Khi tâm hồn và danh dự của người mắc sai lầm bị làm tổn hại thêm lần nữa, thì những lời “công khai hóa” hay xin lỗi sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Có chăng nó nhấn sâu thêm cảnh báo cho tính đạo đức đang xuống cấp rất nguy, ngay trong những người ở tầm quản lý trong xã hội…
Ngày mới đi làm – bạn tôi kể -, có ông sếp hay rủ bạn đi quán đèn mờ. Lý do là gì, là để nhân viên trả tiền cho cả phần của ông ấy. Từ chối nhiều lần không được, bạn tôi đồng ý đi. Nhưng buổi hôm đó, suốt mấy tiếng cậu chỉ nói chuyện cùng cô gái. Khi tôi hỏi cô gái đó cũng đồng ý sao, bạn trả lời bằng một điều đơn giản: Vì người ta được trả tiền để làm điều đó, chứ người ta cũng đâu muốn gì.
Trong Phúc âm Thánh Gioan có ghi chép về câu chuyện Người đàn bà ngoại tình (Pericope Adulteræ). Thánh Kinh kể lại:
“Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và Pha-ri-siêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang phạm tội ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng chứng tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi! Chị cứ về đi và đừng phạm tội nữa.”
Không phải pháp luật, chưa tính tới những giằng kéo lương tâm, định kiến xã hội mới là bản án nghiệt ngã nhất đối với người phạm vào một trong những điều riêng tư nhất của con người. Chúng liên quan tới nhân phẩm. Nhưng cũng bởi vì nó thuộc về phạm trù đạo đức, nên người ngoài cuộc nghiễm nhiên cho mình quyền phán xét. Trong phiên tòa dư luận ấy, lạ lùng thay không có con đường bao dung hay tha thứ. Dường như có những phán quyết bất thành văn, khi gái “quán bar” luôn bị khinh rẻ hơn những người vào quán bar; người phụ nữ dùng áo ngực tẩm nước để tránh ngộ độc khói chạy thoát khỏi đám cháy quán karaoke lại đáng bị nhạo báng, thay vì được động viên khi vừa tự cứu mình thoát chết. Lợi dụng đám đông tò mò, phán xét, những bức ảnh người mẫu bán dâm vẫn tiếp tục phô phang trên mặt báo, dù Điều 34, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân cũng như đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình “là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ“. Lờ mờ đâu đó nghi vấn chúng được sử dụng như một đòn lái dư luận khỏi những quyết sách nhằm mục đích vụ lợi thay vì để quản lý, điều hành.
Fantine của Victor Hugo trong “Những người khốn khổ” – người phụ nữ với thời thanh sắc nổi trội với vẻ đẹp thanh khiết, đoan trang và trong trắng… đã trở thành đại diện cho số phận khổ đau giằng xé của những người phụ nữ bán hoa, giữa nỗi bất lực cùng cực khi nằm trong những con hẻm tối tăm, ẩm ướt và bẩn thỉu, đầy chuột bọ với sự can trường với niềm tin bất diệt rằng con nàng sẽ được cứu, không bị rét, không bị đói, “không chết vì cái bệnh ác nghiệt ấy nữa“. Sau khi phải bán tóc, bán răng kiếm tiền nuôi con gái, Fantine cuối cùng phải tự nhủ “đành bán nốt vậy” và đi làm gái điếm.
Có ai từng thấy tội nghiệp những cô gái bán dâm, trong khi cần phải lên án những người mua dâm bởi có cầu mới có cung? Như trong một vụ cướp, người ta đổ tại cô gái đeo vòng vàng. Ngụy biện và văn hóa đấu tố khiến người bị hại trở thành nguyên nhân bị gây hại. Kẻ phạm tội không hẳn đã hoàn toàn trắng án, nhưng mũi dùi dư luận tập trung vào sỉ vả nhân cách của người bị hại kia. Tới một lúc, người ta trở nên tranh cãi xoay quanh việc hợp pháp hay không hợp pháp hóa mại dâm, có nên luật hóa, đưa mại dâm trở thành một nghề chỉ vì đó đã là vấn nạn trầm kha của loài người? Có người đặt câu hỏi ngược lại, rằng ma túy cũng là một tệ nạn chưa dứt, khó dứt, vậy chăng cũng nên hợp thức hóa với lý do để kiểm soát? Khi đạo đức xã hội không thể vực dậy, đó mới là nguyên nhân căn bản khiến mỗi người không thể phân biệt đúng sai, không phân biệt được hành vi, giẫm đạp, mua bán phẩm hạnh để sống đời sống phù du.
