Bộ Y tế Việt Nam cho hay tại một số tỉnh thành có nhân viên y tế “tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được phân công”. Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế gửi lại danh sách để Bộ này có thể xem xét kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề.
Ngày 4/9/2021, Bộ Y tế ban hành công văn số 7330/BYT-KCB, chấn chỉnh công tác nhân sự, xem xét kỷ luật hành chính hoặc tước chứng chỉ hành nghề đối với nhân viên y tế bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
Bộ Y tế cho biết vừa qua, các đợt kiểm tra, giám sát của Bộ và báo cáo của một số tỉnh, thành phố cho thấy có hiện tượng người hành nghề tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Theo đó, Bộ này cho hay để đảm bảo nhân lực trong dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), đề nghị các Sở Y tế gia tăng kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh lại việc quản lý người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
Ngoài ra, các Sở Y tế được giao yêu cầu các cơ sở y tế trong vùng quản lý (cả công lập và tư nhân) phải bảo đảm nhân lực làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh, có phương án bố trí nhân lực phù hợp để dự phòng tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế;
Tăng tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người hành nghề y; biểu dương, khen thưởng kịp thời các cán bộ, viên chức, người hành nghề tích cực tham gia và có nhiều đóng góp vào hoạt động phòng dịch và hoạt động khám, chữa bệnh; song song với việc các Sở phải giám sát, chấn chỉnh quản lý người hành nghề y tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Cùng lúc, các Sở được yêu cầu tổng hợp các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề “gửi về Bộ Y tế để tổng hợp, xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp vi phạm” – Bộ Y tế công bố.
Nói về Công văn 7330, trong một bài viết dài trên trang Facebook cá nhân, bác sĩ Võ Xuân Sơn (Phòng khám quốc tế EXSON, TP.HCM) cho hay “đây là một công văn rất đau xót, phản ánh thực trạng cách đối xử với nhân viên y tế trong phòng chống dịch. Có lẽ tình hình nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc nhiều lắm, nên Bộ Y tế mới phải làm một cái công văn như thế này, vào đúng lúc dịch đang căng thẳng, và rất nhiều nhân viên y tế đang căng mình ra giữa vòng vây của dịch bệnh”.
Ông Sơn cho hay các nhóm từ thiện đang quyên góp nhiều cho các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị người nhiễm virus Vũ Hán, từ trang thiết bị bảo hộ đến các thiết bị y tế (bình oxy, mask thở, thiết bị đo SpO2, máy thở không xâm nhập…).
“Nhiều bác sĩ tham gia chống dịch và điều trị bệnh nặng không phải chuyên ngành hồi sức hay nhiễm. Để có thể làm việc độc lập, ít nhất họ cũng phải có khoảng 6, 7 năm trong chuyên ngành. Bây giờ, các bác sĩ không thuộc chuyên ngành đó phải độc lập xử lý những ca rất khó, ngay cả đối với những bác sĩ đầu ngành hồi sức cấp cứu. Các vị có hiểu một người bác sĩ sẽ phản ứng như thế nào khi thấy mình bất lực chưa?” – ông Sơn chia sẻ.
“Áp lực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cao hơn hẳn so với những bệnh nhân nặng khác từng nằm ở khoa. Nói về sự vất vả thì cả Bệnh viện ai cũng đều vất vả như nhau, có cái ở đây luôn phải bận đồ phòng hộ 24h/24h để bảo vệ mình và đồng nghiệp nên có hơi khó thở chút xíu…” – bác sĩ Nguyễn Minh Thư, Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc người lớn (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) hồi tháng 7 nói, trong một bài viết trên trang web của bệnh viện.
Thông tin các nhân viên y tế bị nhiễm virus Vũ Hán trong khi làm việc được PGS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam đưa ra tại tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ blouse trắng nơi tuyến đầu” sáng 19/8, Vnexpress dẫn tin.
Theo bà Bình, từ đầu năm 2020 tới ngày 9/8, hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc; 3 người đã tử vong (2 người tại TP.HCM và 1 người tại Bình Dương). Số nhiễm trên “chắc chắn còn tăng”, bà Bình cho hay.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, thành viên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế chống dịch tại TP HCM xác nhận trong đợt dịch lần 4, 900 nhân viên y tế đã bị lây nhiễm trong quá trình làm việc, theo báo cáo từ Sở Y tế TP. “Song, mất đi ba nhân viên y tế là điều đau xót nhất”, ông Khoa nói.
Ngày 29/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hơn 16.000 chuyên gia, y bác sĩ đã được Bộ Y tế huy động vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong đợt dịch.
Tổng số ca nhiễm trong nước trong đợt dịch lần 4 (tính từ ngày 27/4) đến cuối ngày 4/9 là 506.912 ca, ghi nhận ở 62/63 tỉnh thành. Con số này tới cuối ngày 6/9 đã tăng lên 532.490 ca nhiễm (tăng 25.578 ca).
Tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính từ đầu mùa dịch (tháng 1/2020) đến cuối ngày 6/9 là 13.385 ca, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…