Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Y như với ngành Sư phạm, trong bối cảnh thiếu nhân lực.
Đây là một trong 8 đề xuất với Chính phủ, được nêu trong báo cáo tại hội nghị triển khai công tác Y tế năm 2025 của Bộ Y tế, ngày 24/12.
Cụ thể, Bộ Y tế mong Chính phủ nghiên cứu để sinh viên Y, Dược được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo, được cấp sinh hoạt phí trong thời gian học tập. Việc này nhằm thu hút nhân lực, khi ngành Y đang thiếu về cả số lượng và chất lượng.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Y tế có đề xuất chủ trương này. Trước đó, tại Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2025 ban hành hồi tháng 7, Bộ Y tế từng đề xuất nghiên cứu chính sách đãi ngộ, thu hút như hỗ trợ học phí cho sinh viên y dược như sinh viên sư phạm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó có 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ. Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện. Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2023 là 11.297; số dược sĩ tốt nghiệp là 8.470 và số điều dưỡng tốt nghiệp là 18.178.
Trong năm học 2024 – 2025, không tính ngành thuộc chương trình đào tạo liên kết, y khoa là ngành có học phí cao nhất tại các trường, dao động từ 45 đến 55 triệu đồng/năm. Riêng Trường Đại học Dược Hà Nội có chương trình liên kết đào tạo với ĐH Sydney, Australia có học phí ngành Dược học lên tới 150 triệu đồng khi học tại Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, quy mô nhân lực y tế của Việt Nam tăng không đáng kể trong 10 năm qua (chỉ 2,33%). Tổng nhân lực ngành y hiện là hơn 431.700 người, thấp hơn nhiều so với dự kiến hơn 632.500 người (theo quy hoạch tới năm 2020).
Nhân lực y tế tập trung chủ yếu ở tuyến tỉnh, huyện (hơn 86%), trong khi ở tuyến trung ương chỉ chiếm 8,33%. Tỷ lệ bác sĩ ở trung ương chiếm gần 10% và điều dưỡng là 8,45%.
“Thiếu về số lượng và chất lượng, đồng thời mất cân đối về nhân lực y tế cả về phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn”, Bộ Y tế cho hay. Tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện công lập có cơ cấu nhân lực chuyên môn lâm sàng chưa đáp ứng được với yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân và có nguy cơ không đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn bệnh nhân.
Trước đề xuất miễn học phí cho học sinh ngành Y, PGS.TS Phạm Văn Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, ủng hộ bởi thực tế thi vào ngành y đã khó, thời gian học lại dài, mức học phí cao đã trở thành rào cản đối với nhiều sinh viên muốn theo đuổi ngành y.
Ngoài việc học kéo dài, sinh viên y còn phải đi thực hành ở bệnh viện vô cùng vất vả. Ngành y từ lúc vào trường đến khi có thể hành nghề mất khoảng 8 – 9 năm.
Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đề xuất trên là nhân văn nhưng không khả thi, bởi sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho ngân sách; việc miễn học phí đối với ngành y cũng không công bằng với các ngành nghề khác; sinh viên ra trường không làm đúng ngành thì sẽ “vô cùng lãng phí”.
“Chi bằng dùng khoản kinh phí ấy để trả cho những nhân viên y tế tích cực hoặc những bác sĩ trẻ để giúp họ có mức thu nhập tốt hơn”, ông Dũng nói, theo báo Vietnamnet.
Ông Dũng cho rằng điều cần làm là nên cấp học bổng cho sinh viên, hoặc cho sinh viên vay vốn để học…
Nhà trọ 5 tầng ở TP. Thủ Đức cháy vào sáng sớm ngày 27/12, khiến…
Chính quyền ĐCSTQ đã phê duyệt việc xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế…
Quan hệ Mỹ-Nga phảng phất có quan hệ với tai nạn hàng không. 10 năm…
Công an cho biết đã khởi tố thêm 5 bị can ở Phú Thọ và…
Năm 2024, tội về tham nhũng tăng 16,4% so với năm 2023, trong đó nhiều…
Năm nay đã có hơn 14.000 công ty chip Trung Quốc đóng cửa và khó…