Sau một ngày thu phí với 3 lần buộc phải xả trạm, BOT Cai Lậy (Tiền Giang) phải tạm dừng hoạt động vì vấp phải sự phản đối của cộng đồng lái xe và người dân.
Trưa nay (1/12), ông Lưu Văn Hào – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu tư BOT quốc lộ 1 (Tiền Giang) cho biết trạm thu giá BOT Cai Lậy tạm thời ngưng hoạt động, chờ ý kiến của các ngành, các cơ quan hữu quan.
Cũng theo ông Hào, trong sáng nay, đại diện doanh nghiệp có cuộc họp khẩn với UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang để bàn hướng giải quyết vấn đề hoạt động tại trạm thu phí.
Liên quan đến trạm thu phí, Sở GTVT tỉnh có văn bản báo cáo tình hình về Bộ GTVT; đồng thời Bộ cũng đang cử đoàn đến làm việc với tỉnh Tiền Giang. Do xả trạm nên tình hình giao thông trên Quốc lộ 1 qua huyện Cai Lậy thông suốt, số phương tiện đi vào tuyến tránh Cai Lậy tăng cao hơn so với mấy ngày qua.
Trước đó, 9h sáng ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại sau 3 tháng tạm ngưng.
Hàng loạt tài xế gộp các mệnh giá 20.000, 200, 500 đồng thành 25.100 đồng để mua vé 25.000 đồng qua trạm thu phí. Các tài xế nhất quyết đòi nhân viên trạm phải trả lại đúng 100 đồng, nếu không sẽ không đi (chiến thuật 25-1 – theo cách gọi của các tài xế đã thành công); một số tài xế đưa 500.000 đồng trả phí khiến các nhân viên trạm mất nhiều thời gian để hối lại tiền thừa; một số tài xế đọc chi tiết văn bản thông báo việc thu tiền,… khiến trạm thu phí BOT Cai Lậy ùn tắc nghiêm trọng.
Trước sự phản đối của người dân, sau 1 ngày tái thu phí, trạm BOT Cai Lậy phải 3 lần xả trạm. Lần thứ nhất vào lúc 13h ngày 30/11; sau khoảng 40 phút, trạm thu phí hoạt động trở lại.
Đến 16h55 cùng ngày, BOT Cai Lậy phải xả trạm lần thứ 2 vì ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát cơ động tiếp tục được tăng cường đến trạm thu phí.
Đến gần 3h sáng ngày 1/12, trạm thu phí Cai Lậy phải xả trạm lần thứ 3 để các phương tiện dần di chuyển, quốc lộ 1 dần thông thoáng.
Cũng trong ngày tái thu phí, đã có 3 tài xế bị cảnh sát giữ và xử phạt vi phạm hành chính.
Theo ông Hào, vị trí đặt trạm và mức phí tại trạm thu phí Cai Lậy được sự đồng ý của cơ quan chức năng, giảm giá vé là giải pháp cuối cùng và sẽ không thể di dời trạm theo yêu cầu của người dân.
Trạm BOT Cai Lậy chính thức hoạt động và thu phí từ ngày 1/8/2017. Tuy nhiên, chỉ sau hai tuần đầu tiên đi vào hoạt động, nhiều tài xế khi qua trạm đã trả bằng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng vì cho rằng tuyến đường tránh 12 km thuộc thị xã Cai Lậy nhưng chủ đầu tư lại đặt trạm thu phí ở Quốc lộ 1 là bất hợp lý và thu với mức phí quá cao.
Chủ đầu tư sau đó đã thống nhất giảm mức phí cho các phương tiện qua trạm, cụ thể: xe 12 chỗ và xe có tải trọng dưới 2 tấn, xe buýt có mức thu phí mới là 25.000 đồng/lượt (mức cũ là 35.000 đồng/lượt); mức cao nhất là 140.000 đồng/lượt (trước đó là 180.000 đồng/lượt) áp dụng với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet.
Sau khi trạm BOT Cai Lậy tạm ngưng hoạt động, nhiều tài xế chuẩn bị một mâm cúng thịnh soạn (cách trạm khoảng 100 m) gồm heo quay, hoa quả, tiền lẻ, vàng mã,… để ăn mừng vì chiến thuật 25-1 áp dụng thành công, khiến trạm BOT này phải tạm ngưng hoạt động. Theo các tài xế, việc giảm giá vé qua trạm không phải là điều các tài xế mong muốn. Điều họ cần là trạm này phải dời vào đường tránh thị xã Cai Lậy, nơi mà chủ đầu tư bỏ nhiều tiền ra làm con đường mới và nên thu khi xe vào đường đó. Còn trên quốc lộ 1, họ chỉ tu sửa sơ sài nhưng thu phí là không hợp lý. |
Trước đó, chiều ngày 17/8, tại cuộc họp báo của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết vị trí đặt trạm đã được nghiên cứu kỹ, căn cứ vào phương án tài chính được chủ đầu tư lập, có lấy ý kiến của Bộ Tài chính, HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội.
“Không có lý do gì phải thay đổi” vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy, “nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể”, Thứ trưởng Đông trả lời các phóng viên tại cuộc họp.
Thứ trưởng cho hay theo Luật Đầu tư và Nghị định 108, phạm vi áp dụng dự án BOT đều có cải tạo, nâng cấp hiện đại hóa những tuyến đường hiện có. Việc bảo trì đường bộ hàng năm chỉ vá, sửa chữa chứ không nâng cấp cải tạo được. Dự án Cai Lậy có hợp phần nâng cấp cải tạo mặt đường trên Quốc lộ 1 và làm tuyến tránh Cai Lậy. Trạm thu phí nằm trên phạm vi của dự án nên không tính đến chuyển vị trí trạm.
Ông Đông khẳng định hạng mục tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 được nâng cấp “đúng nghĩa là thảm mặt đường, xây dựng cầu chứ không chỉ vá lại đường“.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho hay dự án thực hiện trên cơ sở tính toán hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Người cấp vốn (ngân hàng) cũng phải dựa trên phương án tài chính thì mới dám cấp.
“Hiện Bộ đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ rà soát tất các trạm BOT để điều chỉnh như mức phí, thời gian… Nhà nước bỏ tiền ra mua lại trạm Cai Lậy chắc không có, chúng tôi đang nợ nhiều lắm, ứng rồi nhưng giờ chưa trả”, ông Đông nói.
Trần Tâm
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…