Categories: Thời sựViệt Nam

Kon Tum: Tiếp tục trả tiền “thổi giá” xét nghiệm COVID-19 tháng 7-9/2021

Hơn 3 tháng kể từ khi công bố còn “tồn” hơn 5,5 tỷ đồng “thổi giá” xét nghiệm COVID-19, cơ quan y tế tỉnh Kon Tum phát thông báo tiếp tục đợt trả lại tiền, kéo dài đến cuối tháng 5 tới. Yêu cầu là cần có hóa đơn thu phí xét nghiệm từ tháng 7 đến tháng 9/2021.

Một nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Kon Tum, tháng 12/2021. (Ảnh: kontum.gov.vn)

Theo thông báo phát ngày 23/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho hay sẽ hoàn trả tiền phí “thu chênh lệch” với người làm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại bệnh viện này từ ngày 1/7 đến ngày 9/11/2021.

Bệnh viện này cho hay để nhận lại tiền hoàn trả, người dân cần mang theo hoá đơn thu phí xét nghiệm test nhanh COVID-19 do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum phát hành từ 1/7-9/11/2021, kèm chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, hộ chiếu.

Mức hoàn trả là khoản chênh lệch giữa giá thu và giá kit xét nghiệm mua vào; giá thu thực hiện xét nghiệm nhanh (đối với người được miễn phí xét nghiệm). Địa chỉ nhận tiền hoàn trả ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, số 224 đường Bà Triệu, TP Kon Tum. Trong đó, khu vực Viện phí ngoại trú (tầng 2 – Khu C) sẽ trả trong giờ hành chính, tại Phòng thường trực viện phí (tầng 1 – Khu C) trả ngoài giờ hành chính.

Bệnh viện này cho biết thời gian thực hiện hoàn trả là từ ngày 23/2-23/5/2022. “Quá thời hạn trên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum sẽ không thực hiện hoàn trả chi phí xét nghiệm nhanh COVID-19” – theo nội dung thông báo.

Theo đó, bệnh viện này đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương các cấp thông báo đến các cá nhân trong khu vực quản lý biết để đến lấy tiền hoàn trả giá dịch vụ xét nghiệm test nhanh COVID-19 nói trên.

Theo truyền thông nhà nước, năm 2021, tỉnh Kon Tum mua 16 loại kit xét nghiệm với giá từ 72.000- 198.000đ/test nhưng các đơn vị thực hiện xét nghiệm thu 238.000đ/lần xét nghiệm, tổng số tiền chênh lệch hơn 5,6 tỷ đồng.

Trước khi tiếp tục thông báo hoàn trả nói trên, vào cuối tháng 1/2021, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã đề xuất Sở Tài chính tỉnh Kon Tum xin ý kiến của UBND tỉnh về việc xử lý số tiền hơn 5,5 tỷ đồng xét nghiệm nhanh COVID-19 từ ngày 1/7 đến ngày 9/11/2021 “không hoàn trả được”, khi đến ngày 14/1, mới chỉ trả được hơn 100 triệu đồng.

Lý do chưa trả được Sở này giải thích là do đa phần người làm xét nghiệm có liên quan đến vận tải hàng hóa ngoài tỉnh (90-95%), khi liên hệ thì nhiều người trả lời không có nhu cầu nhận lại; một số người đã được doanh nghiệp hỗ trợ chi phí xét nghiệm; một số người được báo nhưng không đến nhận hoặc không cung cấp số tài khoản để các đơn vị chuyển trả; một số người không có tài khoản ngân hàng, ngại đến các cơ sở y tế nhận lại tiền vì sợ lây nhiễm COVID-19.

Cuối tháng 12/2021, Sở Y tế tỉnh Kon Tum dẫn báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum (CDC Kon Tum), cho hay trong năm 2021, CDC Kon Tum đã mua tổng cộng 14.352 kit test COVID-19 trị giá hơn 6,8 tỷ đồng của Công ty Việt Á theo 3 gói thầu. Mức giá lần lượt là: 6.000 test – giá 509.250 đồng/test (tháng 5/2021); 7.008 test – giá 470.000 đồng/test (tháng 8/2021); 1.344 test – giá 367.500 đồng/test (tháng 10/2021).

CDC Kon Tum báo từ tháng 10/2021 trở về sau đã chuyển sang sử dụng các loại sinh phẩm của các đơn vị khác cung cấp có giá bán thấp hơn, phù hợp với máy RT-PCR mới do Bộ Y tế cấp. Thông tin về mức giá của loại sinh phẩm này không được đề cập.

Liên quan đến vụ án kit xét nghiệm tại Công ty Việt Á, Bộ Công an Việt Nam gần đây nhất công bố tin đang điều tra việc mua sắm bộ xét nghiệm của Việt Á với các đơn vị y tế của tỉnh Đồng Tháp. Trong cuộc họp báo chiều 2/3, Thượng tá Trần Trung Quốc – Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp cho hay tổng số tiền mua sắm bộ xét nghiệm của các đơn vị tỉnh Đồng Tháp với Công ty Việt Á là hơn 200 tỷ đồng.

Theo Tuổi Trẻ, các đơn vị ký hợp đồng mua sắm là Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp và CDC Đồng Tháp. Giá mỗi bộ xét nghiệm cao nhất là 509.250 đồng. Mức giá này cao hơn giá được cho là có “hoa hồng”, “lại quả” đã bị phát hiện ở Hải Dương và một số tỉnh thành.

Việc điều tra được loan tin đang tiến hành tại CDC Bình Phước, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Tháp… trong khi nhiều người đứng đầu CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Nghệ An… đã bị khởi tố.

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 3/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an công bố tổng số tài sản đã phong tỏa, kê biên, thu hồi trong vụ án này hiện là hơn 1.600 tỷ đồng.

Nguyễn Sơn

Nguyễn Sơn

Published by
Nguyễn Sơn

Recent Posts

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

4 giờ ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

5 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

6 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

7 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

8 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

8 giờ ago