19 quan trắc được gió mạnh cấp 13, giật cấp 15.

Vị trí tâm bão lúc 5h ngày 25/12 là 8,3N-109,9E; cách Huyền Trân khoảng 110 km, cách Côn Đảo khoảng 330 km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 14.

Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ nhanh 20-25 km/h.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến 6h ngày 24/12, các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 60.413 phương tiện/307.742 lao động về diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh (hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa 131 tàu/1.117 lao động: Quảng Ngãi: 22 tàu/371 lao động; Bình Định: 3 tàu/20 lao động; Phú Yên: 100 tàu/667 lao động; Khánh Hòa: 5 tàu/45 lao động; Bình Thuận: 1 tàu/14 lao động); tổ chức hướng dẫn cho các phương tiện neo đậu trú tránh.

Đến 16h ngày 23/12, tất cả các tỉnh, thành phố ven biển khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão số 16 (từ Khánh Hòa đến Kiên Giang) ban hành lệnh cấm biển.

Về công tác kiểm tra chằng chống nhà cửa, cây ăn trái: Cà Mau tổ chức chằng chống được 8.114/16.263 nhà. Các địa phương khác đang triển khai chưa có số liệu thống kê.

Công tác sơ tán dân: Các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang rà soát và đã lên phương án di dời, sơ tán đến nơi an toàn đối với trường hợp bão cấp 9 là 271.151 người, trên cấp 9 là 472.765 người.

Tại Cà Mau: 

UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức 2 cuộc họp rà soát, triển khai các giải pháp khẩn cấp ứng phó với bão Tembin. Thống kê, hiện các tàu từ 20CV trở lên đã kiểm đếm được 3.465/3.465 trong tổng số tàu của tỉnh, với 22.049 người. Đã kêu gọi, hướng dẫn đến nơi an toàn 3.002 tàu cá/18.721 người. Hiện còn 463 tàu/3.382 người trên biển đã liên lạc được, trong đó có 164 tàu/1.158 người hoạt động xa bờ, 125 tàu/916 người xin tránh trú bão tại Malaysia và Thái Lan.

Ngoài ra, có 581 tàu/3.521 lao động ngoài tỉnh đang neo đậu tại các cửa biển của Cà Mau. Tàu cá ven bờ đã kiểm điếm được 803 phương tiện, đang neo đậu an toàn. Phương tiện thủy gia dụng có tham gia khai thác thủy sản 3.038 chiếc, đang neo đậu an toàn.

Hiện đã sắp xếp được 599 phương tiện tại các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, số còn lại đang neo đậu trong các sông rạch.

Cà Mau cũng có kế hoạch di dời 98.535 người, hiện các địa phương đang tiến hành di dời người già và trẻ em sống ven biển. Nhà cửa đã chằng chống 12.432/26.756 căn nhà thuộc diện phải chằng chống. Về công trình ven biển, đã triển khai gia cố tạm 8 điểm sạt lở rất nguy hiểm trên đê biển Tây với chiều dài hơn 1,2 km bằng bạt trải ao nuôi tôm và cừ tràm.

Bên cạnh đó, từ ngày 25 đến hết ngày 26/12, tỉnh cho học sinh nghỉ học, các nhà máy xí nghiệp cho công nhân nghỉ làm việc.

Tại huyện Ngọc Hiển, theo thống kê mới nhất từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, trong tổng số 998 phương tiện của huyện thì chỉ còn 2 phương tiện chưa vào bờ với 25 người. Số phương tiện tỉnh khác vào neo đậu tại khu vực Rạch Gốc hiện đã vài trăm chiếc. Tổng số nhà cần chằng chống là gần 6.000 căn, có gần 2.000 căn đã hoàn thành. Di dời gấp khoảng 1.600 hộ. Đến thời điểm hiện tại, xã Tam Giang Tây di dời 13 người già và 30 trẻ em.

Tại thị trấn Rạch Gốc, ông Huỳnh Thanh Đảm – Chủ tịch UBND thị trấn cho biết địa phương có 191 tàu thuyền hoạt động thì chỉ còn 2 tàu thuyền đang gấp rút di chuyển vào nơi tránh trú an toàn. Đến chiều 24/12, Rạch Gốc thống kê có khoảng 1.000 hộ thuộc diện phải di dời, tránh trú.

