Đêm 13/11, 16 cán bộ chiến sĩ và 6 y, bác sĩ đã được cử đi tiếp viện cho đảo Phú Quý, khi số ca nhiễm COVID-19 tại đảo này hiện tăng lên 50 ca nhiễm trong gần 3 ngày qua. Một ngày trước, giới chức tỉnh Bình Thuận đã nâng cấp độ dịch trên toàn tỉnh từ “vàng” sang “cam”; vùng xanh chỉ còn tính theo đơn vị cấp xã.
Tối 12/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Thuận thông báo toàn tỉnh chuyển trạng thái phòng chống dịch từ cấp độ 2 sang cấp độ 3 – vùng cam.
Theo số liệu do Sở Y tế tỉnh Bình Thuận công bố, từ ngày 6-12/11, số ca nghi nhiễm trong cộng đồng số liên tục ở mức 3 con số, thấp nhất là 131 ca, cao nhất là 212 ca.
Tính theo đơn vị cấp huyện, tỉnh này có 2 vùng cấp độ 4 – vùng đỏ là TP Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc; 2 vùng cấp độ 3 – vùng cam là huyện Tuy Phong và huyện Bắc Bình; còn lại 6 địa phương cấp độ 2 – vùng vàng.
Tính theo đơn vị cấp xã, có 21 địa phương vùng đỏ, 18 địa phương vùng cam, 47 địa phương vùng vàng và 38 địa phương cấp độ 1 – vùng xanh.
Trong đó, huyện đảo Phú Quý, nơi chưa từng có ca mắc COVID-19 trong 2 năm qua, đang ghi nhận tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh. Từ chùm 3 ca bệnh trong một gia đình tại xã Tam Thanh, số ca nhiễm hiện tăng lên hơn 50 ca.
Tại cuộc họp khẩn vào chiều tối 13/11, UBND huyện Phú Quý cho biết ca nhiễm đầu tiên (ngụ thôn Triều Dương, xã Tam Thanh) được phát hiện vào lúc 10h30 ngày 11/11, báo Bình Thuận đưa tin.
Qua truy vết, bước đầu giới chức huyện Phú Quý xác định ổ dịch xuất phát tại khu sửa chữa tàu thuyền ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh – nguồn lây được xác định có khả năng từ thuyền viên – sau đó lây lan đến khu vực Gò Mây, thôn Triều Dương. Đến chiều 13/11, tại xã Tam Thanh, có giáo viên và học sinh đã mắc COVID-19; dịch lan tiếp sang xã Ngũ Phụng, tức còn xã Long Hải chưa phát hiện ca nhiễm.
Huyện Phú Quý đã mở khu điều trị quy mô 75 giường tại Trung tâm y tế Quân dân y huyện (đã đưa 41 F0 vào điều trị), lập 2 chốt kiểm soát phong tỏa toàn bộ xã Tam Thanh (theo hướng phân loại khu vực nghiêm ngặt và khu vực mềm). Toàn huyện tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, vui chơi giải trí…; học sinh trên đảo chuyển từ hình thức học trực tiếp sang trực tuyến.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận – ông Lê Tuấn Phong cho rằng trong một thời gian rất ngắn mà đảo Phú Quý đã phát hiện hàng chục ca dương tính Covid-19, chứng tỏ dịch bệnh đã có ở đảo từ nhiều ngày trước. Vì huyện Phú Quý ở xa đất liền và cơ sở vật chất về y tế còn nhiều hạn chế, ông Phong yêu cầu ngành y tế và Bộ đội Biên phòng tỉnh nhanh chóng điều ngay cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ và thiết bị chống dịch đến đảo để dập dịch (theo báo Tuổi Trẻ, toàn huyện Phú Quý chỉ có 94 cán bộ y tế chuyên môn, đều đã phân về các khu điều trị, truy vết, tổ xét nghiệm).
Ông Phong đưa ra thời hạn trong 1-2 tuần tới, huyện Phú Quý phải tập trung vào 3 việc: truy vết, bóc tách “triệt để” F0 ra khỏi cộng đồng; quản lý chặt chẽ người vào đảo; và hạn chế tất cả những hoạt động có thể dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đối với việc điều tra dịch tễ, truy vết F0, ông Phong yêu cầu huyện đảo cố gắng không để sót F0, F1; kêu gọi người dân tự nguyện khai báo trung thực đầy đủ; nhanh chóng triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng trong cộng đồng, trong đó tập trung xét nghiệm tại các khu vực xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng và nhóm người có nguy cơ cao, đặc biệt là các trường hợp đi từ đất liền lên đảo trong vòng 14 ngày trở lại đây.
Ông Phong yêu cầu huyện Phú Quý thiết lập cơ sở thu dung điều trị, chuẩn bị phương án ứng phó với số ca mắc cao hơn hiện tại; không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung; cho F1 cách ly tại nhà nếu đảm bảo đủ điều kiện; xây dựng kế hoạch cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân trên đảo.
Tối 13/11, 6 y bác sĩ, nhân viên y tế của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và 16 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận mang theo thuốc, thiết bị y tế đã ra đảo Phú Quý để hỗ trợ.
Chủ tịch tỉnh – ông Phong cho hay do đây là lần đầu tiên trên đảo có ca nhiễm COVID-19 (trong suốt 2 năm qua) nên người dân trên đảo rất lo lắng và chính quyền địa phương còn lúng túng trong các bước để kiểm soát dịch.
Ông Phong yêu cầu trong vòng một tuần, các bên liên quan phải xét nghiệm sàng lọc hết người dân trên đảo, yêu cầu kiểm soát tất cả người lên đảo lúc này, chia nhỏ các khu dân cư để phong tỏa chặt, xét nghiệm hết người dân trong vùng nguy cơ lây nhiễm cao; chuẩn bị cho kịch bản cho 200 ca nhiễm COVID-19 trên đảo để tránh bị động.
Các bản tin nhà nước cập nhật về tình hình dịch tại tỉnh Bình Thuận nói chung và đảo Phú Quý nói riêng không đề cập đến tình trạng tiêm vắc-xin của số ca mắc COVID-19 mới.
Hơn một tháng trước, ngày 8/10, Cổng thông tin huyện Phú Quý cho hay có gần 8.000 dân tại huyện đảo này đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 (sử dụng vắc-xin Astrazeneca, Moderna và Prizer), chiếm trên 40% dân số trên 18 tuổi của địa phương. Trong thời gian tới, huyện này sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 đợt 11 với 870 liều. Tổng dân số của huyện đảo là khoảng 29.000 người, trong đó 18.850 người từ 18 tuổi trở lên.
Minh Sơn
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…