Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội cho hay các nước đã áp dụng bằng cách gắn chíp theo dõi phạm nhân, mặc dù vậy, ý kiến này cũng cần tiếp tục nghiên cứu.
Chiều 12/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), một số đại biểu lưu ý đến quy định “căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam“.
Đại biểu Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng điều này là không nên vì sẽ tạo hình ảnh phản cảm, có nguy cơ phạm nhân bỏ trốn và sự lạm dụng của cán bộ quản lý trại.
Ông Phớc cũng không tán thành quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động. Theo đại biểu này, có thể tổ chức học nghề, sản xuất ngay trong trại.
Đáng chú ý, ông Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam, áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với đề xuất của Tổng kiểm toán Nhà nước. Giải thích rõ hơn về vấn đề này, bà Nga cho hay các nước đã áp dụng bằng cách gắn chíp theo dõi phạm nhân. Việt Nam hiện có chế định tha tù trước thời hạn mỗi năm 3 lần, người cải tạo tốt vẫn được ra ngoài và bị bắt trở lại nếu vi phạm. Tuy nhiên, bà Nga cũng cho hay ý kiến “tù tại gia” cần tiếp tục nghiên cứu.
Lưu ý đến quy định học nghề của phạm nhân đang thi hành án, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (tỉnh Bắc Giang) đề nghị bổ sung quy định phạm nhân học nghề phải phù hợp với nhu cầu việc làm thực thế, sức khỏe, năng lực.
Bà Hà cho hay trong năm qua, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện khảo sát ở 300 phạm nhân nữ ở trại giam Tống Lê Chân (tỉnh Bình Phước), trại giam Kim Sơn (tỉnh Bình Định) và trại giam Thanh Phong (tỉnh Thanh Hóa). Kết quả cho thấy nếu trại giam có đất trồng lúa thì học nghề lúa, có rừng cao su thì học nghề cạo mủ cao su nhưng khi ra tù thì phạm nhân không sử dụng được nghề học trong trại. Trong đó, chỉ có 15,6% phạm nhân nói sẽ làm nghề học được trong trại còn lại là kinh doanh và đi làm thuê. Như vậy vấn đề đào tạo nghề trong trại đối với phạm nhân rất khó để phạm nhân có thể sử dụng được khi tái hòa nhập cộng đồng.
Các đại biểu cũng lưu ý một số quy định còn chung chung, chưa rõ ràng, cần phù hợp với điều kiện thực hiện tại Việt Nam. Như về quyền của phạm nhân, dự thảo Luật quy định: Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề về xã hội băn khoăn tính khả thi của quy định trên. “Khi phạm nhân yêu cầu thực hiện một loạt các quyền không bị hạn chế, như việc giữ tinh trùng hay lấy trứng thì làm thế nào? Những điều này sẽ khó thực hiện nếu không có hướng dẫn cụ thể“, ông Mai nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề cập đến điều 27 dự thảo Luật nêu phạm nhân có một số quyền khác của công dân như hiến tinh trùng, hiến giác mạc, nội tạng… “Nếu thực hiện thì sau khi hiến, điều kiện trong trại giam có đảm bảo để chăm sóc sức khoẻ cho họ không?“, bà Lan đặt câu hỏi góp ý.
Ngoài ra, các đại biểu cũng băn khoăn khi dự thảo Luật có tới 13 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có vấn đề liên quan đến pháp nhân thương mại.
Theo đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), việc xử lý một pháp nhân thương mại có liên quan đến đời sống, việc làm, chế độ chính sách, bảo hiểm… của người lao động. Do đó, nếu quy định không chặt chẽ, cụ thể thì thi hành rất khó, phức tạp.
Đại biểu Nguyễn Tạo – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho hay ngoài liên quan đến việc làm của người lao động thì một pháp nhân hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực còn liên quan tới các cơ quan cấp phép, cơ quan chức năng trong thi hành án hình sự với pháp nhân.
“Pháp nhân hoạt động đa ngành đa lĩnh vực thì ngăn cái này họ vẫn hoạt động cái khác. Dự thảo thiết kế còn vênh nên khó khăn khi thi hành. Đối với con người vi phạm thì có giảm, có tha, vậy pháp nhân thì sao? Nói cấm 1 năm mà trong 3 tháng người ta khắc phục xong như về môi trường, san lấp, chấp hành xong hình phạt tiền.. thì mình phải giảm tương ứng chứ?“, đại biểu Nguyễn Tạo nói.
Pháp nhân thương mại là vấn đề mới, quan trọng, nhưng giao cho Chính phủ quy định chi tiết sẽ dẫn tới việc luật phải chờ văn bản hướng dẫn mới thực hiện được. Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Hùng đề nghị Ban soạn thảo cần tính toán để cụ thể hóa các quy định liên quan đến thi hành án đối pháp nhân thương mại vào trong dự thảo Luật.
Cùng với đó, các đại biểu cũng cho hay nhiều nội dung trong dự thảo Luật quy định chưa rõ ràng. Ví dụ, quy định đối tượng thi hành án với nhiều loại án khác nhau, trong đó có các hình phạt, biện pháp tư pháp khác nhau, các đối tượng này cần được quy định bình đẳng trong luật cả về quyền và nghĩa vụ. Tuy nhiên một số người bị một số hình phạt vừa quy định nghĩa vụ vừa quyền như phạt quản chế, pháp nhân thương mại, phạm nhân hưởng án treo nhưng một số đối tượng khác như cảnh cáo cải tạo không giam giữ, người được tha tù trước thời hạn lại chỉ quy định nghĩa vụ mà không đề cập đến quyền. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát thêm để tích hợp đầy đủ các nội dung cần thiết trong Luật.
Sáng 19/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…