Việt Nam

Metro Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo: Đề xuất tăng tổng vốn hơn 16.000 tỷ đồng

Dự án metro số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được UBND TP. Hà Nội đề xuất tăng tổng vốn hơn 16.000 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện thêm 16 năm.

Sơ đồ hướng tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (Ảnh: hanoi.gov.vn)

UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình số 275/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Dự án này trước đó được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008.

Theo Tờ trình số 275/TTr-UBND, 3 nội dung được điều chỉnh gồm: quy mô xây dựng, tổng vốn và thời gian thực hiện dự án.

Về quy mô xây dựng, giới chức Hà Nội đề xuất tổng chiều dài tuyến là 11,5 km, gồm 8,9 km đoạn đi ngầm và 2,6 km đoạn đi trên cao; phương tiện vận tải gồm 10 đoàn tàu có 4 toa.

So với Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008, tổng chiều dài tuyến của dự án vẫn được giữ nguyên nhưng có thay đổi về chiều dài đoạn đi trên cao (tăng từ 8,5 km lên 8,9 km) và đoạn đi ngầm (giảm từ 3 km xuống 2,6 km). Số lượng đoàn tàu được giảm từ 14 đoàn tàu xuống còn 10 đoàn tàu.

Về tổng mức đầu tư, giới chức Hà Nội đề xuất điều chỉnh là 35.588 tỷ đồng (tương đương 200.744 triệu yên) – tức tăng thêm 16.033 tỷ đồng so với thời điểm năm 2008.

Trong đó, vốn ODA vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo điều kiện vay đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP) là 167.079 triệu yên, tương đương 29.672 tỷ đồng, tăng thêm 13.187 tỷ đồng.

Vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội là 5.916 tỷ đồng (tương đương 33.665 triệu yên), tăng thêm 2.846 tỷ đồng.

Đối với phần vốn vay ODA, UBND TP. Hà Nội sẽ vay lại 57%, ngân sách trung ương cấp phát 43%. Đối với phần vốn đối ứng, UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm thu xếp toàn bộ.

Nói về tăng mức đầu tư, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết dự án được nghiên cứu lập tại giai đoạn năm 2007-2008, khi đó ở Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị nên việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn chỉ là dựa trên cơ sở suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang được xây dựng ở khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ thực hiện từ những năm 2000 đối với từng loại kết cấu công trình như: nhà ga ngầm, nhà ga trên cao, kết cấu hầm đào hở, cầu cạn…

Mặc dù đã cập nhật suất đầu tư các dự án và xem xét đến sự tương thích với điều kiện thi công và mặt bằng giá cả tại thành phố Hà Nội thời điểm năm 2008 nhưng do còn thiếu kinh nghiệm thực tế nên việc tính toán cũng chỉ dừng lại những vấn đề mang tính chất bình quân đối với một dự án mà chưa xem xét đầy đủ đến các yêu cầu an toàn cao; chưa tính toán đủ tổ chức vận hành, khai thác, bảo dưỡng…

Phối cảnh cửa lên xuống số 1, ga ngầm C9. (Ảnh: mrb.hanoi.gov.vn)

Về thời gian thực hiện, thành phố đề xuất kéo dài thời gian thêm 16 năm so với mốc đặt ra ban đầu. Mốc cũ là 2009-2015, nay điều chỉnh 2009-2031 hoàn thành, đưa vào khai thác.

“Do quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bị kéo dài (phải điều chỉnh vị trí ga C9, thay đổi các quy định về đầu tư công, về quản lý vay nợ…), nên thời gian thực hiện dự án phải điều chỉnh để phù hợp thực tế hiện nay”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội lý giải.

Dự án metro số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được UBND TP. Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hồi năm 2008 có tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, thực hiện từ 2009 đến 2015.

Tuyến đường sắt đô thị bắt đầu từ Nam Thăng Long (khu đô thị Nam Thăng Long – Ciputra) theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài và kết thúc tại điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo. Trên tuyến có 3 nhà ga trên cao, 7 ga ngầm, vị trí khu bảo dưỡng, sửa chữa (Depot) đặt tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Hà Nội coi đường sắt đô thị là xương sống trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị nên từ quy hoạch giao thông năm 2016 đến 2030, tầm nhìn 2050 thành phố đặt mục tiêu xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị.

Đến nay, Hà Nội đã có tuyến Cát Linh – Hà Đông và đoạn trên cao tuyến Nhổn – ga Hà Nội đưa vào hoạt động. Trong quy hoạch chung đang được điều chỉnh, thành phố bổ sung 5 tuyến đường sắt đô thị, tổng số vốn cho 15 tuyến khoảng 55 tỷ USD.

Kim Long

Kim Long

Published by
Kim Long

Recent Posts

Từ đầu năm, 52 cán bộ cấp cao thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật

Từ đầu năm đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKTTW đã thi hành…

20 phút ago

6 bị cáo trong vụ cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương bị tuyên án

Các bị cáo đều bị tuyên mức án cao hơn so với VKS truy tố…

1 giờ ago

Thượng nghị sĩ Vance sẽ xuất hiện trên podcast “Joe Rogan Experience”

TNS Vance sẽ đến thành phố Austin của tiểu bang Texas để ghi âm một…

1 giờ ago

Tiếp viên hàng không sử dụng thời gian nghỉ ngơi khi làm nhiệm vụ như thế nào?

Phi hành đoàn có thời gian nghỉ giữa lịch trình bận rộn, nhưng điều này…

1 giờ ago

Cựu Đệ nhất Phu nhân Melania Trump nói chồng bà ‘không phải là Hitler’

Cựu Đệ nhất Phu nhân Melania Trump hôm thứ Ba (29/10) khẳng định trong một…

2 giờ ago

Bão Trà Mi: Ít nhất 6 người chết, mất tích; Quảng Bình vẫn ngập nặng sau bão

Quảng Bình chịu nhiều thiệt hại khi có 4 người chết và mất tích, hàng…

2 giờ ago