Về vụ việc công an thị trấn Dương Đông (Phú Quốc) công bố quyết định xử phạt 3 người phụ nữ, một người đàn ông về hành vi mua, bán dâm trên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám vào chiều 29/1 trước sự chứng kiến của nhiều người dân, trong đó có cả trẻ em, việc này đã được các luật sư xác định là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu làm nhục người khác. Luật ở Việt Nam hiện nay không coi người bán dâm và người mua dâm là tội phạm. Mua-bán dâm chỉ là hành vi vi phạm hành chính. Cơ quan công an chỉ có quyền cung cấp công khai tên tuổi của những người vi phạm hình sự trong việc mua bán dâm như môi giới mại dâm, tổ chức mua bán dâm… chứ không được công khai tên tuổi của những người bán dâm. Việc đưa tin rộng rãi trên truyền thông cũng phải viết tắt tên. Theo đó, việc công khai tên tuổi hay nhân thân trước công luận và cộng đồng là hành vi trái luật.
Sau khi bị công luận phản đối, lãnh đạo Công an tỉnh Kiên Giang tổ chức họp báo cho hay sẽ chấn chỉnh hành vi, và đang “nỗ lực tìm kiếm” 4 người mua, bán dâm bị “bêu tên” giữa đường để xin lỗi. Việc xin lỗi công khai đó có nên hay không? Và họ xin lỗi để làm gì? Nếu vẫn tiếp tục, điều đó không khác gì sỉ nhục công khai những con người tội nghiệp kia thêm lần nữa, giết chết tâm hồn và danh dự của họ thêm lần nữa. Lời xin lỗi sẽ chẳng có ý nghĩa gì, khi nó không xuất phát từ trong suy nghĩ hối tiếc vì đã mắc sai lầm, thay vào đó làm thành một dịp nhuốm màu hình thức để bào chữa cho hành vi.
Trong buổi họp báo, Đại tá Lưu Thành Tín – phó giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang – cho biết: “Việc công khai hoá các hành vi vi phạm pháp luật là cần thiết để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân nói chung“. Song ngay với những phiên tòa xử lưu động, đã có không ít ý kiến về có nên hay không việc “công khai hóa” hành vi phạm pháp và kẻ phạm tội như vậy? Ý thức chấp hành pháp luật không đến từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt, hay từ sự căm hờn và sỉ nhục của những người dân chứng kiến đối với người phạm tội. Đó cần là việc nâng cao dân trí thực sự, nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật thường thức đối với người dân. Đó là việc đưa tinh thần thượng tôn pháp luật vào trong ý thức đời sống, mà trước tiên chúng đến từ sự tôn nghiêm và khoan dung của những người thực thi pháp luật.
Những người vi phạm mua-bán dâm đã nhận hình phạt theo quy định của pháp luật, là xử lý phạt tiền và chịu sự kiểm soát. Đó là sự công bằng và giáo dục được thiết lập dựa trên lý tính xã hội. Nhưng thân nhân của những người vi phạm, những đứa con, đứa em nhỏ dại của họ, làm sao để những con người ấy không phải chịu mặc cảm, không chịu tổn thương tâm lý, đó là điều mà không chỉ những người nắm quyền hành pháp cần lưu ý, mà còn cả dư luận xã hội cũng cần lưu tâm. Phán xét hay không phán xét, ranh giới mong manh ấy thậm chí còn không tồn tại với những người có tấm lòng hòa ái, sự thông cảm và khoan dung.
Lê Trai
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.