Số tiền 98,35 triệu USD (hơn 2.300 tỷ đồng) mà Hà Nội vay là kinh phí chi cho các hạng mục như hệ thống kiểm soát vé tự động, hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy – toa xe, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
UBND TP. Hà Nội vừa có báo cáo về phương án vay lại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Tuyến đường sắt này được phê duyệt đầu tư từ năm 2008, có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD), trong đó hơn 13.000 tỷ đồng (khoảng 669 triệu USD) vay của Trung Quốc, phần vốn đối ứng của Việt Nam hơn 4.000 tỷ đồng (khoảng 198 triệu USD).
Trong cơ chế tài chính được duyệt, chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án có giá trị hơn 577 triệu USD. Phần chi phí liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải áp dụng với giá trị 92,52 triệu USD, theo cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài. Đến năm 2016, chi phí cho các hạng mục này được điều chỉnh tăng từ 92,52 triệu USD lên 98,35 triệu USD (khoảng 2.300 tỷ đồng).
Số tiền hơn 98 triệu USD này là kinh phí chi cho các hạng mục như hệ thống kiểm soát vé tự động, hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy – toa xe, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Theo báo cáo UBND TP. Hà Nội, các cơ quan Trung ương đã đồng ý ủy quyền cho Ban Quản lý dự án Đường sắt ký kết thỏa thuận cho vay lại phần vốn vay nước ngoài hơn 98 triệu USD để giải ngân các hạng mục liên quan tới việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, trong đó, lãi phải trả là hơn 30.000 USD (lãi suất 4%/năm). Hạn trả cuối cùng cho khoản vay này là tháng 9/2032.
Trong trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gồm gốc, lãi, phí,… bên vay lại phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn.
Nợ gốc và nợ lãi được trả theo 6 tháng 1 lần, vào ngày 21/1 và 21/7 hàng năm đối với khoản vay hơn 41 triệu đô la; vào ngày 21/3 và 21/9 hàng năm đối với khoản vay hơn 9,9 triệu đô la và hơn 47 triệu đô la.
Liên quan đến dự án, Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết có 37 lái tàu được tuyển dụng vào dự án đã trải qua các đợt đào tạo lý thuyết, thực hành tại Trung Quốc; đã được dự án cấp chứng chỉ đào tạo lái tàu, chủ động điều khiển được tàu điện trên tuyến.
Tuy nhiên, khi dự án chính thức đi vào khai thác, vận hành, người được giao đảm nhận chức danh lái tàu phải có giấy phép lái tàu đường sắt đô thị do Cục Đường sắt Việt Nam cấp, sau khi vượt qua kỳ sát hạch lái tàu.
Nhưng sau khi đại diện Ban QLDA Đường sắt gửi 37 hồ sơ lên Cục Đường sắt Việt Nam, Cục này đã trả lại các hồ sơ trên vì lý do chưa đủ điều kiện thực tế để tổ chức sát hạch phần thực hành lái tàu.
Kim Long
Xem thêm:
TP.HCM quyết định dừng dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức…
Trong 22 trường hợp viêm phổi nặng được xét nghiệm, sàng lọc tại tỉnh Bình…
Cầu Tứ Liên có chiều dài khoảng 11,5km, tổng mức đầu tư được tạm tính…
Tại thời điểm thống kê, xác định dịch bệnh, 58/100 con lợn giống cấp trong…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…