Tại huyện Đầm Dơi thực hiện di dời gần 50.000 người dân sống ven biển, ven rừng phòng hộ, ven đê, vùng cửa sông, vùng xung yếu của 3 xã: Tân Tiến, Nguyễn Huân và Tân Thuận.

Tại huyện Phú Tân, đến chiều tối ngày 24/12, có tất cả 525 phương tiện đánh bắt, trong đó có 142 phương tiện đánh bắt dưới 20 CV, vào bờ được 520 chiếc. Tổng số hộ cần phải chằng chống nhà cửa là 5.655 hộ (trong đó có 1.327 hộ nghèo), đã chằng chống được 1.376 hộ. Tính đến thời điểm hiện tại, các phương tiện phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn gồm có 139 chiếc tàu cá ngư dân, 209 xe gắn máy, 4 xe ô tô.

Tại huyện Năm Căn, tất cả các căn nhà thuộc diện chằng chống là 3.648. Riêng UBND xã Lâm Hải đã hỗ trợ 13.800 m dây chằng chống cho 276 hộ khó khăn. Toàn huyện đã chằng chống được 462 căn, các xã tiếp tục hướng dẫn người dân chằng chống các căn nhà còn lại.

Theo thống kê, hiện tổng số tàu cá của huyện có 93 chiếc đã neo đậu an toàn. Phương tiện thuỷ gia dụng tham gia khai thác thuỷ sản 314 chiếc cũng đã vào nơi an toàn. Công tác di dời tại chỗ 9.961 người, với 66 điểm tập kết.

Tại huyện U Minh có 755 phương tiện khai thác thủy sản với tổng công suất 80.104CV. Đến 19 giờ ngày 24/12, toàn huyện chỉ còn 21 tàu với 134 ngư phủ đang trên đường vào bờ. Dự kiến đến sáng nay (25/12), 100% tàu thuyền khai thác thủy sản vào đến nơi neo đậu an toàn.

Tính đến 21h ngày 24/12, tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc, các đơn vị đã kêu gọi được 1.360 phương tiện/9.419 người vào bờ neo đậu an toàn. Hiện còn 476 phương tiện đang trên đường vào các cửa biển gần nhất để tránh trú.

Tại Bạc Liêu:

Ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết đến chiều 24/12, cơ bản công tác phòng chống bão số 16 trên khu vực tỉnh được lên phương án. Trong đó việc di dời người dân được chia làm 2 đợt với tổng số 80.000 người. Ngày 25 và 26/12, học sinh trên khu vực tỉnh được nghỉ học.

Theo ban chỉ huy phòng chống TT&TKCN huyện Đông Hải và TP. Bạc Liêu, đến chiều ngày 24/12, toàn huyện có 81 tàu thuyền và 165 thuyền viên còn hoạt động trên biển. Ngành chức năng đã liên lạc và kêu gọi tàu thuyền vào trú bão, chỉ còn 1 tàu chưa liên lạc được.

Tại Kiên Giang: Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết huyện đảo Phú Quốc có gần 3.000 tàu cá đã vào nơi tránh trú an toàn, địa phương huy động lực lượng vũ trang phối hợp với ngành chức năng, đoàn thể giúp dân chằng chống nhà cửa, trường học, di dời các lồng bè cá, chuẩn bị sơ tán 3.000 người ở các nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nhất.

Tại Trà Vinh: Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng PCTT&TKCN tỉnh, đến 16h chiều 24/12, tất cả các tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh đang hoạt động trong vùng biển của tỉnh Trà Vinh đều vào bến neo đậu an toàn; lực lượng Biên phòng cũng đang kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm các tàu ra khơi. Được biết tổng số tàu cá của tỉnh Trà Vinh là hơn 1.200 tàu với gần 4.900 ngư dân.

Tại Bến Tre: Ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh yêu cầu các lực lượng hỗ trợ di dời dân 3.000 hộ dân trước 12h ngày 25/12, chậm nhất trước 16h phải xong. Trường hợp nào không đồng ý di dời sẽ cưỡng chế.

