Với kinh phí “khủng” để xây một chuồng bò, người dân tộc thiểu số Ơ Đu ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An) ví rằng, nhà nước đã xây… “biệt thự” cho bò!
Truyền thông Việt Nam vừa lan truyền tin, Ban Dân tộc Nghệ An đã cho xây dựng 67 chuồng bò (kinh phí gần 12,5 tỷ đồng), để hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số Ơ Đu tại bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương).
Báo chí trong nước liệt kê, trong 67 chuồng bò thì có 4 chuồng loại 1 xây hết gần 510 triệu đồng; 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng. Đặc biệt, có 10 chuồng loại 2 xây hết hơn 2,36 tỷ đồng – tức là, 1 chuồng bò tương ứng gần 260 triệu đồng.
Trong khi đó, theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người dân Ơ Đu vào hồi năm 2018 chỉ đạt 4,2 triệu đồng/năm; bình quân lương thực là 150 kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 57,28%.
Đối với người dân ở đây thì “số tiền xây dựng một chuồng bò như vậy thật sự là “khủng”. Thậm chí, người dân còn đùa rằng, nhà nước đã xây “biệt thự” cho bò!”, tờ An ninh tiền tệ và truyền thông nhận xét.
Tờ báo còn viết: “Hiện các công trình đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên vấn đề người dân đặt ra là, Nghệ An bỏ ra gần 12,5 tỷ đồng để xây 67 chuồng bò hỗ trợ cho đồng bào vùng cao đặc biệt khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc Ơ Đu liệu có cần thiết, sát thực tế với nhu cầu người dân nơi đây?
Trong khi đó một số hạng mục khác mà người dân Ơ Đu đang rất cần và cấp thiết như hệ thống mương thoát nước nội bản; làm đập thủy lợi phục vụ tưới cho hàng chục ha đất mới khai hoang… thì lại chưa được hỗ trợ kịp thời”.
Trước đó hồi năm 2016, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định 2086, phê duyệt đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025”.
Dựa vào quyết định trên, đến năm 2017, Nghệ An đã ban hành quyết định 3829, phê duyệt đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016 – 2025”.
Theo quyết định này, đề án hỗ trợ người Ơ Đu được thực hiện tại 2 bản là Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh), huyện Tương Dương, thời gian thực hiện 10 năm, tổng kinh phí 120 tỷ đồng, chia 2 giai đoạn.
Đến nay, tổng vốn được ngân sách Trung ương cấp là 28,181 tỷ đồng. Tổng kinh phí đã thực hiện đối với đề án trên là 27,709,237 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ xây dựng 67 chuồng bò đã là 12,466,533 tỷ đồng.
Tờ Dân tộc và phát triển, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc – Diễn đàn của đồng bào các dân tộc Việt Nam, mô tả trong một bài viết vào hồi tháng 6/2020, rằng: “Nhờ được Trung ương cấp hơn 28 tỷ vốn sự nghiệp theo Đề án 2086, mà bản Văng Môn có những sự đổi thay rõ rệt. Không những vậy, đề án còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng người Ơ Đu tại toàn tỉnh Nghệ An”.
Thế nhưng, tờ Thanh tra vừa mới đây đã kể ra hàng loạt tiêu cực và sự bức xúc của người Ơ Đu trong việc triển khai thực hiện đề án.
Tờ báo dẫn lại lời ông Lo Văn Cường (56 tuổi) ở bản Văng Môn, là già làng, là người uy tín của xã Nga My và huyện Tương Dương gần chục năm nay, cho biết, tất cả 280 con bò được cấp trong gói hỗ trợ đều lấy từ miền xuôi, không phù hợp, không tương đồng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn thức ăn; bằng mắt thường có thể khẳng định là bò chưa đạt hoặc chưa lớn hơn 130kg theo thẩm định dự toán của cơ quan chức năng.
Thêm vào đó, bò giống còn xảy ra dịch bệnh viêm phổi chỉ sau thời gian ngắn sau bàn giao, bò bị chết sau khi di chuyển từ địa phương khác về.
Cũng theo ông Cường, người dân nguyện vọng là cấp bò giống cho các hộ gia đình phải cân đối giữa tỷ lệ bò đực/cái để duy trì bò sinh sản, nhân phối giống nhưng thực tế là trong số 160 con bò được cấp qua 2 đợt (tính đến 25/6/2020) thì tất cả đều chỉ là bò cái.
Ngoài ra, trong tổng số 8,6ha đất khai hoang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi ở 3 đồng đất ở bản Văng Môn đến nay chưa hoàn thành.
Đáng chú ý, theo người dân, cán bộ Ban Dân tộc Nghệ An đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để tham nhũng 4,5 triệu đồng tiền ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc”.
Những cán bộ này còn ăn chặn cả tiền hỗ trợ tổ chức dạy tiếng Ơ Đu cho người dân. “Trước đây chỉ học 6 ngày, họ quyết toán 2 triệu đồng nhưng thực chất người dân chỉ nhận được 600.000 đồng. Họ đã ký khống, sau đó lập khống danh sách học viên để rút tiền 2 triệu đồng/người”, ông Cường nói.
Được biết, hiện phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Nghệ An đã tiến hành điều tra vụ việc.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…