Tại huyện Ba Tri: Theo thống kê, khu vực huyện có 944 tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, đã liên lạc với 783 tàu thuyền còn ngoài khơi vào nơi tránh trú bão. Huyện cũng đã huy động 1.000 người gồm quân sự, công an, biên phòng, thanh niên xung kích, tình nguyện viên chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão Tembin.

Tại huyện Thạnh Phú: Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng PCTT&TKCN huyện, công tác ứng phó cơn bão Tembin đã sẵn sàng. Các xã đã tập trung triển khai kế hoạch ứng phó với bão số 16 và phân công cụ thể trách nhiệm từng thành viên. Qua rà soát, huyện Thạnh Phú có 439 tàu thuyền đã liên lạc với các chủ phương tiện, hiện tại đã neo đậu an toàn.

Đối với các bến đò ngang ở các sông, huyện đã kiểm tra và làm việc với chủ phương tiện. Đến 16h ngày 24/12, sẽ tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Huyện đã thống kê và chuẩn bị các điều kiện để di dời 4.250 hộ dân với 15.051 người, trong đó có 1.218 hộ dân ở khu vực xung yếu ven sông, ven biển có nguy cơ ảnh hưởng do bão đổ bộ cần di dời khẩn cấp đến các địa điểm an toàn.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Theo báo cáo của Ban PCTT&TKCN tỉnh, tính đến 13h ngày 24/12, tổng số tàu thuyền trong tỉnh đã vào bờ là 5.143 tàu/25.629 ngư dân. Hiện còn 584 tàu/3.454 ngư dân hoạt động trên biển ngoài vùng nguy hiểm, 27 tàu hoạt động trong vùng nguy hiểm đã trên đường vào tránh trú tại Trường Sa, huyện Côn Đảo và các tỉnh miền Tây. Các tàu này đều vẫn giữ liên lạc.

Về phương án sơ tán dân, dự kiến, khi bão ảnh hưởng trực tiếp sẽ có 166.955 người phải sơ tán (trong đó 3 địa phương là Long Điền, Xuyên Mộc, TP. Vũng Tàu phải sơ tán hơn 100 ngàn người).

Côn Đảo là địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp bão số 16. Tính đến 13h ngày 24/12, huyện Côn Đảo đã sơ tán 2.381 người (trong đó, 500 dân, 201 khách du lịch, 1.680 ngư dân). Phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo đã thông báo cho học sinh toàn huyện nghỉ học từ 25/12. Hiện nay, trên 452 lồng bè nuôi trồng thủy sản có 2.185 người lao động, tất cả đều phải vào nơi trú ẩn an toàn, nếu không vào sẽ bị cưỡng chế sơ tán.

Tại Tiền Giang: Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu đến 17h ngày 25/12, tất cả khách du lịch phải rời khỏi tỉnh Tiền Giang, các tàu du lịch cũng phải neo đậu ở những nơi an toàn, các tàu nuôi cá trên sông Tiền cũng phải dịch chuyển lên trên và tìm những nơi an toàn để neo.

Bên cạnh đó, hội chợ trên đường Hùng Vương buộc phải ngừng và dọn dẹp sạch sẽ trước 17h ngày 25/12.

Trước mắt, tỉnh cho học sinh nghỉ học ngày 25/12. Các ngành chức năng phải làm việc với các doanh nghiệp trên khu vực các huyện giáp biển và yêu cầu cho công nhân nghỉ làm ngày 25/12, nếu không công nhân sẽ nghỉ buổi chiều hoặc được về sớm.

Tại hội nghị trực tuyến phòng chống cơn bão số 16 chiều ngày 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin sau khi tràn qua Philippines, bão Tembin khiến gần 200 người chết, hơn 160 người mất tích.

Do ảnh hưởng của bão số 16, ngày 24/12, các hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO khuyến cáo hành khách đến/đi các sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cần Thơ, Liên Khương (Đà Lạt), Cam Ranh (Khánh Hòa), đặc biệt là ba sân bay Côn Sơn (Côn Đảo), Rạch Giá (Kiên Giang), Cà Mau cần lưu ý tình hình thời tiết và thông tin của hãng hàng không để nắm được lịch trình bay.

Trần Tâm

Xem thêm:

Trần Tâm

Published by
Trần Tâm

Recent Posts

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

21 phút ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

1 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

1 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

2 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

2 giờ ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

2 giờ ago